Quảng Nam: Thủy điện xả lũ, nhiều nơi bị cô lập
Thủy điện Đắk Mi 4 bất ngờ xả lũ khiến nhiều địa bàn của tỉnh Quảng Nam bị cô lập. Hơn 7.000 học sinh phải nghỉ học vì nước lũ.
Đêm 1/10, tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam, nơi có Thủy điện Đắk Mi 4, có mưa rất to, làm ngập sâu đoạn đường quốc lộ 14E nối với đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua địa phận xã Phước Hòa, gây ách tắc giao thông.
Nhiều tuyến đường của Thị trấn Khâm Đức, xã Phước Đức bị ngập sâu nhiều đoạn. Nghiêm trọng hơn, 5 xã vùng cao huyện Phước Sơn gồm: Phước Thành, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công bị cô lập hoàn toàn.
Mưa lớn cũng làm mực nước trong lòng hồ Thủy điện Đắk Mi 4 dâng cao và thủy điện này đã xả nước phát điện khiến một phần xã Phước Hòa và một phần xã Phước Hiệp bị ngập sâu.
Chiều ngày 2/10, trên địa bàn Quảng Nam xảy ra mưa lớn
Theo ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, sau khi các xã Phước Hiệp và Phước Hòa bị ngập sâu, UBND huyện Phước Sơn yêu cầu Thủy điện Đắk Mi 4 dừng ngay việc phát điện để giảm gây ngập lụt nhà dân. Thủy điện Đắk Mi 4 đã xả lũ qua 5 cửa với lưu lượng 2.000m/s, trong khi nước về hồ là 2.300m/s. Trước tình hình này, khoảng 9 giờ ngày 2/10, Thủy điện Đắk Mi 4 ngừng phát điện.
Theo ông Quyền, sau khi nước lũ dâng cao và gây ngập nhiều nơi, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục cho hơn 7.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Hiện tại, huyện Phước Sơn đang huy động các lực lượng khẩn trương ứng cứu người dân các vùng bị cô lập, sơ tán dân ở những vùng trọng điểm có nguy cơ ngập nặng và sạt lở.
Video đang HOT
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây ngập lụt cho một số nơi của huyện Phước Sơn ngày 2/10
Tại huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, mưa lớn làm nước lũ dâng lên nhanh, nhiều đồng ruộng, hoa màu bị ngập sâu. Ông Lê Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết mưa lớn đã khiến cho đất đá trên tuyến đường Tây Tắc Pỏ ở xã Trà Mai đang thi công sạt lở xuống nhà cửa của 5 hộ gia đình. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 5 hộ này đến nơi an toàn.
Mưa lớn khiến đất, đá sạt lở, làm ách tắc giao thông ở miền núi Quảng Nam
Chiều nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Chính (21 tuổi, ở Thôn Định Yên, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) bị nước lũ sông Trạm cuốn trôi khi đang đi lùa trâu về.
Theo Huy Hoàng (Khampha.vn)
Khổ lắm miền Trung!
Siêu bão số 10 quét qua đã quăng quật "khúc ruột miền Trung" tơi tả, hoang tàn.
Sau bão 1 ngày, sáng 1-10, người dân Quảng Bình - tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 10 - tranh thủ nắng ráo để dọn dẹp nhà cửa. Nhiều người dân nghèo rơi nước mắt trước căn nhà chỉ còn trơ nền trống hoang.
Khó nhọc gượng dậy
Có mặt tại TP Đồng Hới vào sáng 1-10, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn, tan nát bao trùm cả TP. Cây cối bị ngã đổ, trốc gốc nằm ngổn ngang trên đường phố. Hầu hết các công ty, cửa hàng đều nghỉ bán để lo khắc phục hậu quả của bão. Toàn bộ hệ thống điện, nước trong TP Đồng Hới bị tê liệt. Đến chiều cùng ngày, mới chỉ có một số cơ quan chủ chốt ở TP Đồng Hới có điện. Tất cả các trường học cũng cho học sinh nghỉ học.
Sau bão, gia sản còn lại của chị Ngô Thị Giang (xã Ngư Thủy Bắc) là một ít áo quần Ảnh: QUANG NHẬT
Ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình, cho biết bão số 10 đã làm hệ thống điện trên toàn tỉnh bị tê liệt. Hiện điện lực tỉnh Quảng Bình đã khôi phục cấp điện trở lại cho một số tuyến ở TP Đồng Hới. Dự kiến ngày 6-10, sự cố điện mới cơ bản khắc phục xong.
