Quảng giao thì bị ghét, nhút nhát lại thiệt thòi: Người tài giỏi không cần giả vờ khéo léo để chạy theo các mối quan hệ vô thưởng vô phạt
Từ những thực tập sinh mới vào làm cho tới những nhân viên kì cựu, nếu không nắm được những bí quyết giao tiếp nơi công sở cũng đều có nguy cơ mắc phải những điều cấm kị trong quan hệ với đồng nghiệp.
01
Hạ Vy và Thu Dung là hai nhân viên mới được tuyển vào công ty vì năng lực chuyên môn tốt. Họ đều đang trong thời gian thử việc.
Hạ Vy vốn là người vui vẻ, tích cực. Cô rất năng động và nhiệt tình nên nhanh chóng làm quen được với các đồng nghiệp khác trong văn phòng. Hàng ngày, Hạ Vy không chỉ chăm chỉ nỗ lực hoàn thành công việc của mình, tận tâm học hỏi mà còn quan tâm giúp đỡ người khác. Cô quen biết nhiều người, nhân viên ở các phòng ban khác cũng biết đến cô, thường xuyên trò chuyện và hỏi han cô xem có khó khăn gì khi bắt đầu công việc không.
Những tưởng với tính cách và sự nỗ lực, Hạ Vy sẽ được các đồng nghiệp thật lòng yêu mến song thực tế lại không phải như vậy.
Một lần, cô nghe được hai đồng nghiệp khác trong phòng bàn tán về mình. Họ cho rằng cô giả tạo, luôn nói cười vui vẻ song chỉ nhằm lấy lòng mọi người ở thời gian thử việc. Thậm chí, họ còn nghi ngờ Hạ Vy được tuyển vào làm là do quan hệ chứ thực chất không hề có năng lực.
Cứ như vậy, trước mặt cô đồng nghiệp vẫn tỏ ra thân thiết nhưng sau lưng kẻ ghen ghét đố kị, người coi thường, không mấy ai thật lòng.
Nhưng tại sao lại như thế? Hạ Vy có gì không tốt? Năng lực chuyên môn vượt trội, lại chăm chỉ chịu khó, khéo léo trong giao tiếp? Người như vậy chẳng phải xuất sắc sao? Lỗi của cô ấy chính là “quá tốt”. Một nhân viên như Hạ Vy chắc chắn sẽ cống hiến rất tốt cho công ty song chính vì cô quá tốt gây nên sự đố kỵ trong lòng các đồng nghiệp.
Trong một môi trường làm việc mọi người thường chú ý đến nhau và có thói quen so sánh hơn thua. Những cô gái trẻ như Hạ Vy đối với những nhân viên cũ trong văn phòng mà nói chính là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. Sự xuất sắc của cô khiến họ e ngại, đe dọa đến vị trí công việc đang có của họ, bởi vậy họ khó lòng trao cho cô cơ hội để tiếp tục bộc lộ tài năng. Khi đó, chắc chắn các nhân viên cũ sẽ cùng “đồng tâm hiệp lực” đối phó với Hạ Vy. Cô khó có thể vượt qua được thời gian thử việc.
Rõ ràng, ở chốn công sở, bạn sẽ không thể biết được hết những gì người khác nghĩ về mình. Ngoài mặt đồng nghiệp có thể vui vẻ nhưng trong lòng lại có thể là những toan tính, cảm xúc tiêu cực khác. Người khôn ngoan chắc chắn sẽ biết tiết chế, không để mình quá nổi bật, biết nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân mà không khiến người khác ghen ghét.
Tiến, không mừng ra mặt, lui, không để người khác biết. Linh hoạt, điềm tĩnh không khoe khoang, không quá phô diễn ấy mới chính là thông minh trong giao tiếp công sở.
02
Cùng vào thử việc với Hạ Vy là Thu Dung. Thu Dung lại là người có tính cách trái ngược Hạ Vy. Thu Dung nhút nhát, tự ti thường cảm thấy bản thân mình còn nhiều thiếu sót. Khi mới vào làm, nhìn các đồng nghiệp cô cảm thấy ai cũng thật tài giỏi, chuyên nghiệp còn mình cái gì cũng không biết.
Cô thường tránh giao tiếp với đồng nghiệp, hàng ngày chỉ lặng lẽ làm việc. Lợi dụng điểm yếu là sự tự ti của Thu Dung, một số đồng nghiệp thường nhờ cô những việc vặt như pha cà phê, in tài liệu, trực nhật,… Mặc dù không thích nhưng cô cũng không từ chối. Trong khi cô tất bật vì bị sai việc, đồng nghiệp lại thoải mái tám chuyện, ăn uống.
