Quảng Bình: Mùa mưa giếng cạn trơ đáy, dân phải ăn nước sông
Mấy tháng trở lại đây, nhiều hộ dân xã Mai Thủy ( huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) khổ sở vì thiếu nước sạch.
Hiện nay, xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang vận hành hai công trình cấp nước sinh hoạt gồm trạm Lòi Đẻ và trạm Châu Xá.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, do thời tiết nắng nóng cùng với nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao nên không đủ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Mai Thủy.
Trạm cấp nước Châu Xá công suất thấp nên không đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho người dân. Ảnh: AT
Để có đủ nước dùng trong sinh hoạt thường ngày, người dân phải ra sông Kiến Giang gánh nước về, có người sử dụng nước giếng. Tuy nhiên, chất lượng các nguồn nước này không đảm bảo, một số giếng nước của người dân nơi đây cũng đã cạn, nhiều giếng trơ đáy.
Tại nhiều giếng, nguồn nước bị phèn và mực nước rất thấp. Ảnh: AT
Bà Phan Thị Thanh (trú tại thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết: “Hơn 3 tháng nay, chúng tôi không có nước sạch để dùng. Hằng ngày, gia đình tôi phải dùng nước giếng nhưng nước giếng khi nấu xong xuất hiện 1 lớp màu trắng ở nồi rất lo”.
Không có nước sạch từ nhà máy nước, người dân xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) phải dùng nước giếng không đảm bảo chất lượng. Ảnh: AT
Nhiều hộ dân ở xã Mai Thủy cũng đã bỏ tiền khoan giếng. Nhưng đã khoan nhiều mũi, sâu hàng chục mét tại nhiều địa điểm khác nhau mà vẫn không tìm được nguồn nước ngầm.
Video đang HOT
“Các công trình nước sạch không có nước để cung cấp cho người dân nên chúng tôi phải tự tìm nước để dùng. Gia đình tôi đã bỏ tiền triệu khoan giếng mà đến 4 mũi khoan sâu đều không có nước, đành ra sông Kiến Giang lấy nước về sử dụng”- ông Phan Duy Tân (SN 1966, trú tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) cho hay.
Người dân phải ra sông Kiến Giang lấy nước về sử dụng. Ảnh: AT
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Thanh Hà – Chủ tịch UBND xã Mai Thủy chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng cùng với lượng mưa nhỏ giọt, các công trình nước sạch ở địa phương không có nước để cung cấp cho bà con. Tại xã có hai công trình nước sạch của Đông Tây Hội Ngộ (trạm Lòi Đẻ) và công trình nước sạch thôn Châu Xá (trạm Châu Xá), được làm từ năm 2011. Địa bàn xã có hơn 1600 hộ dân, nhưng công trình nước sạch cũng đủ cung cấp được cho khoảng 400 hộ. Ban quản lý xã phải cắt luân phiên cho từng thôn, công suất của máy thấp nên nhiều chỗ nước không đến được đành chấp nhận sử dụng nước mưa, nước giếng không đảm bảo chất lượng”.
“Hiện nay tình trạng hạn hán xảy ra trên địa bàn huyện hết sức gay gắt. Hồ Châu Xá (xã Mai Thủy) đã dưới mực nước chết. Nên các công trình nước sạch ở xã này không đủ nước để cung cấp cho bà con. Bên cạnh đó, thiết kế công trình nước sạch công suất nhỏ, những người vận hành không chuyên nghiệp nên việc cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân rất khó khăn.
Không có nước sạch từ các trạm cấp nước người dân ở xã Mai Thủy dùng nước giếng, nước sông. Nhưng nguồn nước này sẽ không đảm bảo. Chúng tôi chưa biết làm thế nào” – ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Lệ Thủy cho hay.
Theo Danviet
Tâm sự đắng cay của hai phụ nữ 24 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
Sau 24 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, phải làm vợ những người đàn ông xa lạ, hai người phụ nữ vượt biên trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân.
