Quảng Nam xây dựng nông thôn mới: Kết quả cao, nợ đọng thấp
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ( NTM), số nợ đọng trong xây dựng cơ bản của cả nước đã tăng đến mức báo động. Nhiều địa phương số nợ lớn cả ngàn tỷ đồng, trong khi đó, tại Quảng Nam, việc triển khai thực hiện NTM đã thu được những kết quả lạc quan, nợ đọng thấp.
Còn nợ đọng, vì sao?
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Quảng Nam cho biết, theo báo cáo của các địa phương, số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh chỉ còn hơn 157 tỷ đồng. Trong đó, nợ T.Ư, tỉnh 15,9 tỷ đồng; cấp huyện 57,2 tỷ đồng và cấp xã 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với bình quân chung của cả nước, thì số nợ của Quảng Nam không lớn (bình quân nợ của cả nước là 253.000 triệu đồng/tỉnh) và có thể xử lý “trong tầm tay”.
Mặc dù còn nợ đọng trong xây dựng cơ bản, song cũng nhờ NTM, cơ sở hạ tầng ở Quảng Nam mới có điều kiện đầu tư một cách đồng bộ, khang trang. Ảnh: Đ.H
Trong 5 năm (2011 – 2015) thực hiện xây dựng NTM, Quảng Nam đã lồng ghép và huy động các nguồn lực gần 17.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Quảng Nam đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn tăng lên.
Lý giải về nguyên nhân nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Vạn Lộc – Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho hay, việc để nợ đọng tại Quảng Nam có một số nguyên nhân. Cụ thể, do nhu cầu đầu tư để thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện mục tiêu đề ra là rất lớn, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư còn thấp, vốn từ cộng đồng dân cư khó khăn, đây là nguyên nhân chủ yếu.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, trong đó việc sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng NTM của T.Ư, từ quy định hỗ trợ 100% từ ngân sách T.Ư cho xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, xây dựng trụ sở xã, xây dựng trường học đạt chuẩn, xây dựng trạm y tế xã, xây dựng nhà văn hóa xã được sửa đổi lại là hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước tại Quyết định số 659/QĐ-TTg nhưng không thay đổi mục tiêu tại Quyết định số 800/QĐ-TTg nên địa phương phải thực hiện để đạt mục tiêu đề ra, góp phần làm tăng nợ đọng.
Video đang HOT
Tiếp đến, ngân sách địa phương chủ yếu trông chờ vào khai thác quỹ đất để có đối ứng nhưng việc khai thác quỹ đất đang bị trở ngại, do vướng các quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và giá đất nông thôn thấp nên các xã chưa khai thác được quỹ đất để trả phần đối ứng này. Đặc biệt, một số nội dung xây dựng hạ tầng như nghĩa trang nhân dân, các công trình vệ sinh môi trường nông thôn; chợ nông thôn; điện… nhưng T.Ư chưa quy định hỗ trợ một phần từ ngân sách T.Ư để thực theo quy định Quyết định 695/QĐ-TTg nên cũng gây áp lực rất lớn lên ngân sách địa phương.
“Nguồn vốn hằng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình còn hạn chế (bình quân 2 tỷ đồng/xã điểm/năm) nhưng một số tiêu chí hạ tầng T.Ư quy định tỷ lệ đạt chuẩn cao (như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa 100% nhà văn hóa – khu thể thao xã, thôn đạt chuẩn, 70% kênh mương được bê tông hóa, 50% hộ dân sử dụng nước sạch theo chuẩn quốc gia, 70% giao thông được bê tông hóa, cứng hóa…) nên bắt buộc các xã phải tìm mọi cách để thi công đạt chuẩn nên một số nơi vẫn còn để xảy ra nợ…” – ông Muộn chia sẻ.
Đã có nhiều giải pháp tháo gỡ
Trước tình hình đó, ngày 21.7.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2233/QĐ-UBND về việc phê duyệt mức hỗ trợ kinh phí đầu tư từ ngân sách T.Ư, tỉnh đối với một số công trình xây dựng kết cấu hạ tầng… Qua đó, các địa phương dựa theo các quyết định này để thực hiện, không được xây dựng vượt mức quy định, “liệu cơm gắp mắm”, không được “vung tay quá trán” trong xây dựng hạ tầng.
“Về phần nợ trách nhiệm tỉnh và các huyện là không có gì đáng lo ngại, chủ yếu chờ quyết toán là có thể bố trí trả ngay (đối với vốn tỉnh) hoặc chậm nhất cũng trong năm nay (đối với các huyện). Phần nợ xã đáng lo hơn, hiện nay tỉnh đã tháo gỡ vướng mắc về nguồn thu từ khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, quan điểm của Ban chỉ đạo tỉnh cũng không khuyến khích khai thác quỹ đất như một nguồn lực cho xây dựng NTM, không để vì NTM làm mất đất lúa…” – ông Muộn khẳng định.
Theo ông Đỗ Vạn Lộc, đối với xã đã đạt chuẩn NTM nếu chưa có kế hoạch xử lý xong nợ đọng thuộc phần trách nhiệm của cấp xã sẽ chưa bố trí vốn để xây dựng công trình mới.
