Quảng Ngãi bắn pháo hoa mừng 70 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ
Sáng ngày 10/3, ông Lê Hàn Phong – Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ – cho biết vào tối nay, địa phương tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ, theo chủ đề “Ba Tơ khúc hát hào hùng”.
Theo đó, chương trình bắn pháo hoa diễn ra 15 phút, dự kiến thời gian bắn pháo hoa vào lúc 20h hôm nay (10/3).
Nhân dân Ba Tơ vui mừng được chiêm ngưỡng màn pháo hoa vào tối nay (Ảnh minh họa).
Theo dòng lịch sử, vào ngày 11/3/1945, Đội du kích Ba Tơ cùng quần chúng nhân dân khởi nghĩa và giành lại chính quyền Ba Tơ. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ khiến quân địch hoang mang, tạo tiền đề tiến tới thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi và cả nước. Đội du kích Ba Tơ ngày ấy chỉ có 28 chiến sĩ cách mạng, sau thắng lợi khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích ngày càng phát triển, tinh nhuệ và là tiền thân lực lượng vũ trang Quân khu 5 ngày nay.
Ba Tơ ngày nay đang đổi thay từng ngày sau 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ.
Bên cạnh sự kiện bắn pháo hoa, huyện Ba Tơ còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa như tổ chức cuộc thi tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ; thăm lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ năm xưa (chính trị viên Nguyễn Đôn và cụ Phạm Hương); gặp mặt thành viên Đội du kích Ba Tơ còn sống; khánh thành và cầu siêu ở nghĩa trang liệt sĩ huyện; triển lãm ảnh về trung tướng Phạm Kiệt và huyện Ba Tơ; cắm trại; đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba.
Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi thăm cụ Nguyễn Đôn (giữa) tại Đà Nẵng.
Bà Phạm Thị Ngát (64 tuổi, ngụ thị trấn Ba Tơ) bày tỏ: “Là người dân ở vùng đất cách mạng, tôi rất tự hào và luôn dặn dò con, cháu noi theo tinh thần của những anh hùng, liệt sĩ của cha ông đi trước. Tự hào hơn khi nhân dân Ba Tơ đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba. Những ngày này, huyện Ba Tơ trở nên nhộn nhịp, rực rỡ cờ hoa khắp các tuyến đường, dòng người về Ba Tơ nhiều hơn mọi khi. Già này thấy vui lắm…”.
Video đang HOT
Được biết, đây là lần thứ 2 huyện Ba Tơ tổ chức bắn pháo hoa.
Hồng Long
Theo Dantri
70 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ: 28 chiến sĩ và đội du kích anh hùng!
Hai mươi tám chiến sĩ cách mạng đã tạo nên một Đội du kích Ba Tơ dũng mãnh đập tan âm mưu xâm lược, cụ thể hóa bằng cuộc khởi nghĩa Ba Tơ vang vọng khắp địa cầu. Lời thề "Hy sinh vì Tổ quốc" năm xưa của Đội du kích Ba Tơ vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau...
Cuộc khởi nghĩa "bất diệt"
Cuối năm 1940 đến đầu năm 1941, chiến tranh thế giới lần thứ II ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng. Trong thời điểm này, quân Nhật - Pháp liên kết với nhau tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, điển hình như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, binh biến Đô Lương,... bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt.
Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước và triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 vào tháng 5/1941. Lúc này, các phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi liên tiếp bị đàn áp và nhiều đồng chí bị địch bắt giam ở Di Lăng (huyện Sơn Hà), Trà Bồng, Ba Tơ.
Những chiến sĩ cách mạng trong tù đã liên kết với bên ngoài khôi phục lại tổ chức Đảng và lập ra "Ủy ban vận động cách mạng" để lãnh đạo phong trào cách mạng, trong đó có sự tham gia của chiến sĩ Nguyễn Đôn.
