Quảng Bình kích hoạt tiềm năng du lịch của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
20 tuyến, điểm du lịch sắp được ra mắt tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, kỳ vọng thu hút ý tưởng đầu tư, khai thác xứng tầm tiềm năng du lịch sinh thái tại Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Được mệnh danh là “Vương quốc hang động” của Việt Nam, Quảng Bình sở hữu hệ thống hơn 400 hang động đã được khám phá, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, vùng đất này sở hữu nhiều tiềm năng du lịch với các bãi biển đẹp, sự đa dạng các nhóm dân tộc tạo ra nền văn hóa đặc sắc với những giá trị riêng. Đây còn là nơi lưu giữ các di chỉ thuộc nhiều nền văn hoá, di tích lịch sử nổi tiếng…
Đặc biệt, hệ thống hang động kết hợp cùng hệ thống sông, suối tại Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong mang đến điều kiện tốt và nhiều tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí đặc trưng, riêng biệt cho tỉnh Quảng Bình.
Loạt tiềm năng tài nguyên du lịch
Được thành lập năm 2001, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng diện tích 85.754 ha, tiền thân vốn là khu rừng đặc dụng Phong Nha. Đến năm 2013, tổng diện tích Vườn được nâng lên thành 123.326 ha. VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2009 và được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo vào năm 2003 và theo tiêu chí đa dạng sinh học vào năm 2015.
Hệ thống hang động huyền bí, hấp dẫn
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch bởi hệ thống hang động huyền bí và hấp dẫn. Tổng chiều dài hang động tại VQG Nha – Kẻ Bàng đã được ghi nhận là trên 130 km với gần 50 hang động và được chia thành ba hệ thống hang Vòm, hang Phong Nha và hang Rục Mòn. Trải qua 30 thám hiểm hang động tại Quảng Bình, hiện đã có 404 hang động đã được phát hiện và khảo sát với tổng chiều dài là 231 km.
Các hoạt động thám hiểm hang động thu hút du khách tới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Trong đó, hang Sơn Đoòng có niên đại khoảng 3 triệu năm tuổi được công nhận là hang động lớn nhất thế giới được phát hiện. Với chiều dài của hang là 6.500 m, cao 150 m, rộng 140 m, Sơn Đoòng có 2 giếng trời tự nhiên với cả khu rừng nguyên sinh phát triển mạnh khiến du khách không khỏi choáng ngợp khi đặt chân đến đây.
Hệ thống động thực vật đa dạng
Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam, nơi hội tụ của nhiều loại động thực vật 3 miền Bắc – Trung – Nam tạo thành 6 kiểu hệ sinh thái khác nhau. Đặt chân đến Quảng Bình, du khách sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với dáng vẻ hoang sơ, kỳ vỹ. Xen giữa những khe đá, nhiều loại cây cứ thế sinh trưởng, phát triển xanh tốt, ôm lấy những vách đá cao tạo nên cảnh tượng ngoạn mục.
Đắm mình trong bầu không khí trong lành giữa những cánh rừng bao la, hùng vĩ, mọi người có thể ngắm nhìn những cây gỗ nhiều năm tuổi, khám phá hệ thực vật đa dạng với tổng số 2.952 loài.
Du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trên đường khám phá các tour tuyến.
Đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như hổ, bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới. Hiện nơi đây ghi nhận được 822 loài động vật có xương sống với 154 loài thú, 303 loài chim, 151 loài bò sát, lưỡng cư, 214 loài cá, 10 loài linh trưởng. Nhiều loài động vật trong đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.
Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. Vùng đệm VQG có diện tích 219.855 ha bao gồm 13 xã, thị trấn thuộc huyện Minh Hoá, huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh.
Nhiều nhóm dân tộc sở hữu nét văn hoá đặc trưng
Không chỉ nổi tiếng về hệ thống hang động, cảnh quan tuyệt đẹp với độ đa dạng sinh học cao, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng còn nổi tiếng bởi các nhóm dân tộc bản địa. Bên cạnh dân tộc Kinh, khu vực này còn có hai nhóm dân tộc chính là Bru-Vân Kiều và Chứt với khoảng 8 tộc người sống ở phía Bắc dãy Trường Sơn.
Trong đó, Bru – Vân Kiều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me có dân số lớn nhất, gồm tộc Vân Kiều, Khùa, Ma Coong và Trĩ. Tộc người Vân Kiều là tộc lớn nhất, phân bố rộng khắp dãy Trường Sơn. Tộc Trĩ và Ma Coong phân bố ở xã Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch và Lào. Còn tộc Khùa chủ yếu phân bố xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá.
