Quảng Ngãi: Khử khuẩn môi trường, phòng bệnh sau lũ
Bão số 9 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, khiến 12 nghìn nhà dân cùng với giếng nước sinh hoạt, công trình vệ sinh bị ngập lụt, nguy cơ cao bị ô nhiễm. Sau khi nước lũ rút, ngành y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng bệnh sau lũ.
Gần 4 nghìn giếng nước ở Nghĩa Hành bị ngập
Hai ngày sau khi bão số 9 đi qua, nước lũ cũng dần rút, bà Đỗ Thị Liễu ở thôn Phú Vinh Đông tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Điều bà lo lắng nhất là giếng nước sinh hoạt của gia đình cũng bị nước lũ tràn vào, gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nỗi lo ấy sớm được giải quyết khi cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn cách khử khuẩn nguồn nước.
“Trong thôn có mấy chục cái giếng đào, giếng khoang đều ngập hết. Cái đêm bão vừa tan nước lụt lên tới gần 1m. Nên giờ trong thôn ai cũng lo không có nước sạch để uống. May nhờ có hóa chất khử khuẩn được trạm Y tế cấp kịp thời nên bà con khá yên tâm”- bà Liễu chia sẻ.
Nhiều giếng nước bị ngập nặng sau bão số 9
Gia đình ông Nguyễn Văn Yên- hàng xóm của bà Liễu vì đóng giếng khoan, điện vẫn chưa có trở lại nên cũng phải qua xin tạm nước ở các giếng khơi gần nhà để dùng. “Bão đi qua, nước lụt tới rồi kéo theo nguy cơ ô nhiễm nước, môi trường và dịch bệnh. Giờ chưa có điện nên đâu có nước để dùng, chúng tôi phải hoàn toàn phụ thuộc vào các giếng khơi trong xóm”- ông Yên nói.
Sau bão số 9, nước lũ tiếp tục dâng cao gây ngập toàn bộ khu vực vùng trũng của huyện Nghĩa Hành khiến gần 4.000 giếng nước, trên 4.000 công trình vệ sinh bị ngập nên không có nước sạch để sử dụng. Đây là địa phương có số lượng giếng nước bị ngập nhiều nhất Quảng Ngãi.
Với phương châm nước rút đến đâu tập trung xử lí môi trường đến đó, ngành Y tế huyện đã huy động tổng lực ở các xã, thị trấn để xử lí các giếng nước, công trình vệ sinh bị ngập lũ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến- Trưởng Trạm Y tế thị trấn Chợ Chùa cho biết: Trên địa bàn thị trấn có khoảng 1.200 giếng nước bị ngập lụt. Nước lũ vừa rút thì chúng tôi huy động y tế thôn đi khảo sát và mang theo hóa chất khử khuẩn để đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con sử dụng. Hiện đã cấp khoảng 10kg Cloramin B, hơn 1.500 viên Aquatab khử khuẩn nguồn nước. 100% giếng nước ở thị trấn đã được làm sạch.
Video đang HOT
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân khử khuẩn giếng nước
Với hơn 8 nghìn giếng nước và công trình vệ sinh bị ngập lụt, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sau lũ vô cùng cao ở Nghĩa Hành. Do đó, Trung tâm Y tế huyện đã khẩn trương cấp trên 100 kg Cloramin B, 120 kg Clorin và 18 nghìn viên Aquatab để người dân khử khuẩn, đảm bảo an toàn về nguồn nước và môi trường sau lũ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành cho biết: Tính đến nay, việc khử khuẩn môi trường, xử lí giếng nước và công trình vệ sinh bị ngập đã hoàn thành trên 95%. Ngành Y tế địa phương vẫn đang tiếp tục xử lí môi trường sau lũ, cố gắng sẽ hoàn thành chậm nhất là một ngày nữa, nhằm tránh phát sinh các dịch bệnh sau lũ.
Tập trung xử lý môi trường sau lũ
Đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 12 nghìn ngôi nhà, 10 ngàn giếng nước và hố xí bị ngập trong lũ. Mưa lũ đã làm sinh hoạt của nhiều nhà dân bị đảo lộn hoàn toàn, nhưng điều người dân lo lắng hơn cả vẫn là nguồn nước uống.
Để đảm bảo người dân không thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh không phát sinh sau mưa lũ, cán bộ y tế thôn đã đến tận nhà để hướng dẫn cách xử lí môi trường. Đặc biệt, ưu tiên trước mắt là xử lí nguồn nước tại giếng khơi bằng cách: Khử khuẩn giếng khơi bằng hóa chất Cloramin B; xử lý môi trường trên tất cả các địa bàn bị ngập lụt. Hiện toàn tỉnh đã hoàn thành việc xử lí môi trường trên 90% các giếng nước bị ngập trong lũ.