Đến đầu năm 1942, chiến sĩ Huỳnh Tấu liên kết với các đồng chí bị địch giam giữ tại Ba Tơ, phối hợp với Nguyễn Đôn thành lập Chi bộ Đảng với 5 đảng viên. Qua tháng 5/1943, quân địch đưa đồng chí Phạm Kiệt từ nhà đày Buôn Mê Thuột về Căng an trí Ba Tơ. Điều đặc biệt, đồng chí Phạm Kiệt đã mang về bản tóm tắt Nghị quyết Trung ương 8, sau đó tổ chức hội nghị cán bộ tại trại tằm của gia đình đồng chí Trần Toại (đóng tại xã Ba Động, huyện Ba Tơ) đề ra chương trình, kế hoạch hành động, thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư.
Bức tượng người mẹ tiễn con theo tiếng gọi của cách mạng và Đội du kích Ba Tơ.
Đầu năm 1943, đồng chí Chu Huệ được đồng chí Tố Hữu truyền đạt những ý kiến cấp trên cho Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi. Nhờ đó, Tỉnh ủy đã kết nối liên lạc với cấp trên và các đồng chí ở Quảng Nam. Đến cuối tháng 6/1943, Hội nghị cán bộ mở rộng được Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi triệu tập ở Bằng Chay (thôn Tân Long, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) do đồng chí Huỳnh Tấu chủ trì. Hội nghị đã thống nhất rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Vào đêm ngày 16/7 và rạng sáng ngày 17/7, truyền đơn được rải dọc Quốc lộ 1 từ huyện Bình Sơn đến Tư Nghĩa và một số nơi khác với nội dung ký tên: "Việt Nam độc lập đồng minh" và "Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi". Thông qua sự xuất hiện của truyền đơn và cơ đỏ sao vàng, quân địch trở nên hoang mang.
Qua tháng 2/1944, quân địch đưa đồng chí Trương Quang Giao, lần lượt sau đó là đồng chí Trần Quý Hai, Trần Lương từ nhà đày Buôn Mê Thuộc về huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Vào cuối tháng 12/1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập tại lò gạch bên suối Nước Năng, tổ chức cử đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư.
Sau đó, các cơ sở cách mạng trong nhân dân, trong binh lính, già làng, đoàn thể dần phát triển. Đồng thời, mọi công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Ba Tơ đang gấp rút.
Bất ngờ diễn ra vào đêm ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, khiến Pháp tháo chạy và Nhật làm chủ Đông Dương. Ngay trong đêm ngày 9/3/1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, nhận định cuộc đảo chính sẽ tạo tình thế khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín mùi. Hội nghị lấy khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật" thay cho khẩu hiệu trước đó là "Đánh đổ Nhật Pháp, đồng thời phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ.
Trong thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi mở ngay Hội nghị bàn bạc và quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền Ba Tơ. Đến trưa ngày 11/3, tổ chức phân công đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách làm Ban chỉ huy kéo toàn bộ lực lượng đội du kích tiến hành khởi nghĩa ở Ba Tơ. Cùng lúc này, đồng chí Võ Thứ, Trần Lương huy động quần chúng ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ cùng tham gia khởi nghĩa Ba Tơ và liên lạc với lực lượng ở tỉnh Bình Định. Đồng chí Trần Quý Hai điều động về khu vực phía Bắc của huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn để tiện nối liên lạc với tỉnh Quảng Nam và cấp trên. Còn đồng chí Trương Quang Giao về trung tâm thị xã Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa huy động quần chúng khởi nghĩa cướp chính quyền, giữ mối quan hệ chỉ đạo các hướng.
