Quảng Nam: Đại Thắng đang “thắng” nhờ lòng dân đồng thuận
Đại Thắng là một trong những xã của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2017. Lộ trình đưa Đại Thắng trở thành xã NTM còn rất ngắn, nhưng khối lượng công việc còn lại phải làm khá nhiều, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất lớn và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân…
Đất anh hùng chuyển mình mạnh mẽ
Chúng tôi về xã Đại Thắng anh hùng, dọc 2 bên đường là những hàng quán mọc đông đúc, những căn nhà ngói đỏ san sát, giao thông nông thôn phát triển, hệ thống trường, lớp, bưu điện văn hóa, trạm y tế… đều được xây dựng khang trang.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người dân Đại Thắng luôn đoàn kết đấu tranh, góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng quê hương và thống nhất đất nước. Ông Trần Công Phụng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, ngay sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân xã Đại Thắng đã nhanh chóng bắt tay vào việc tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa để phát triển sản xuất ổn định đời sống của nhân dân. Hiện nay, xã Đại Thắng tiếp tục phát huy thế mạnh nội lực, tự tin vững bước phát triển đi lên để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Hiện nay, các trục đường chính của xã Đại Thắng và liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa.ảnh:T.H
“Với sự vào cuộc quyết liệt và sự đóng góp tích cực của người dân, diện mạo nông thôn xã Đại Thắng đã thực sự đổi thay từng ngày. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng khang trang và sạch đẹp, văn minh hơn. Đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi đã dần thay thế cho những con đường đất lầy lội, chật hẹp trước đây… Các trục đường chính của xã và liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 18.938m (chiếm trên 95%), có nền rộng từ 4m trở lên. Trục đường thôn, đã bê tông hóa được 11.150m/12.338m, đạt 90,37%. Về thủy lợi đã bê tông hóa trên 8.014m. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 100%” – Ông Phụng phấn khởi nói.
Đặc biệt, đến nay, xã đã có các Trường THCS Lý Tự Trọng, Tiểu học Đoàn Quý Phi, Trường Mầm non đều đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 98,99%. Tổng số lao động trong độ tuổi là 6.673, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 6.190 lao động, đạt 92,76%…
Trưởng thôn Phú Thuận là ông Nguyễn Hữu Thanh phấn khởi chia sẻ, kể từ khi triển khai xây dựng NTM, bà con trong thôn ai cũng hào hứng. Nhất là khi đường sá được mở rộng thuận tiện cho giao thương hơn, bà con càng phấn khởi. “Ai cũng bảo nếu được thế thì việc hiến vài mét đất, đốn ít cây trồng, tham gia các ngày công lao động cũng chẳng là gì” – ông Thanh nói.
Đời sống nâng lên
Trên chặng đường “nước rút”, Đại Thắng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND xã -ông Trần Công Phụng khẳng định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng NTM. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, Đảng ủy, UBND xã chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó đã tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Đại Thắng đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình, đề án làm ăn có hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi diện tích trồng lúa nước sang trồng cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích từ 150 – 200ha/năm trên các cánh đồng thôn Bình Tây, Bình Đông, Phú An, Xuân Nam, Phú Long và Phú Thuận; sản xuất lúa chất lượng cao từ 50 ha/năm trên tất cả diện tích đất lúa còn lại trong xã. Tăng diện tích chuyên sản xuất các loại cây ớt lai, đậu phụng… và các loại cây ngắn ngày khác cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời thành lập tổ hợp tác rau, củ, quả an toàn Đại Thắng. Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng đang hoạt động có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay HTX đang liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa giống trên 150ha…
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Công Phụng cho biết thêm, thời gian qua địa phương đã tập trung phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, chủ động tạo nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển, nhất là phát triển các ngành nghề có lợi thế về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở địa phương như: May mặc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Đồng thời, phát triển, mở rộng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn như: đan lưới nuôi trai, mộc dân dụng, chế biến nông sản… để từ đó xây dựng mô hình mỗi thôn một nghề nhằm giải quyết việc làm cho nhân dân, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động dịch vụ, ngành nghề để tăng thu nhập.
