Quan xã “vẽ” đường nhà nước chạy thẳng vào… nhà riêng
Khi thi công con đường bê tông giao thông nông thôn, vị Chủ tịch xã đã “thiết kế” thêm 280m đường chạy thẳng vào tận… sân nhà mình.
Gần 1.000m đường bê tông của dân bị chiếm làm đường tư
Đầu năm 2013, xã Tân Thành (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được cấp hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng 3.867m đường bê tông hóa giao thông nông thôn, với mức hỗ trợ làm đường nhà nước 75% và dân bỏ ra 25%. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Văn Minh đương giữ chức Chủ tịch xã Tân Thành đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, khi lấy của công để phục vụ lợi ích cá nhân, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ tịch xã “thiết kế” đường rẽ nhánh bên trái vào nhà mình
Cụ thể, trong tổng số trên 3km đường dân sinh có 1 con đường tại thôn Đắk Hoa đi ngang khu vực nhà ông Minh được đầu tư vốn để làm, dài 1.280m, nhà nước hỗ trợ trên 720 triệu đồng, dân đóng góp trên 240 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công con đường thẳng nối vào khu dân cư, ông Minh đã “vẽ” đường này rẽ nhánh vào nhà riêng của ông với tổng chiều dài đoạn rẽ nhánh là 280m; tổng số tiền chiếm dụng của nhà nước là trên 157 triệu đồng.
Đường bê tông dẫn vào nhà ông Minh
Con đường bê tông dài kéo vào ngõ nhà ông Minh được thiết kế ngoằn ngoèo, 2 bên con đường được xây bờ gạch chắc chắn, đẹp mắt. Đường được làm với bề ngang khoảng 3m, độ dày 15cm được đổ bê tông kiên cố, chắc chắn.
“Đường được nhà nước hỗ trợ tiền để làm cho người dân đi nhưng ông Minh đã làm đường cụt đi thẳng từ ngoài đường vào tận nhà riêng, sao có thể gọi là con đường dân sinh được. Chúng tôi là người dân, thấy vậy cũng khó chịu và bất bình”, anh N.N.T (ngụ thôn Đắk Hoa) bức xúc.
Đường dẫn thẳng vào tận nhà
Không chỉ “thiết kế” đường riêng cho gia đình mình, ông Minh còn thiếu trách nhiệm trong việc ký duyệt hồ sơ trình lên cấp trên, gây sai phạm trong thi công làm đường cho 1 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.
Video đang HOT
Theo đó, việc thiết lập hồ sơ con đường bê tông dài 780m chạy từ đường lớn vào trang trại rộng 20ha của ông Trần Anh Kiệt tại thôn Đắk Lưu được chủ tịch cũ (trước thời ông Minh) hoàn thiện. Sau đó, ông này bị kỷ luật nên ông Minh được chuyển sang giữ chức Chủ tịch xã Tân Thành. Lúc này ông Minh chỉ xem qua loa hồ sơ rồi ký duyệt để thi công con đường này, dẫn đến chi sai trên 376 triệu đồng ngân sách của nhà nước.
Con đường được xã “ưu ái” dành riêng cho hộ ông Kiệt, được chủ đóng cửa ra vào kín mít
Ở tại thôn Đắk Lưu, người dân gọi con đường đi thẳng vào trang trại nhà ông Kiệt là “con đường đại gia” bởi con đường bê tông dài gần 1 cây số này được xã “ưu ái” thiết kế dành riêng cho gia đình ông Kiệt mà không có hộ dân nào đi trên con đường này. Ở phía ngoài đường lúc nào cũng được khóa cổng kín mít, không cho ai ra vào, ngoại trừ người thân của chủ rẫy.
“Ở trong thôn có rất nhiều con đường đất vào mùa mưa lầy lội nhưng không được đầu tư để làm. Còn nhà ông Kiệt thì được làm đường đi phục vụ riêng mỗi nhà ông ấy. Dân trong vùng chúng tôi cũng thấy vô lý, cũng đã phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng do xã chủ trương làm nên cũng đành chịu”, một người dân địa phương phản ánh.
Nhiều người dân còn thắc mắc lý do hộ ông Kiệt được ưu tiên làm đường, phải chăng giữa ông Kiệt và chủ tịch xã có mối “quan hệ đặc biệt”? “Ông Kiệt ở địa phương này thì nổi tiếng khá giả, nhà ông này ở bên Đắk Lắk ông chỉ qua đây mua bán nông sản và làm rẫy, chẳng biết ông này thân thiết sao với mấy vị ở xã mà được làm đường bê tông đẹp như vậy?”, một người dân tại thôn hoài nghi.
Ông Võ Ngọc Đức – Phó Chánh Thanh tra huyện Krông Nô – cho biết, trong quá trình đi kiểm tra theo kế hoạch, Thanh tra huyện đã phát hiện ra những sai phạm tại xã Tân Thành trong việc thi công đường bê tông nông thôn không đúng với chủ trương, quy định.