Video đang HOT
Nhóm dân tộc Chứt gồm có rất nhiều tộc nhỏ như Sách, Mày, Rục và Arem. Arem và Rục cũng chính là 2 tộc nhỏ nhất Việt Nam, họ có ngôn ngữ riêng, sống tách biệt với các nhóm khác trong khu vực núi đá vôi.
Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Bình. |
Đến với Phong Nha – Kẻ Bàng, du khách có dịp tham gia nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc của các tộc người nơi đây như Lễ hội đập trống của người Ma Coong, Lễ hội trỉa lúa của người Bru – Vân Kiều, Lễ hội cá trắm và đua thuyền truyền thống trên sông Son… Tham gia các lễ hội, du khách được tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân bản địa, những nét đẹp về văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, thưởng thức những món ăn độc đáo, thưởng thức ca múa nhạc với nhiều loại nhạc cụ đàn ống, sáo, tù và, chiêng, ché của người Chứt…
Tính đến cuối năm 2021, các xã vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có số dân là 72.089 người, trong đó 63,39% thuộc độ tuổi lao động. Đây là cơ sở để VQG tận dụng nhân lực địa phương cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiềm năng du lịch văn hóa
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, các khu rừng và hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi đóng quân và cất giấu vũ khí của bộ đội Việt Nam. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại tập trung một loạt các hệ thống di tích như Trạ Ang, trọng điểm A.T.P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích), tổng Kho NH, Bến Phà Xuân sơn, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, động Phong Nha, dốc Ba Thang…
Băng qua những cánh rừng hoang sơ trên dãy Trường Sơn, du khách có cơ hội sống lại những thời khắc lịch sử qua các câu chuyện kể của người lính cụ Hồ, ghé thăm hang Tám Cô, hang Y Tá, cột mốc biên giới Việt – Lào, hang Chín tầng, Khe Ve, ngầm khe Rinh, Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, đồi Cha Quang, đèo Mụ Giạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Đá Đẽo, sân bay Khe Gát….
Ngoài ra, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đã ghi nhận được 33 di chỉ khảo cổ có niên đại từ 3.000 – 12.000 năm trước. Tiêu biểu như di chỉ hang Bi Ký trong động Phong Nha chứa đựng các dấu ấn của nền văn hóa Chăm Pa, di chỉ ở xã Hưng Trạch chứa đựng các thông tin văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh. Di tích chữ hệ chữ Brahmi có nguồn gốc Nam Ấn Độ thể hiện ngôn ngữ người Chăm, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị, các di chỉ như rìu đá thuộc Thời kỳ Đồ đá mới cũng được phát hiện tại đây.
Giao thông thuận tiện
Cách TP Đồng Hới khoảng 40 km theo hướng Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 500 km về phía Nam, hệ thống giao thông dẫn đến với VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khá thuận lợi. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo Quốc lộ 1A, đi đường sắt đến Ga Đồng Hới hoặc đường hàng không đến sân bay Đồng Hới sau đó di chuyển đến Vườn.
Tình hình hoạt động du lịch
Năm 2023, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đón tổng cộng 696.167 lượt khách tham quan, trong đó khách trong nước là 601.447 lượt; khách quốc tế 94.651 lượt.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách tham quan di sản thiên nhiên này là 237.159 lượt, đạt 140 % so với cùng kỳ, trong đó khách trong nước 174.323 lượt (đạt 128% so với cùng kỳ); khách quốc tế 62.836 lượt (đạt 190% so với cùng kỳ).
Hiện VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức 18 tuyến, điểm, chương trình du lịch gắn với đặc trưng của vườn. Trong đó, khách du lịch nhiều độ tuổi có thể ghé các điểm tham quan du lịch hang động đại trà, tiêu biểu tiêu biểu như động Phong Nha, động Thiên Đường.
Khách yêu thích phiêu lưu có thể tham gia loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá hang động kết hợp với trải nghiệm rừng nguyên sinh nhiệt đới như tour chinh phục Sơn Đoòng, hang Va, hang nước Nứt, khám phá thung lũng Hamada – hang Trạ Ang, hang Đại Ả – Over – Pygmy. Các tour có hành trình từ 1-4 ngày, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng phân khúc du khách.