Video đang HOT
Nhiều khi đồng nghiệp còn nhờ cô làm hộ công việc khiến cô trải qua 8 tiếng mệt nhoài ở công ty, về nhà lại còn phải thức khuya làm hộ việc.
Cô chịu thiệt thòi nhưng không dám lên tiếng, cô sợ bị đồng nghiệp ghét, sợ tranh cãi, sợ phiền phức.
Ở nơi làm việc, bạn phải hiểu luật, tất cả nhân viên bình đẳng như nhau, đừng quá tự ti mà trở nên dễ bắt nạt. Người khôn khéo sẽ biết mềm mỏng mà cương quyết, biết tiến biết lùi hợp lí trước sự chèn ép của người khác. Có thể vì là một nhân viên mới, bạn chịu thiệt một chút cũng không sao nhưng hãy đặt ra những giới hạn nhất định. Khi ai đó vượt qua giới hạn đặt ra, phạm đến những lợi ích cơ bản của bạn, bạn đừng thỏa hiệp, hãy dũng cảm phản công. Bạn cần cương quyết nói lên suy nghĩ của bản thân, thể hiện rõ sự am hiểu của mình về “luật ngầm” chốn công sở.
Ở chốn công sở, đừng mềm yếu để bị bắt nạt, cũng đừng cứng rắn khiến người khác e sợ. Hãy linh hoạt biết lúc nào nên mềm mỏng, lúc nào thì cương quyết. Có như vậy bạn mới không phải chịu thiệt thòi.
Cuộc sống nơi công sở là vậy đấy. Quảng giao thì bị ghét, nhút nhát lại thiệt thòi. Giao tiếp nơi công sở tưởng không khó mà khó không tưởng.
03
Nắm ngay 3 bí quyết sau đây để “sống sót” chốn công sở.
1. Bạn ở nơi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, giao tiếp với đồng nghiệp nhiều như người thân, đừng coi họ là người dưng.
Thời gian một ngày của người trưởng thành trung bình được tính như sau: 7 tiếng ngủ, 8 tiếng làm việc, 6 tiếng làm các việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân (ăn uống, tắm giặt, làm việc riêng,…), 3 tiếng để giao tiếp với người thân ngoài công ty. Những con số trên cho thấy điều gì? Chúng ta có một lầm tưởng rằng công ty chỉ là nơi để làm việc, đồng nghiệp là những người xa lạ bởi vậy tại sao phải xây dựng những mối quan hệ chốn công sở? Chẳng phải như vậy khá mất thời gian và phức tạp sao?
Song, thực tế, thời gian chúng ta ở công ty nhiều như thời gian chúng ta thức khi ở nhà. Thời gian chúng ta ở cạnh đồng nghiệp còn nhiều hơn thời gian ta ở với người thân. Dù muốn hay không, nơi bạn gắn bó nhiều hơn cả chính là công ty và những đồng nghiệp. Ở thế giới hiện đại này, công ty là ngôi nhà thứ nhất, nhà bạn là ngôi nhà thứ hai.
Việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở là điều hiển nhiên và không thể phủ nhận. Khi những nhân viên trong công ty có mối quan hệ tốt đẹp với nhau, hiệu suất công việc sẽ tăng, làm việc nhóm sẽ hiệu quả hơn và chắc chắn tinh thần mỗi người cũng thoải mái hơn.
Nền tảng để xây dựng bất cứ mối quan hệ bền vững nào cũng đều dựa trên lợi ích đôi bên. Ở chốn công sở đó là lợi ích mỗi cá nhân và lợi ích công ty.
Hơn cả quy tắc then chốt cho mối quan hệ đồng nghiệp ở nơi làm việc là: 6 phần gần gũi, 4 phần xa cách. Bạn có thể thân thiết với các nhân viên khác, chia sẻ đồng cảm với họ nhưng cũng đừng thân thiết quá, hãy giữ cho họ không gian riêng, dành cho họ sự tôn trọng nhất định.
Không gần gũi quá mức, cũng không xa cách quá nhiều chính là cách để giao tiếp công sở có hiệu quả!
2. Nghe nhiều hơn nói, nói rồi nhất định hãy thực hiện
Lắng nghe luôn đáng giá hơn là nói nhưng để làm nó cũng khó hơn rất nhiều. Một sai lầm mà chúng ta thường hay mắc phải là nói quá nhiều và cướp đi cơ hội nói của người khác. Ở nơi làm việc cũng vậy, bạn cần lắng nghe: nghe sếp chỉ đạo, nghe đồng nghiệp trình bày ý kiến, chia sẻ…
Lắng nghe không có nghĩa là bạn hoàn toàn im lặng. Bạn chú tâm khi họ nói và đừng quên đặt ra thêm những câu hỏi nhỏ, gợi mở để khuyến khích đối phương tiếp tục chủ đề. Như vậy, việc lắng nghe sẽ tích cực hơn nhiều.
