Quảng bá sách giáo khoa mới: Cạnh tranh cũng cần minh bạch, công bằng
Thời điểm này, các nhà xuất bản đang chạy đua để giới thiệu sách giáo khoa mới đến với các địa phương trên cả nước. Theo chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, việc quảng bá, giới thiệu sách giáo khoa tới mọi người dân là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ sách này và “nói xấu” bộ sách kia. Đặc biệt, không nên so sánh với SGK hiện hành theo hướng một số tác giả đã làm thời gian qua.
Dự kiến tới tháng 3 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Thời điểm này, các nhà xuất bản (NXB) đang chạy đua để giới thiệu SGK mới đến với các địa phương trên cả nước.
NXB Giáo dục giới thiệu bản mẫu bốn bộ SGK biên soạn theo Chương trình GDPT mới. Ảnh: A.H.
Nhiều ý kiến trái chiều
Danh mục 32 SGK lớp 1 của 8 môn học, hoạt động giáo dục sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông đã chính thức được Bộ GDĐT phê duyệt. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) – đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành SGK có đến 24/32 cuốn sách còn liên minh NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TPHCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam có 8/32 cuốn sách được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Như vậy, trong năm học tới sẽ có 2 đơn vị thực hiện cung ứng SGK trên thị trường. Trong những ngày này, cả hai NXB đều đã tổ chức liên tiếp các buổi giới thiệu sách đến với đông đảo các địa phương trong cả nước.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập NXB GDVN cho biết, các cuộc hội thảo giới thiệu SGK mới được tổ chức tại Kiên Giang, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lào Cai… đã thu hút gần 3.000 giáo viên tiểu học trực tiếp đứng lớp và các thầy cô làm công tác quản lí giáo dục. Thông qua các cuộc hội thảo, chuyên đề được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành, các thầy cô giáo trực tiếp dạy học ở lớp 1, các cán bộ quản lí giáo dục đã được tiếp cận làm quen với các bộ SGK mới của NXB GDVN, để trên cơ sở đó, khi Bộ chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về việc chọn SGK, các cơ sở giáo dục sẽ nhanh chóng có được sự lựa chọn chính xác bộ SGK phù hợp, hiệu quả.
Trong khi đó, bộ sách duy nhất đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục là “Cánh diều” do liên kết 2 NXB và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng đã được tổ chức giới thiệu riêng vào một ngày cuối tháng 12 vừa qua. Mặc dù so với các bộ sách của NXB GDVN, công tác quảng bá bộ sách này chậm hơn một chút song lại có một số ưu thế. Trong đó, việc có đầy đủ tất cả các môn học được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giúp bộ sách có tính liên kết, liền mạch hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ hai, nhìn vào danh mục chủ biên/tổng chủ biên của mỗi bộ sách, sẽ thấy hầu hết là chuyên gia Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT. Theo thông tin được giới thiệu tại buổi tọa đàm, 100% bản mẫu của bộ sách được các Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận (Đạt) tuyệt đối.
Thực tế, đã có nhiều quan điểm trái chiều, khen chê các bộ sách từ phía các chuyên gia, các nhà giáo dục và chính các nhóm tác giả. Thậm chí, có hiện tượng nhóm tác giả này chê nhóm tác giả khác, SGK mới chê SGK cũ. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến việc lựa chọn SGK của các địa phương sau này.
Quan tâm đến yếu tố phù hợp với từng địa phương
Trao đổi với chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, ông cho rằng việc quảng bá, giới thiệu SGK tới mọi người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ sách này và “nói xấu” bộ sách kia. Đặc biệt, không nên so sánh với SGK hiện hành theo hướng một số tác giả đã làm thời gian qua.
Video đang HOT
“Chúng ta thay đổi SGK hiện hành không phải vì những nhược điểm của nó mà vì chúng ta thay đổi theo Chương trình GDPT mới, theo những triết lý giáo dục phổ thông mới. Như vậy, SGK hiện hành không còn phù hợp nên cần các bộ SGK mới”- TS Lê Thống Nhất nhận định.
