Quảng Ngãi lo lắng khi người dân liên tiếp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn
Hơn 20 ngày qua, tại Quảng Ngãi gia tăng người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đây là loài rắn có nọc độc cực mạnh, khi bị rắn cắn nạn nhân thường có các hiện tượng rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử hay trụy tim mạch.
Bà Lương Thị Lan đang điều trị tại BVĐK Đặng Thùy Trâm sau khi bị rắn cắn.
Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa cũng là mùa sinh sản của rắn lục đuôi đỏ. Đây là loài rắn có nọc độc cực mạnh, khi bị rắn cắn nạn nhân thường có các hiện tượng rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử hay trụy tim mạch.
Em Đinh Lý Duy (11 tuổi, ở xã Sơn Dung, H. Sơn Tây) phải nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Duy được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng phù nề nửa người, vết cắn ở hai mu bàn tay hoại tử, xuất huyết nặng.
“Trên đường đi học về thì cháu trèo cây để hái ổi. Gặp trúng con rắn lục đuôi đỏ ở trên cây nên bị cắn ở cả hai tay. Cháu về chiều tối hôm đó bị nôn, sốt, cả nhà đưa tới Trung tâm Y tế H. Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh”- ông Đinh Văn Tân, ba cháu Duy kể lại.
Tiếp nhận trường hợp này, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã truyền 30 ống huyết thanh để trị độc của rắn lục đuôi đỏ. Hiện tình trạng đông máu nặng của bệnh nhi đã cải thiện. Tuy nhiên, cháu được tiếp tục điều trị vì vết thương trên tay đang có dấu hiệu hoại tử.
Cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện là trường hợp của em Trần Duy Hải (13 tuổi, nhà ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ). Theo em kể lại, sau khi trời hết mưa đã cùng một số em khác ra khu vực bờ ruộng chơi. Khi giẫm vào một bụi cỏ thì cháu cảm thấy đau nhói, giở chân lên thì thấy con rắn lục đang tìm bò xuống ruộng sau khi cắn vào bàn chân của cháu. Bàn chân sưng, vẫn còn in 2 vết răng sâu đang rỉ máu. Khi đến bệnh viện cấp cứu, các y bác sĩ đã khẩn trương truyền dịch, cấp cứu.
Bà Lương Thị Lan (thôn An Ninh, P. Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ) mới đây đã suýt mất mạng khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Bão số 10 vừa qua gây ngập lụt, rắn lục đuôi đỏ đã bò vào nhà và cắn bà Lan. Rất may, lực lượng cứu hộ của Công an TX Đức Phổ đã kịp thời đưa bà cấp cứu bệnh viện trong tình trạng vết cắn ở chân sưng và xuất huyết nặng.
Bà Lương Thị Lan kể lại: “Khi nước lụt chuẩn bị tràn vào nhà, tôi vội tìm cách di dời các bao lúa lên chỗ cao thì bất ngờ bị con rắn mổ vào ngón chân. Đau điếng, máu chảy nhiều tôi hô hoán người thân gọi chính quyền địa phương đưa tôi đi cấp cứu”. Đây là 2 trường hợp bị rắn lục cắn gần nhất trong nhiều trường hợp rắn cắn được đưa vào điều trị tại BVĐK Đặng Thùy Trâm.
Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa cũng là mùa rắn lục đuôi đỏ sinh sản nên số trường hợp nhập viện vì loài rắn này ngày càng nhiều. Nửa tháng qua, tại các bệnh viện, trung tâm y tế ở Quảng Ngãi có gần trăm trường hợp điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Phần lớn các trường hợp đều ở các vùng nông thôn, miền núi- nơi có nhiều cây cối rậm rạp. Sau nhiều ngày nằm viện điều trị, tình trạng sức khỏe đã ổn định nhưng anh Hải vẫn không tránh khỏi cảm giác lo sợ mỗi khi đi ra vườn.
