Quảng Nam: Kinh hoàng với trận lũ quét giữa đêm khuya ‘quá nhanh, quá nguy hiểm’
Trận lũ quét trên núi đổ về ngay trong đêm khuya khiến nhiều tài sản của người dân vùng “rốn lũ” H.Đại Lộc ( Quảng Nam) bị cuốn trôi vì họ không kịp trở tay trước trận lũ quét bất ngờ…
“Quá nhanh, quá nguy hiểm”
Sau khi lũ rút, nhiều hộ dân ở vùng “rốn lũ” H.Đại Lộc (Quảng Nam) lo thu dọn đồ đạc cũng như gạt rửa lớp bùn non dày đặc.
Bà Phạm Thị Nớ nói về trận lũ quét đổ về trong đêm. ẢNH MẠNH CƯỜNG
Ngồi nhặt nhạnh một số tài sản bị lũ cuốn còn mắc vào bờ tường rào, bà Phạm Thị Nớ (66 tuổi, ở thôn An Tân, xã Đại Hưng, H.Đại Lộc) kể, thần khoảng 15 giờ ngày 14.10 mưa bắt đầu to, nước sông Vu Gia bắt đầu dâng cao. Nhưng đến khoảng 22 giờ cùng ngày, trận lũ quét trên núi bất ngờ đổ về mang theo hàng trăm khối đất đá tràn vào nhà dân.
“Trận lũ quét đổ về rất nhanh, chảy cuồn cuộn. Sống ở đây mấy chục năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến trận lũ quét lớn đến như vậy. Dù người dân ở đây đã quá quen với chuyện chạy lũ nhưng khi gặp trận lũ quét này thì không ai kịp trở tay”, bà Nớ nói.
Ông Nguyễn Minh Thắng (58 tuổi, ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) cũng xác nhận trận lũ đợt này rất lớn, lại lên nhanh.
Người dân dọn bùn non khi lũ rút. ẢNH MẠNH CƯỜNG
“Chúng tôi ở vùng “rốn lũ” nên mỗi lần mưa lớn cùng với thủy điện điều tiết, xả lũ là lại ngập sâu. Nhưng trận lũ đợt này, khi thủy điện Sông Kôn vừa thông báo xả lũ được khoảng vài giờ đồng hồ thì nước trên sông Vu Gia đã lên nhanh rồi tràn vào nhà. Nhiều tài sản bị ngập sâu, người dân không kịp kê lên cao”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, khi nước lũ tràn vào nhà và ngập quá nhanh, gần 2m nên người dân chỉ biết chạy lấy thân. Lũ rất mạnh, thậm chí nhiều trụ bê tông tường rào bị đánh gãy đôi.
“Lũ lên quá nhanh, quá nguy hiểm. Hôm nay, dù trời nắng ráo nhưng nước lũ rút chậm khiến nhiều nơi vẫn đang bị ngập sâu. Tranh thủ tạnh mưa, gia đình tôi dọn dẹp lại nhưng cũng đang lo nếu mưa tiếp thì cũng công cốc”, ông Thắng chia sẻ.
Xuất hiện ‘hố tử thần’ sâu hun hút trên Quốc lộ 14B sau mưa lịch sử
Nhà dân còn ngập sâu cả 1m
Gom xác những chú gà chết cóng đưa đi chôn để tránh ô nhiễm, ông Thái Văn Lân (48 tuổi, ở xã Đại Hưng) cho hay đợt mưa lũ này gia đình ông bị thiệt hại nặng nề.
Trụ bê tông bị đánh gãy đôi. ẢNH MẠNH CƯỜNG
“Ngoài một số tài sản bị ngập hư hỏng thì gần 100 con gà của tôi đang chuẩn bị xuất bán cũng bị nước lũ cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề”, anh Lân tiếc nuối.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trinh (53 tuổi, ở xã Đại Hưng) lo buồn trước cảnh nước rút quá chậm, nhà bà vẫn đang ngập sâu gần 1m.
Nước lũ trên sông Vu Gia lên cao nhưng đang rút rất chậm. ẢNH MẠNH CƯỜNG
“Vì sống trong vùng rốn lũ nên khi xây nhà vợ chồng tôi cũng đã nâng cao hơn để phòng nước tràn vô nhà. Trong xóm, nhà tôi nằm vị trí khá cao nhưng trận lũ khuya hôm qua (14.10) quá lớn, nước tràn vào nhà làm 20 bao lúa bị ngập, hư hỏng hết”, bà Trinh nói.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho biết hiện nước lũ trên sông Vu Gia đang xuống chậm. Vùng bờ sông đang bị ngập sâu, có nơi sâu 1m. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực 24/24 tại những điểm ngập sâu, nước chảy xiết cũng như khu vực sạt lở để giám sát, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân.
Mưa lớn kéo dài ở Quảng Nam, 2 người mất tích khi bơi qua sông
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 9 đến sáng 10/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to, có nơi đến rất to.
Mực nước trên các sông đang lên, có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Cụ thể, trên sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) ở mức trên báo động báo động II, trên sông Thu Bồn (thành phố Hội An) ở mức báo động I, trên sông Tam Kỳ (thành phố Tam Kỳ) ở mức báo động I.
Chính quyền xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước đã dựng rào chắn không cho người và phương tiện cố tình qua lại trên những đoạn đường bị ngập nước. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Mực nước các sông lên cao, gió mạnh đã dẫn đến một vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Vào lúc 16 giờ ngày 9/10, anh Hồ Văn T. (37 tuổi) cõng chị Hồ Thị D. (28 tuổi), cả 2 cùng trú thôn 1, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bơi qua sông Nước Na (đoạn chảy qua xã Trà Cang giáp ranh với xã Trà Nam thuộc huyện Nam Trà My). Khi anh T. và chị D. bơi ra giữa sông Nước Na thì bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích. Nhận được thông tin, chính quyền xã Trà Cang cùng Công an huyện Nam Trà My khẩn trương có mặt tại hiện trường tổ chức tìm kiếm các nạn nhân.
Lãnh đạo xã Trà Cang cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã trời mưa to, địa hình phức tạp và xa dân cư nên công tác tìm kiếm các nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Do đó, chính quyền xã đang phối hợp với cán bộ ở các Nhà máy Thủy điện Trà Linh 1, 2 và 3 và các lực lượng chức năng nắm thông tin, hỗ trợ tìm kiếm tại các đầu đập ở trên sông Nước Na.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các địa phương miền núi. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các địa phương khẩn trương phối hợp với với các lực lượng rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với các chủ tàu, chủ thuyền,... nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương chủ động nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ.
Đặc biệt, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn các địa phương duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục...
Mưa lớn ở Trung Bộ còn tiếp diễn, Thủ tướng yêu cầu rà soát, chủ động sơ tán dân Trước dự báo mưa lớn còn tiếp diễn trong tối nay (10-10) và ngày mai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương tuyệt đối không được chủ quan, rà soát và chủ động sơ tán dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Mưa lớn gây ngập lụt tại Quảng Nam...