Về việc NXB “đi đêm”, bắt tay với các nhà quản lý giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng trên thế giới, hiện tượng này không phải là cá biệt, nhưng điều này hoàn toàn không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Việc cạnh tranh như vậy cũng không công bằng, không thể khuyến khích…
Liên quan đến việc chọn sách của từng trường học, TS Lê Thống Nhất cho rằng chất lượng của từng cuốn sách không phải là điều ông băn khoăn. Vấn đề là xem cuốn sách này có yếu tố phù hợp hơn với con em mình hơn. “Ví dụ nếu tôi là giáo viên dạy cho học sinh miền núi sẽ ưu tiên cho những cuốn sách nào mà trong cách tiếp cận minh họa nói tới vùng miền của tôi nhiều hơn. Theo tôi, không nên so sánh chất lượng từng bộ sách mà nên căn cứ vào yếu tố phù hợp với địa phương của mình hay không”- TS Lê Thống Nhất chia sẻ.
Đứng ở góc độ đơn vị cung ứng SGK mới, ông Ngô Trần Ái- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam cho rằng, theo quy luật, NXB làm sách kém sẽ không thể tồn tại được. Việc có nhiều bộ sách sẽ tạo ra tính cạnh tranh trong việc lựa chọn SGK xưa nay vốn được coi là độc quyền. Tuy việc lựa chọn SGK hay để đưa vào giảng dạy là quyết định khó khăn, song nếu việc thực hiện lựa chọn SGK minh bạch thì các trường vẫn có thể lựa chọn được bộ SGK hay nhất.
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn, các trường phải nghiên cứu hết 32 cuốn sách nhưng đến thời điểm này, không phải ai cũng đã được tiếp cận hết với 32 cuốn sách. Việc các NXB tăng cường quảng bá, giới thiệu SGK đến công chúng là điều cần thiết. Mong rằng, việc cạnh tranh giữa các nhà xuất bản diễn ra công bằng, minh bạch.
Thu Hương
Theo daidoanket
Sách giáo khoa lớp 1: Đa dạng hóa và 'cuộc chiến' giành thị phần
Có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 khác nhau để các địa phương lựa chọn, sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2020-2021. Các nhà xuất bản đang nỗ lực để chiếm lĩnh thị phần.
Hoàn thiện ấn phẩm sách giáo khoa trước khi bán ra thị trường. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 32 bản sách đạt thẩm định, được phép sử dụng trong các trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021, không còn là một bộ sách giáo khoa duy nhất dùng chung cho cả nước như trước đây. Các địa phương, nhà trường sẽ có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương mình.
"Bộ sách hay mấy mà không được chọn thì cũng đắp chiếu," ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, công ty trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị chủ trì bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" thẳng thắn nói.
"Cuộc chiến" dành thị phần của các nhà xuất bản bắt đầu sôi động.
Tiếp thị sớm
Mặc dù chiều qua, ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức họp báo công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (ký ngày 21/11) về các sách giáo khoa lớp 1 đạt yêu cầu thẩm định và được sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2020-2021, nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thị sách này đến các địa phương ngay từ đầu tháng Chín.
Trong công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo ngày 9/9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng nêu rõ đơn vị này có 4 bộ sách lớp 1 theo chương trình mới với 4 tên gọi khác nhau, gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Nhà xuất bản Việt Nam bày tỏ mong muốn được phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức hội thảo giới thiệu sách; đào tạo, tập huấn giáo viên...
Đơn vị này cũng không quên nhắc đến "đối thủ cạnh tranh" là Công ty Cổ phần Đầu từ xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), đơn vị biên soạn sách đăng ký xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. "Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, chúng tôi xin được thông báo: Công ty VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam," Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi trong công văn.
Ngày 8/11 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo tại Hà Nội để giới thiệu về 4 bộ sách của mình.