“Lúc đó bão số 10 đang gây mưa, gió lớn. Tôi ra ngoài sau vườn kiểm tra cây cối thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau khi đập chết con rắn tôi được gia đình đưa đi xuống BVĐK Đặng Thùy Trâm cấp cứu kịp thời nếu không thì nguy kịch tính mạng của mình”.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, ở TX Đức Phổ: “Bắt đầu mùa mưa là thời điểm sinh sản của rắn lục đuôi đỏ, lúc này nọc độc tập trung nhiều nhất và rắn cũng hung dữ nhất. Khi nước lụt lên thì rắn thường bò vào khu vực khô ráo, nhà dân”. Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, mỗi tuần có khoảng 3-5 trường hợp bệnh nhi được điều trị nội trú vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Khi bị rắn này cắn thì chỉ có thể điều trị bằng huyết thanh.
BS Trần Đình Điệp – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khi bị rắn cắn cần buộc garo, băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 – 10cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác, rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, vận chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn.
Tốt nhất là nên truyền trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn. Sau khi được sơ cứu đúng cách và truyền huyết thanh vài ngày, thì bệnh nhân có thể giảm các triệu chứng lâm sàng.
Cách đối phó khi rắn độc bò vào nhà sau lũ
Theo các bác sĩ, tấn công hay bỏ chạy đều không phải cách xử lý tốt khi gặp rắn.
Trong thời gian dọn dẹp nhà, công sở sau khi nước rút, người dân Hà Tĩnh phát hiện nhiều rắn độc như cạp nia, hổ mang trú ẩn. Một số loài còn nấp trong chăn, tủ quần áo...
Các bác sĩ cho biết vào mùa mưa hoặc nước lụt, rắn thường bò vào nhà để tìm nơi cao ráo trú ẩn. Do đó, người dân cần có kiến thức cơ bản để xử lý an toàn khi gặp tình huống này.
Tấn công hay bỏ chạy?
Các loài rắn nhất là rắn độc có khứu giác và tầm nhìn ban đêm tốt. Ở Việt Nam, loài vật này thường sống ở các khu rừng rậm, đồng bằng, đồng cỏ, bụi tre, bờ sông, suối... Nếu người dân sinh sống ở khu vực này không dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, việc rắn di chuyển vào nhà là điều hiển nhiên.
Vào mùa hè, khi thời tiết oi bức, rắn cũng có thói quen bò vào nhà, nơi có không gian mát mẻ, để tìm chỗ tránh nóng. Trong mùa mưa hay ngập lụt, rắn cũng tìm nơi cao ráo, kín đáo trong nhà dân để ẩn nấp. Do đó, khi dọn dẹp nhà, công sở, cơ quan, trường học sau lũ, người dân dễ dàng phát hiện chúng.
Mùa ngập lụt, các loài rắn có thể bò vào nhà người dân để tìm nơi trú ẩn. Ảnh: SCMP.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), tâm lý chung của nhiều người là hoảng loạn, la hét và cố gắng đuổi đánh hoặc bỏ chạy khi thấy rắn trong nhà. Tuy nhiên, tấn công hay bỏ chạy đều không phải cách xử lý tốt khi gặp rắn. Điều này thậm chí có thể tạo ra tác động ngược, khiến rắn tấn công lại bạn và người trong gia đình, nhất là trẻ em.
Khi phát hiện rắn, bạn cần nhanh chóng quan sát xung quanh và thông báo cho người xung quanh. Nếu có trẻ em, hãy đưa trẻ đến xa khu vực có rắn và dặn bé không được đến gần. Trường hợp các loài rắn độc dễ nhận biết như lục đuôi đỏ, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, hãy chuẩn bị găng tay, mang ủn nếu có sẵn để tránh bị rắn cắn.
Sau đó, bạn có thể dùng cây gậy dài và nhẹ nhàng dọa đuổi chúng đi. Nếu rắn vẫn nằm yên trong hóc nhà, kẹt tủ hay quấn trong chăn, hãy để yên và đừng động đến chúng. Cách tốt nhất là gọi người có kinh nghiệm đuổi bắt rắn để cùng giải quyết, không nên xử lý một mình. Điều quan trọng nhất lúc này là giữ tâm lý bình tĩnh để giải quyết vấn đề, hành động dứt khoát.
Nếu không may mắn bị rắn độc cắn, bạn có thể gặp nguy hiểm tính mạng. Nọc các loài rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, lục đuôi đỏ, chàm quạp..., có thể gây rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, liệt cơ hô hấp, trụy tim.
