“Quan” xã lộng quyền
Đó là ông Nguyễn Truyền Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn – Cà Mau
Xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn – Cà Mau không thiếu đất nhưng vẫn đẩy dân nghèo xuống sống ở bìa rừng sát mé sông
Đầu năm 2011, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn – Cà Mau quy hoạch lại khu vực nhà lồng chợ tại ấp Hố Gùi nên phải giải tỏa 12 hộ dân. Các hộ dân đều chấp hành di dời nhưng xã chỉ cấp 11 nền tái định cư cho 11 hộ, riêng hộ bà Trần Thùy Trang không được cấp đất cũng như giải quyết bồi thường vì “giàu”.
Đưa dân đến nơi nguy hiểm
Bà Trang không chịu di dời nên ông Nguyễn Truyền Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, chỉ đạo cương chế, dơ nhà. Khi bà Trang đòi xem quyết định thì lực lượng cương chế không có nhưng đợi lúc bà Trang đi vắng xông vào dỡ nhà. “Trước đây, tôi có cho ông Thống mượn tiền, vàng nhưng sau đó đòi lại nên hai bên xảy ra mâu thuẫn” – bà Trang nói.
Video đang HOT
Trong số 11 hộ bị giải tỏa nói trên, ông Thống viện cớ xã không có quỹ đất nên đưa 5 hộ xuống bìa rừng sát mé sông để sống.
Mới đây, xã lại cho xây hàng rào chợ chắn ngang mặt nhà của họ. Điển hình là hộ ông Phạm Văn Dân bị hàng rào chắn trước cửa nhà, chỉ còn khoảng 25 cm để đi lại. Ông Phạm Hoàng Sang, nguyên bí thư chi bộ, nguyên trưởng Ban Nhân dân ấp Hố Gùi, bức xúc: “Trong lúc Nhà nước đang chủ trương di dời dân đến vùng cao, nơi an toàn, tránh lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng cao thì ông Thống lại đưa dân đến nơi nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe dọa”.
Vun vén cá nhân, xài bằng giả
Dự án khu tái định cư Hố Gùi do Thụy Sĩ tài trợ cho dân cư miền biển đợt 2 có tổng cộng 30 căn nhà. Tỉnh Cà Mau chủ trương thu của mỗi hộ 3 triệu đồng đối ứng làm nhà vệ sinh. Cả 30 hộ đã nộp cho xã Tam Giang Đông 90 triệu đồng nhưng ông Thống chỉ mới nộp về tỉnh 20 triệu đồng, còn lại chiếm dụng.
Hộ gia đình bà Ngụy Thị Đẹp, ông Nguyễn Văn Vũ, ông Nguyễn Phước Tài, ông Trịnh Văn Dưỡng và ông Lê Minh Đoàn đã được đoàn khảo sát của Thụy Sĩ phỏng vấn, xét cấp nhà ở khu tái định cư Hố Gùi đợt 3. Thế nhưng, khi xã triển khai đưa dân vào ở thì nhà của những hộ này đã thay tên, đổi chủ. Cụ thể, căn số 14 của ông Nguyễn Văn Vũ thuộc về ông Nguyễn Văn Mau (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ấp Hố Gùi), căn số 15 của ông Nguyễn Phước Tài thuộc về ông Nguyễn Văn Dũng (Phó trưởng Công an ấp Hố Gùi), căn số 17 của ông Lê Minh Đoàn thuộc về ông Nguyễn Duy Minh (Bí thư Chi bộ ấp Hố Gùi)… Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc Khmer đã đóng tiền đối ứng 3 triệu đồng nhưng vẫn không có nhà, thậm chí chưa có tên trong danh sách.
Năm 2010, Công ty Điện lực Cà Mau chi hỗ trợ trượt giá cho 38 hộ nghèo của xã Tam Giang Đông với mức 2 triệu đồng/hộ. Lãnh đạo Công ty Điện lực Cà Mau khẳng định đã giao tiền cho chính quyền xã và thông báo trên Đài Truyền hình Cà Mau. Thế nhưng đến nay, số tiền này vẫn chưa đến tay các hộ dân, khi được hỏi thì ông Thống nói “làm gì có ai hỗ trợ!”.
