Quẳng gánh… Hp mà vui sống
Hàng ngày, khám bệnh cho rất nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng, tôi rất băn khoăn trước nỗi lo sợ của bệnh nhân khi được nội soi dạ dày hoặc làm xét nghiệm máu có kết quả nhiễm Helicobacter pylori (Hp) dương tính.
Có một phụ huynh khóc nức nở đến gặp tôi “cầu cứu” xin chữa trị cho đứa con mới 6 tuổi tình cờ làm xét nghiệm phân có Hp dương tính. Chị Nguyễn Thị Kim L., 38 tuổi, từ khi biết mình nhiễm Hp cứ mất ăn mất ngủ sau khi bác sĩ cảnh báo vi khuẩn Hp trong dạ dày của chị có khả năng gây ung thư (!). Chị cứ đi hết trung tâm này đến bệnh viện nọ để kiểm tra nội soi cả thảy năm lần trong chưa đầy hai tháng vì sợ kết quả không chính xác! Anh Trần Khải H., 55 tuổi mang tâm trạng chán chường khi đã điều trị Hp đến 14 lần mà kết quả xét nghiệm vẫn dương tính. Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa mà chúng tôi tiếp xúc mỗi ngày…
Nói có sách
Hiện nay, người ta ghi nhận có đến phân nửa dân số thế giới bị nhiễm Hp. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm Hp khá cao: hơn 70% dân số. Như vậy, nếu người nào nhiễm Hp cũng sẽ bị ung thư dạ dày thì dân số nước ta từ 90 triệu người chắc chỉ còn khoảng 25 triệu trong những năm tới! Ấn Độ và các quốc gia châu Phi có tỷ lệ nhiễm Hp cao nhất thế giới, nhưng tỷ lệ ung thư dạ dày ở các nước này rất thấp. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là có tỷ lệ ung thư dạ dày khá cao ở châu Á nhưng số người nhiễm Hp lại rất thấp! Do vậy, nhiễm Hp không phải là nguyên nhân duy nhất gây ung thư dạ dày.
Từ khi phát hiện ra vi khuẩn Hp có khả năng sống trong dạ dày, người ta đã chứng minh mối liên quan giữa nhiễm Hp lâu ngày làm biến đổi cấu trúc bình thường của niêm mạc dạ dày với sự phát sinh ung thư, nhưng tỷ lệ này rất thấp: khoảng 0,1% mỗi năm. Thật ra, vi khuẩn Hp có rất nhiều chủng loại khác nhau. Nếu nhiễm chủng Hp có độc lực yếu, thường không gây ra triệu chứng và rất hiếm khi phát triển thành ung thư. Chỉ khi nhiễm chủng Hp có độc lực mạnh (mang gen CagA và VacA độc lực cao) mới có thể gây viêm và biến đổi nặng trên niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến ung thư. Do vậy, không phải nhiễm chủng Hp nào cũng bị ung thư dạ dày.
Nguy cơ không ở dạ dày mà ở miệng
Video đang HOT
Ngoài tác nhân vi khuẩn, sự phát sinh ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn yếu tố di truyền ở từng bệnh nhân. Có những người mang gen di truyền dễ bị ung thư hơn người khác. Ngoài ra, còn có yếu tố huyết thống, cho nên nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày cũng cần lưu ý theo dõi và tầm soát những người còn lại. Sức đề kháng miễn dịch ở từng bệnh nhân cũng là yếu tố góp phần hình thành ung thư hay không. Đặc biệt, chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là yếu tố rất quan trọng đối với nguy cơ ung thư dạ dày. Người ta cho rằng, dân Ấn Độ có tỷ lệ ung thư dạ dày thấp là do ăn nhiều gia vị như nghệ, hành tây, tiêu đen… Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C từ rau củ quả góp phần bảo vệ, chống các chất oxy hoá và hạn chế ung thư dạ dày.
Ngược lại, thói quen ăn mặn, sử dụng nhiều muối, ăn các loại khô, mắm, các loại thịt cá xông khói, nướng cháy dễ làm phát sinh ung thư hơn. Sử dụng hoá chất bảo quản, các chất kích thích tăng trọng… đang là các vấn đề nóng về an toàn thực phẩm, cảnh báo việc hình thành ung thư sau này. Bên cạnh đó, hút nhiều thuốc lá cũng được xem là yếu tố nguy cơ không chỉ cho ung thư phổi mà cả ung thư dạ dày.
