Quảng Ngãi: Cá bớp nuôi chết không phải do ô nhiễm môi trường
Đó là khẳng định của các cơ quan chuyên môn huyện Bình Sơn ( Quảng Ngãi) trong buổi gặp mặt để trả lời những vướng mắt với các hộ dân bị thiệt hại do cá bớp nuôi lồng của họ bị chết hàng loạt trong mấy ngày vừa qua.
Chiều 16/10, huyện Bình Sơn đã tổ chức buổi gặp mặt trực tiếp để giải đáp các vướng mắt cũng như tìm hướng giải quyết những khó khăn của người dân các xã Bình Thạnh, Bình Thuận và Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cũng như công bố các kết quả xét nghiệm mẫu nước và mẫu cá bị chết trong mấy ngày vừa qua tại khu vực biển vịnh Dung Quất.
Tham dự buổi gặp mặt có bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn; ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn; lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các phòng chuyên môn của huyện; cùng đông đảo các hộ dân bị thiệt hại khi cá bớp nuôi lồng của họ bị chết với số lượng lớn.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các phòng chuyên môn của huyện Bình Sơn như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước nơi lồng nuôi cũng như khu vực xung quanh không bị ô nhiễm và mẫu cá bị chết cũng an toàn, tất cả các chỉ số đã xét nghiệm đều nằm trong quy chuẩn. Nguyên nhân cá chết là do số hộ dân này đã di chuyển lồng nuôi từ vị trí này sang vị trí khác để tránh bão, lũ nên làm thay đổi môi trường nước đột ngột.
Thương lái tập trung đến để mua cá bớp với giá rẻ
Sau khi nghe những kết luận từ phía cơ quan chức năng, nhiều hộ dân hoan nghênh sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền đã giúp đỡ và giải quyết tiêu thụ số cá bị chết trong mấy ngày vừa qua. Bên cạnh đó, mong muốn các cơ quan chức năng phải tìm hiểu thật rõ nguyên nhân chính làm cá bớp chết hàng loạt để người nuôi được biết rõ hơn, cũng như kiến nghị đến các cơ quan chức năng tìm giải pháp để giúp đỡ số hộ nuôi bị thiệt hại này.
“Các cơ quan chức năng cố gắng xét nghiệm để biết nguyên nhân vì sao cá chết, do bị thiếu ôxy hay bị nhiễm khuẩn mới giải quyết được vấn đề. Đồng thời, thiệt hại của bà con quá lớn nên mong muốn các cơ chức năng hỗ trợ tiêu thụ số cá còn lại, cũng như số cá hiện giờ vẫn đang chết để chúng tôi có thể vớt vát lại vì thiệt hại quá lớn”, anh Nguyễn Nhật Nam, 1 hộ nuôi cá cho biết.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn đã chia sẻ những khó khăn mà người nuôi cá gặp phải khi cá bị chết hàng loạt. Đồng thời, khẳng định sẽ tìm cách để giải quyết giúp các hộ nuôi này tiêu thụ số cá bị chết. Bên cạnh đó, bà Thư còn chỉ ra cái sai của các hộ dân khi nuôi cá ở khu vực này, bởi khu vực mà người dân đang nuôi dẫn đến cá chết hàng loạt là nơi mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu không được nuôi trồng thủy sản.
“Hiện huyện đã báo cáo với tỉnh và làm việc với 1 số nhà thầu trên địa bàn huyện Bình Sơn để họ hỗ trợ mua số cá đã chết đang được cáp đông cũng như số cá đang sống khỏe mạnh nếu bà con muốn bán với giá hiện tại trên thị trường. Xong khu vực này đã được UBND tỉnh yêu cầu người dân không được nuôi cá bằng rất nhiều văn bản, nhưng bà con vẫn nuôi ở khu vực này là không đúng” bà Thư cho biết.
“Trước đây bà con đã ký vào biên bản thống nhất là tỉnh phải hỗ trợ tiền để người dân chuyển đổi ngành nghề là khoảng 7,1 tỷ đồng, UBND huyện có phương án để gửi tỉnh nhưng tỉnh vẫn chưa hỗ trợ mà đề nghị huyện bố trí ngân sách nhưng chính quyền huyện Bình Sơn lại chưa đề nghị lại với tỉnh về vấn đề này, cũng như không trả lời cho bà con biết, nên trong giai đoạn chờ đợi hỗ trợ người dân lại tiếp tục nuôi, dẫn đến việc cá chết, cái này chính quyền cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
“Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất gửi văn bản cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho bà con do cá chết vừa qua, cũng như đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho bà con được bao nhiêu thì hỗ trợ số còn lại huyện sẽ hỗ trợ tiếp”, bà Thư khẳng định thêm.