Nhờ có những mục tiêu và đính hướng phát triển đúng, hiệu quả đã giúp cho thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Hiện nay Đại Thắng chỉ còn 75 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,86%, (so với quy định 7% xã đạt tiêu chí NTM), thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 đạt 27 triệu đồng.
Tăng tốc về đích
Tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Đại Thắng:
18.938m đường trục chính của xã và liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa (chiếm trên 95%).
8/014m kênh mương thủy lợi được bê tông hóa.
100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên.
92,7% là tỷ lệ lao động của xã có việc làm thường xuyên.
75 là số hộ nghèo còn lại (chiếm 3,86%).
27 triệu đồng là thu nhập bình quân đầu người năm 2016.
Theo ông Phụng, đến nay xã Đại Thắng đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM. Còn lại 5 tiêu chí xã sẽ cố gắng hoàn thiện trong năm nay gồm: Cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, y tế, giao thông và tiêu chí về chợ. Xã đã xây dựng lộ trình đầu tư hoàn thiện các tiêu chí này để phấn đấu đến cuối 2017 được công nhận xã NTM.
Để làm được điều nay, UBND xã đã tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ ban chỉ đạo, ban quản lý phụ trách từng tiêu chí, có kế hoạch phối hợp phân kỳ cụ thể theo tháng, quý thực hiện từng tiêu chí, rà soát các tiêu chí đạt và chưa đạt để tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức thi công các công trình sau khi có phân bổ nguồn vốn của cấp trên… Trên chặng đường “nước rút”, Đại Thắng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của mình trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế – xã hội, hình thành cánh đồng tập trung, liên kết trong sản xuất bao tiêu nông sản cho nông dân…
“Để xây dựng xã Đại Thắng đạt chuẩn theo đúng lộ trình, ngoài sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, điều quan trọng nhất là phải được nhân dân đồng tình ủng hộ, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân. Nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt của người dân là mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM” – ông Phụng nói. /.
Theo Danviet
Cải tạo nghĩa trang liệt sĩ bằng cách... san phẳng phần mộ
Rất nhiều người có thân nhân đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) rất bức xúc trước việc một đơn vị thi công làm ăn cẩu thả, san phẳng hết các phần mộ để tiến hành cải tạo.
Sáng 20/6, bà Nguyễn Thị Thùy tất tả chạy xe máy từ Đà Nẵng về quê và ghé nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang để thăm phần mộ của mẹ bà đang nằm ở đây, và rất bất ngờ khi thấy phần mộ của mẹ bà đã bị đơn vị thi công san phẳng.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Quang, huyện Đại Lộc hiện đang được cải tạo, sửa chữa.
Bới lớp cát vừa được lấp lại sơ sài, bà yên tâm phần nào khi phần ở dưới không bị ảnh hưởng gì. Bà cho biết, hôm qua bà có nghe người dân báo xã Đại Quang có tổ chức cải tạo, chỉnh trang lại nghĩa trang liệt sĩ nhưng bà là người có thân nhân được chôn cất tại đây mà không được nghe thông báo.
Còn ông Lê Bê có phần mộ cha cũng đang được chôn cất tại đây, sáng ngày 20/6 cũng đến nghĩa trang xem khi nghe tin báo đơn vị thi công tự ý san phẳng phần mộ xúc đổ ra ngoài bờ tường, múc luôn cả bát hương, tấm bia.
Bà Thùy đang kiểm tra phần hài cốt của thân nhân sau khi phần mộ ở trên bị san phẳng
Ông Bê bức xúc: "Không biết xã và đơn vị thi công làm ăn kiểu gì, không họp dân, không thông báo mà tự ý cải tạo rồi múc luôn phần nấm mộ cùng bia và nồi hương đổ ra ngoài bờ rào...".