Mới đây, sau sự trở về của 2 người phụ nữ ở thôn Phú Hòa (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị lừa bán sang Trung Quốc suốt 24 năm, Công an huyện Lệ Thủy và Công an tỉnh Quảng Bình vào cuộc điều tra đường dây buôn bán người ở địa phương này.
Hai người phụ nữ trên là chị Phạm Thị Nhàn và chị Phạm Thị Cải (cùng sinh năm 1974) và cùng bị lừa bàn sang Trung Quốc từ năm 1995.
Bố không nhận ra con, chị không nhận ra em
Ông Phạm Thanh Tùng (SN 1949, bố chị Phạm Thị Nhàn) cho biết, khoảng 2h30 ngày 26/6, chị Nhàn về đến nhà, khi đó ông Tùng đang ngủ mơ màng.
"Thấy hai người vào hỏi "bác có đứa mô đi nước ngoài về không", tôi trả lời "không". Rồi họ hỏi tiếp "bác có phải bác Tùng không, bác có ai tên Nhàn không". Tôi mở to mắt, mãi sau mới nhận ra Nhàn rồi 2 bố con chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc", ông Tùng nhớ lại và cho biết năm 1995, chị Nhàn bỗng dưng mất tích, lúc ấy ông đi tìm khắp nơi và gửi ảnh nhờ báo chí đưa tin nhưng 24 năm không có tin tức gì.
Ông Tùng không nhận ra con gái sau 24 năm xa cách. (Ảnh: T.A)
Trong khi đó, ở cách nhà ông Tùng không xa là nhà của bà Bùi Thị Bông (SN 1966, trú thôn Phú Hòa) cũng đang sống trong những ngày "vui như Tết" vì sự trở về đầy bất ngờ của em gái bà (chị Phạm Thị Cải) sau 24 năm biệt vô âm tín.
Bà Bông kể: "Do xa nhau suốt 24 năm trời nên lúc Cải về tôi không nhận ra nó. Chỉ nhớ hôm ấy là trưa 26/6, có cô gái tự dưng bước vào nhà hỏi ba mẹ đi mô. Mãi về sau, nó giới thiệu là Cải tôi mới nhận ra và 2 chị em ôm chầm lấy nhau khóc".
Nhớ lại thời điểm cách đây 24 năm, bà Bông kể, năm 1995 có người đàn ông tên Mai và một phụ nữ tên Loan hẹn chị Cải đi làm thợ ở Đồng Hới. Lúc đó bà Bông đang mang thai nên dặn chị Cải: "Em đi về Đồng Hới có gì viết thư về cho chị".
Mãi một thời gian dài sau khi mất tích, chị Cải mới viết được thư gửi về nhà và nói là bị lừa và lấy chồng bên Trung Quốc.
"Trong thư nó dặn tôi khuyên mọi người trong làng đề phòng đừng để bị lừa nữa. Khi nó gửi thư về, biết nó bị lừa bán sang Trung Quốc, ba tôi hồi còn sống cứ đòi đi kiện. Thi thoảng ba lại nói cho ba vài nghìn đi mua giấy bút để viết đơn kiện.
Ròng rã mấy năm trời ba cứ mang đơn đi khắp nơi để kiện. Mãi đến lúc gần qua đời thì ba dặn, sau này Cải có về thì chị em phải thương yêu lấy nhau", bà Bông nhớ lại.
Năm nay 70 tuổi nhưng ông Tùng không thể ngờ có ngày gặp lại con gái sau 24 năm mất tích. (Ảnh: T.A)
Những ngày tủi nhục bị bán làm dâu xứ người
Trở về quê hương sau hơn 24 năm bị bán sang xứ người, chị Cải vẫn không thể quên được quãng thời gian bị tống lên xe bán sang Trung Quốc và hơn 20 năm bị cưỡng ép làm vợ người đàn ông xa lạ.
