Quan tỉnh bị bắt, nhiều cấp dưới “nhảy lầu, ngã sông”
Theo hãng Tin tức Trung Quốc (CNS), ngày 18/7 vừa qua, Tòa án thành phố Trùng Khánh đã kết thúc xét xử vụ án Ngu Hải Yến, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng Cam Túc nhận hối lộ. Ngu Hải Yến bị tuyên phạt mức án 15 năm tù, phạt 6 triệu NDT và truy thu toàn bộ số tài sản có được do nhận hối lộ để sung kho nhà nước.
Qua xét xử, Tòa án đã làm rõ, từ 1998 đến 2016, bị cáo Ngu Hải Yến đã lợi dụng tiện lợi khi giữ các chức vụ: Giám đốc nhà máy luyện thép, Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Công ty hữu hạn Tập đoàn Gang thép Tửu Tuyền; Chủ nhiệm Ủy ban quản lý tài sản công hữu tỉnh, Phó tỉnh trưởng Cam Túc, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Lan Châu để giúp các tập thể và cá nhân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhận thầu công trình, khai thác nhà đất, đề bạt cán bộ, điều chỉnh chức vụ…rồi trực tiếp hoặc thông qua vợ là Lý Nham Hoa nhận hối lộ tổng cộng hơn 65,63 triệu NDT (230 tỷ VND).
Ngu Hải Yến khi còn giữ chức.
Ngu Hải Yến sinh tháng 7/1961 tại Chiết Giang, sau khi tốt nghiệp Học viện Kiến trúc Luyện kim Tây An năm 1982 đã lần lượt công tác tại Công ty Gang thép Tân Cương và Tửu Tuyền. Năm 2002, ở tuổi 41, Yến được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Gang thép Tửu Tuyền. Sau 22 năm làm việc trong ngành luyện kim, tháng 12/2004, Yến chuyển qua chính trường với chức vụ Bí thư đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban giám sát quản lý tài sản công hữu tỉnh Cam Túc, 2 năm sau được giao chức Bí thư thành ủy Thiên Thủy, rồi Phó tỉnh trưởng Cam Túc (2011); tháng 4/2012 được bầu làm Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, 6 tháng sau là Bí thư thành ủy Lan Châu, từ tháng 11/2016 là Phó tỉnh trưởng thường trực Cam Túc.
Tháng 1/2017, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) thông báo Ngu Hải Yến bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, trở thành cán bộ lãnh đạo tỉnh Cam Túc thứ 2 và cũng là Bí thư thành ủy Lan Châu thứ 2 bị “ngã ngựa” sau Đại hội 18 sau Lục Vũ Thành. Tháng 6/2017, Yến bị khai trừ đảng và công chức, chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý. Sau khi kết thúc điều tra, Yến bị Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc chỉ định Viện Kiểm sát Trùng Khánh truy tố, đưa ra xét xử từ ngày 24/5/2018 theo phương châm “phạm tội nơi này, xét xử nơi khác”. Việc xét xử kéo dài tới ngày 18/7 vừa qua mới công bố mức án phạt
Tháng 9/2017, trong bộ phim “Kiếm sắc tuần thị” được phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Ngu Hải Yến là một nhân vật được xuất hiện nhiều. Theo đó, từ tháng 11/2016 đến tháng 1/2017, Tổ tuần thị thứ 3 của trung ương về Cam Túc tái thanh tra kiểu “Hồi mã thương”, 5 ngày sau khi kết thúc cuộc thanh tra thì Yến bị UBKTKLTW đưa đi thẩm tra. Trong thời gian Tổ tuần thị về đây, Yến đã bố trí thân tín ở các ban ngành tìm mọi cách nghe ngóng, dò xét tình hình; đồng thời bắt đầu di chuyển các món đồ quý trong nhà, liên hệ với các “ông chủ” (quan chức cấp cao đang o bế y), những thành viên trong nhóm lợi ích để bàn bạc đối sách, thống nhất lời khai.
Yến xé vụn những bức ảnh chụp chung với các “ông chủ” rồi cho vào bồn cầu xả nước khiến bồn cầu tắc nghẽn. Bà vợ Lý Nham Hoa khai: khi Tổ tuần thị ở Cam Túc, trên bàn trong nhà luôn đặt cả dãy điện thoại di động, mỗi “ông chủ” được cho một số riêng để liên lạc với Yến; sau khi thống nhất cách đối phó và lời khai với các “ông chủ”, Yến đã ngâm nước rồi ném tất cả số điện thoại này xuống dòng Hoàng Hà. Thời gian này Yến rất hay đi dạo dọc Hoàng Hà; ngoài điện thoại, ông ta còn ném xuống sông đồng hồ đắt tiền đã bị đập hỏng và nhiều thứ khác; thế nhưng ông ta không thể xóa bỏ được mọi dấu tích vi phạm kỷ luật và pháp luật. Sau khi tổ Tuần thị về nằm vùng, các vấn đề nghiêm trọng của Yến lần lượt bị phanh phui.
Video đang HOT
Lúc này, Ngu Hải Yến biết thời của mình đã chấm dứt, nhưng ông ta không từ bỏ việc đối kháng. Yến tìm được một cán bộ cảnh sát về hưu được cho là đã từng công tác tại UBKTKLTW rồi cùng vợ đến gặp để “tập huấn”, luyện tập cách đối phó tổ chức điều tra. Yến khai, về sau khi cán bộ điều tra cho biết người này chỉ là một cán bộ Cục Công an Lan Châu nghỉ hưu mạo nhận là cựu cán bộ UBKTKLTW, Yến cảm thấy rất mất mặt vì mắc lừa.