Ngoài những việc làm sai trái trên, ông Thống còn mượn bằng cấp 3 của người khác rồi thay hình, đổi tên để được đề bạt, bổ nhiệm làm chủ tịch xã. Việc làm trên bị phát hiện nhưng ông vẫn tại vị.
Dân không biết mặt trưởng ấp Nhiều người dân ở ấp Hố Gùi cho biết do không biết ai là trưởng ấp nên khi có việc cần chẳng biết trình bày với ai. Hộ anh Trần Văn Be (38 tuổi) có con bị tật bẩm sinh; gia đình bữa đói, bữa no. “Tôi cũng muốn xin cấp sổ hộ nghèo nhưng không biết ai là trưởng ấp để tìm đến trình bày” – anh Be nói. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với gia đình anh Be thì ông Nguyễn Văn Khởi đến xưng là trưởng ấp và yêu cầu cho xem giấy tờ. Sau đó, ông Khởi thừa nhận là mới lên làm trưởng ấp mấy tháng nên nhiều người không biết và bản thân ông cũng không biết gia đình anh Be nghèo khổ đến vậy.
Theo Người Lao Động
Bộ trưởng lộng quyền
Thủ tướng Anh David Cameron đang gặp chuyện rắc rối về quản lý nội các do một vị bộ trưởng xử lý công việc vô nguyên tắc
Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox đang bị Quốc hội Anh điều tra về quan hệ của ông với người bạn thân Adam Werritty tuy không phải là quan chức chính phủ nhưng được ông tùy tiện cho tham gia nhiều hoạt động của nội các kể cả hoạt động đối ngoại! Trước những bằng chứng không thể chối cãi do báo chí phát hiện, Bộ trưởng Liam Fox đã phải xin lỗi Thủ tướng Cameron vì "đã lẫn lộn trách nhiệm công việc nhà nước với quan hệ bạn bè thân thiết, làm tổn hại uy tín của chính phủ".
Ông Liam Fox sẽ phải trả lời trước nghị viện mọi câu hỏi về việc ông để cho ông bạn Werritty là một doanh nhân can dự vào công việc của chính phủ liên quan đến cuộc chiến Afghanistan và Libya!
Thủ tướng Cameron tuy vẫn "hoàn toàn tín nhiệm" ông Liam Fox nhưng yêu cầu Bộ Quốc phòng Anh sớm làm rõ những chất vấn của nhiều nghị sĩ tại sao Bộ trưởng Fox sau khi đi thăm Libya mới đây lại "ưu tiên" thông báo cho ông bạn Werritty về chuyến thăm dù nhân vật này không có vai trò chính thức về an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox (phải) và bạn thân Werritty. Ảnh: THE Telegraph
Báo chí Anh phát hiện hàng loạt sự kiện về quan hệ giữa Bộ trưởng Fox với ông bạn Werritty. Tờ The Observer tung lên mạng tin chi tiết về sự tham dự của Werritty tại cuộc hội kiến của ông Fox với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse ở London cuối năm ngoái. Theo tờ The Telegraph, Werritty còn nhân danh "phái viên đặc biệt" của Bộ trưởng Fox tổ chức nhiều cuộc gặp các bộ trưởng cao cấp của Sri Lanka. Tháng 6 năm nay, ông ta còn môi giới tổ chức cuộc thương thảo giữa Bộ trưởng Fox với một tập đoàn vô tuyến viễn thông Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ở Dubai về một hợp đồng ký với quân đội Anh tham chiến tại Afghanistan.
Các nghị sĩ Anh chê trách Thủ tướng David Cameron làm ngơ hay không biết gì về cung cách tác nghiệp kỳ lạ của bộ trưởng quốc phòng. Sức ép đòi Bộ trưởng Fox từ chức đang tăng dần, không thể không tác động tới Thủ tướng Cameron. Vụ bê bối này cần phải được xử lý thỏa đáng sau khi cuộc điều tra của Nghị viện Anh kết thúc.
Theo Người lao động