Quảng Nam: Lắp trạm quan trắc động đất
Để đáp ứng nhu cầu bức thiết ở địa phương trong việc sớm tìm hiểu nguyên nhân động đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) có kế hoạch tổ chức lắp đặt khẩn cấp mạng trạm quan trắc động đất xung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 muộn nhất vào đầu tháng 10/2012.
TS Nguyễn Xuân Anh Viện VLĐC cho biết, do tính cấp thiết của công việc, Viện VLĐC đã xin chủ trương của Viện Khoa học&Công nghệ VN đặt năm trạm quan trắc động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
Cụ thể, nhà trạm sẽ được xây dựng vào cuối tháng 9/2012, và việc lắp đặt sẽ được thực hiện vào đầu tháng 10.
Ông Anh cùng các nhà khoa học của Viện sẽ vào lắp đặt. “Chúng tôi đã khảo sát và chọn xong địa điểm, đã xác định xong sơ đồ vị trí đặt trạm. “Ngoài các máy địa chấn, chúng tôi sẽ cho lắp đặt thêm một số máy đo gia tốc để đo dao động nền” – TS Anh nói.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện VLĐC, có được máy gia tốc để đo gia tốc nền là rất cần thiết, vì đấy mới là số liệu mà dựa vào đó, người ta thực hiện mô tả các dấu hiệu phá hủy trên mặt đất mỗi khi xảy ra động đất theo các thang động đất.
Sơ đồ đới đứt gãy ở Bắc Trà My
Video đang HOT
Lâu nay, việc liên tục công bố các giá trị đo gia tốc do các máy đo gia tốc đặt ở các vị trí khác nhau của đập Thủy điện Sông Tranh mà không giải thích rõ dễ gây hiểu nhầm cho công chúng.
Các giá trị gia tốc đo được và công bố thời gian qua là phản ánh mức độ dao động các thành phần của đập khi xảy ra động đất, qua đó, đánh giá độ bền của đập hoặc khả năng chịu rung chấn của đập đối với động đất.
Nhưng nền đất, nơi có các công trình dân sinh và dân sinh sống, sẽ có gia tốc dao động (các nhà khoa học gọi là gia tốc dao động nền) khác và thấp hơn nhiều so với các giá trị đo gia tốc mặt đập hay vai đập.
Bản thân vai đập Sông Tranh 2, vị trí thấp nhất của đập đặt máy đo gia tốc, đã cao hơn nền đất tới 80 m, theo TS Lê Tử Sơn, Viện VLĐC.
Vẫn theo TS Sơn, các nhà chuyên môn của Viện VLĐC chọn được các máy quan trắc tốt nhất ở mức có thể trong điều kiện Viện VLĐC đang không có nguồn kinh phí bổ sung nào để mua máy mới.
“Kể cả có tiền mua máy mới, cũng mất không dưới nửa năm mới nhận được máy tính từ khi kinh phí được duyệt”, TS Sơn nói.
Một khi mạng trạm quan trắc được thiết lập ở thủy điện Sông Tranh 2, nhiều trận động đất ở đó sẽ được ghi lại với độ chính xác cao. Đấy sẽ là nguồn thông tin hữu ích để nhận định và phán đoán các trận động đất ở vùng này.
TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, Viện VLĐC cho rằng, đây cũng sẽ là mạng trạm quan trắc động đất địa phương đầu tiên ở khu vực Quảng Nam, được thiết lập cạnh mạng trạm địa chấn quốc gia.
Mời tiếp chuyên gia ngoại đánh giá động đất
Khoảng cuối năm nay, chuyên gia động đất từ nhiều nước khác nhau sẽ được mời tham gia khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, các chuyên gia động đất dự kiến mời có thể là các nhà khoa học đầu ngành lĩnh vực này đến từ các nước Nhật, Mỹ, Nga, Ý, Ba Lan.
Khoảng tháng 11/2012, sau khi tham dự kỷ niệm 25 năm thành lập Viện VLĐC và 55 năm ngành VLĐC Việt Nam, một vài trong số các nhà khoa học ấy sẽ được mời đến hiện trường Thủy điện Sông Tranh 2.
