Quảng Nam quyết dời nhà máy thép lên núi
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo nhà máy thép đưa ra nhiều thông tin trấn an dư luận và mong được đồng thuận để xây nhà máy thép ở thượng du.
Chiều 13-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về dự án đầu tư Nhà máy Thép Việt Pháp của Công ty TNHH Thép Việt Pháp (gọi tắt là Công ty Việt Pháp) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Khu vực thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam dự định đặt nhà máy thép ngàn tỉ
Sử dụng công nghệ Trung Quốc
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, ngày 28-9, sở tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án trên và mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường tham gia. 9 thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.
Bà Hạnh khẳng định lượng nước sử dụng của nhà máy chưa đầy 20 m3/ngày, nước thải sản xuất không thải ra môi trường. Xỉ thép nhà máy thải ra không nhiều và xỉ thải không thuộc vào thành phần chất độc nguy hại.
TS Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng ĐTM dự án Nhà máy Luyện cán thép Việt Pháp, cho biết hội đồng đã thực hiện theo đúng quy định. Theo ông Thạch, người dân hạ du lo lắng là hoàn toàn đúng nhưng “lo lắng phải có cơ sở”. Dự án nào mà chẳng gây ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là nên xem xét dự án đó ảnh hưởng đến môi trường nằm trong giới hạn cho phép hay không.
Video đang HOT
Với công nghệ hiện tại, đo đạc thực tế thì nhà máy thép Việt Pháp bảo đảm theo các tiêu chuẩn của nhà nước. Nhà máy dự tính sử dụng công nghệ của Trung Quốc, ở mức trung bình khá của thế giới.
Né câu hỏi về trách nhiệm
Khẳng định nhà máy thép không gây ô nhiễm nguồn nước nhưng khi nhiều phóng viên đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sau này nhà máy gây ô nhiễm thì không có người nào đại diện phía chính quyền và nhà máy trả lời.
Khi phóng viên đặt giả định chính quyền TP Đà Nẵng không đồng ý về dự án này, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết 2 địa phương như “anh em”, có nghị quyết chung, trong một số vấn đề có tham khảo với nhau.
Bà Võ Thị Ngọc, đại diện Công ty Việt Pháp, cho rằng nhà máy sắp xây dựng ở Thạnh Mỹ sẽ có thiết bị tiên tiến hơn.
Được hỏi vì sao một nhà máy lớn như vậy nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng/năm, bà Ngọc cho biết đó là thời điểm công ty rơi vào khủng hoảng do không cạnh tranh nổi với thép Trung Quốc nhưng với tiềm lực lớn từ gia đình, hiện công ty bà đã gượng dậy. Bà Ngọc khẳng định công ty nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khẳng định ban đầu huyện cũng băn khoăn nhưng sau khi nghe phía công ty giải thích, lãnh đạo huyện đồng ý chủ trương cho xây nhà máy thép.
1,7 triệu dân sẽ ảnh hưởng? Theo ông Huỳnh Vạn Thắng – nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia dự án quản lý rủi ro thiên tai (WB5) TP Đà Nẵng, nguồn nước quan trọng nhất của Đà Nẵng là sông Vu Gia với 99% khối lượng nước. Hiện lưu lượng nước của sông Vu Gia đã ít đi do thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước chuyển về Thu Bồn phát điện. Ông Thắng cho rằng Quảng Nam nói nhà máy thép có công nghệ xử lý khói bụi nhưng khói bụi rất khó thu hồi 100%. Nếu đi vào hoạt động, nhà máy xảy ra ô nhiễm thì sẽ xử lý như thế nào. Nếu xả trực tiếp vào nước thì không được mà chôn lấp hay đưa vào hồ chứa thì Thạnh Mỹ là vùng cao, mạch nước ngầm trước sau gì cũng chảy về hạ lưu khiến khoảng 1,7 triệu dân ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng phải gánh chịu.
Theo Trần Thường (Người lao động)
Quảng Nam: Nhà máy thép đòi hỗ trợ 123,8 tỉ để di dời
Sai lầm khi cấp phép đầu tư quá gần khu dân cư, tỉnh Quảng Nam buộc phải di dời nhà máy thép nhưng phải bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Ngày 5-10, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam diễn ra vào hôm qua (4-10), việc UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương cho phép di dời, đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (thuộc Công ty TNHH Thép Việt Pháp, gọi tắt là Công ty Việt Pháp) ở huyện Nam Giang đã được nhắc đến.
Ông Cường cho hay đã chỉ đạo cho ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo về vấn đề này.
Quá khốn khổ vì ô nhiễm, người dân quanh nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông dựng lều phản đối vào cuối năm 2014
Cũng theo ông Cường, hiện UBND tỉnh Quảng Nam mới cho chủ trương đi khảo sát địa điểm chứ chưa có quyết định chính thức. "Việc xây dựng nhà máy này phải đánh giá môi trường cho kỹ, đừng có để tái phạm giống như bây giờ. Phải đánh giá kỹ môi trường không để lại hậu quả, không có vì dự án mà ảnh hưởng môi trường" - ông Cường nói.
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 4-10 của Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam, Công ty Việt Pháp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 180.000 tấn/năm (gấp 3,75 lần so với hiện tại) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Vào ngày 28-9, Sở TN-MT đã tổ chức thẩm định báo cáo ĐMT dự án trên và đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm tham gia thẩm định. "Ý kiến của các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện báo cáo ĐMT của dự án về các phương án giải phóng mặt bằng, phương án di dời dân, khảo sát nguồn nước cấp tại khe suối gần dự án" - báo cáo nêu.
Việc cấp phép đầu tư nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông được xem là sai lầm của tỉnh Quảng Nam
Theo báo cáo ngày 3-10 của Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nhà máy thép Việt Pháp (thuộc Công ty Việt Pháp) ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đi vào hoạt động từ năm 2012, được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm.
Thời gian qua, người dân xung quanh phản đối vì nhà máy gây ô nhiễm. Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản về kế hoạch di dời nhà máy này vào tháng 1-2015, thị xã Điện Bàn đã phối hợp với công ty khảo sát địa điểm di dời. Ban đầu dự định xây dựng ở huyện Đại Lộc nhưng sau đó đưa lên huyện Nam Giang, khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đáng chú ý, theo kế hoạch di dời, Công ty Việt Pháp đề nghị nhà nước hỗ trợ 123,85 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, giữa chính quyền tỉnh Quảng Nam và Công ty Việt Pháp thống nhất áp dụng Điểm C, Khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ để Công ty Việt Pháp được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Như vậy, nhà nước buộc phải chi tiền để bồi thường cho nhà máy thép với số tiền chắc chắn không phải nhỏ. Trong khi đó, số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam cho thấy công ty này đóng thuế khá "èo uột". Cụ thể, năm 2014, công ty này nộp ngân sách chỉ 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng.
Theo Tr.Thường (Người lao động)
Người làng Hoa lo nhà máy thép nghìn tỷ đến Trước việc Quảng Nam dự kiến chuyển nhà máy thép quy mô 180.000 tấn/năm đến thôn Hoa (huyện Nam Giang), nhiều người dân nơi đây lo lắng về môi trường và việc bồi thường tái định cư. Tỉnh Quảng Nam vừa đồng ý chủ trương cho Công ty Việt Pháp di dời nhà máy luyện cán thép từ Cụm Công nghiệp Thương Tín...