Quảng Bình: Hơn 500 năm qua, cả làng này ngày đêm cùng nhau canh giữ rừng trâm bầu cổ thụ
Người dân thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân ( huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bao đời qua vẫn luôn bảo vệ nghiêm ngặt rừng trâm bầu hơn 500 tuổi.
Nhờ đó, suối nước ngầm ở vùng đất này không bao giờ cạn, cây cối xanh mát quanh năm và thảm động vật phong phú, chống cát bay, cát nhảy.
Rừng trâm bầu hơn 500 tuổi
Đầu tháng 12, PV Dân Việt tìm về thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Liên lạc với địa phương, PV được ông Dương Minh Huy (SN 1960) – Đội trưởng đội bảo vệ rừng trâm bầu thôn Thanh Bình, dẫn đến khu rừng trầm bầu.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Dương Minh Huy, cho biết: “Rừng trâm bầu cổ thụ ở thôn Thanh Bình có từ thời khai canh lập làng, đến nay cũng hơn 500 năm. Rừng trâm bầu nơi đây trải dài trên 4km, rộng hơn 150ha”.
Theo ông Dương Minh Huy, thôn Thanh Bình xưa còn có tên là Nghĩa Nương. Theo tiếng Hán tên làng rất có ý nghĩa, được giải thích nôm na người con gái hiếu nghĩa. Cái tên Nghĩa Nương vẫn được người dân lưu truyền như một minh chứng cho tấm lòng của cả dân làng.
Người dân nơi đây truyền miệng, ông tổ Dương Phúc Thái đã cùng 11 vị khai canh khác chọn mạch địa lý định đất theo hướng Bắc – Nam, lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các thôn xóm.
Ông Dương Minh Huy – Đội trưởng đội bảo vệ rừng trâm bầu thôn Thanh Bình đứng trong khu rừng trầm bầu hơn 500 tuổi. (Ảnh: Trần Anh).
Video đang HOT
Đất có rừng trâm bầu, trước mặt làng là cánh đồng thuận trồng lúa nước, hợp trồng ngũ cốc, tiền nhân đã đặt định danh tính, chịu sự quản lý của quan phủ trong vùng, dân làng cùng nhau lao động, khai hoang, mở đất, quần tụ sinh sống, cắt đặt lề lối, giữ gìn gia phong, nếp sống để dựng làng .
Trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng trâm bầu trở là nơi ẩn náu của các chiến sĩ du kích. Ngày nay, rừng là nguồn sống, “lá phổi xanh” của hàng trăm hộ dân ở thôn Thanh Bình.
Thảm thực vật phong phú trong rừng trâm bầu
Ông Dương Minh Huy cho biết: “Rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình có thảm thực vật vô cùng phong phú, nhiều loài chim như cư ngụ, như: Chào mào, vành khuyên, cu gáy, nhông cát và nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác cùng sinh sống. Cộng sinh với trâm bầu là cây mà ca, lộc vừng, rồi có cả quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh rất tốt”.
Rừng trâm bầu hơn 500 tuổi ở thôn Thanh Bình có thảm thực vật phong phú, khu rừng chống cát bay, cát nhảy, xấm lấn vào làng. (Ảnh: Trần Anh)
Theo ông Dương Minh Huy, vào những ngày nắng hạn, nếu các làng khác đều khô hạn thì với Thanh Bình, gần 700 giếng nước của làng chưa bao giờ cạn và rừng trâm trâm được xem như mạch nước.
Bên cạnh đó, rừng trâm bầu còn chống cát bay, cát nhảy. Biết bao vùng khác ven biển Quảng Bình biến dạng vì cát bay, nhưng với mảnh đất Thanh Bình này, nhờ có rừng trâm bầu mà cát biển không thể xâm lấn vào làng.
Cả làng cùng bảo vệ rừng trâm bầu
Theo ông Dương Minh Huy, rừng trâm bầu được người dân thôn Thanh Bình xem như tài sản vô giá. Rừng cây được người làng giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Huy kể: Năm 1959, chính thức có đội bảo vệ rừng 11 người do hợp tác xã nông nghiệp trả bằng thóc.
