Quảng Nam: Rác thải lưu cữu chất đống, bốc mùi hôi thối ở khu dân cư
10 ngày qua, tại tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Núi Thành, trên nhiều tuyến đường ở khu dân cư, trước cổng chợ huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Duy Xuyên… xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tự phát chất thành từng đống, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được thu gom, xử lý.
Việc người dân phản đối hoạt động của bãi rác Tam Xuân (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) đã làm cho tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt xảy ra ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam và ảnh hưởng tới hoạt động của các bãi rác khác.
Theo ghi nhận của phóng viên, 10 ngày qua, tại tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Núi Thành, trên nhiều tuyến đường ở khu dân cư, trước cổng chợ huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Duy Xuyên… xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tự phát chất thành từng đống, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được thu gom, xử lý.
Rác thải ùn ứ trên đường ở khối phố 4, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Ông Hà Văn Sơn, ở khối phố 4, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành cho biết: Ngay ngã ba giao giữa Quốc lộ 1A với đường đi xuống biển Tam Quang, tại dải phân cách là một đống rác thải lớn bị ứ đọng đã 7 ngày qua nhưng không được đưa đi xử lý. Lượng rác cũ tồn đọng nhiều cộng thêm rác mới phát sinh hàng ngày khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và gây mất mỹ quan đô thị.
Nguyên nhân của tình trạng ứ đọng rác ở huyện Núi Thành là bãi chôn lấp rác Tam Nghĩa đã hơn 10 ngày qua phải tạm dừng hoạt động. Trước đó, trung bình mỗi ngày bãi rác Tam Nghĩa tiếp nhận từ 20 – 30 chuyến xe rác được thu gom trên địa bàn huyện Núi Thành, tuy nhiên khi khu xử lý rác Tam Xuân bị người dân ngăn cản hoạt động, lượng rác về khu chôn lấp Tam Nghĩa tăng lên 35 – 40 chuyến. Lo ngại lượng rác từ nơi khác đổ về lớn, người dân sinh sống gần bãi rác Tam Nghĩa đã ngăn cản, buộc bãi rác phải dừng hoạt động. Qua thời gian vận động người dân, ngày 26/8, bãi rác Tam Nghĩa đã hoạt động trở lại, công nhân môi trường đang khẩn trương thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện Núi Thành.
Các địa phương khác như thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước vẫn chưa có hướng xử lý lượng rác tồn đọng do bãi rác Tam Xuân chưa hoạt động trở lại. Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền để các hộ dân chủ động phân loại rác và tìm nơi tập kết tạm thời trong thời gian chờ thu gom.
Video đang HOT
Bãi rác Tam Xuân nằm trên địa bàn xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành là một trong những bãi rác lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Bãi rác Tam Xuân có 2 hố chôn lấp, trong đó hố chôn rác số 1 đã được lấp đầy 60%. Cách đây khoảng 1 tháng, người dân địa phương đã phản đối hoạt động của bãi rác Tam Xuân do mùi hôi phát tán qua không khí làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con. Từ đó đến nay, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam bị ứ đọng lớn.
Ngày 26/8/2019, bãi rác Tam Nghĩa ở huyện Núi Thành (Quảng Nam), đã hoạt động trở lại sau nhiều ngày bị người dân phản đối.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam Nguyễn Thanh Dũng, việc một số người dân sinh sống gần bãi rác cản trở không cho xe chở rác vào bãi rác Tam Xuân và Tam Nghĩa thời gian qua đã khiến lượng rác ứ đọng khoảng 7.000m3. Nếu lượng rác này không được sớm xử lý sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Hiện nay công ty đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý mùi hôi từ hố chôn số 1 của bãi rác Tam Xuân, trong đó phun thường xuyên các chế phẩm sinh học, rải vôi, lấp đất để khử mùi. Hiện tại mùi hôi tại bãi rác này đã cơ bản được hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, người dân sinh sống gần bãi rác cần phối hợp, tạo điều kiện để Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam nhanh chóng khắc phục mùi hôi tại các hố chôn rác, để bãi rác Tam Xuân sớm hoạt động trở lại, xử lý kịp thời lượng rác tồn đọng hiện nay. UBND tỉnh cũng đồng ý cho Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam triển khai xây dựng lò đốt rác với công suất 240 tấn/ngày tại bãi rác Tam Xuân để dần thay thế công nghệ chôn lấp rác hiện nay.
