Quảng Nam: Tôm chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề
Nếu như những năm về trước, bà con nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam ăn nên, làm ra vì tôm đạt năng suất cao, thì hai năm gần đây, người nuôi tôm thất thu, thua lỗ nặng.
Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, ước tính thiệt hại số ao nuôi tôm của các hộ dân, tôm chết hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng buồn bã cho biết ao nuôi tôm của gia đình mình chết sạch.
Ông Võ Tấn Thương (54 tuổi), trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên tâm sự: Trước đây nhiều hộ nuôi tôm nước lợ ở vùng ven xã Duy Thành làm ăn rất hiệu quả. Thế nhưng, 2 năm qua mà nhất là từ đầu năm 2019 đến nay việc nuôi tôm bất thành đã khiến họ lâm nợ nần.
Ông Thương cho biết: “Với 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 4.000m2, sau khi cải tạo kỹ ao, từ đầu năm 2019 đến nay gia đình tôi thả khoảng 20 vạn con tôm giống. Nhưng đợt nào cũng vậy, sau một thời gian tôm bắt đầu chết hàng loạt, thiệt hơn 70 triệu đồng”.
Nét mặt buồn rầu, ông Thương nói thêm: “Nếu 2 ao hồ nuôi tôm của gia đình tôi không bị dịch bệnh chết thì sau khoảng 3-5 tháng, gia đình thu được khoảng 1 tấn tôm, với giá bán hiện nay hơn 100 ngàn đồng/1kg tôm thì tôi lời vài trăm triệu đồng. Nhưng giờ tôm trong ao nuôi chết sạch không còn gì cả, trắng tay”.
Video đang HOT
Cách đó không xa, 3 ao nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi), trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Dũng cho hay: “Những năm qua, tôm của gia đình tôi nuôi liên tiếp bị chết. Đặc biệt, đầu năm 2019 đến nay, tôi thả nuôi 15 vạn con tôm giống, cải tạo ao, với chi phí khoảng 30 triệu đồng, tuy nhiên, không hiểu sao sau hơn 34 ngày các con tôm giống trong ao nhảy lên mặt nước rồi chết hàng loạt. Vì vậy, tôi bỏ ao hoang cho đến nay. Việc nuôi tôm thua lỗ, tôi mắc nợ ngân hàng 20 triệu đồng”.
Theo ông Dũng, ban đầu ông thấy vỏ tôm có màu trắng nhợt nhạt, tiếp đến tôm lờ đờ, ruột rỗng vì không chứa thức ăn, giống như tôm bị mắc bệnh đốm trắng. Các triệu chứng xảy ra với tôm rất nhanh dù cho ông đã bổ sung nhiều khoáng chất, vitamin nhưng không thể cứu được.
Còn anh Ngô Văn Hải (trú thôn An Lạc, xã Duy Thành) cho biết, gia đình anh đã 4 lần thả nuôi tôm giống trong 2 ao có tổng diện tích 1.500m2. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, sau hơn 1 tháng, tôm bắt đầu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng kinh tế cho gia đình.
“Sau mỗi lần thấy tôm xuất hiện những triệu chứng bất thường khiến tôm bị chết, tôi đã báo cho các ngành chức năng của huyện Duy Xuyên và lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam. Sau đó, cán bộ thủy sản đến lấy mẫu xét nghiệm. Các kết quả thông báo là tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng” – anh Hải chia sẻ.
Trước tình trạng này, ông Lê Tấn Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: “Toàn xã có 53 hộ dân nuôi tôm, trên 28 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở hai thôn Nhơn Bồi (chiếm 80%) và thôn An Lạc (chiếm 20%). Những năm trước bà con nuôi tôm địa phương đạt năng suất cao, nhưng hai năm gần đây, người nuôi tôm địa phương thất thu, thua lỗ nặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, các hộ dân nuôi tôm bị thiệt hại khoảng hơn 1,5 tỷ đồng”.