Chị Cải kể, sau khi bị Loan và Mai lừa, chị bị tống lên xe và sau mấy ngày liền ngồi xe chị được bọn buôn người đưa đến khuc vực sát biên giới Việt - Trung.
Tại đây, trước mắt chị là những hàng rào thép gai dài hun hút, chúng bắt chị và những nạn nhân khác phải trườn qua hàng rào thép gai ấy.
"Tay chân rướm máu, quần áo rách bươm nhưng chúng vẫn bắt chúng tôi trườn. Sau khi vượt rào, chúng tôi bị đưa về một đồn công an bên Trung Quốc. Tại đây, chúng tôi bị họ bắt dọn chuồng lợn đến mệt lả.
Sau đó, họ nhặt một cái bát cơm bẩn dưới đất cho chúng tôi ăn. Dù bẩn nhưng do quá đói chúng tôi vẫn phải cố ăn. Ở đồn công an được 2 ngày thì tôi được bà Loan bảo lãnh về nhà bà ấy. Ở đó có nhiều người Việt Nam", chị Cải nhớ lại.
Theo chị Cải, vừa về nhà bà Loan, chưa kịp hoàn hồn thì chị bị bán cho một gia đình Trung Quốc. Lúc đầu chị Cải định chống cự nhưng thấy cảnh một cô gái người Việt Nam trẻ đẹp hơn chị, cũng bị bán nhưng chống cự thì lập tức bị 3 người đàn ông khỏe mạnh đến túm tóc lôi đi nên chị sợ và cắn răng đồng ý.
Bà Bông xúc động kể lại quãng thời gian bố bà viết đơn đi kiện khắp nơi về việc con gái bị lừa bán sang Trung Quốc. (Ảnh: T.A).
Nơi chị Cải bị bán về cũng là một vùng nông thôn nghèo, chị được một người đàn ông mua về làm vợ với cái giá 3.500 Nhân dân tệ.
Ngay đêm hôm ấy, chị Cải bị người được cho là chồng cưỡng bức. Ngôn ngữ bất đồng nên chị chỉ biết chỉ trỏ, gật đầu, cắn răng chịu đựng... và sống theo sự sai khiến của nhà chồng. Suốt từng ấy năm chị Cải đi đâu cũng bị gia đình nhà chồng giám sát, hễ đi đâu cũng có người theo.
"Cảm giác bị bán làm vợ người ta, bị cưỡng ép thật đáng sợ, nó sẽ ám ảnh tôi cả cuộc đời này. Ngôn ngữ bất đồng, những người xung quanh đều xa lạ... Bố mẹ, người thân ở nơi xa không thể biết rằng con mình đang bị lũ quỹ đội lốt người mang bán cho một người không phải dòng máu Việt. Nhiều người hỏi sao tôi không trốn nhưng biết trốn đi đâu khi tiếng không biết, tiền không có", chị Cải kể lại trong nước mắt.
Mãi gần đây, sau khi lên sẵn kế hoạch, chị Cải, chị Nhàn cùng một số phụ nữ Việt Nam khác mới trốn được ra cửa khẩu. Do không có giấy tờ tùy thân nên họ phải vượt biên qua cửa khẩu Móng Cái để về nước. Hiện tại, mong muốn của chị Cải và chị Nhàn là được chính quyền tạo điều kiện để làm lại giấy tờ tùy thân và trừng trị những kẻ đang tâm lừa bán khiến cuộc đời các chị rơi vào bi kịch.
NGUYỄN VƯƠNG
Theo VTC
Ô tô đâm liên hoàn ở Quảng Bình, nhiều người nhập viện cấp cứu Khoảng 6 giờ 45 phút ngày 3/7, tại Km 684 800 trên đường tránh lũ, đoạn qua xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 3 xe ô tô khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Hiện trường vụ tai nạn. Theo đó, xe ô tô khách biển kiểm soát...