Theo Bài và ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Quảng Nam: Thuê chuyên gia về tư vấn làm OCOP
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", nhiều địa phương ở Quảng Nam đã mời chuyên gia về tư vấn, hỗ trợ cách làm. Nhờ đó, dù mới triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhưng huyện Tiên Phước đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng.
Trong tổng số 27 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh Quảng Nam năm 2018 thì Tiên Phước có 4 sản phẩm đều đạt 4 sao.
Thuê chuyên gia về tư vấn cách làm
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, thực hiện Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP); Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018 theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện.
Huyện Tiên Phước được xem là thủ phủ của cây lòn bon mà xã Tiên Châu là địa phương có nhiều nhà vườn trồng lòn bon nhất và cũng là vùng đất có vị trái cây này ngon nhất.
"Để thực hiện hiệu quả Chương trình, huyện Tiên Phước đã ban hành Quyết định thành lập Ban điều hành và Tổ giúp việc Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, thành viên Ban điều hành, Tổ giúp việc; bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện. Hướng dẫn các xã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho BCĐ, BQL xây dựng NTM và cán bộ NTM xã..." - Ông Minh chia sẻ.
Tiêu Tiên Phước đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.
Theo ông Minh, đây là chương trình mới, UBND huyện đã mời PGS-TS Trần Văn Ơn - chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP, tổ chức tuyên truyền, quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng, nguyên tắc thực hiện và chu trình OCOP trong các cấp, ngành và các chủ thể sản xuất. Đặc biệt Phòng NN&PTNT đã tổ chức tuyên truyền cho 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tổ chức thành công "Phiên chợ xứ Tiên" lần 2, qua đó thực hiện việc trưng bày, chấm chọn các sản phẩm "tiền OCOP", đã chọn ra 39 sản phẩm "tiền OCOP" có tiềm năng để phát triển đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Điểm sáng thực hiện OCOP ở Quảng Nam
"Tiên Phước là huyện có thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và có thế mạnh về cây con đặc hữu như: gà ta thả vườn, heo bản địa và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Tiêu, Thanh trà - Tiên Hiệp; Lòn Bon - Tiên Châu; Măng cụt - Tiên Mỹ...
Vì vậy, năm 2018, huyện chọn 4 sản phẩm, gồm: Rượu lòn bon (HTX Nhật Linh), tiêu Tiên Phước (Công ty Sơn Tiến), tinh dầu sả, tinh dầu quế (HTX Nông Dược Xanh Tiên Phước) để tham gia thí điểm Chương trình. Kết quả trong tổng số 27 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh năm 2018; có 5 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh; trong đó riêng huyện Tiên Phước có 4 sản phẩm đều đạt 4 sao (tiêu Tiên Phước, tinh dầu quế, tinh dầu sả và rượu lòn bon)..., ông Minh phấn khởi nói.
Hiện nay trái lòn bon được sản xuất thành rượu và đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.
Theo ông Minh, để phát triển bền vững chương trình OCOP trong năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, khuyến khích các chủ thể đăng ký thực hiện 13 sản phẩm OCOP, như: dầu phụng, dầu me, nếp cái hương bầu, thanh trà, chuối ép.... của 11 chủ thể. Huyện phấn đấu cuối năm nay có thêm 9 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn thực hiện các mô hình chuyển đổi, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển cây con bản địa. Lồng ghép các nguồn vốn PTSX, hướng dẫn các xã xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chương trình OCOP, như: đậu phộng, tiêu, quế, sả, củ sam, cây ngãi,...Đặc biệt, gắn với Đề án kinh tế vườn, kinh tế trang trại mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng của huyện đang thực hiện là tiền đề để phát triển vùng nguyên liệu ổn định cho chương trình OCOP trong thời gian tới.
Theo Danviet
Hạn hán gay gắt ở các tỉnh Nam Trung Bộ Từ đầu vụ hè thu đến nay, các tỉnh khu vực NamTrung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, nguồn nước bị suy giảm nhanh, hàng chục nghìn héc-ta lúa hè thu bị chết. Các địa phương trong khu vực đang phải gồng mình chống hạn, cứu lúa. Nhiều chân ruộng ở phường Điện...