Trước đây, đội bảo vệ rừng của thôn Thanh Bình có 11 thành viên nhưng nay chỉ còn 5 thành viên. Những thành viên được chọn làm bảo vệ rừng phải có uy tín, trách nhiệm, được người dân trong thôn bầu lên.
Ông Dương Minh Huy đứng bên những cây trâu bầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Trần Anh)
“Tôi tham gia công tác bảo vệ rừng trâm bầu được 37 năm. Không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm, tình yêu thương dành cho khu rừng cổ. Tôi coi rừng trâm bầu như cuộc sống của mình. Mỗi ngày tôi đều rảo bước quanh khu rừng, vừa trông coi vừa ngắm nhìn những rặng cây trâm bầu xanh tốt”, ông Huy nói.
Ông Huy cho hay: “Người bảo vệ rừng như chúng tôi hiện được hưởng 8 tạ thóc/năm. Tất cả số thóc này hoặc tiền quy ra từ thóc đều do người dân trong thôn đóng góp với mức mỗi khẩu 10kg/năm”.
Trao đổi vời PV Dân Việt, ông Dương Bình Sơn – Trưởng thôn Thanh Bình, cho biết: “Làng Thanh Bình có đề ra hương ước bảo vệ rừng. Trong quá trình bảo vệ, nếu phát hiện ai bẻ cành sẽ bị phạt 50.000 đồng, chặt cây bị phạt 300.000 – 500.000 đồng. Ai vi phạm phá rừng là bị thôn đọc tên trên hệ thống loa phát thanh, chỉ một lần vi phạm phá rừng là cuối năm gia đình đó không còn được bầu gia đình văn hóa”.
Côn đồ ép ngư dân vào cảng cá lậu để cưỡng đoạt tài sản
Một nhóm đối tượng tại Quảng Bình đã đe dọa, ép buộc các chủ tàu khai thác hải sản và thương lái phải tập kết mua bán tại một cảng cá lậu nhằm cưỡng đoạt tài sản với số tiền trên 800 triệu đồng.
Chiều 27/11, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Sinh Thành (SN 1982) và Ngô Mạnh Linh (SN 1987), trú huyện Quảng Trạch về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Đây là nhóm đối tượng có vỏ bọc là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Phát, trụ sở tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, chuyên kinh doanh mua bán thủy, hải sản tại cảng cá Phước Thịnh do Phan Sinh Thành làm giám đốc.
Đối tượng Phan Sinh Thành (bên trái) và đối tượng Ngô Mạnh Linh (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).
Trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 8/2021, trên vùng biển địa bàn các xã Quảng Phú, Quảng Đông, Cảnh Dương, thuộc huyện Quảng Trạch tập trung các ngư dân đến khai thác sò biển. Sau khi khai thác, ngư dân tập kết vào các bãi và liên hệ thương lái các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đến thu mua.
Trong thời điểm này, Phan Sinh Thành cùng đồng bọn đã đến các điểm tập kết đe dọa, ép buộc chủ tàu khai thác và thương lái phải đến tập kết mua bán tại cảng Phước Thịnh, thuộc thôn Vinh Sơn, xã Quảng Đông. Đây là cảng cá đang trong quá trình xây dựng, chưa được phép hoạt động.
Các đối tượng soạn thảo các hợp đồng dịch vụ nhằm hợp thức hóa hành vi thu tiền trái phép với mức giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg sò, sau đó ép buộc các chủ thương lái ký kết.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ có 32 nạn nhân ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị các đối tượng cưỡng đoạt số tiền trên 800 triệu đồng, thu thập hàng trăm trang tài liệu cùng nhiều chứng cứ khác...
Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trước đó, Phan Sinh Thành và 5 đối tượng khác cũng đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích. Cụ thể, nhóm đối tượng đã dùng hung khí tấn công ngư dân trên tàu cá QB-22322-TS khiến một số người bị thương, trong đó có một người bị thương tích nặng.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án.
Tạm giữ khẩn cấp 2 kẻ tấn công dã man nam sinh trước cổng trường Hai đối tượng tấn công dã man nam sinh trước cổng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Bình) đã bị công an tạm giữ để điều tra. Nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động sáng 30-10 cho biết Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ hình sự Phan Hoài Giang Hoàng (SN 2004) và Phan Ngọc Khánh...