Cẩn tắc vô ưu
Nói tóm lại, ung thư dạ dày được hình thành là do tác động của nhiều yếu tố phối hợp. Chỉ đơn thuần nhiễm Hp không đủ gây ung thư, vì vậy chúng ta đừng quá lo lắng về sự hiện diện của Hp trong dạ dày. Nếu có triệu chứng của viêm loét dạ dày do nhiễm Hp thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chữa trị sớm và đúng cách. Ăn chín uống sôi để phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn. Luyện tập thể lực để tăng cường sức đề kháng và chế độ ăn uống tốt cho sức khoẻ (giảm muối, nhiều rau củ quả…), bỏ thuốc lá là những biện pháp phòng ngừa ung thư dạ dày rất hữu hiệu nếu chúng ta có đủ quyết tâm.
Theo TS.BS Bùi Hữu Hoàng
Sài Gòn tiếp thị
Chống viêm loét bằng thực phẩm
Việc nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) có thể gây viêm loét dạ dày hoặc thậm chí gây ung thư dạ dày.
Thế nhưng, theo tạp chí Reader's Digest dẫn nguồn tin từ các bác sĩ Canada, các vết loét trên da, viêm loét dạ dày có thể trị bằng các thực phẩm sau:
1. Mật ong
Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, có thể dùng trị bỏng. Nhờ chống lại khuẩn H.pylori nên mật ong có tác dụng giúp các vết loét lở trên da mau lành.
2. Bông cải xanh
Các loại rau nhà họ cải như bông cải xanh, súp lơ... chứa sulforaphane, hợp chất có thể tiêu diệt khuẩn H.pylori. Trong một cuộc khảo sát, sau khi những bệnh nhân xét nghiệm dương tính với khuẩn H.pylori được yêu cầu ăn nửa chén bông cải xanh hai lần mỗi ngày trong suốt một tuần, 78% trong số này đã có kết quả âm tính với khuẩn H.pylori.
Nhiều cuộc nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy, chất sulforaphane có thể tiêu diệt khuẩn H.pylori trong đường tiêu hóa.
Ngoài ra, ăn bông cải xanh còn giúp cung cấp nhiều vitamin C và chất xơ cho cơ thể, đây là hai chất có tác dụng chống viêm loét.
Ăn trái cây chứa chất xơ giúp chống viêm loét dạ dày - Ảnh: Shutterstock
3. Bắp cải
Các nhà khoa học cho biết, a-xít amin glutamine trong bắp cải có đặc tính chống loét lở. Glutamine có thể giúp bảo vệ ruột, đồng thời cải thiện dòng máu lưu thông đến dạ dày. Điều này đồng nghĩa với việc glutamine không chỉ giúp ngừa viêm loét mà còn giúp các vết loét trong dạ dày, ruột mau lành. Bạn có thể ăn hai chén bắp cải sống mỗi ngày.
4. Sữa chua
Sữa chua chứa vi khuẩn "tốt" có thể ngăn chặn khuẩn H.pylori hoành hành, đồng thời giúp các vết loét mau lành. Theo tạp chí Reader's Digest, một cuộc khảo sát ở Thụy Điển cho thấy, những ai ăn sữa chua ít nhất 3 lần/tuần ít bị loét dạ dày hơn so với nhóm ít khi dùng tới sữa chua.
5. Trái cây
Ăn nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc giúp cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể, chất giúp ngừa viêm loét.
Một số cuộc khảo sát cho thấy, những ai ăn nhiều chất xơ thường ít có nguy cơ bị u loét. Cụ thể, theo một cuộc khảo sát 47.806 nam giới ở Mỹ, những ai hằng ngày ăn hơn 11g chất xơ từ rau củ giảm được 32% nguy cơ bị viêm loét tá tràng.
Theo Thanh Niên
Nguyên nhân gây nấc Có rất nhiều nguyên nhân gây nấc, nhưng gặp nhiều nhất là do bệnh tật gây ra. Ít khi người bị nấc phải cấp cứu, nhưng cũng có những trường hợp hạn hữu nấc liên tục và kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày làm cho người bệnh rất khó chịu và lúc này lại rất cần đến sự can thiệp của bác...