Tại đó, họ sẽ có các khảo sát cùng các nhà khoa học VN và đánh giá tình hình động đất ở đó trong mối quan hệ với công trình Thủy điện Sông Tranh 2.
Theo 24h
Người Quảng Nam kéo nhau đi trốn động đất
Qua 3 ngày khảo sát tình hình động đất tại Bắc Trà My, Quảng Nam nhưng đoàn cán bộ của Bộ KHCN vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận, ý kiến nào, càng làm cho người dân và chính quyền địa phương thêm lo lắng.
Ông Đinh Văn Doi (SN 1967, thôn 4, Trà Tân) vai vác bó mây vừa bứt về, nói: "Những ngày qua động đất khiến nhà tôi cứ lắc lư miết. Sợ nhà sập nên tôi vào rừng bứt vội chục mây về cột lại nhà cho chắc". Khi chúng tôi đến nhà ông Doi thì thấy vợ, con ông đang sắp xếp đồ đạc quần áo để "có chuyện gì thì xách chạy cho nhanh". Theo thông tin mới nhất từ chính quyền địa phương, ít nhất 40 hộ dân đã rời bỏ nhà để trốn động đất.
Tại xã Trà Bui - nơi có khu tái định cư dành cho bà con di dời để làm Thủy điện Sông Tranh 2, bên cạnh những ngôi nhà dự án được xây dựng kiên cố người dân vừa cất thêm những ngôi nhà sàn bằng tre nứa. Ông Hồ Văn Xuất (60 tuổi) ngồi trong ngôi nhà sàn bằng tre vừa dựng tạm, nói: "Nhà tôi cách đập thủy điện đến 30km vẫn liên tục nghe những tiếng nổ to, làm rung chuyển cả nhà. Tôi sợ nhà xây bị sập nên dựng tạm nhà sàn này để ở".
Đoàn của Bộ KHCN ghi nhận tại huyện Bắc Trà My
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trong 2 ngày 9 và 10/9 đã xác nhận thêm 2 trận động đất, với thời gian mỗi trận là 3 giây. Lãnh đạo huyện cũng cho hay sẽ kiến nghị với UBND tỉnh và Ban Quản lý Thủy điện 3, cho đại diện nhân dân trong vùng đi vào trong thân đập để chứng kiến việc khắc phục hoàn thành và an toàn tình trạng rò rỉ nước tại đây để người dân tin và an tâm sinh sống, sản xuất, học tập...
Trong một diễn biến khác, tại buổi họp báo của Bộ Công Thương chiều 10/9, xung quanh các phương án đối phó động đất đối với đập thủy điện sông Tranh 2, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó cục trưởng cục Kỹ thuật an toàn cho biết: "Cho đến thời điểm này, thủy điện sông Tranh 2 đã kết thúc xử lý chống thấm ngày 28/8. Bộ Công Thương cũng đã có công văn báo cáo Thủ tướng và xin được cấp nước trở lại cho thủy điện sông Tranh 2. Đến thời điểm có nhiều điểm đã giảm thấm đến 99,9%, nên thủy điện sông Tranh 2 có thể tích nước trở lại".
Ông Thanh cho biết thêm, sau hàng loạt vụ động đất xảy ra trên địa bàn Bắc Trà My, chiều 8/9, các chuyên gia hàng đầu của Viện Vật lý địa cầu và Viện địa chất đã đến vùng tâm chấn động đất là thuỷ điện Sông Tranh 2 để khảo sát tìm nguyên nhân. "Đến ngày 12/9 đoàn chuyên gia sẽ báo cáo kết quả khảo sát và chúng tôi sẽ tổ chức họp bàn ngay để lên phương án bảo vệ đập thủy điện trước những sự cố động đất"- ông Thanh cho biết.
Theo VNE
"TĐ Sông Tranh 2 đủ điều kiện vận hành" Trước các vụ động đất gần Thủy điện Sông Tranh 2, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây, đặc biệt là việc xử lý chống thấm thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, thời điểm này Sông Tranh 2 đã kết thúc xử lý chống thấm và Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ báo cáo...