Đặc biệt, các địa phương khi thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật (dự toán) các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng về nhà văn hóa xã, khu thể thao xã, trạm y tế, chợ, trường học, nghĩa trang nhân dân, kênh mương… cần căn cứ suất đầu tư hỗ trợ của UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 2002/QĐ-UBND ngày 9.6.2016, các thiết kế mẫu.
Đối với một số công trình có huy động sự đóng góp của nhân dân, các địa phương sẽ vận động bằng hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp, tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân và không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật… Ngoài ra, Quảng Nam còn nhiều giải pháp khác như tăng cường khai thác quỹ đất, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả nhất.
Theo Danviet
Ngoạn mục vùng chuyên canh đạt 2 tỷ đồng/năm
Đến thời điểm này, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 2 xã Dương Quang và Kim Sơn đang phấn đấu về đích trong năm 2016, còn 2 xã Lệ Chi và Trung Mầu sẽ hoàn thành vào năm tiếp theo.
Điểm sáng được Thủ tướng về thăm
Được xem là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM, xã Văn Đức - vựa rau của huyện Gia Lâm vừa vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm. Là người được gặp Thủ tướng, ông Phạm Văn Tới ở xã Văn Đức cho biết: "Không chỉ tôi mà bà con Văn Đức rất phấn khởi, tự hào khi được đích thân Thủ tướng về thăm, động viên". Ông Tới cho biết thêm, nhớ lời Thủ tướng dặn, bà con trồng rau ở Văn Đức sẽ cố gắng hơn trong sản xuất, luôn làm bằng cái tâm để trồng ra các sản phẩm rau, củ, quả thơm ngon, đảm bảo chất lượng, vừa cung cấp cho thị trường, vừa làm giàu cho gia đình và xã hội.
Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Tổng nguồn vốn ngoài ngân sách cho xây dựng NTM tại huyện Gia Lâm đã lên tới gần 274 tỷ đồng, trong đó, riêng nhân dân đóng góp trên 82 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: Trước khi triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM, Văn Đức có 10/19 tiêu chí chưa đạt, đời sống của đại bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn. "Xác định được thực tế đó, chúng tôi đã triển khai đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo kênh mương, giao thông nội đồng để giúp bà con sản xuất thuận lợi. Đồng thời, xã cũng phát huy lợi thế đất đai để sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên canh. Nhờ thế, diện tích trồng rau an toàn của Văn Đức đến nay đã đạt tới 285ha. Thương hiệu rau an toàn Văn Đức đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, thu nhập của nông dân cũng tăng nhanh: Năm 2013 đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha, nay đã đạt bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm" - ông Yên chia sẻ.
Theo ông Yên, bên cạnh trồng rau, Văn Đức còn phát triển mạnh chăn nuôi lợn nái, lợn thịt giống ngoại. Từ chỗ chỉ có một số hộ nuôi lợn ngoại theo phương pháp kỹ thuật cao, đến nay, toàn xã Văn Đức đã có 1.300 con lợn nái, 12.000 con lợn thịt và tổng đàn bò 1.200 con, có 13 trang trại lợn ngoại được cấp chứng nhận trang trại với quy mô mỗi trang trại hàng trăm con lợn...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, song trong quá trình xây dựng NTM, huyện Gia Lâm vẫn rất chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. "Dù tốc độ xây dựng NTM của huyện còn chậm, song Gia Lâm cũng có những thành tựu nhất định. Cụ thể, trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và kinh tế trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Diện tích các loại rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... ngày càng tăng, cho thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng khu vực Yên Viên, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt tới 2 tỷ đồng/ha/năm" - ông Hùng nói.
Kiêu Kỵ là xã mới được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 1.2016. Ông Phùng Đắc Quản - Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, từ một xã khó khăn, đến nay thu nhập bình quân của Kiêu Kỵ đã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn xấp xỉ 1%... "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đầu tư vào phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ... nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập của người dân, phấn đấu sẽ đạt trên 30 triệu đồng/người/năm và tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí" - ông Quản khẳng định.
"Chạy" nước rút để đạt huyện NTM
Ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, công tác xây dựng NTM của huyện đang trong giai đoạn nước rút. Theo đó, huyện đang tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho 5 xã là Trung Mầu, Lệ Chi, Dương Quang, Kim Sơn, Phú Thị để hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất... "Chúng tôi đã đặt mục tiêu sẽ trở thành huyện NTM vào cuối năm 2016, với việc duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Từ nay đến cuối năm 2016, huyện tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của 20 xã. Đồng thời, hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn gắn với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất..." - ông Thuần chia sẻ.
Cũng theo ông Thuần, huyện đang đề nghị thành phố nghiên cứu, điều chỉnh một số điểm chưa hợp lý để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và có cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo Danviet
Hoa Lư - điểm sáng ở đất cố đô Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã có 7/10 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Huyện đang đặt mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn và sẽ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Du lịch làm "đòn bẩy" Trao đổi với phóng...