Quảng Nam: Lợn chết không được chôn lấp vì dân không… đóng tiền
Một số nơi, chính quyền cơ sở ở tỉnh Quảng Nam đã tự đặt ra khoản thu đối với người dân khi tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi, cụ thể là tại huyện Thăng Bình. Vì vậy, UBND huyện Thăng Bình đã có văn bản cấm thu bất cứ khoản tiền nào liên quan đến vấn đề này.
Ngày 30/7, nguồn tin từ văn phòng UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nắm bắt thông tin về việc một số địa phương trong quá trình tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi thu tiền của dân, ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện đã ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi.
Văn bản của UBND huyện Thăng Bình cấm thu tiền của người dân trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
UBND huyện Thăng Bình đề nghị các xã, thị trấn tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
UBND huyện Thăng Bình yêu cầu chính quyền cơ sở sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo huyện Thăng Bình đã chỉ đạo nhiều cơ quan đơn vị vào cuộc nghiêm túc phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số xã, thị trấn chưa thực hiện nghiêm túc các vấn đề về môi trường, vệ sinh và quy trình kỹ thuật… và cũng đã xảy ra chuyện thu tiền của người dân khi vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy.
Video đang HOT
Lợn chết được vứt tại các điểm nhưng không được chôn lấp do người dân không đóng tiền
UBND xã Bình Triều đã tự thu tiền người dân khi muốn tiêu hủy lợn bệnh dịch. Theo đó, lợn bị dịch tả châu Phi thì thông báo cho chính quyền đến đưa đi tiêu hủy, nhưng chính quyền lại bắt dân đóng tiền phí, với loại lợn từ vài chục cân đến dưới 100 kg thì nộp 200 ngàn đồng một con; lợn trên 100 cân thì nộp 300 ngàn đồng.
Theo phản ánh của người dân, nếu hộ dân có lợn nhiễm dịch tả châu Phi mà không đóng tiền thì tổ tiêu hủy không mang đi xử lý, nhiều hộ đành lén lút chở heo đi vứt lung tung bên ngoài.
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều thừa nhận có việc chính quyền thu tiền của hộ dân có heo bệnh khi tiêu hủy. Tổng cộng đến nay, xã này đã thu khoảng 125 triệu đồng của các hộ dân thuộc diện trên.
Xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Giải thích về việc này, vị Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho rằng, Nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người tham gia đội tiêu hủy lợn bệnh nên việc chính quyền thuê người vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó, để có tiền chi trả, chính quyền đã thu ứng trước của người dân.
“Cách làm này giúp nhanh chóng thu dọn lợn chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối. Sau khi Nhà nước chi trả thì xã sẽ dùng để trả lại cho người dân” – ông Ba nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam hiện dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 14 huyện, thị xã, TP và diễn biến rất phức tạp. Từ tháng 5 – 7/2019, lực lượng chức năng tiêu hủy trên 12 ngàn con với trọng lượng 600 tấn. Dịch bệnh tại tỉnh này chưa có dấu dừng lại, số lượng lợn tiêu hủy mỗi ngày rất lớn.
Theo Quảng Trân – Ngọc Phó (Báo Thanh tra)
Người chăn nuôi bức xúc vì lợn chết còn mất tiền tiêu hủy
Để có tiền chi trả cho lực lượng mang lợn chết do bị dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đi tiêu hủy, chính quyền xã Bình Triều (H. Thăng Bình, Quảng Nam) thu tiền của những hộ dân bị thiệt hại. Sự việc này đã gặp phải phản ứng từ người dân.
Một điểm tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Bình Triều và lợn dịch chết ở xã Bình An bị người dân vứt đầy dưới kênh mương.
Ngày 29-7, từ thông tin của người dân cho biết, những ngày qua họ bất bình trước việc khi có lợn chết do DTLCP, khi người dân thông báo lên chính quyền để đến đưa đi tiêu hủy thì họ phải đóng tiền. "Lợn loại từ vài chục ký đến dưới 100 ký thì tổ thu dọn xác lợn lấy 200 ngàn đồng/con; lợn trên 100 ký họ thu 300 ngàn đồng/1 con. Tôi thấy các xã lân cận khi lợn chết được lực lượng phòng chống dịch đến nhà cân trọng lượng và lập biên bản thống kê đưa đi tiêu hủy, không mất tiền. Còn tại xã chúng tôi, sau khi cân trọng lượng và ghi vào biên bản thì một con lợn chết phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng thì mới được chở đi tiêu hủy. Cụ thể gia đình tôi có 2 con lợn nái tổng trọng lượng gần 200kg bị mắc DTLCP. Khi cán bộ thú y đến, tôi phải đóng 500 ngàn đồng mới được chở đi tiêu hủy"- bà C., một người dân thôn 2, xã Bình Triều bức xúc phản ánh.