Nghe nhiều hơn nói, nói rồi bạn nhất định phải thực hiện. Đừng làm mất lòng tin của đồng nghiệp bằng việc suốt ngày ba hoa, hãy chứng minh bằng hành động cụ thể, hãy thực sự chắc chắn rằng những lời bạn nói ra, những điều bạn hứa, bạn có thể thực hiện được.
3. Chân thành đi, có sao thể hiện vậy vì người khác sẽ nhận ra hết
Dù bạn có khéo léo tới đâu, nắm lòng bao nhiêu tuyệt chiêu trong giao tiếp mà thiếu đi sự chân thành thì bạn cũng sẽ khó lòng tạo dựng được những mối quan hệ bền vững nơi công sở.
Sự chân thành của bạn, sự thể hiện chính con người bạn mới chính là điều khiến đồng nghiệp tin tưởng và yêu quý bạn. Ban đầu bạn có thể lo lắng về sự vụng về trong giao tiếp của bản thân mà cố gồng mình tỏ ra khéo léo, bạn lo sợ những sở thích cá nhân sẽ khiến người khác chê cười mà cố che giấu. Khôn khéo quá hóa giả dối, kín kẽ quá hóa xa cách. Nên tránh rơi vào hai trường hợp trên.
Thực ra chỉ khi bạn chân thành tin yêu người khác, họ mới mở lòng với bạn.
Chốn công sở dường như là một thế giới thu nhỏ. Hàng ngày sống trong thế giới đó bạn sẽ trải qua vô vàn tình huống bất ngờ, không lường trước được. Bởi vậy hãy luôn chủ động, bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra!
Theo guu.vn
Không sợ mẹ chồng mà sợ chồng
Tôi tập hy vọng rồi mình sẽ yêu cuộc sống ở đó. Nhưng con người mà tôi từng mong muốn cùng đi bên cạnh suốt cuộc đời thì sao? Tình yêu, lúc này, tựa như những dấu chấm lửng buồn, khiến tôi hoang mang hơn là tin cậy...
Anh và tôi đều là dân tỉnh, về thành phố học, gặp nhau, rồi thành vợ chồng. Thành thật mà nói, tôi cũng có chút tính toán khi nhận lời yêu anh. Nói rõ hơn là tôi khá xinh, có hơn hai chàng theo đuổi, nhưng tôi chọn anh vì... chắc chắn là mình không phải làm dâu. Cha mẹ anh ở tỉnh xa, mỗi năm chúng tôi chỉ về thăm dịp lễ mà thôi.
Ảnh minh họa
Đâu ngờ, cưới nhau xong, anh nói từ lâu đã muốn nghỉ việc, về quê; chỉ vì yêu tôi nên nấn ná đến bây giờ. Anh nói cuộc sống thành phố đắt đỏ, lương tháng nào xào hết tháng nấy. Về quê nhà cửa rộng rãi, ở chung với cha mẹ, tiết kiệm tiền thuê trọ cũng được một khoản đáng kể. Hằng tháng tiền lương cũng chừng đó mà vật giá rẻ, lại thêm có cây nhà lá vườn, nên dễ dàng dành dụm, sau vài ba năm là đủ mua đất, cất nhà riêng, khỏe. Quyết trụ lại thành phố, chẳng lẽ mình mãi ở trọ? Nhìn bạn bè mình kìa, căn hộ chung cư vỏn vẹn 40m2 mà phải trả góp 10 năm. Mười năm trời sống chung với cục nợ, mà đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng suông sẻ, lỡ đau ốm hay công việc không như ý thì sao?
Ngày nào anh cũng rủ rỉ vào tai tôi về những khó khăn nếu muốn ở lại thành phố và những thuận lợi khi về quê, có khi tôi chẳng cần phải đi làm nữa, ở nhà chơi với con thôi. Tôi nói mình thích đi làm, dù vất vả. Tôi muốn được thử sức với những công việc đòi hỏi sự nỗ lực. Tôi cho anh biết, nếu muốn cuộc sống an phận ở quê thì khi học xong, tôi đã về với cha mẹ mình, chứ đâu phải cố vượt qua những lần thử việc thất bại để có ngày hôm nay.
Ngày hôm nay có gì đáng kể? Anh độp lại, chúng mình vẫn ở trọ và đến cuối tháng thì túi cũng rỗng không, khác gì khi mới đến thành phố này. Rất khác, tôi cãi lại, chúng mình có việc làm và trang trải bằng đồng tiền chính mình làm ra, chứ không phải xin xỏ cha mẹ. Điều đó không đáng được gọi là khởi đầu tuyệt vời sao?
