Quảng Nam cần phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện
Thủ tướng: “Với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi tin rằng xứ Quảng sẽ ngày càng giàu đẹp và toàn diện”
Tối 24/3, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập và 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2017). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động trở lại mái nhà xưa, “cùng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào, đồng chí hồi tưởng về những ngày tháng 3 lịch sử của 42 năm về trước khi quê hương với bao thành tích lẫy lừng của chúng ta đã hoàn toàn giải phóng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm (ảnh nguồn chinhphu.vn).
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ lòng thành kính, tri ân về những đóng góp hy sinh to lớn của biết bao anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì đất Quảng, vì độc lập tự do, thống nhất và toàn vẹn đất nước.
Thủ tướng nhắc lại những khó khăn sau khi Quảng Nam – Đà Nẵng được giải phóng và những ngày tái lập tỉnh.
Hai mươi năm tái lập tỉnh là bấy nhiêu năm những người con quê hương Hoàng Diệu, Thái Phiên, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Võ Chí Công cùng biết bao anh hùng hào kiệt đã cùng nhau thi đua trong xây dựng và phát triển.
“Chúng ta vô cùng tự hào sau 20 năm đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc, trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản truyền thừa quý báu từng làm nên một xứ Đàng trong phồn vinh trên bến, dưới thuyền, là nơi đất lành chim đậu;
Một xã hội có sức thu hút, dung nạp không gian văn hóa khắp 4 phương”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng trao Huân chương độc lập hạng nhất cho tỉnh Quảng Nam (ảnh chinhphu.vn).
Nhân sự kiện hôm nay, Thủ tướng điểm lại một số thành tựu 20 năm qua của Quảng Nam. GDP bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Thu ngân sách năm 2016 gần 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Quảng Nam là 1 trong 16 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương.
Quảng Nam đang từng bước khẳng định mình là môi trường sống, môi trường đầu tư hấp dẫn.
Video đang HOT
Đặc biệt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quảng Nam đã luôn phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao truyền thống yêu nước, khí tiết cách mạng của quê hương trung dũng, kiên cường.
Cho đến hôm nay, Quảng Nam vẫn luôn là một trong những địa phương có tính hình mẫu về ý Đảng, lòng dân trong mọi quyết sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của tỉnh. Ngành du lịch có nhiều lợi thế nhưng đóng góp chưa tương xứng vào thu ngân sách.
Có tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu với những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp.
Miền núi và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Nam, đời sống nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn bấp bênh.
Thủ tướng nhắc nhở tỉnh cần luôn đề cao nguyên tắc hài hòa, bảo đảm mọi người dân dù là người Kinh hay Xê Đăng, Kơ Tu hay M’Nông, Gié Triêng hay Kơ Ho… phải được cung cấp nguồn lực, chia sẻ cơ hội và thừa hưởng những thành quả tiến bộ chung.
Đặc biệt tỉnh phải luôn luôn quan tâm, tiếp tục chăm lo sâu sắc hơn không những đời sống vật chất mà cả tinh thần đối với các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công và các đối tượng chính sách, người già, người nghèo.
Thủ tướng cho rằng hiếm có vùng đất nào, trên cùng một địa phương với hơn 10 ngàn km2 mà có đến 2 di sản thế giới độc đáo, huyền bí như Hội An, thánh địa Mỹ Sơn.
Hiếm nơi đâu có mật độ dày đặc các vịnh, biển, cù lao, khu dự trữ sinh quyển, cao nguyên tươi xanh, di sản văn hóa tâm linh tầm cỡ thế giới như chuỗi ngọc trai dọc tuyến hành lang ven biển miền Trung cùng với nóc nhà Tây Nguyên.
Do đó, sự liên kết cùng với hoạch định chiến lược phát triển là tất yếu.
Thủ tướng đã chia sẻ một tầm nhìn đối với Quảng Nam 20 năm đến. Đó là Quảng Nam cần phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước…,
Dựa trên nền tảng cạnh tranh về năng suất, tính sáng tạo, tính liên kết trong tư duy sản phẩm, cùng với việc giữ gìn, bảo tồn không gian sống và những giá trị di sản đã làm nên huyền thoại một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh nhất Châu Á những thế kỷ trước.