Khách có thể trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí dựa vào các con sông, suối mát lạnh chảy ra từ sông ngầm trong VQG. Không gian xanh mát của rừng nguyên sinh nơi đây phù hợp tổ chức các trò chơi dưới nước, trên cây,…và thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống.
Mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm kết hợp diễn giải môi trường thu hút nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế tìm đến nghiên cứu khoa học tại VQG.
Cách chuyến du lịch về thăm các di tích lịch sử ngày càng thu hút khách.
Loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử đã hình thành từ nhiều năm, chủ yếu phục vụ nhân dân đến thăm viếng, tưởng niệm. Bên cạnh đó, các sản phẩm theo hướng trải nghiệm văn hoá, đời sống sinh hoạt của các dân tộc ít người ngày càng trở nên thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tại khu vực vùng đệm VQG hiện phát triển nhiều sản phẩm du lịch homestay, farmstay, trang trại nông sản sạch như Chày Lập, Lake house, Đoàn Gia Resort,… mang đến đa dạng sản phẩm cho khách chọn lựa khi sử dụng các sản phẩm du lịch sinh thái tại vườn.
Kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu diện tích rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng, phong phú, được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên các hoạt động du lịch tại đây chưa khai thác được hết giá trị của Vườn.
Trong những năm gần đây, du lịch bền vững trở thành xu thế phát triển chung toàn cầu. Hậu Covid-19, du khách muốn tạm rời xa khỏi sự ồn ào, sự ô nhiễm ngày càng tăng tại các thành phố để đến với thiên nhiên, để nghỉ ngơi, tăng cường hiểu biết và phục hồi sức khoẻ. Các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, di sản, văn hoá,… sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, du lịch du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng, văn hóa cộng đồng sẽ tiếp tục phát triển, thu hút khách du lịch nội địa từ khắp mọi miền đất nước. Khách du lịch kết hợp vui chơi cuối tuần đang phát triển nhanh, du lịch MICE với khả năng chi tiêu cao, diễn ra quanh năm, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết cũng là những nhóm khách tiềm năng mà VQG có thể tiếp cận và khai thác.
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng còn nhiều tiềm năng chương được khai thác đúng mức.
Vì vậy, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng giới thiệu Đề án Du lịch Sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác, kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch tại 20 khu vực có tiềm năng.
Trong đó 9 điểm du lịch gồm: Trung tâm quản lý và điều hành dịch vụ; Điểm Du lịch sinh thái trải nghiệm vườn thú; Điểm nghỉ dưỡng cao cấp tại kilomet 7 đường 20 Quyết Thắng; Điểm Du lịch Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi; Điểm Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khu vực núi U Bò; Điểm Du lịch sinh thái Thác Chày; Điểm Du lịch sinh thái suối 40; Điểm Du lịch nghỉ dưỡng đồi Bà Tây; Điểm Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hung Trắm Ná.
11 khu vực có tiềm năng độc đáo để phát triển các tuyến du lịch gồm khám phá thiên nhiên Rừng Re Khe máy bay; hang Cà Roòng Kling Acu; hang Vòm giếng Voọc; hang Chỉ huy, hang Cây Sanh, hang Bài; đỉnh U Bò; Quần thể Bách xanh đá; hang Hòa Hương; hang Khe Ry; khám phá, tìm hiểu lịch sử hang Công Nông Binh; xem chim, ngắm thú dọc đường HCM nhánh Tây và Đường tỉnh 562; khám phá Hung Lau.
Choáng ngợp khung cảnh bên trong "siêu hố sụt" sâu nhất Việt Nam
Để tiếp cận được hố sụt Kong Collapse (Quảng Bình) các trekker phải đi bộ hơn 20km đường rừng, xuyên sâu vào 6,5km hang động, bơi qua sông ngầm khoảng 500m với nhiệt độ nước khoảng 18 độ C.
Kong Collapse hay Hố sụt Kong nằm sâu trong hệ thống Hang Hổ, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Kong được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1997 bởi một chuyên gia hang động hoàng gia Anh trong hành trình khám phá thường niên tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Thời điểm đó, hố sụt này chỉ được tiếp cận bằng cách bơi xuyên lòng hang Đại Ả hay còn gọi là hang Hổ. Mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó và hố sụt này được tạm gọi là hố sụt khép kín vì không tìm được lối ra. Các chuyên gia hang động lúc đó đã để lại một dấu hỏi lớn trên tấm bản đồ hang động.
Hơn 20 năm sau, anh Lê Lưu Dũng (CEO Jungle Boss) một nhà thám hiểm hang động ở Quảng Bình đã phát hiện ra một hốc mắt của siêu hố sụt này, nhờ thiết bị bay flycam. Khi bay flycam lên hết tầm bay cho phép, siêu hố sụt này hiện ra với một hình thù kỳ dị của quái vật King Kong, một nhân vật rất nổi tiếng trong siêu bom tấn Kong Skull Island được quay ở Quảng Bình trước đó.
Bằng sự hiếu kỳ, anh Dũng và cả team đã lên kế hoạch khám phá hốc đá bí ẩn. Cả đoàn phải đi bộ 6 giờ đồng hồ, bơi xuyên qua hang Hổ. Sau đó, mọi người lần theo hướng của thiết bị flycam bằng cách tự mở đường rừng, vượt qua con dốc dựng đứng, không có dấu chân người, lần đường theo dấu chân của loài Sơn Dương.
"Những thành viên đi lên được hố sụt Kong nói đường lên đỉnh Kong khó như lên trời vì đường đi toàn đá tai mèo sắc nhọn. Dốc thẳng đứng, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nhưng Kong quá đẹp, lúc đó tôi không thể tin được là mình đang đứng trong một hố sụt khổng lồ", anh Lưu Lê Dũng nhớ lại.
Theo các chuyên gia, Kong Collapse là bất ngờ lớn trong hệ thống núi đá vôi trùng điệp của Phong Nha - Kẻ Bàng. Bởi dạng hang này hết sức lạ, kỳ diệu mà tự nhiên đã tạo ra trong hàng triệu năm. Phần lớn các hang động đều có chiều cao thẳng đứng, không khác gì các giếng trời khổng lồ và độ dốc rất ít.
Quá trình đo độ sâu của hố sụt Kong đã cho kết quả bất ngờ lên đến 450m. Đồng thời cũng phát hiện được 3 con đường để có thể vào hố sụt là bơi xuyên hang Đại Ả, đu dây trên cao xuống từ miệng hố hoặc có thể đi bộ tuy hơi khó khăn. Siêu hố sụt Kong Collapse được các chuyên gia hang động đến từ Hiệp hội Hang động Hoa Kỳ NSS công nhận là hố sụt sâu nhất Việt Nam, và trở thành một trong những hố sụt sâu nhất trên hành tinh.
Tiếp cận được hố sụt Kong là hành trình du lịch mạo hiểm hang động có độ khó cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Với nhiều thử thách khắc nghiệt như đi bộ xuyên rừng, bơi trong hang tối, khám phá 3 hang động nối tiếp nhau. Đặc biệt là đu dây từ độ cao 100m thẳng đứng, từ hốc mắt của hố sụt Kong Collapse xuống đáy.
Các chuyên gia hang động Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá mức độ an toàn và xây dựng công thức vận hành riêng cho hoạt động đu dây khám phá hố sụt. Với các yêu cầu cực kỳ khắt khe như hệ thống neo dây chịu lực, hệ thống 3 dây an toàn gồm dây đu chính, dây bảo hộ được kiểm soát bởi đội ngũ an toàn và dây cứu hộ khi có trường hợp bất trắc.
Tất cả trang thiết bị an toàn đều phải được nhập từ các nhà sản xuất đạt chuẩn quốc tế như Petzl, Kong, CLimbing Technology... Đội ngũ nhân viên an toàn và hướng dẫn viên phải đạt tiêu chuẩn và đáp ứng đầy đủ các kỹ năng xử lý cứu hộ và ứng phó với các tình huống bất trắc.
Những người tham gia khám phá phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra như: Độ tuổi bắt buộc từ 16 đến 65, không mắc các triệu chứng sợ độ cao, cao huyết áp, xương khớp, các bệnh về tim mạch...
Hiện, hố sụt Kong đã được đưa vào khai thác du lịch với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các porter. Khách cần chi trả khoảng 35 triệu đồng/tour/khách, với khoảng 60 giờ khám phá. Tuy nhiên, chỉ những người vượt qua cuộc kiểm tra y tế và kiểm tra kỹ năng an toàn mới được phép tham gia hành trình đu dây này.
Phát hiện hồ nước bí ẩn 'treo' lơ lửng trong hang ở Quảng Bình Hồ nước bí ẩn nằm cao hơn hệ thống sông ngầm khoảng 15m vừa được phát hiện trong nhánh phụ của hang Thung, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhóm khảo sát của Công ty TNHH Junglee Boss, có địa chỉ tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vừa phát hiện một hồ nước bí ẩn trong một nhánh...