Kết thúc buổi gặp mặt, ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo: “Chính quyền xã Bình Thạnh và 2 xã Bình Đông, Bình Thuận cần khẩn trương thống kê cụ thể tổng số hộ nuôi cá trên biển ở từng địa phương. Số cá đã chết và còn lại trong các lồng bè là bao nhiêu…Trên cơ sở này huyện sẽ có đề xuất, trả lời cụ thể cách giải quyết cho từng hộ nuôi”.
Trước đó, trong thời gian từ ngày 5 đến 9/10, khoảng trên 35 hộ dân nuôi cá bớp lồng bè ở 3 xã Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận, huyện Bình Sơn bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng do cá bất ngờ có hiện tượng bỏ ăn, đổi màu da, phù cơ thể, nổi chấm trắng, hai bên mang có bám bùn và chết.
Minh Quân
Theo congly
Xác định nguyên nhân cá bớp chết hàng loạt tại Quảng Ngãi
Những ngày qua, cá bớp nuôi lồng bè tại vùng biển của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị chết với số lượng lớn đã khiến nhiều hộ nuôi thiệt hại nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cá "sốc phản vệ" bởi môi trường nước bị thay đổi đột ngột.
Người dân vớt cá chết tại lồng nuôi. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Chiều 8/10, theo nhận định ban đầu, đại diện lãnh đạo Huyện ủy Bình Sơn cho biết, qua kiểm tra, tiếp cận hiện trường, bước đầu khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cá "sốc phản vệ" bởi môi trường nước bị thay đổi đột ngột.
Mấy ngày qua trên địa bàn huyện có mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Trà Bồng đổ về chảy ra khu vực lồng nuôi của người dân. Do cá nuôi tại vị trí giao thoa giữa nước lợ và nước mặn nên khi lượng nước ngọt lẫn vào nhiều sẽ khiến cá không thích nghi kịp dẫn đến hiện tượng lờ đờ.
Thấy vậy, các hộ nuôi đã di chuyển lồng bè từ vị trí nuôi ban đầu tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thuận ra vùng biển thuộc thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận. Cá yếu lại gặp môi trường 100% nước mặn nên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
Để rõ thêm, huyện cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng của huyện lấy mẫu cá chết gửi đi Cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng để phân tích, xét nghiệm sớm tìm ra nguyên nhân, dự kiến 3 ngày sau sẽ có kết quả, đại diện lãnh đạo huyện cho biết thêm.
Vùng nuôi cá bớp lồng của người dân là mang tính tự phát bởi vùng biển các thôn Tuyết Diêm 1 (xã Bình Thuận), Sơn Trà (xã Bình Đông) thuộc vùng biển Dung Quất không nằm trong diện quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh do mang nhiều yếu tố bất lợi.
Tuy nhiên, người dân vẫn cố tình thả nuôi với mật độ dày đặc lên tới gần 1.000 lồng lớn, nhỏ.
Như thông tin các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, trong 2 ngày 6-7.10, xuất hiện tình trạng cá bớp nuôi lồng tại vùng biển thuộc khu vực thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn chết đột ngột với số lượng lớn khiến gần 100 hộ nuôi thiệt hại, ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
Trong đó, xã Bình Thạnh có khoảng 38 hộ; xã Bình Đông có khoảng 30-40 hộ; xã Bình Thuận có 4 hộ và xã Bình Châu có 1 hộ.
Đối với số cá chết, các hộ nuôi đã thuê thợ lặn, cùng người dân địa phương mau chóng thu gom vận chuyển vào khu vực cảng để bán tháo cho thương lái, đồng thời tránh làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng số cá đang phát triển còn lại dưới lồng bè.
Do cá chết đột ngột, nên khi cá vào bờ, thương lái ép giá xuống thấp, nên có hộ sau khi bán xong vẫn không đủ tiền trả chi phí cho nhân công làm thuê.
Ngay sau nhận được phản ánh của người dân, thông tin trên báo chí, chính quyền địa phương và các ban, ngành, chức năng đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân cá chết.
Hiện tại, huyện đã yêu cầu cơ quan chức năng của huyện lấy mẫu cá chết gửi đến Cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng để phân tích, xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân. Dự kiến sau 3 ngày gửi đi sẽ có kết quả chính xác.
Hà An (T/h)
Theo moitruong
Xe tải tông vào đám đông giúp người bị tai nạn, 6 người thương vong Trong lúc nhiều người đang vây quanh một nạn nhân bị ngã xe máy để giúp đỡ, xe tải chở gỗ dăm lao vào, tông liên hoàn khiến 6 người dân thương vong, hàng loạt xe hư hỏng... Sáng nay (26.8), trao đổi với PV Dân Việt, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho hay,...