“Đây là con đường làm để phục vụ cho việc giao thông đi lại của bà con, nhưng việc làm đường để phục vụ mục đích cá nhân của ông Minh và ông Kiệt là sai phạm. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã đề nghị Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện không quyết toán 2 con đường này và thu hồi nộp ngân sách lại toàn bộ số tiền sai phạm này”, ông Đức nhấn mạnh.
Lời trần tình của nguyên chủ tịch xã
Ngày 7/6, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Minh về tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, ông Minh đã bị Huyện ủy kỷ luật Cảnh cáo về mặt Đảng và cách chức Chủ tịch xã Tân Thành.
Trao đổi với PV, ông Minh cho rằng việc ông bị khởi tố là “quá nặng” bởi việc ký duyệt hồ sơ làm đường của hộ ông Trần Anh Kiệt là do ông vừa nhận chức đã phải vội ký duyệt đúng thời hạn dẫn đến xem hồ sơ chưa kỹ. “Vào tháng 12/2012 tôi nhận chức chủ tịch xã, trong khi hồ sơ khảo sát làm đường bê tông người ta làm từ đầu năm 2012 và hoàn thiện vào tháng 8/2012. Khi anh em đưa lên cho tôi ký duyệt để cấp mã số công trình, tôi tin tưởng anh em chuyên môn nên tôi đã ký chứ tôi không thể đọc hết những thông số chuyên môn trong đó”, ông Minh phân trần.
Cũng theo ông Minh, căn cứ vào chủ trương, cứ con đường nào có từ 3 hộ dân trở lên sẽ được làm đường nếu có hộ đăng ký, nên việc ông Kiệt không có hộ khẩu tại địa phương nhưng vẫn được làm đường là do ở thời chủ tịch trước lập hồ sơ, còn ông không hề biết. Ông Minh cũng khẳng định mình và ông Kiệt hoàn toàn không có mối quan hệ nào thân thiết.
Riêng về con đường đi ngang qua lối vào nhà mình, ông Minh cho rằng các hộ trong xóm đã thống nhất đăng ký làm con đường này. Khi đi ngang lối vào nhà mình, ông đã làm thêm 280m vào tận sân nhà và người trong xóm cũng không ý kiến. Sau đó, trong lúc đang thi công phần đường, có nhiều người dân phản ánh công tư không rõ ràng nên ông Minh đã chuyển số tiền đang làm đường vào nhà mình sang 1 con đường khác cũng đang thi công đường bê tông giao thông nông thôn.
“Lúc đó, tôi đã xin ý kiến thường vụ xã cắt bỏ kinh phí phần đường vào nhà tôi để điều chỉnh sang chỗ khác, vào các con đường khác đã đăng ký trong danh mục. Do hồ sơ đã lập, thủ tục thay đổi để trả lại tiền rất khó nên tôi đã chuyển vật liệu làm 235m đường nối tiếp thêm vào con đường bê tông khác đang thi công trong thôn. Còn con đường vào nhà tôi đang làm dở dang nên tôi vừa điều chỉnh qua tuyến khác vừa thi công cho xong để tránh lãng phí”, ông Minh giải thích.
Ông Minh cho rằng việc ông bị khởi tố là quá nặng.
Do con đường mà ông Minh điều chỉnh để làm thêm không có trong danh mục đăng ký, đến năm 2014 con đường này mới được lập hồ sơ thi công mới và quyết toán. Sau khi nhận vốn, thôn đã trả lại số tiền mà ông Minh đã đưa trước đó để làm con đường này.
“Khi tôi phát hiện mình làm sai, tôi đã kịp thời hoàn trả tiền trong thời gian ngắn nhất và điều chỉnh vốn sang con đường khác để phục vụ dân sinh mà không hề gây thất thoát tiền của nhà nước cấp cho xã, nhưng không hiểu sao anh em điều tra lại bỏ qua chi tiết này để khởi tố tôi”, ông Minh thắc mắc.
Ông Nguyễn Xuân Hiền – Chủ tịch xã Tân Thành – cho biết: Do đặc thù là xã vùng 3 và có trên 65% dân tộc thiểu số sinh sống nên xã được nhà nước hỗ trợ 75% tiền để xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn. “Những hộ thực hiện sai chủ trương chính sách khi lấy kinh phí đầu tư đường phục vụ dân cư để phục vụ cá nhân đã buộc phải bồi hoàn lại số tiền đã vi phạm. Hộ ông Minh đã phải nộp lại trên 157 triệu đồng và hộ ông Kiệt nộp trên 367 triệu đồng vào ngân sách”, ông Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, hiện xã có hàng chục con đường cần phải làm do địa hình dốc, đất đá vào mùa mưa bão đi lại vô cùng khó khăn nhưng do không có kinh phí nên vẫn chưa được thực hiện.
Trương Nguyễn
Theo Dantri
"Quốc hội nghỉ sớm 2 tiếng không ảnh hưởng gì đến chất lượng!"