Về nguyên nhân, ông Bảo cho rằng: Do nguồn nước thả nuôi tôm trong ao bị ô nhiễm; đa số các ao nuôi tôm bằng đất nền, vì vậy, lượng chất thải nuôi tôm ra làm ô nhiễm trong lòng đất dẫn đến gây bệnh cho con tôm…
Đại diện cán bộ Phòng NNPTNT huyện Duy Xuyên cho hay, toàn huyện Duy Xuyên có 128 ha diện tích mặt nước nuôi tôm; tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh tôm đốm trắng và các bệnh khác xảy ra chủ yếu trên địa bàn các xã gồm: Duy Thành, Duy Vinh và một số xã khác của huyện. Chính quyền huyện đã báo cáo với Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam đến kiểm tra lấy mẫu tôm chết đem đi xét nghiệm. Ngoài ra, thời gian qua, cơ quan chức năng huyện, tỉnh cũng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con địa phương.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, theo thống kê ban đầu, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 100ha ao nuôi tôm bị dịch bệnh đốm trắng, bệnh do vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng và bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường.
Theo bà Tâm, cán bộ Chi cục Thủy sản không thể thống kê hết diện tích nuôi tôm bị chết vì dịch bệnh.
Thành Nhân – Chí Đại
Theo ĐĐK
Chủ động quản lý chất lượng thú y thủy sản
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 19.000 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) với nhiều hình thức nuôi đa dạng. Do đó, việc quản lý chất lượng thuốc thú y thủy sản là rất cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và bảo đảm sản phẩm nuôi an toàn.
Người nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) kiểm tra môi trường nước ao nuôi.
Để chủ động phòng, chống bệnh dịch trong NTTS, hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho các tổ chức, cá nhân NTTS; nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, thuốc thú y và vật tư NTTS; trang bị, nâng cao nghiệp vụ thú y thủy sản cho cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương nhằm triển khai tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại cơ sở.
Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm, thuốc thú y thủy sản; thu mẫu tái kiểm định chất lượng, dư lượng chất cấm trong thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm dùng trong NTTS tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong NTTS tại 6 vùng NTTS trọng điểm của các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia và Nông Cống.
Tổ chức thu và phân tích các chỉ tiêu cho các mẫu sản phẩm thủy sản nuôi để phát hiện mẫu nhiễm hóa chất, chất kháng sinh vượt giới hạn. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản hiện nay còn gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến tình trạng NTTS tự phát, buông lỏng quản lý. Công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản còn lỏng lẻo.
Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong công tác kiểm soát vận chuyển thủy sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu chặt chẽ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về các hành vi vi phạm chủ yếu về kinh doanh, buôn bán thuốc thú y có nhãn hàng hóa không đúng quy định; hành vi sản xuất thức ăn thủy sản không đúng hàm lượng, định lượng so với tiêu chuẩn đã công bố ghi trên nhãn... Ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Để quản lý tốt chất lượng thú y thủy sản, chi cục đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ cơ sở sản xuất NTTS tại các huyện Tĩnh Gia, Nga Sơn, Hoằng Hóa và Hậu Lộc về các quy định trong sử dụng thuốc thú y thủy sản và các chế phẩm sinh học.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, khó khăn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đang tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1795/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi năm 2019. Trong đó, tập trung vào công tác kiểm dịch, kiểm soát lưu thông giống, sản phẩm thủy sản; xây dựng cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cấp chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản trước khi thả nuôi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh. Phối hợp với Chi cục Thủy sản, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông giống thủy sản. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố có diện tích NTTS kiểm tra xác định mầm bệnh trên các đối tượng nuôi. Thiết lập kênh thông tin với các hộ, các tổ chức NTTS tại địa phương để thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất.
Bài và ảnh: Hải Đăng
Theo Baothanhhoa
Lộ nguyên nhân khiến hơn 260 tấn nghêu chết Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, nguyên nhân làm hơn 260 tấn nghêu nuôi ở địa bàn xã Mai Phụ, huyện Lộc chết do nước lũ đổ về khiến nước tại các bãi nuôi bị thay đổi độ mặn. Theo thống kê, tổng số diện tích nuôi có nghêu bị chết là 79,85ha, của 38 hộ dân,...