Nạn nhân có thể tử vong trong vòng 30-60 phút nếu không được sơ cứu và dùng huyết thanh kháng nọc. Nguy hiểm hơn, nếu người xung quanh không có kỹ năng sơ cứu, nọc độc có thể xâm nhập nhanh hơn, tính mạng của nạn nhân càng thêm nguy cấp.
Khi phát hiện rắn trong nhà, nếu không có kinh nghiệm, bạn nên tránh xa và nhờ người giúp đỡ. Ảnh: Medium.
Kỹ năng sơ cứu khi bị rắn cắn
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Xuân Dương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết nếu không may mắn bị rắn độc cắn, việc sơ cứu ban đầu đúng cách trước đến bệnh viện góp phần làm chậm sự xâm nhập của nọc vào cơ thể. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo thao tác sơ cứu đúng cách, tránh làm hại thêm cho nạn nhân.
Các bước sơ cứu gồm:
- Trấn an nạn nhân, giữ họ nằm yên, bất động các chi và tháo bỏ trang sức ở chân, tay.
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường). Băng ép bất động làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo, băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bạn có thể băng từ ngón đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn, sau đó dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng...) để cố định chân, tay bị cắn.
- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Hỗ trợ hô hấp nếu bệnh nhân khó thở.
- Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong khi di chuyển, bạn nên đặt bệnh nhân nằm bất động, vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, vết cắn ở chân, tay thì có thể để buông thõng.
Bác sĩ Dương nhấn mạnh bất kỳ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định rắn lành, bệnh nhân đều cần được xử trí và theo dõi như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu bệnh nhân nhập viện trễ sau 1-2 ngày, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được sơ cứu cơ bản và đến cơ sở y tế gần nhất. Ảnh: Sputniknews.
Sai lầm khi sơ cứu người bị rắn cắn:
- Ga-ro vết thương: Việc này có thể làm tắc nghẽn mạch máu, gây thiếu máu nuôi các chi và hoại tử vùng bị cắn. Nguy hiểm hơn, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo ga-ro, chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
- Rạch, chọc, hút nọc độc ở vết cắn: Việc rạch vết thương để lấy máu đưa nọc độc ra ngoài không có lợi ích và sẽ gây hại thêm cho bệnh nhân do tổn thương mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng...
- Áp dụng các phương pháp dân gian như dùng lá cây, đá chữa rắn cắn, chườm nước đá... Điều này có thể làm chậm trễ việc cấp cứu cho nạn nhân gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn, phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận vì ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người.
Các biện pháp ngăn chặn rắn bò vào nhà:
- Biết về loại rắn trong vùng, khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là những nơi rậm rạp, ẩm ướt để rắn không đến cư trú. Đặc biệt, khi dọn dẹp nhà sau lũ, các đống đổ nát, rác, chăn là nơi rắn dễ trú ngụ, người dân nên tuyệt đối lưu ý, mang găng tay và ủng cao su khi dọn dẹp.
- Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, rác, nơi nuôi động vật của gia đình. Đặc biệt, loài này thích ăn ếch, chuột..., bạn nên hạn chế những động vật này trong nhà.
- Tránh xa rắn, không cố tình đuổi bắt rắn độc, đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người. Bạn nên đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc ở khu vực nhiều cây cỏ.
- Trồng một số loại cây như cây nén, sả, hoa lan tỏi, sắn dây..., quanh nhà sẽ khiến rắn không bò vào nhà. Bạn cũng có thể sử dụng các nguyên liệu trong bếp để tạo mùi đuổi rắn như giã nhỏ tỏi, hành đựng trong túi vải treo quanh nhà. Hỗn hợp này có mùi nồng khiến rắn không đến gần.
Quảng Ngãi: Trên 400 học sinh nghỉ học để phòng bệnh bạch hầu Bà Đinh Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho hay trong số 20 ca bệnh bạch hầu đã được ghi nhận có 17 trường hợp là học sinh mắc bệnh. Phun xịt hoá chất khử trùng nhằm phòng ngừa bệnh bạch hầu. (Ảnh: TTXVN phát) Ngày 25/10, ông Phạm Xuân Vinh-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân...