Quảng Nam dời di tích Chăm để làm đường cao tốc
Khu vực 3.000 m2 đã khai quật trong tổng số 3.800 m2 thuộc quần thể kiến trúc Chăm sẽ được bàn giao cho đơn vị thi công vào cuối tháng 8 sau khi dời toàn bộ hiện vật.
Theo nhà chức trách, do vị trí di tích nằm giữa và quá gần với cửa hầm xuyên qua núi nên phải di dời. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày 10/8, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật và góp ý phương án bảo tồn di tích Triền Tranh (xã Duy Trinh, Duy Xuyên). Sau hội nghị, các đơn vị liên quan đã thống nhất phương án dời toàn bộ di tích này để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Theo đó, khu vực 3.000 m2 đã khai quật được trong tổng số 3.800 m2 thuộc quần thể kiến trúc Chăm sẽ được bàn giao cho đơn vị thi công vào cuối tháng 8 sau khi dời toàn bộ hiện vật. 800 m2 còn lại cũng sẽ được Viện Khảo cổ học xin phép Bộ Văn hóa tiếp tục khai quật, xử lý để sớm bàn giao mặt bằng.
Theo lý giải của nhà chức trách, do vị trí phát lộ di tích nằm giữa khu vực cửa hầm xuyên qua núi thuộc đường cao tốc, không thể tránh khỏi việc xâm phạm và phá hủy một phần di tích. “Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu bao giờ cũng muốn giữ lại di tích. Với Triền Tranh, chúng tôi rất tiếc vì không phải nơi nào cũng phát lộ di tích như thế. Chuyện di dời là bất khả kháng, tuy nhiên công tác bảo tồn cũng cần phải hài hòa, tính đến yêu cầu phục vụ phát triển đất nước”, ông Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam, nói.
Về phương án bảo tồn hiện vật, các chuyên gia sẽ lập hệ thống bản ảnh, bản dập hoa văn và thông tin mô tả để lưu lại bằng phương pháp 3D. Khi có điều kiện nghiên cứu tổng thể di tích Triền Tranh, hệ thống này sẽ khớp nối dữ liệu và thực hiện phục dựng mô hình di tích. Toàn bộ hiện vật kiến trúc như gạch, ngói, đá sẽ được lấy lên khỏi lòng đất, chỉnh lý, phân loại, lập hồ sơ khoa học và bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam. Hai đoạn di tích tường thành được cắt nguyên khối để đưa về Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa.
Video đang HOT
Các hiện vật từ di tích này sẽ được đưa lên khỏi lòng đất mang về Bảo tàng Quảng Nam để sớm bàn giao mặt bằng làm đường cao tốc. Ảnh: Tiến Hùng.
Trước đó khoảng tháng 8/2014, hệ thống kiến trúc nằm sâu dưới lòng đất được các công nhân thi công đường cao tốc phát lộ khi đang san lấp mặt bằng. Sau khi khai quật, Viện Khảo cổ học nhận định đây là kiến trúc Chăm có niên đại vào khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 12, là nơi tập giảng kinh có quy mô lớn và được sử dụng trong thời gian dài của Vương quốc Chămpa (tồn tại từ năm 192 đến 1832). Hằng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, vua sẽ triệu tập giới tăng lữ về đây giảng kinh sách, luyện các nghi lễ thờ cúng….
Ông Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), người giữ vai trò Trưởng ban cố vấn khoa học trong quá trình khai quật di tích Triền Tranh, cho biết nhiều thành phần kiến trúc gồm: hệ thống tường bao cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam) là những hiện vật lần đầu tiên được phát hiện. Đặc biệt, sự phát lộ của kiến trúc chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính rất quý giá, giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ….
Cũng theo sự phán đoán của các nhà khảo cổ, sự biến mất của cụm di tích này vào khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 khả năng liên quan đến cuộc chiến tranh giữa người Chămpa và người Khmer.
Tiến Hùng
Theo VNE
Phát hiện cổ vật nghìn năm khi làm ruộng
Trong lúc cuốc đất trồng lúa ở khu vực La Thành thành nhà Hồ, một nông dân Thanh Hóa đào được nhiều bình gốm, bát đĩa được cho là có niên đại từ thế kỷ 10.
Ngày 24/6, Trung tâm bảo tồn Di sản thành nhà Hồ cho biết, một nông dân địa phương bất ngờ phát hiện nhiều hiện vật cổ có niên đại cả nghìn năm. Địa điểm phát hiện cách thành nhà Hồ hơn một km về phía đông nam, liền kề với hệ thống La thành được xây dựng dưới thời nhà Hồ.
Hai chiếc vò sành cổ còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Văn Long.
Những hiện vật gồm nhiều chất liệu trong đó có đồ gốm sứ, sắt, đá quý, xương... trong đó có những chiếc vò sành cao 25-33 cm, cổ ngắn, miệng hơi loe, vai phình, thân thon nhỏ dần về đáy, đường kính miệng rộng 17-19 cm, đường kính đáy 19-21 cm. Quanh chân cổ vò có bốn quai bố trí đều nhau, thân được vẽ trang trí hai đường chỉ chìm chạy song song.
Một số vật dụng như bát, đĩa chiếm số lượng khá lớn trong tổng số hàng trăm hiện vật được tìm thấy phần lớn được tráng men, chân đế để mộc, nhiều chiếc có đường kính miệng rộng tới 20 cm. Lòng bát còn các dấu con kê để lại trong quá trình nung gốm. Theo các nhà khoa học, những chiếc bát này được dùng để đậy úp lên trên các vò sành.
Người dân còn phát hiện một số mảnh gốm cổ Đông Sơn, có niên đại cách đây hơn nghìn năm, trang trí hoa văn dạng thừng hoặc hoa văn ô trám và những mảnh đá quý (loại đá mã não đỏ).
Số đồ cổ nằm sâu dưới lòng đất. Ảnh: Văn Long.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đây là những sản phẩm gốm sứ của người Việt có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10, trong buổi đầu thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước, dưới hai vương triều Đinh - Tiền Lê. Những hiện vật tương tự đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật di tích Chùa Bà Tấm (Gia Lâm - Hà Nội), Vĩnh Phúc,.. bên dưới lớp kiến trúc Lý - Trần.
Hiện được Trung tâm bảo tồn Di sản thành nhà Hồ đưa về chỉnh lý, bảo quản để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.
Lê Hoàng
Theo VNE
Phát hiện nhiều di vật cổ trong vùng đệm di sản thành nhà Hồ Ngày 25.5, TS Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định cho phép trung tâm tiến hành khai quật, thám sát di chỉ khảo cổ vừa phát lộ tại khu vực núi Xuân Đài (xã Vĩnh Ninh, H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cách thành nhà Hồ...