Quảng Ngãi điêu đứng vì “bệnh lạ”
Trở lại xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi hôm 19-4, tròn một năm ca bệnh viêm da bàn tay, bàn chân (hay còn gọi bệnh “lạ”) được phát hiện, thấy nơi đây làng xóm xác xơ, người mắc bệnh, tử vong không giảm.
Cấm người lạ vào làng
Quốc lộ 24 dẫn vào xã Ba Điền dài gần 20km đá lởm chởm, vắng người. Khi thấy các nhà báo vào xã, nhiều ánh mắt nghi ngại, dò xét. Cả huyện Ba Tơ có 171 ca mắc bệnh “lạ” ở năm xã thì riêng Ba Điền có 161 ca ở 84 hộ gia đình, tăng bảy ca so với tuần trước. Ba Điền có bốn thôn thì cả bốn có người mắc bệnh.
Đi từ thôn Làng Rêu (88 ca) qua thôn Hy Long (28 ca), đến thôn Ghò Nghênh (42 ca) không khí đời sống người H’Rê nặng nề, ảm đạm. Ông Phạm Văn Hoa – chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ba Điền – khẳng định số ca tử vong vì bệnh “lạ” đến nay là 19 người, bởi ngoài tám ca tử vong ở bệnh viện đưa về thì 11 người chết trong xã cũng có các triệu chứng của bệnh “lạ”.
Video đang HOT
Phạm Văn Trách (16 tuổi, ở Làng Rêu) bị bệnh “lạ” phát toàn thân đang điều trị ở làng – Ảnh: V.Hùng
Khi chúng tôi vượt suối Vranh vào Làng Rêu nằm khuất dưới núi Ghò Khế, dân làng đang cúng “trừ” bệnh “lạ” nên dùng cây tre làm rào chắn và cắm cây ổi ở giữa để cấm… người lạ. Làng cắt cử người nằm võng canh chừng. Khi chính quyền, công an giải thích với già làng Phạm Văn Đang, chúng tôi mới được vào.
Ông Hoa cho biết có 14 gia đình cả nhà đều mắc bệnh nên bỏ nhà trống vào viện. Qua nhà hộ anh Trói (34 tuổi) cả sáu người đều mắc bệnh, có hai trẻ 3 tuổi, 10 tuổi hộ ông Tiến (57 tuổi) có bảy người thì sáu người mắc bệnh (một em 9 tuổi đã tử vong tháng 4-2012), trừ ông Tiến đang được xét nghiệm.
Già làng Đang buồn bã: “Trước đây cả làng vẫn sinh sống, uống nước suối từ núi Ghò Khế có bệnh “lạ” như thế đâu, giờ thì ai cũng lo sợ nay mai mình có bệnh hay không”.
Ông Hoa kể trước việc tăng ca bệnh, học sinh đến trường rơi rụng mỗi tuần. Tháng trước có 132/165 học sinh tiểu học, THCS đến lớp nhưng nay còn 84 học sinh. Còn mẫu giáo thì tụt từ 17/75 em xuống còn 5/75 em đến lớp. Ông nói học sinh không đến trường hoặc xin chuyển qua huyện lân cận để học. Thậm chí học sinh cấp III Làng Rêu học ở các huyện khác cũng bị các bạn không chơi, không ngồi cùng bàn.
Hiệu trưởng Trường THCS Ba Điền Nguyễn Văn Dương xác nhận do bệnh “lạ” bùng phát nên hiện trường chỉ còn 50% học sinh đến lớp, trong khi ngày thi học kỳ II gần kề. Thầy Dương đã đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Ba Tơ cho trường có lịch thi học kỳ riêng để đảm bảo quyền lợi học sinh.
Nỗ lực phòng, tìm bệnh
Cán bộ y tế xã Ba Điền Phạm Văn Xu cho biết từ khi có bệnh “lạ” đến nay, y tế xã vừa thiếu, vừa yếu nên cũng chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vệ sinh môi trường chứ không có thuốc men gì. Rồi hết đoàn Bộ Y tế (hai lần) đến đoàn Sở Y tế Quảng Ngãi về kiểm tra nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.
Hiện còn 49 ca bệnh “lạ” đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Ba Tơ, Bệnh viện Phong – da liễu trung ương Quy Hòa, trong đó có mười ca bệnh nặng. BS Đặng Thị Phượng – giám đốc Trung tâm Y tế Ba Tơ – cho rằng hầu hết những người bị bệnh nhập viện ít nhiều đều bị tổn thương gan, qua khám sàng lọc cho người dân toàn xã thì tỉ lệ người có men gan cao ở đây rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Mến – phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi – cho biết khi mới phát hiện bệnh thì có cách chữa trị, còn khi phát bệnh nặng hiện chưa có phác đồ điều trị, bởi ngành y tế trong nước chưa phát hiện nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ông Xu cho rằng do ý thức, tập tục người H’Rê trong sinh hoạt nên khi bệnh phát nặng họ mới đi viện. Đường sá xa xôi, cách trở với trung tâm nên việc phát hiện bệnh cũng rất khó.