Sau khi các đồng chí chủ chốt tỏa về các hướng, quân khởi nghĩa cùng nhân dân tổ chức cuộc mít-tinh tại sân vận động Ba Tơ, rồi chuyển thành cuộc biểu tình thị uy. Thừa thời cơ quân địch bỏ trốn, 17 đồng chí thuộc quân khởi nghĩa tiến vào Nha kiểm lý (cơ quan ngụy quyền của Châu lỵ Ba Tơ), bắt sống tên kiểm lý Bùi Danh Ngũ cùng các chánh tổng, chủ làng và buộc giao nộp vũ khí, giấy tờ, con dấu cho quân khởi nghĩa. Nhân cơ hội này, quân khởi nghĩa chia thành nhiều cánh bao vây, tấn công đồng khố xanh Châu lỵ và khắp huyện Ba Tơ rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng chiến thắng.
Rạng sáng ngày 12/3, tại sân vận động Ba Tơ, đồng chí Phạm Kiệt - Đội trưởng đội du kích Ba Tơ tổ chức mít-tinh quy mô lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, xóa bỏ thuế xâu, lập chính quyền cách mạng Ba Tơ và kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia hàng ngũ cứu quốc.
"Hy sinh vì Tổ quốc"
Sau cuộc khởi nghĩa thành công giành lại chính quyền Ba Tơ, đồng chí Phạm Kiệt thực hiện nhiệm vụ chuyển Đội du kích Ba Tơ lên căn cứ Hang Én. Đồng chí Nguyễn Đôn cùng đồng chí Trần Toại, Huỳnh Thanh phụ trách chuyển chính quyền vào hoạt động bí mật.
Đỉnh núi Cao Muôn - nơi đội du kích Ba Tơ chọn làm căn cứ cách mạng sau chiến thắng cuộc khởi nghĩa Ba Tơ bất diệt.
Lời tuyên thề của Đội du kích Ba Tơ năm xưa.
Chiều ngày 14/3, đội quân của ta chuyển về căn cứ an toàn. Tại Hang Én, Đội du kích Ba Tơ với 28 chiến sĩ cùng tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc". Lời thề đó trở thành động lực chiến đấu và chiến thắng của bao lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Ngãi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua rạng sáng ngày 15/3, Tỉnh ủy chỉ đạo Đội du kích Ba Tơ di chuyển về khu vực núi Cao Muôn xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng tiêu diệt địch về sau.
Danh sách 28 chiến sĩ Đội du kích Ba Tơ.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tạo tiền đề cho phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi, tiến tới tổng khởi nghĩa và góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Đội du kích Ba Tơ được xác định là tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét : "Cán bộ chiến sĩ du kích Ba Tơ với phẩm chất chính trị cao, tài năng tổ chức và hành động giỏi, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chỉ huy tác chiến ở hầu hết các mặt trận miền Nam Trung Bộ từ những ngày Cách mạng Tháng Tám cho đến suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ... Cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ đã chiến đấu với tinh thần hy sinh vì Tổ quốc để chúng ta có được ngày nay...".
Ghi nhớ lời thề của Đội du kích Ba Tơ, ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ - tâm sự: "Từ giá trị lịch sử về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ mà điểm nhất là đội du kích Ba Tơ năm xưa, tôi luôn khắc sâu lời thề của những anh hùng ngày ấy: "Hy sinh vì Tổ quốc". Với vai trò là người con của núi rừng Ba Tơ, đồng thời là lãnh đạo địa phương, tôi luôn quyết tâm chăm lo đến đời sống nhân dân, không để người dân nào phải thiệt thòi và đưa vùng cách mạng Ba Tơ vươn lên vững chắc như lòng dạ sắc son của những anh hùng đã hy sinh vì đất nước".
Hồng Long
Theo Dantri
"Ở trạm xá thích hơn... ở nhà!" Hỗ trợ của Tập đoàn viễn thông Quân đội trong chương trình 30a đã giúp người dân ở 3 huyện nghèo là Đakrông (Quảng Trị), Mường Lát và Bá Thước (Thanh Hóa) giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn. Không chỉ tăng được thu nhập, người dân còn được đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Trạm y...