Học sinh lớp 1 sẽ được học sách mới từ năm học 2020-2021. (Ảnh: TTXVN)
Giấy đẹp, giá cạnh tranh, hỗ trợ tập huấn
Tại buổi hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên môn Tiếng Việt, Ngữ văn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ hỗ trợ tích cực các địa phương chọn sách trong việc tập huấn giáo viên tài liệu in, clip quay bài trình bày của tổng chủ biên, bài dạy mẫu của giáo viên lớp 1. Việc tập huấn sẽ được triển khai cho cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Không chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà các công ty thành viên biên soạn sách của đơn vị này cũng tích cực tiếp thị sách. Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội đã chủ động gặp gỡ báo chí để chia sẻ về bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực." Theo Tổng Giám đốc Vũ Bá Khánh, bộ sách có mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, thân thiện và dễ sử dụng cho cả giáo viên và học sinh. Sách được in ấn trên chất liệu giấy tốt, hình ảnh đẹp, tiệm cận chất lượng ấn phẩm sách giáo khoa quốc tế.
Ông Khánh cũng cho biết sách mới sẽ hạn chế tối đa sách tham khảo đi kèm và có tính đến yếu tố kỹ thuật để học sinh không viết vào sách, nhằm tái sử dụng nhiều lần. Không tiết lộ về giá thành, nhưng theo ông Khánh, với cơ chế cạnh tranh, giá sách cũng phải hợp lý.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến vấn đề giá sách giáo khoa. Ông Thuyết cho rằng cần có giải pháp để tránh trường hợp các đơn vị trường vốn hạ thấp giá thành nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.
Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực". (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Lo ngại lợi ích nhóm
Đa dạng sách giáo khoa sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để tăng chất lượng sách cả về nội dung lẫn hình thức, giá cả, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người học. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề lợi ích nhóm.
Theo thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương, người từng có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản, quốc gia vốn có sự đa dạng sách giáo khoa rất sớm, ngay từ thế kỷ 19, nếu không có cơ chế kiểm soát chéo, sự thanh tra giám sát chặt chẽ của ngành, của công luận thì sẽ dẫn đến tình trạng đi đêm giữa đơn vị xuất bản và đơn vị thẩm định, đơn vị tuyển chọn, dẫn đến học sinh không được học bộ sách tốt nhất.
"Ở Nhật đã từng xảy ra vụ án sách giáo khoa vào thời Minh Trị, thế kỷ 19. Chính Thiên Hoàng Minh Trị đã phải chỉ đạo vụ án này và bắt hàng trăm người, trong đó có cả thứ trưởng Bộ Giáo dục. Vì vậy, xây dựng quy chế thẩm định, lựa chọn chặt chẽ, khoa học, hợp lý, tránh các khe hở để tạo ra lợi ích nhóm hay tiêu cực vốn rất dễ xảy ra là vấn đề rất quan trọng. Đây là những rủi ro cần phải tính toán thật kỹ," ông Vương chia sẻ.
Trước lo ngại này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Trong dự thảo hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa, Bộ đã tính đến việc này. Theo đó, các hội đồng lựa chọn sách phải xây dựng tiêu chí. Ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng thuận nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng," ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Cho rằng lo ngại về lợi ích nhóm là có cơ sở, nhưng theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, điều quan trọng là người đứng đầu phải thực sự công tâm, minh bạch và chặt chẽ, đặt quyền lợi học sinh lên trên hết.
"Như ở Nghệ An, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu tôi trình bày về vấn đề chọn sách giáo khoa, trong đó nhấn mạnh việc phải đặt chất lượng giáo dục địa phương lên hàng đầu. Khi người lãnh đạo công tâm thì bên dưới cũng sẽ không dám sai phạm. Nếu chọn sai, chất lượng giáo dục đi xuống, bản thân tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước địa phương. Vì vậy, việc chọn sách sẽ được Nghệ An thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, công bằng," ông Thành chia sẻ./.
Phạm Mai
Theo Vietnamplus
Sách giáo khoa mới và sự cạnh tranh của những người... trong nhà với nhau Chúng tôi cho rằng "cuộc chiến" sách giáo khoa tới đây là sự cạnh tranh của chính những "người trong nhà" với nhau. Những năm tới đây, thầy và trò ở các trường phổ thông sẽ được học 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt để sử dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng, trong...