Còn anh Đ. cho biết thêm, gia đình anh có 2 con lợn trưởng thành nhưng đều đã chết. Khi biết lợn nhiễm DTLCP, gia đình anh đã báo thú y xã. Sau đó có người đến nhà cân lợn và lấy 200 ngàn đồng, gọi là tiền chở lợn đi tiêu hủy. Theo người dân địa phương, nếu chủ hộ nào không đóng tiền thì sau khi cân xong sẽ bị bỏ lại và người nhà phải chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp. Trước việc bị thu tiền, nhiều hộ dân có lợn chết sau khi cân xong không muốn bị mất tiền nên chở đến điểm chôn lấp rồi bỏ đấy.
Được biết, tại xã Bình Triều có hai điểm tiêu hủy lợn chết, chính quyền xã thuê xe múc hàng chục hố để chôn xác lợn. Ghi nhận tại đây có nhiều xác lợn vứt xuống hố nhưng không được lấp lại, bốc mùi hôi thối, có hố được lấp đất cát nhưng rất sơ sài. Trong khi đó, theo quy định khi lợn bị dịch tả thì báo cho chính quyền địa phương. Sau đó lực lượng chức năng của xã đến đưa đi tiêu hủy, những người tham gia công tác phòng chống dịch được tiền ngân sách chi trả theo ngày công.
Trước sự việc trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho rằng, việc đội tiêu hủy lợn dịch bệnh thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên Nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó mới có chuyện thu tiền của người dân để chi trả. "Chính quyền xã đang gặp khó khăn, bởi tiền chi trả cho những người tham gia thu gom chôn lấp xác động vật thấp hơn ngày công lao động nên xã thiếu người đi làm. Cách làm này (thu tiền của dân-P.V) giúp chúng tôi nhanh chóng thu dọn lợn chết đưa đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối. Hiện tại, đã thu tiền của dân khoảng 125 triệu đồng, sau khi có tiền Nhà nước chi trả vận chuyển lợn đi tiêu hủy sẽ dùng để trả lại cho người dân", ông Ba phân trần.
Cũng theo chính quyền xã Bình Triều, tính đến nay toàn xã đã tiêu hủy hơn 80 tấn lợn mắc dịch tả (chiếm 50% tổng đàn lợn toàn xã). Địa phương có Ban chỉ đạo chống DTLCP và 4 tổ tiêu hủy lợn nhiễm dịch ở 4 thôn, mỗi tổ 6 người. Điều đáng nói, ngoài xã Bình Triều, tại H. Thăng Bình còn có một số xã thu tiền của người dân để đưa xác lợn đi tiêu hủy khiến dư luận bức xúc.
Trước sự việc trên, ngay trong ngày 29-7, UBND H. Thăng Bình đã ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch. Theo đó, UBND H. Thăng Bình đề nghị các địa phương tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển của người dân có lợn mắc bệnh không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện; các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch. Văn bản cũng cho rằng một số địa phương trong huyện chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường; việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình kỹ thuật...
Cũng tại H. Thăng Bình, cách đây vài ngày chỉ trên một đoạn kênh mương chảy qua các thôn An Dưỡng, An Thái (xã Bình An) có rất nhiều xác lợn bị vứt xuống kênh trôi nổi bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc. Trong khi đó, vị trí xác lợn thối chỉ cách trụ sở UBND xã Bình An khoảng 500m, vị trí xa nhất tầm 2km... Được biết hiện trên địa bàn H. Thăng Bình đã xuất hiện DTLCP ở 22 xã, thị trấn và lây lan rất nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại, khối lượng lợn tiêu hủy rất lớn. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công điện gửi Huyện ủy, UBND H. Thăng Bình về việc nêu cao trách nhiệm, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là DTLCP.
BÃO BÌNH
Theo CADN
Tìm vaccine dịch tả lợn châu Phi: Thế giới thất bại, VN vẫn quyết làm Ngay khi bắt tay vào "săn" virus dịch tả lợn châu Phi phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng loại dịch bệnh này, các nhà khoa học của Việt Nam đã xác định, đây là việc không dễ, bởi thế giới đã từng làm và thất bại, rồi để nhiệm vụ này "ngủ quên" trong nhiều năm. Nhưng dù vậy,...