"Điều đó chứng tỏ chương trình tương đối tốt nên đại biểu không nêu ý kiến. Còn việc Quốc hội nghỉ sớm không ảnh hưởng đến chất lượng vì đại biểu thấy nội dung tốt rồi thì đồng ý", ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Chiều ngày 9/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã phân tích rõ những vấn đề liên quan đến việc buổi sáng cùng ngày Quốc hội nghỉ sớm khoảng 2 tiếng do không có đại biểu nào đăng ký phát biểu thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, đại biểu không cho ý kiến chứng tỏ chương trình đưa ra tương đối tốt (Ảnh Việt Hưng)
Phiên thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 diễn ra trong buổi sáng ngày 9/6 nghỉ sớm khoảng 2 tiếng so với dự kiến khiến nhiều người bất ngờ vì không một đại biểu nào đăng ký phát biểu. Xin ông cho biết lý do tại sao các đại biểu không nêu quan điểm trước diễn đàn Quốc hội?
Vấn đề này ngoài việc thảo luận tại tổ, các đại biểu còn được xin ý kiến trước đó rồi. Vì đã cân nhắc kỹ, lại không có ý kiến gì khác nên ra Quốc hội đại biểu không đăng ký phát biểu. Thực tế phải có gì mới mới phát biểu, nếu không sẽ làm mất thời gian của người khác.
Mà cũng có thể vì nội dung chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, đã được sắp xếp hợp lý nên đại biểu mới không có ý kiến. Quốc hội ở các nước cũng thế, họ chỉ thảo luận khoảng 30 - 40 phút. Nếu có chứng cứ thì đại biểu phát biểu, còn không có thì đại biểu không nói. Đó cũng là một văn hóa.
Thực tế mọi việc Quốc hội đang làm đều là hoạt động giám sát. Các nước không đưa ra chương trình giám sát riêng, người ta chỉ chia làm hai phần, trong đó một phần nghị trình phục vụ công việc của Chính phủ, một phần phục vụ công việc của đại biểu. Còn chúng ta hơi khác với chương trình các nước là đã làm một chương trình giám sát riêng.
Trước đó, khi cho ý kiến Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị quy định cụ thể số lần "nhả tơ" của các đại biểu chuyên trách trước diễn đàn. Vậy theo ông, vì không có ý kiến nên Quốc hội nghỉ sớm khoảng 2 tiếng chứng tỏ điều gì?
Điều đó chứng tỏ chương trình này tương đối tốt nên đại biểu không có ý kiến nữa. Nếu đã thấy chương trình ổn rồi thì không nên phát biểu chỉ để... phát biểu. Còn việc Quốc hội nghỉ sớm không ảnh hưởng đến chất lượng vì đại biểu thấy nội dung tốt rồi thì đồng ý.
Khi đại biểu đồng loạt ra về sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến, nhiều người nghĩ rằng Quốc hội Khóa XIII sắp hết, mọi việc gần như đã an bài nên nhiều người không muốn "nhả tơ" nữa, thưa ông?
Suy nghĩ Quốc hội khóa XIII sắp hết, đại biểu không chịu phát biểu là suy diễn. Trường hợp này, như tôi nói chương trình giám sát đại biểu thấy ổn thì không nhất thiết phải tranh luận.
Có ý kiến cho rằng, chi phí cho mỗi ngày họp Quốc hội lên đến cả tỷ đồng nên khi Quốc hội nghỉ sớm sẽ gây lãng phí ngân sách của Nhà nước?
Thứ nhất, tôi phải khẳng định không có số liệu nào nói họp Quốc hội mỗi ngày một tỷ đồng. Thứ hai, nếu thảo luận, tranh luận thì anh phải có cái để nói, nếu nói chỉ để hết thời gian thì không nên.
Một chương trình khi đại biểu đồng ý rồi thì còn phát biểu gì thêm nữa? Phải có vấn đề không đồng ý thì anh mới phát biểu. Đến Quốc hội các nước sẽ thấy, hầu như người ta chẳng nói gì. Đến phiên tranh luận họ mới nói, còn phiên như thế này không ai nói. Khi Chính phủ trình ra một dự án luật, ai đồng ý người ta bảo đồng ý, còn không đồng ý thì bảo không.
Còn nhiều thời gian như vậy, sao Quốc hội không linh hoạt đẩy các chương trình khác lên?
Phiên họp ở cấp xã thì có thể làm được như vậy, còn họp Quốc hội phải làm theo thủ tục.
Tiền lệ đã có buổi họp nào Quốc hội nghỉ sớm như vậy hay đây là trường hợp đầu tiên?
Đây không phải là trường hợp hy hữu mà từng xảy ra khi nội dung trình không có đại biểu nói. Thông thường những vấn đề nào không nóng, không có sự tranh cãi thì đại biểu ít ý kiến.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)
Theo Dantri
Xem xét thu hồi các dự án ven biển chậm trễ triển khai Các dự án ven biên bỏ hoang đất, sau 24 tháng chưa thực hiện sẽ được gia hạn thêm 24 tháng nữa va nêu tiêp tuc bỏ hoang sẽ tiên hanh thu hồi ma không bồi thường. Phôi canh cao ôc 65 tâng trên biên Nha Trang đang gây ra phan ưng cua dư luân. Trao đôi vơi PV Dân tri ngay 6/6,...