Chìa khóa cho sự thành công của Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên về con người, địa lý sẵn;
Cần tạo nên không gian liên kết kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung cùng với liên kết chiến lược chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước, đặc biệt là Vĩnh Phúc, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng bày tỏ: “Với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có một niềm tin vững chắc về một tương lai xứ Quảng ngày càng giàu đẹp và toàn diện hơn”.
Trinh Phúc
Theo giaoduc
Hội An - vùng đất của những khát khao tái ngộ
Có những vùng đất ta chọn đến để khám phá, nhưng cũng có nơi mới gặp lần đầu đã thấy thật thân quen và luôn khát khao tái ngộ. Hội An là một trong những địa chỉ đáng yêu như vậy.
Lần đầu tiên đến Hội An, tôi mặc định hình ảnh của một đô thị cổ kính và sầm uất. Nhưng thị xã lại đón người lữ khách bằng vẻ dung dị của làng quê. Cánh đồng lúa đương thì trổ bông tỏa mùi hương thanh nhẹ.
Tôi thẳng tới đường Hai Bà Trưng. Một Hội An nhỏ nhắn xôn xao hiện ra trước mặt. Những dãy phố cổ nối nhau tạo nên nét đẹp cổ kính và tĩnh lặng. Dường như, mỗi mái ngói phủ rêu xanh mướt, từng nét chạm trổ tinh vi đều ẩn chứa một câu chuyện riêng về nơi từng là thương cảng thịnh vượng nhất nhì Đông Nam Á.
Những tất bật của đời sống như dừng lại khi bạn về vùng đất có tên gọi Faifo này. Cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa.
Chùa Cầu, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng ông, Phúc Kiến... trầm mặc đứng đó như để cân bằng với vẻ tấp nập của dòng người qua lại trên phố.
Nhớ về Hội An là nhớ những mảng tường vàng từ phố này qua phố khác. Khi đặt cạnh đó một khóm hoa giấy, tường là cái nền tuyệt vời của một bức tranh. Khi đặt lên đó một khung cửa gỗ nâu, ta biết ở đằng sau đó, đời sống êm đềm đã nối nhau hàng thế kỷ.
Buổi tối, ánh sáng tự nhiên giảm dần, nhường cho vẻ lấp lánh của triệu chiếc đèn lồng treo lơ lửng, phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ.
Trong bầu không khí cổ tích đó, bạn hãy đánh thức chính mình bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh bo, bánh vạc, cao lầu, bánh ướt thịt nướng tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ hoặc ngay trên hè phố.
Buổi sáng, áng nắng tươi non khoác cho phố cổ một chiếc áo mới. Không có đèn lồng, tất cả vẫn hiện lên rạng rỡ khiến cả Hội An như trẻ lại.
Người Hội An ăn không nhanh, nói không to và đi không vội. Họ chậm rãi, không ồn ào nhưng đôi khi cũng thật hóm hỉnh và dễ thương.
Hội An là quà tặng thời gian, là di sản văn hóa dành cho tất cả. Nhưng nếu bạn muốn tìm một chút gì đó cho riêng mình thì cũng chẳng khó khăn. Hãy vờ như đi lạc vào một trong hàng trăm ngõ nhỏ rêu phong, hay dạo dọc sông Hoài buổi tối. Hít thở bầu không khí nguyên lành ấy, bạn sẽ lại ước ao một lần trở lại mảnh đất này.
TP Hội An tổ chức cuộc thi ảnh "Hội An - Chuyện chưa kể" từ 28/3-4/6.
Xem thể lệ cuộc thi và tiêu chuẩn ảnh tại đây.
Giải thưởng của cuộc thi Hội An chuyện chưa kể có tổng trị giá 30 triệu đồng và các đêm nghỉ dưỡng tại Hội An.
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng và 2 đêm nghỉ dưỡng.
- 1 giải nhì: 10 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng.
- 1 giải ba: 5 triệu đồng và 1 đêm nghỉ dưỡng (Giải thưởng do độc giả Zing.vn bình chọn).
Những người yêu thích du lịch, nhiếp ảnh có thể đăng ký thông tin và gửi ảnh về email info@hoianchuyenchuake.com của chương trình. Ban tổ chức sẽ đưa lên website và fanpage (www.hoianchuyenchuake.com) của cuộc thi và chấm sơ khảo.
Theo Zing News