Trong khi đó, tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã, xót xa: "Trên 90% trong tổng số hơn 1.100 nhà dân của xã đều bị hư hỏng sau bão, trong đó 40% bị tốc mái và sập hoàn toàn".
Những lần trước, mỗi khi gia đình có việc gì đều được bà con chòm xóm qua đỡ đần nhưng sáng 1-10, dù căn nhà đã bị tốc mái hoàn toàn, đồ đạc ngổn ngang nhưng vợ chồng ông Lê Văn Khơ (85 tuổi) và bà Đào Thị Phổ (80 tuổi) phải tự mình dọn dẹp. Chiếc giường cũ kỹ của ông bà cũng bị bão đánh tan tành. Bà Phổ nước mắt ngắn dài đứng bên bàn thờ tổ tiên dọn dẹp. Bà bảo rằng muốn thắp nén nhang cho tổ tiên nhưng nay cũng chẳng còn cây nào, tiền trong nhà đã cạn.
Cách đó không xa, căn nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Não (30 tuổi) đổ sập hoàn toàn. Nhìn cảnh nhà và người chồng Nguyễn Trần Hiển bị động kinh ngồi co quắp, chị Não đau đớn nói: "Cách đây 3 năm, khi đang làm thợ cơ khí thì chồng tôi bị điện giật, phải vay mượn chạy vạy lắm mới cứu được mạng sống. Sau cơn bão này, chẳng biết làm sao gắng gượng dậy được. Gạo trong nhà đã hết sạch mà chẳng còn tiền mua".
Tan tác nơi cửa biển
Cùng cảnh ngộ như ở Ngư Thủy Bắc, hàng ngàn hộ dân các xã ven biển của huyện Bố Trạch như Nhân Trạch, Lý Trạch, Đức Trạch... cũng bị thiệt hại nặng nề.
Sau bão, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hồng và ông Phạm Văn Lương (xã Đức Trạch) nỉ non tiếng than khóc. Trong ngày 1-10, hàng chục người thân cùng làng xóm đã ra đoạn sông Gianh ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch để tìm thi thể của ông Lương. Nỗ lực của hàng chục con người chỉ tìm ra con tàu cá bị đắm, trong khi thi thể người xấu số vẫn mất tích.
Nói về thiệt hại sau bão, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, chỉ dùng 2 từ: kinh hoàng. Ông bảo rằng dù người dân và chính quyền đã hết sức chủ động nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại vì bão quá mạnh.
Thống kê sơ bộ, đến nay huyện Bố Trạch có đến 35.520 nhà bị sập và tốc mái, 1 người chết, 1 mất tích, 18 người bị thương, gần 8.000 cây cao su gãy đổ... Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến 2.730 tỉ đồng. "Một con số thiệt hại khủng khiếp, gấp hàng trăm lần nguồn thu mỗi năm của toàn huyện. Dân vùng biển thì tan hoang nhà cửa, dân ở rừng thì thiệt hại nặng về cao su, người dân đứng trước rất nhiều khó khăn sau bão" ông Gòn nói.
7 người chết, 179 người bị thương
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, tính đến 19 giờ ngày 1-10, tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cơn bão số 10 đã khiến 7 người chết (Quảng Bình: 5 người, Thanh Hóa: 2 người), 4 người mất tích, 179 người bị thương.
Con số này tăng gấp 5 lần so với tổng hợp vào sáng cùng ngày. Hơn 187.000 căn nhà bị tốc mái, trong đó chủ yếu ở Quảng Bình với 150.000 căn.
V.Duẩn
Quảng Bình mong được trợ giúp
Sáng 1-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiêm tra tình hình thiêt hại do bão sô 10 tại huyên Bô Trạch và TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau khi thăm các ngư dân đang neo đâu tàu thuyên tại khu neo đâu tàu thuyên tránh trú bão xã Thanh Trạch, huyên Bô Trạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở chính quyên huyên Bô Trạch cần thống kê thiệt hại; hỗ trợ những người mất nhà cửa có nơi ăn chốn ở; tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người chết do bão... Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng hậu quả của bão số 10 gây ra với tỉnh Quảng Bình quá nặng nề, vượt khả năng ngân sách địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục thiệt hại.
H.Dũng
Theo Người lao động
Cứu trợ 1.200 thùng hàng cho người dân bị ảnh hưởng cơn bão số 10 Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (HCTĐVN) quyết định trích Quỹ cứu trợ thiên tai, cứu trợ ban đầu cho người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10. Hàng ngàn ngôi nhà tan hoang sau khi bão số 10 đi qua Cụ thể, TƯHCTĐ hỗ trợ cho gia đình có người tử vong số tiền...