Quảng Nam: Đào được hơn 4,5 tấn vàng
Khai thác tại hai mỏ vàng lớn Bồng Miêu (Tam lãnh, huyện Phú Ninh) và mỏ vàng Đắk Sa, (Phước Đức, huyện Phước Sơn), Quảng Nam đã khai thác hơn 4,564 tấn vàng và 1,671 tấn bạc…
Đây là hai mỏ vàng được cho là lớn nhất Việt Nam đã được cấp phép liên doanh với nước ngoài tổ chức khai thác tại.
Qua hơn 8 năm, hai công ty đã khai thác hơn 4,564 tấn vàng và 1,6 tấn bạc. Trong đó mỏ vàng Bồng Miêu đã khai thác hơn 1,793 tấn vàng và 671 kg bạc. Mỏ vàng Đắk Sa huyện Phước Sơn khai thác hơn 2,771 tấn vàng và hơn 1 tấn bạc.
Với hơn 4,564 tấn vàng được khai thác, nhưng tỉnh Quảng Nam chỉ thu được hơn 162 tỷ đồng Việt Nam tiền thuế tài nguyên và các nguồn thu nộp ngân sách khác do hai công ty khai thác này nộp.
Một khối vàng nặng hơn 5 kg được khai thác tại mỏ Đắk Sa, Phước Sơn, Quảng Nam
Tại buổi làm việc với Công ty vàng Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, sản lượng vàng khai thác được tại Quảng Nam khi cấp giấy phép khai thác là xuất khẩu 100%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu xem xét chế biến sâu vàng và tiêu thụ trong nước để tăng thêm nguồn thu cho quốc gia và ngân sách địa phương.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc giải quyết khai thác vàng trái phép diễn ra hết sức phức tạp, hiện chính quyền địa phương vẫn chưa thể ngăn chặn được gây thất thoát lớn đến tài nguyên khoáng sản vàng.
Tỉnh Quảng Nam được xem là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản. Trong đó khoáng sản vàng được cho là lớn nhất toàn quốc. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên khoáng sản quí hiếm này đã bị khai thác trái phép gây thất thoát lớn trong hơn 20 năm qua.
Việc khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhiều năm đã gây tác động xấu đến môi trường vùng đầu nguồn. Nhất là ô nhiễm nguồn nước và rừng bị tàn phá nghiêm trọng.
Theo 24h
Những cư dân trong đường hầm chết
Những trụ đá chống hầm còn sót lại trong hầm vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đang trở thành "mỏ vàng" mới cho dân đào vàng, bất chấp hiểm nguy rình rập.
Một đoạn hầm hun hút ở Bồng Miêu - Ảnh: TẤN VŨ
Đã hàng trăm năm qua đi nhưng những cư dân ở miền sơn cước Bồng Miêu này chưa bao giờ đặt tên cho chính những ngọn đồi trên quê hương họ. Bởi những cái tên cụt ngủn, ngắn gọn và rất công nghiệp: AM, AD1, AD2, ADZ, lò 5, lò 6, lò 7, lò 10 đã được người Pháp gắn trên bản đồ hơn 100 năm trước. Và bây giờ những cái lò cũ kỹ ấy đang là kế mưu sinh của rất nhiều người khi những trụ đá chống lò đang được đánh sập để tìm vàng sót lại.
Định cư trong lòng núi
Lò số 7, đồi AD1 nằm phía trong khu hành chính của Nhà máy vàng Bồng Miêu ở Phú Ninh là ngọn đồi gần nhất, lâu đời nhất, sâu nhất. Trần Văn Quang, một bảo vệ của nhà máy dẫn đoàn người thị sát đường hầm, dừng lại giải thích: "Rừng ở đây lâu ngày rồi không nghe thấy chim kêu. Không một con vật nào có thể sống nổi với tiếng nổ ầm ầm rung chuyển trong lòng núi được. Nhìn bên ngoài vắng vẻ nhưng trong lòng núi là cả một quần thể sản xuất vàng với hàng trăm người trong lòng đất...".