Ông Phạm Minh Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho hay: Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế phường, xã theo dõi bám sát các hộ dân ở các khu vực ngập lụt để hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Trung tâm y tế phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, đảm bảo các dịch bệnh thường phát sinh sau lũ như: Đau mắt đỏ, bệnh về da, bệnh về tiêu hóa… không tấn công người dân.
Ngoài việc khử khuẩn đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con sử dụng sau lũ, ngành y tế còn tuyên truyền người dân vệ sinh nhà cửa, ăn chín uống sôi để phòng các bệnh truyền nhiễm
“Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, nhất là sau lũ. Nên sau khi nước lũ rút hoàn toàn, chúng tôi cũng chỉ đạo các trạm cơ sở tiến hành hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, bọ gậy. Với những vùng nguy cơ cao bùng phát dịch, đã có ca bệnh thì sẽ cho phun hóa chất diệt muỗi.”- ông Đức nhấn mạnh.
Ngoài việc tập trung khử khuẩn nguồn nước, môi trường, ngành Y tế cũng tổ chức tuyên truyền khuyến cáo người dân chủ động lau dọn nhà cửa, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ.
Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ
Các Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của y tế địa phương, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Nhà dân ngập sâu trong nước do mưa lũ. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Ngày 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập 7 Tổ công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sau mưa lũ.
Bảy Tổ công tác hỗ trợ, tăng cường cho 7 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Các tổ công tác gồm các thành viên của Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục An toàn thực phẩm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang...
Các Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ, tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của y tế địa phương; kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; phòng chống những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ.
Các Tổ công tác cũng sẽ hỗ trợ người dân thu gom, xử lý xác súc vật chết, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véctơ gây bệnh tại khu vực bị ngập sau khi nước rút, xử lý các giếng khoan, giếng đào theo hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Tổ Công tác hỗ trợ, tư vấn dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già..., đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn ngành y tế các tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, theo dõi tình hình vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân, giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ trưởng tổ công tác xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh và giải quyết các nguy cơ về y tế; cung cấp hóa chất, vật tư cho các Tổ công tác triển khai nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định 4512/QĐ-BYT xuất cấp cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam 50 cơ số thuốc phục vụ phòng chống lụt bão từ nguồn hàng hỗ trợ của Tổng Công ty Dược Việt Nam (xuất ở kho hàng phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Bộ đặt tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dược phẩm Đông Á tại Đà Nẵng) để khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Danh mục thuốc chi tiết theo Quyết định số 3011/QĐ-BYT ngày 14/7/2020 của Bộ Y tế ban hành cơ số thuốc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khẩn trương tổ chức giao nhận thuốc với danh mục và số lượng hàng theo quy định.
Việc giao nhận thuốc đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước. Bên cạnh hướng dẫn đơn vị nhận hàng tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thuốc theo quy định, các đơn vị cần báo cáo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan về kết quả xuất cấp hàng.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm khẩn trương tiếp nhận số thuốc nêu trên và phân bổ cho các đơn vị thuộc tỉnh để phục vụ công tác khắc phục hậu quả, phòng chống thiên tai dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết chi phí vận chuyển cơ số thuốc từ kho bảo quản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dược phẩm Đông Á tại Đà Nẵng về nơi sử dụng do các đơn vị tiếp nhận chi trả theo quy định.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị bảo quản, quản lý, sử dụng thuốc được cấp phát tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, mục tiêu và chỉ sử dụng để phục vụ công tác khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời hướng dẫn các đơn vị hạch toán và theo dõi số thuốc được cấp phát theo đúng chế độ kế toán.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dược phẩm Đông Á tại Đà Nẵng có trách nhiệm khẩn trương xuất cấp hàng cho đơn vị nhận theo danh mục và số lượng quy định.
Công ty sẽ báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế tiến độ xuất và giao hàng để cùng phối hợp thực hiện; thông báo cho đơn vị tiếp nhận giá trị hàng hóa theo danh mục và số lượng để làm cơ sở hạch toán theo quy định./.
Ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, nhiều nơi mưa rất to, đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 19/9 ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rất to (lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 18/9 đến 3 giờ ngày 19/9) với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi lớn hơn như Cửa Hội (Nghệ An) 183.8mm, thành phố Vinh (Nghệ An) 142mm, Hương Quang (Hà Tĩnh) 111mm....