Theo những người dân có thân nhân được chôn cất ở nghĩa trang cho biết, những phần mộ có hài cốt âm dưới mặt đất khi đơn vị thi công có thể không ảnh hưởng nhưng nhiều ngôi mộ có hài cốt nổi lên trên chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng.
Bà Thùy, ông Bê trao đổi với PV
Để tìm hiểu vụ việc, sáng 20/9, PV Dân trí đến trụ sở xã Đại Quang gặp lãnh đạo để trao đổi nhưng từ Bí thư đến Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch xã đều đi vắng; hỏi thăm cán bộ xã thì được biết, tất cả lãnh đạo đã đi họp ở huyện.
Sau khi xin số của Chủ tịch xã là ông Đoàn Tám để gọi xin cuộc hẹn nhưng điện thoại ông Tám tắt máy, không liên lạc được.
Đống xà bần, nồi hương... bị đơn vị thi công đổ ra ngoài hàng rào nghĩa trang
Trong sáng 20/6, PV đã gặp và trao đổi với bà Võ Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc về vụ việc. Bà Nhung cho biết, sau khi đơn vị thi công tiến hành san ủi hết các nấm mộ và mang đổ ra ngoài, cũng đã có một số gia đình đến kiểm tra phần hài cốt ở dưới nhưng chưa có vấn đề gì.
Bà Nhung cho hay, việc cải tạo nghĩa trang liệt sĩ Đại Quang có trong đề án nâng cấp, sửa chữa của huyện Đại Lộc với kinh phí hơn 1 tỉ đồng, trong đó có nâng cấp phần mộ. Nghĩa trang liệt sĩ xã hiện có 206 mộ, trong đó có 91 mộ vô danh, 115 mộ có tên.
"Chủ trương làm là đúng nhưng cách làm của xã (chủ đầu tư) chưa đúng, xã không thông báo cho gia đình biết để phối hợp cùng làm, cùng biết nâng cấp đến mức độ nào; xã cũng không nên thi công hàng loạt", bà Nhung nói.
Trưa ngày 20/6, PV đã trao đổi với ông Trần Văn Mai - Chủ tịch huyện Đại Lộc - để hiểu rõ hơn về vụ việc.
Theo ông Mai, sau khi sự việc xảy ra, sáng 20/6, huyện đã họp với lãnh đạo xã cùng ngành chức năng liên quan. Ông Mai cho biết, theo trình bày của xã thì việc thi công nghĩa trang không có vấn đề gì nhưng thân nhân các gia đình nghĩ là có vấn đề.
Ông Mai cũng cho biết, xã Đại Quang đã làm sai khi không họp dân. Ngay trong cuộc sáng 20/6, huyện chỉ đạo xã và đơn vị thi công phải giải quyết hết các phần đất, cát, xà bần đã được đưa ra ngoài vào lại bên trong.
Những tấm bia bị hư hỏng, không còn tên tuổi thì đưa vào lại nghĩa trang và tập trung vào một khu, đất cát chung vào một khu và làm thành một mộ chung. Các mộ liệt sĩ mua cờ Tổ quốc trải lên trên và đậy bạt lại để bảo vệ.
"Huyện chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban xã lập một tổ đến nhà dân vận động những gia đình nào có thân nhân trong nghĩa trang thông cảm và chia sẻ việc làm không đúng của địa phương để bà con có tiếng nối chung", ông Mai nói.
Lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng cho hay, huyện chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công những việc còn lại. "Việc này không đáng để xảy ra sai sót", ông Mai nói.
Công Bính
Theo Dantri
Vịt nuôi chết bất thường ở Quảng Nam Hàng chục con vịt cùng một lượng lớn cá nuôi trên khe Dốc Đỏ (Quảng Nam) chết hàng loạt trong đêm. Chiều 20/6, ông Đoàn Kim Bình, chủ tịch xã Đại Tân (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, hai ngày qua đàn vịt và cá nuôi trên khe Dốc Đỏ chết hàng loạt, chính quyền chưa thể thống kê số lượng thiệt...