Quang dẫn chúng tôi đến miệng hầm chính của lò số 7, nơi một tảng bêtông hình tròn khoảng 10m2, dày trên 3m, trám kín miệng hầm lò. Nhưng một ngách nhỏ vừa đủ thân người lọt qua được người dân khoét để thâm nhập vào trong. Quang lắc đầu: "Cái lỗ chút xíu vậy đó mà lúc cao điểm có đến 200 người chui vào đấy mang theo máy móc, gạo thóc, định cư luôn trong đó để làm vàng...". Kề tai vào sát miệng hang chỉ nghe những tiếng vo ve, những âm thanh hỗn độn phát ra cùng hơi ngạt. Quang tiết lộ các điểm đào vàng đều nằm rất sâu trong hầm, nơi gần nhất cũng đến 5km nên sẽ không nghe được gì trừ khi đánh mìn. Có hôm mìn nổ hầm nhưng ở đây chỉ nghe tiếng bing-boong như hòn đá ném giếng sâu.
Thượng tá Lê Hoài Nam, phó trưởng Công an huyện Phú Ninh, cho hay ngày 13-4 công an huyện vừa đẩy đuổi 120 người khai thác vàng trái phép ra khỏi các đồi AM, AD1, AD2, lò 5, lò 6, lò 7. Công an phá 26 lán trại, 8 máy nổ, 8 cối xay, 2 máy dynamo, 3 máy bơm nước, 3 bình chứa khí, 1.500m dây ống nước và 12 thùng hóa chất các loại để chiết tách lấy vàng. Nói về tình hình khai thác vàng trái phép tại các hầm lò, thượng tá Nam chia sẻ: "Truy quét, đẩy đuổi nhưng chỉ được một ít trong các hầm lò dài. Chúng tôi đã chốt chặn không cho tiếp ứng lương thực, thực phẩm vào lò nhưng rất khó vì người ngoài địa phương và họ lén đi đường núi. Bảo đưa lực lượng vào sâu trong các đường hầm dài hàng chục kilômet như vậy làm sao được...".
Vừa lôi bao đá ra khỏi miệng hầm, kéo vạt áo dính đầy đất quệt mồ hôi trán, phu vàng Nguyễn Văn Son xin điếu thuốc châm lửa rồi rít thật sâu nhả khói thều thào. "Hôm nay đá kêu nên em "trở" (rút lui - PV) sớm! Ớn quá, sập lúc nào không hay!" - Son nói. Tốp của Son có bảy người, đều lần lượt rút quân ra khỏi hang núi. Son tiết lộ: "Dân hầm mỏ sợ nhất là nghe tiếng đá trở mình kêu rắc rắc. Sợ nữa là bị ngủ vùi rồi chết luôn trong hầm vì đụng phải hơi độc. Bạn em chết ở bãi vàng Phước Sơn nhiều lắm! Năm 2010 ở lò thượng 1, gần đồi Peric em đang đào hầm bỗng nghe đá kêu như tiếng ai xé vải. Một vài cục đá nhỏ rơi trúng vai. Báo động anh em cùng chạy, hơn 70 người vừa chui ra khỏi hang đá, ngọn núi đổ nhào... Đồi Peric suýt thành khu mồ tập thể".
Hiểm nguy chực chờ
Hơn 20 năm chung sống với đất vàng Bồng Miêu, ông Võ Văn Hùng - giám sát an ninh tại khu đồi D1 - đánh giá rằng kỹ thuật đánh mìn của cư dân làm vàng ở địa phương này thuộc hàng siêu đẳng. Chuyện tưởng chỉ thấy có trong phim nhưng các phu vàng lại thực hiện thành công. Những miệng hầm khi đã khai thác xong, các chủ đầu tư thường dùng khóa loại lớn khóa bởi các cánh cửa sắt hàn lại rất kỹ. Nhưng những phu vàng chỉ cần nhồi một ít thuốc nổ loại dẻo, tùy theo loại khóa to, nhỏ, dày, mỏng mà lượng thuốc dính vào ổ khóa khác nhau. Sau khi kích nổ, ổ khóa bị xé ngang mà cánh cửa không rớt.
Ông Hùng là người dẫn các đội tuần tra, công an huyện, tỉnh truy quét, khảo sát các đường hầm trước mùa mưa bão. Máy nổ, máy bơm, máy khoan... không thiếu một thứ gì trong các hầm lò cũ để khai thác vàng. Nhưng nguy hiểm nhất mà ai cũng thấy rõ, đó là sinh mạng của hàng trăm người dân có thể bị núi vùi bất cứ lúc nào. Khi người Pháp khai thác, đến bây giờ các công ty làm cũng vậy, các chuyên gia thường để lại các trụ bằng đá to khoảng 5-8 người ôm, cao 5-7m làm cột chống đường hầm. Cứ khoảng vài chục mét có một trụ đá tự nhiên chống đỡ như vậy. Đá rất cứng. Tác dụng của nó là để nâng quả đồi khi các vỉa đá đã bị đào rỗng ruột. Thi thoảng để đảm bảo độ bền của lớp đất đá, người ta còn khoan một mũi khoan lớn xuyên từ mặt đất xuống tầng hầm rồi kẹp vào đó những cây thép rất to để giữ đất, đá khỏi tụt hoặc sụp. Thế nhưng từ khi các cửa hầm bị loại bỏ, các cư dân quanh vùng vào đây đào, đánh mìn ngay các trụ đá chống đỡ này để lấy đá đào vàng.
Hơn 20 năm sống ở đất vàng, ông Hùng chứng kiến từng cái chết nhói lòng trong các hố hầm sâu thẳm. "Mới đây nhất tại Thác Trắng, thằng Tấn quê Tiên Phước bị đất đá chôn vùi khi không kịp chạy ra khỏi hầm. Hắn chết khi làm vàng ban đêm nhưng nhiều giờ sau mới đưa thi thể ra được. Núi đá đè kinh lắm!" - ông Hùng kể.
Để đánh ra một lượng đá vừa đủ cõng mà không bị ngạt hoặc bị khí ép, tất cả phu vàng ở đây đều thành thạo và nhanh nhẹn như sóc. Phu vàng Nguyễn Văn Son thuộc đẳng cấp khác trong hàng trăm phu vàng tại đây, Son kể: "Trong hầm tối chạy xa rất khó, tùy theo trụ đá to nhỏ mà mình nhồi thuốc vào kíp nổ. Tốp em có bảy người, em khoan vào trụ chừng 40cm, khoan xéo theo vỉa đá, nhét vào đó 2 lạng thuốc kích nổ, cho ra vừa đúng bảy bao lác đá có vàng. Một trụ chống như vậy cho từ 40-50 tấn đá".
Các phu vàng tự đào cho mình một hầm trú ẩn gần đó, khi châm dây cháy chậm xong nhanh như chớp chui vào hầm trú, ngồi co ro, xoay lưng lại hướng nổ bịt tai và chờ nổ. "Sợ nhất là những tốp đánh mìn sát lưng mình mà mình không biết. Trong hầm này có hàng chục tốp từ 7-10 người mạnh ai nấy đánh. Có những buổi trưa hơn 15 vụ nổ làm núi rung bần bật. Có những lần va chạm ngay với các đường hầm của nhà máy đang khai thác. Ở đó họ đánh mìn công nghiệp mỗi lần cả trăm ký. Nghe còi báo động mà không chạy kịp là tiêu" - Son kể lại.
Nhìn những dòng người vào ra trong hầm ngày đêm không dứt, ông Hùng bảo vệ nói trong âu lo: "Rồi một ngày tất cả cột chống trong hầm đứt hết chân như căn nhà mất cột. Trái núi hàng triệu triệu khối đất đá đè xuống và hàng trăm người trong đó... Nghĩ đến thôi, tôi cũng không dám nghĩ".
Theo Tuổi Trẻ
Móc lòng sông, ruộng lúa tìm vàng Gần một tháng qua, trên sông Trường, đoạn chảy qua thôn Trà Suông, xã Trà Quân (H.Tây Trà, Quảng Ngãi), nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép đã diễn ra công khai. Các "đầu nậu" vàng sử dụng cả phương tiện cơ giới hạng nặng để móc lòng sông (ảnh), thậm chí cả ruộng lúa của nông dân địa phương để tìm...