Quảng cáo trên mạng: Thương hiệu Việt bị gắn tràn lan nội dung xấu độc
Trong 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc.
“Bên cạnh những ưu thế thì quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các doanh nghiệp và nhãn hàng chưa thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam tổ chức chiều 30-11.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết, trên không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook…
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trình bày tại hội nghị.
Theo ông Tự Do, ngoại trừ một số nhãn hàng lớn Vinamilk, Nestle khi đặt quảng cáo có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, hầu hết thương hiệu còn lại chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi… Điều này dẫn đến các đại lý thả lỏng, nhiều sản phẩm quảng cáo gắn với các nội dung xấu độc.
“Đặc biệt, trong 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp áp dụng cài đặt bộ chặn lọc quảng cáo có nội dung xấu độc… Vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về quảng cáo trên mạng, nhưng nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến” – ông Tự Do cho biết.
Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 15 tổ chức, cá nhân với số tiền 210 triệu đồng. Đồng thời, kiểm tra 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Cục cũng đã công bố 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật tại Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết, đó là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Ngoài ra, các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa bảo đảm hiệu quả…
Video đang HOT
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện Tiktok Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu: Ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Các doanh nghiệp quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu.
“Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Quảng cáo cá độ World Cup 2022 tràn lan trên Facebook
Đó là thực trạng được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nêu ra khi nói về bất cập trong công tác quản lý quảng cáo trên mạng
Ngày 30-11, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đã chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các nền tảng xuyên biên giới, các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng...
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cơ quan quản lý nhà nước đã và đang hoàn thiện các quy định pháp luật để quản lý quảng cáo trên mạng, xử lý các hành vi gắn quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung vi phạm pháp luật.
Lãnh đạo Bộ TT-TT nhấn mạnh ý chí của cơ quan quản lý là xác định quảng cáo như một nguồn lực quan trọng để "nuôi" và phát triển nội dung, tuy nhiên cần quản lý để quảng cáo gắn vào các nội dung "sạch", nội dung lành mạnh.
"Bên cạnh các quảng cáo gắn trong nội dung tốt mà chúng ta thường xem, vẫn có nhiều quảng cáo gắn trong các clip có nội dung xấu độc, trái thuần phong mỹ tục, khiến một lượng lớn tiền quảng cáo chảy vào những nội dung xấu, tài trợ cho những nội dung không tốt"- ông Nguyễn Thanh Lâm nêu thực trang.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nếu quảng cáo bị gắn vào các nội dung xấu độc, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp. Theo ông Lâm, nhiều doanh nghiệp khi quảng cáo nhãn hàng không muốn tìm đến những video có nội dung xấu, nhưng vẫn bị gắn vào trên không gian mạng. Do đó, việc quản lý các hoạt động quảng cáo là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thông tin về tình hình quản lý quảng cáo trên không gian mạng thời gian qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết Nghị định số 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-9-2021 đã quy định nhiều nội dung liên quan.
Trong đó đáng chú ý người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cung cấp giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.
Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google,...) không đặt quảng cáo vào nội dung vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo trong nước và nước ngoài không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật công bố trên Cổng thông tin của Bộ TT-TT.
Theo ông Lê Quang Tự Do, YouTube, Facebook cùng một số mạng xã hội khác đang cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền, cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Đối với các nền tảng xuyên biên giới này, ông Do cho biết cơ quan thuộc Bộ đã nhiều lần làm việc yêu cầu chấn chỉnh, tuy có chuyển biến nhưng không triệt để, chậm trong khắc phục xử lý các tồn tại.
Ông Lê Quang Tự Do dẫn chứng thời gian gần đây diễn ra World Cup 2022, Facebook xuất hiện rất nhiều quảng cáo liên quan đến cá độ bóng đá, nhưng gần như nền tảng này không có động thái nhằm ngăn chặn, xử lý.
Về một số bất cập, khó khăn trong quản lý quảng cáo trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do cho biết người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ; công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.
Cùng với đó, cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội của các nền tảng khá lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật.
Đồng thời, cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm của họ cũng thiếu trách nhiệm, không triệt để. Về phía nhãn hàng, đại lý quảng cáo, ông Do cho biết vẫn còn chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thương mại điện tử vi phạm.
Ông Lê Quang Tự Do trình bày báo cáo tại hội nghị
Về phía doanh nghiệp có nhãn hàng lớn thường xuyên quảng cáo trên không gian mạng, đại diện Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) bày tỏ sự ủng hộ trước những động thái của Bộ TT-TT trong việc quản lý để hướng quảng cáo gắn vào các video có nội dung lành mạnh. Phía Vinamilk khẳng định luôn tuân thủ các quy định hiện hành về quảng cáo trên không gian mạng và chủ động đưa ra các bộ lọc để tránh các kênh, các trang mạng có nội dung xấu độc.
Vinamilk khẳng định doanh nghiệp này chỉ quảng cáo trên các video có nội dung sạch, lành mạnh để tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia hội nghị cũng kiến nghị Bộ TT-TT có các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để lọc các nội dung xấu độc trên mạng, từ đó đưa vào danh sách hạn chế, để doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn các nội dung tốt gắn quảng cáo.
Đại diện Nestlé Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới của doanh nghiệp hiện rất lớn, bản thân các doanh nghiệp không muốn nội dung quảng cáo sản phẩm của mình bị đặt trong các video có nội dung xấu độc, vi phạm quy định.
Theo đại diện doanh nghiệp này, trong bối cảnh nền tảng xuyên biên giới phát triển nhanh, không có công cụ nào mang tính chất cứng để kiểm soát được các nội dung, mà đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều bên để thực hiện công tác này.
Là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm quảng cáo trên không gian mạng, phía Nestlé Việt Nam có một môi trường minh bạch hơn để các doanh nghiệp yên tâm khi ký các hợp đồng quảng cáo. "Doanh nghiệp chân chính đầu tư nguồn lực, phát triển sản phẩm cho người tiêu dùng, khi sử dụng quảng cáo đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng mong muốn quảng cáo đó xuất hiện trên các nội dung sạch, lành mạnh"- đại diện Nestlé Việt Nam bày tỏ.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết thời gian qua, hiệp hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến chủ đề quản lý quảng cáo trên không gian mạng.
Theo bà Giang, trên thực tế, có những đối tượng sử dụng ít chi phí để đưa ra các quảng cáo bẩn ảnh hưởng đến quảng cáo trên mạng xã hội, mong Bộ TT-TT có biện pháp quyết liệt về vấn đề này. Lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam khẳng định cam kết tuyên truyền, giám sát các hội viên là các đơn vị trong hiệp hội thực hiện đúng quy định của pháp luật theo quy định.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm giao Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo lãnh đạo Bộ để hoàn thiện khung pháp lý, quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên không gian mạng nhưng không gây phiền hà, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.
Facebook, Google có thể bị chặn hoạt động nếu tiếp tục vi phạm Nhà quản lý chỉ đích danh các nền tảng đang kinh doanh quảng cáo ở Việt Nam mà không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, có thể bị chặn máy chủ và hoạt động nếu tiếp diễn. "Các biện pháp xử lý vi phạm đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng tốt nhất là các bên liên quan thảo luận và...