Để ngăn tình trạng bệnh bùng phát, ngành y tế đã tổ chức tuyên truyền, phát thuốc, phun hóa chất khử độc, làm vệ sinh môi trường và khám sàng lọc bệnh cho người dân vùng dịch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích nói thêm ngoài việc cử cán bộ chuyên môn xuống tận thôn, làng, hộ gia đình, còn phải thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, để vừa an ủi và động viên tinh thần người dân, vừa là cách tuyên truyền có hiệu quả đối với nhân dân vùng lân cận.
Theo TT
Nhận thưởng 10.000 USD vì đấu tranh đòi toilet
Một quan chức cho biết một phụ nữ Ấn Độ đã được khen ngợi vì một quyết định táo bạo khi rời nhà ngay trong những ngày đầu kết hôn để phản đối việc thiếu một nhà vệ sinh trong gia đình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Anita Narre đã nhận 10.000 USD từ Sulabh International, một tổ chức phi lợi nhuận, để từ chối việc đi vệ sinh ngoài trời và làm dấy lên một "cuộc cách mạng nhà vệ sinh" trong ngôi làng của cô tại trung tâm Madhya Pradesh, một quan tòa địa phương cho biết."Narre đã thúc đẩy những phụ nữ khác của làng mình vận động chồng họ xây nhà vệ sinh. Giờ đây ngôi làng đã thay đổi, cám ơn hành động táo bạo của cô," B Chadrasekhar nói qua điện thoại với AFP.
Narre đã rời khỏi gia đình Shivram, một người lao động, sau đám cưới của cô vào tháng Năm năm ngoái bởi vì ngôi nhà không có nhà vệ sinh. Cô chỉ trở về khi anh xây dựng một nhà vệ sinh với sự giúp đỡ của các quan chức địa phương. Chandrasekhar nói rằng một chiến dịch vệ sinh môi trường nhằm xây dựng nhà vệ sinh miễn phí trong khu vực đã vấp phải một rào cản khi dân làng nghĩ rằng thật "bẩn thỉu" khi có một nhà vệ sinh bên trong ngôi nhà.
"Câu chuyện của Narre đã thay đổi tư duy và đưa chúng tôi trở lại đúng hướng," anh nói. "Rất nhiều người từ các làng lân cận cũng đã bắt chước theo và yêu cầu chúng tôi xây dựng nhà vệ sinh."
Theo một nghiên cứu của WB, thiếu nhà vệ sinh và những phương tiện vệ sinh thích hợp khác đã khiến Ấn Độ phải chi 54 tỷ USD một năm để chữa trị các bệnh liên quan đến vệ sinh và những yếu tố khác xuất phát từ việc mất vệ sinh.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực nông thôn, nơi phụ nữ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do thiếu các phương tiện vệ sinh thích hợp. Một nghiên cứu của Liên hợp quốc trong năm 2010 cho thấy nhiều người ở Ấn Độ có thể quan tâm tới một điện thoại di động hơn là một nhà vệ sinh. Theo thống kê mới nhất, thuê bao di động của Ấn Độ đã đạt khoảng 894 triệu thuê bao, đủ để đáp ứng được hơn một nửa dân số 1,2 tỷ người của đất nước này.
Tuy nhiên, chỉ có 366 triệu người - khoảng 1/3 dân số được tiếp cận với điều kiện vệ sinh thích hợp, nghiên cứu của Liên hợp quốc cho biết. Jairam Ramesh, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn của Ấn Độ ngày 15/2 đã kêu gọi biến Ấn Độ trở thành một đất nước không còn nhà vệ sinh ngoài trời trong 10 năm tới. Ông cho rằng thật đáng xấu hổ khi Ấn Độ chiếm tới 60% số lượng nhà vệ sinh ngoài trời trên toàn thế giới./.
Theo TTXVN
Sau mưa, "hố tử thần" đồng loạt tái xuất Sau cơn mưa kỷ lục kéo dài từ tối 18-4 trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt điểm sụt lún đã xuất hiện trên các tuyến đường khu vực trung tâm TP. Lúc 8h sáng 19-4, tại giao lộ Võ Văn Tần và CMT8 (Q.3) xuất hiện "hố tử thần" với đường kính rộng khoảng 1m2, sâu 1m cùng với lớp thảm nhựa rơi...