Quảng Ngãi: Hơn 100 người tìm kiếm thầy hiệu trưởng bị nước cuốn
Trên đường từ trường về nhà, hiệu trưởng trường THCS Sơn Bao, Quảng Ngãi, bị rơi xuống cống thoát nước chảy xiết.
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước lũ dâng cao ở khu vực đầu nguồn các dòng sông, suối ở Quảng Ngãi.
Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết, sáng 7/11, chính quyền địa phương đã huy động nhiều canô cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội để tìm kiếm thầy giáo Võ Văn Tùng, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Bao, bị lũ cuốn mất tích từ chiều tối qua.
Video đang HOT
“Dự lễ kết nạp Đảng cho một số giáo viên của trường, thầy Tùng về nhà trong cơn mưa lớn đã sụp xuống cống thoát nước chảy xiết ra dòng sông Rin. Suốt từ đêm qua đến giờ nhiều giáo viên các trường học trên địa bàn huyện cũng tham gia tìm kiếm thầy Tùng dọc hai bên bờ sông Rin”, bà Thành nói.
Trong khi đó, tối qua, anh Nguyễn Đức Cảnh, công nhân Công ty Sông Đà, trong lúc thi công hầm phụ số 2 dự án thủy điện Đăkđrinh, do sạt lở đất đã sa chân rơi xuống dòng suối Huy Măng và bị lũ lớn cuốn trôi. Ông Võ Thìn, Chánh Văn phòng UBND huyện miền núi Sơn Tây cho biết, gần 100 người được huy động để tìm kiếm từ tối qua đến giờ nhưng vẫn chưa thấy dấu vết của anh Cảnh.
Theo ông Thìn, hai ngày qua, mưa lớn liên tục trút xuống khiến mực nước lũ trên các sông suối dâng cao gây ngập sâu trường Dân tộc Nội trú, Trung tâm y tế huyện Sơn Tây. Một số hộ dân sống dọc hai bên suối Huy Măng có nguy cơ bị sạt lở buộc phải di dời đến vùng cao an toàn. Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở 5 ngôi nhà, nhiều tuyến đường liên xã bị tắc nghẽn do sạt lở núi kéo theo hàng nghìn m3 đất đá chắn ngang đường.
Trước tình hình lũ lớn dâng cao, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đề nghị các huyện, thành phố khẩn trương triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động nguy hiểm. Rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân ở vùng trũng, thấp ven sông, ven biển, vùng sạt lở núi. Kiểm soát các bến đò ngang, đò dọc; cắm biển báo và phân công người canh gác 24/24h tại các khu vực có nước chảy xiết, các tuyến đường thường xuyên bị sạt lở để hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn.
Theo Xahoi
"Bão số 13" sẽ là tên gọi cho cơn bão tiếp theo
Đêm qua (6/11), áp thấp nhiệt đới đã không mạnh thành bão như dự báo. Do đó tên bão số 13 được "để dành" cho cơn bão tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ - cho biết, áp thấp nhiệt đới đêm qua (6/11) đã đi vào vùng ven biển Khánh Hòa - Bình Thuận rồi suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, hoàn lưu áp thấp còn gây mưa to khắp các địa phương Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Ông Hải khẳng định đây là áp thấp nhiệt đới mạnh và nguy hiểm bởi ranh giới từ áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão rất nhỏ, trong khi đó vùng ảnh hưởng trực tiếp là khu vực quần đảo Hoàng Sa - khu vực tập trung đông tàu thuyền của bà ngư dân đang mùa đánh bắt. Khi vào đến đất liền, áp thấp nhiệt đới lại gây mưa to, gió giật mạnh tại Nam Bộ - vùng ít khi bão vào, nhà cửa không kiên cố bằng các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Hiện hoàn lưu của áp thấp vẫn đang gây mưa cường độ lớn trên diện rộng.
Lý giải về việc cơ quan khí tượng sớm đặt tên áp thấp nhiệt đới là bão số 13, ông Hải cho biết: "Trong suốt thời gian đưa ra các bản tin dự báo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ luôn nói rõ, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Hơn thế, giới hạn nâng cấp từ áp thấp nhiệt đới (mức gió giật 18,1m/s) lên thành bão (18,2m/s) là rất nhỏ. Trong thời gian đó, đài khí tượng Mỹ luôn nhận định đó là bão, còn đài khí tượng Việt Nam thì vẫn để ở mức độ áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão, nhưng cuối cùng tên bão số 13 vẫn chưa được dùng đến. Do đó, tên gọi bão số 13 sẽ được "để dành" cho cơn bão tiếp theo vào biển Đông".
Về "siêu" bão mang tên quốc tế Haiyan (Hải Yến), sáng nay 7/11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức họp khẩn để chuẩn bị ứng phó với cơn bão được dự báo là mạnh nhất trong vòng 10 năm gần đây. Bão hiện đang ở cấp 17 và di chuyển rất nhanh; dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung nước ta trong khoảng thời gian từ tối ngày 10 đến rạng sáng ngày 11/11. Khi vào bờ, bão sẽ ở cấp 12 đến 13, giật cấp 14 đến 15.
Vị trí và đường đi của bão Haiyan. Nguồn: Trang dự báo của Hải quân Mỹ (Theo Người lao động)
Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó siêu bão, đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản trước trong và sau bão.
Theo Dantri
Áp thấp có thể không mạnh thành bão khi vào miền Nam Dù dự báo chiều nay áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền, song đến 17h, cơ quan dự báo kết luận khả năng này là 50 - 50. Theo bản tin lúc 17h30 ngày 6/11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 16h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới...