Quảng Bình: Hơn 6.000 người đến viếng Đại tướng tại nhà lưu niệm
Gần 1.000 đoàn và hơn 6.000 người trong cả nước đã kính cẩn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà, ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Trong những ngày qua, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhân dân khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và gần xa trong cả nước đã đến Nhà lưu niệm của Đại tướng tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để viếng.
Theo Ban tổ chức Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp của huyện Lệ Thủy, tính từ ngày 5-10 đến 10-10, tại nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có gần 1.000 đoàn với hơn 6.000 người đã đến viếng Đại tướng.
Trong số này có lãnh đạo các ban ngành trong và ngoài tỉnh, các cụ cao tuổi, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc Vân Kiều, các em học sinh, sinh viên và khách nước ngoài đã mang theo vòng hoa, ảnh của Đại tướng để vào viếng. Những đoàn đến viếng đã viết vào sổ tang những dòng tiếc thương vô hạn và sự đau buồn trước mất mát to lớn này.
Video đang HOT
Ban tổ chức Lễ viếng huyện Lệ Thủy cho biết đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức Lễ viếng Đại tướng vào ngày 13-10 sắp tới. Tại nhà lưu niệm Ban tổ chức sẽ đặt hai màn hình lớn được phát sóng truyền hình trực tiếp để nhân dân tiện theo dõi Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trần Tuấn
Theo ANTD
Người thầy làm chuyển dịch dòng lịch sử
Nằm trên con phố Ngõ Trạm, Hà Nội, ngôi trường Thăng Long đã được viết chi tiết trên một trang lịch sử của dân tộc bởi cách đây 78 năm, tại đây, người thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp đã gieo vào những thế hệ học trò lý tưởng về lòng yêu nước. Ông cùng với những trí thức tiến bộ như Hoàng Minh Giám, Đỗ Văn Ninh, Đặng Thai Mai... là những giáo viên đầu tiên của trường tư thục Thăng Long, cái nôi đào tạo những nhà cách mạng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm lại trường Thăng Long
Những bài giảng có một không hai
Mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự, nhưng hình ảnh của vị tướng "võ - văn song toàn" mãi mãi khắc ghi đậm nét trong ký ức người dân Việt Nam với tư cách là nhà giáo dục - thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng. Và có lẽ chính sự am hiểu lịch sử đã làm nên cốt cách của một vị tướng hết sức nhân văn.
Trường tư thục Thăng Long có một truyền thống vàng mà hiếm ngôi trường nào có được. Thành lập năm 1929, trường đã may mắn có những người thầy đáng kính đi làm cách mạng từ những ngày đầu như thầy Đặng Thai Mai, thầy Hoàng Minh Giám... và đặc biệt là thầy giáo dạy môn lịch sử Võ Nguyên Giáp. Người thầy ấy bắt đầu đứng lớp từ tháng 5-1939. Những bài giảng của thầy về lịch sử dân tộc, về phong trào Cần Vương, hay tấm gương đầy khí phách của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu... và cả lịch sử thế giới, nhất là cuộc Cách mạng tư sản Pháp... đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học trò, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc...
Trong trí nhớ của nhiều thế hệ học trò, ông là diễn giả rất giỏi về các đề tài lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự. Các học sinh cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ về ông như một "chiến binh mạnh mẽ, luôn mỉm cười nhưng không để ai thuyết phục được ông từ bỏ con đường mình đã chọn". Thầy Võ Nguyên Giáp có thể vẽ trên bảng đen đến cả những chi tiết những trận đánh của Napoléon. Ngay từ đầu, ông đã cuốn hút cả lớp bằng cách trình bày vấn đề theo cách rất riêng. Đứng trước lớp, ông nhìn thẳng vào các học trò: "Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp thời kỳ này rồi. Nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói với các em về hai chủ đề: cuộc cách mạng và Napoléon".
Lớp học im phăng phắc, đám học trò thiếu niên đang ở tuổi hiếu động bị cuốn hút vào những câu chuyện kể hết sức hấp dẫn và sống động đến từng chi tiết về từng trận đánh hiển hách của Napoléon. Sau này Đại tướng nói rằng, ông có trách nhiệm phải giảng về cách mạng Pháp, vì vậy ông đã nghiên cứu kỹ chiến lược và chiến thuật của Napoléon.
Nhà sử học của Việt Nam
Cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong một cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hỏi: "Sau này khi chiến tranh kết thúc, liệu anh Văn có về dạy học nữa không?". "Nghề dạy học là nghề tôi yêu thích, song làm kinh tế để dân giàu nước mạnh là điều tôi hằng mong", Đại tướng trả lời.
GS.VS.NGND Phan Huy Lê khẳng định, cần nhìn nhận Đại tướng như một nhà sử học lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20. Khi hòa bình lập lại, Đại tướng đã dành nhiều tâm lực để viết những cuốn tổng kết lịch sử, lấy trải nghiệm cuộc đời mình làm bài học cho thế hệ sau. Đại tướng là tác giả hàng loạt cuốn sách như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu giữa vòng vây, Điểm hẹn Điện Biên, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng... Nhiều cuốn sách của ông được dịch sang các thứ tiếng, được các học giả dùng làm tài liệu nghiên cứu một chặng đường lịch sử Việt Nam, như cuốn "How We Won the War", đến nay đã tái bản 8 lần và được dùng như giáo trình của khoảng 30 trường cao đẳng, đại học ở Mỹ.
Năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam. Đại tướng rất hay nhắc lại câu nói giản dị của Bác Hồ: "Dân ta phải biết sử ta" và nhiều lần kể lại câu chuyện: "Đứng trước khả năng phải bắt buộc cầm súng đánh thực dân, Bác Hồ cho người đi tìm cuốn "Việt Nam Sử lược" của Trần Trọng Kim, khi đó là cuốn sách duy nhất biên soạn mạch lạc về lịch sử nước nhà, để trao cho các vị lãnh đạo khi đó nghiên cứu". Đại tướng khẳng định rằng: "Bên cạnh chí khí của các bậc tiền bối, những bài học về cách đánh thắng giặc ngoại xâm của người đi trước đã đem lại những tri thức rất bổ ích cho những cuộc chiến đấu ở thế kỷ 20".
Đức Minh
Theo ANTD
Công bố bản Sắc lệnh về giáo dục do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1945 Sắc lệnh về học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký vào ngày 8-9-1945, vừa được công bố trên trang facebook chính thức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản sắc lệnh về giáo dục do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Bản Sắc lệnh có 2 nội dung...