Cứ vài ba ngày, chuyện về quê lại được khơi lên và chúng tôi tuôn ra đủ kiểu lý lẽ. Nhưng nói gì thì nói, tôi yên tâm là mình không bị ép buộc, trừ khi anh thuyết phục được tôi. Thậm chí, tôi còn vui vui nghĩ rằng, về quê chỉ là cái cớ thay lời muốn nói là anh yêu tôi đến chừng nào.
Thật bất ngờ, khi tôi báo tin có thai thì anh thẳng thừng nói đã thu xếp công việc xong rồi, anh về quê trước, khi nào tôi thích thì về sau cũng được.
Bạn thân của tôi suy luận là anh đã quyết về quê, nấn ná chỉ là đợi tôi có thai để yên tâm là... vợ mình vẫn còn đó. Đàn bà, một khi đã có con thì chọn lựa nào cũng là để con mình có mẹ có cha, có nội có ngoại. Chứ nếu chưa có con thì giữa ở lại thành phố và chồng, có thể tôi sẽ không chọn anh. Tôi không muốn tin lời bạn, càng không muốn tin mình bị ép buộc theo cách này, nhưng giữa những cơn nôn ọe một mình, từng lời bạn nói lại vẳng bên tai tôi.
Tình yêu chồng vợ mà sự chọn lựa đặt lên bàn cân đơn giản vậy thôi sao? Sao anh dễ dàng để lại tôi đơn độc trong thời khắc này? Những cú điện thoại kể anh đang làm này làm kia, khi em về đây và con ra đời thì mọi thứ đã ổn. Tôi nghe mà nghẹn ngào, không sao ngăn được ý nghĩ chồng mình là một rô-bốt đang theo lập trình tương lai, dù hiện tại tôi đang thế nào thì anh không cần biết.
Ảnh minh họa
Thỉnh thoảng anh trở lại thăm tôi, đem theo những món quà quê mẹ chồng gởi cho con dâu, nói: "Đây là của vườn nhà mình, còn đây là mẹ tới tận vườn nhà người ta để chọn những thứ tươi mới nhất cho em đó". Ừ, giờ thì tôi biết mình may mắn, có được mẹ chồng hiền hậu, quan tâm. Tôi không còn sợ làm dâu nữa. Tôi chỉ sợ chồng mình thôi. Tôi sợ sự thản nhiên đến vô tâm của anh, sợ những tính toán rạch ròi của anh mà tôi không được dự phần, hay nói đúng hơn, tôi chỉ là một phần của kế hoạch. Người ta nói, hôn nhân mặn nồng nhất là khi chờ đợi đứa con đầu lòng, mà chúng tôi đã như thế này, đường dài biết ra sao?
Vui buồn gì thì bụng tôi vẫn ngày càng lớn và đúng như người bạn nói, phụ nữ có con thì nghĩ đến con nhiều hơn. Tôi có thể vì giận mà không cần chồng bên cạnh trong lúc thai nghén, nhưng con tôi thì nên được có cha bồng ẵm ngay lúc chào đời. Tôi bắt đầu nghĩ tới việc về quê anh, chấp nhận phận "thuyền theo lái". Tôi tập hy vọng rồi mình sẽ yêu cuộc sống ở đó. Nhưng con người mà tôi từng mong muốn cùng đi bên cạnh suốt cuộc đời thì sao? Tình yêu, lúc này, tựa như những dấu chấm lửng buồn, khiến tôi hoang mang hơn là tin cậy.
Ngồi trước máy tính, gõ đơn xin nghỉ việc, tới dòng ghi "lý do", tay tôi khựng lại. Tôi đã cố gắng biết bao để có được công việc này và tôi tiếc bao năm ăn học, với bao ước vọng... Lá đơn bỏ lửng, ngày ngày tôi vẫn đọc lại với bao nỗi phân vân. Tôi tự hỏi hay là tôi cũng có tính cam chịu ngàn đời của phụ nữ - con cái luôn được lấy ra làm lý do để tự an ủi mình hay nói đúng hơn là đổ thừa cho lựa chọn của mình?
Nguyên Hương
Theo phunuonline.com.vn
Bị mẹ chồng dè bỉu gọi là 'thợ mỏ', nàng dâu liền chứng minh biết 'đào' đúng kiểu khiến bà ấm ức vì thua cuộc Mỗi khi không hài lòng về Ngân, mẹ chồng lại nói: "Cô đúng là con gái thợ mỏ, đòi tiền con trai tôi giỏi lắm". Ngân đau đớn lắm nhưng không dám nói lại câu nào. Ngân vốn là con gái nông thôn, bố là thợ mỏ quanh năm sống trong hầm than. Mẹ cô buôn thúng bán mẹt ở chợ. Nhà Ngân...