Sau khi Ngu Hải Yến được đưa lên làm lãnh đạo tỉnh, ông ta đã điều động hơn 100 cán bộ là thuộc cấp từ Tập đoàn Gang thép Tửu Tuyền đi theo để tạo dựng một thế lực riêng; trong số đó có Kim Tấn Triết, thư ký riêng. Khi Yến làm Bí thư thành ủy Lan Châu thì Triết là Phó Tổng thư ký thành ủy. Tờ “Tuần san Kinh tế Trung Quốc” cho biết: sau khi Ngu Hải Yến bị bắt, Kim Tấn Triết và nhiều quan chức cấp ty, sở cũng bị điều tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhiều người đã chết do “ngã lầu hoặc ngã xuống sông”. Trong số này có Trương Kỷ Huân – Cục phó Tài nguyên đất đai Lan Châu; Lưu Hồng Quân – Cục trưởng Chấp pháp quản lý tổng hợp; Dư Kính Đông, Chủ tịch Chính Hiệp Lan Châu chết do “ngã lầu” hoặc “ngã sông”; một người khác là Chu Cường, Chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển kinh tế tỉnh Cam Túc cũng “ngã sông và mất tích”.
Kim Tấn Triết bị bắt cùng ngày 11/1/2017 với Ngu Hải Yến. “Tuần san kinh tế Trung Quốc” cho biết: Kim Nhân Triết thậm chí khống chế quyền dùng người của Lan Châu, thành ủy muốn khảo sát cán bộ nào đều phải trao đổi trước với ông ta; thậm chí Triết dám chỉ mặt thành viên lãnh đạo tỉnh chửi mắng do cậy là thư ký của Ngu Hải Yến và Yến lại được Bí thư tỉnh ủy Vương Tam Vận ưu ái.
Sau khi Ngu Hải Yến bị đưa đi điều tra, ngày 11/7/2017 đến lượt Vương Tam Vận, Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy Cam Túc bị UBKTKLTW thông báo điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”; ngày 22/9 Vận bị khai trừ đảng và công chức rồi chuyển giao cơ quan tư pháp xử lý; ngày 30/9/2017, Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc thông báo lập án điều tra và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Vương Tam Vận, đến nay việc điều tra vẫn đang tiến hành.
Theo Thu Thủy
Tiền phong
Trung Quốc: Lộ diện nhiều gia tộc tham nhũng
Theo báo Trung Quốc "Pháp chế Buổi chiều", do tề gia không nghiêm nên hiện tượng "toàn gia hủ" (cả nhà tham nhũng hủ bại) hiện đã trở nên khá phổ biến trong giới quan chức nước này. Cùng với việc chiến dịch "đả Hổ, đập Ruồi" ngày càng đi vào chiều sâu thì các gia tộc hủ bại lộ diện này càng nhiều...
Cặp vợ chồng quan tham Lý Xuân Thành - Khúc Tùng Chi.
Vợ chồng cùng nhau vào tù
Chồng là "đại Hổ", vợ nhận tiền là "mô-típ" thường gặp trong giới quan chức Trung Quốc hiện nay. Tháng 12/2015, Lý Xuân Thành, Ủy viên dự khuyết TW, Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên bị kết án 13 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền. Đến ngày 8/1/2016 đến lượt vợ ông ta là Khúc Tùng Chi bị đưa ra xét xử, Tòa án kết luận: Chi đã cùng chồng nhận hối lộ hơn 28 triệu tệ nên tuyên phạt 7 năm tù giam. Khúc Tùng Chi nguyên là Bí thư đảng ủy, Phó hội trưởng thường trực Hội Chữ thập đỏ thành phố Thành Đô.
Quan chức khi đã có quyền trong tay thì có người tình là chuyện thường thấy. Lư Vũ Phúc, Ủy viên thường vụ, Phó thị trưởng thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam có tới 9 ả người tình, phần lớn tiền bạc vơ vét được, Phúc đều giao cho người đẹp được sủng ái nhất là Miêu Húc Hoa cất giữ. Khi nghe tin đồn Phúc sắp bị điều tra, Hoa liền mua một cặp điện thoại cùng sim số mới để hai người sử dụng liên lạc bàn cách tẩu tán tài sản...
Hứa Đạo Minh, Phó bí thư thành ủy Hợp Phì (An Huy) và vợ là Giang Lê, Cục trưởng Thương nghiệp thành phố cùng nhau lợi dụng chức vụ để vơ vét, cuối cùng đều vào nhà giam bóc lịch. Trong thời gian từ 1995 đến tháng 11/2006. Minh đã lợi dụng chức quyền nhận hối lộ 123 lần, trong đó đích thân nhận 122 lần số tiền 1 triệu 564 ngàn tệ, 32.800 USD, 1000 HKD và cùng Lê nhận 1 triệu tệ. Tháng 7/2008, Minh bị tòa kết án chung thân vì tội nhận hối lộ và có tài sản lớn bất minh, Lê nhận án 4 năm tù.
Trong số các cặp vợ chồng tham nhũng, thường chồng đóng vai chính, vợ phụ; nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Tháng 7/2012, Trần Nghi Hàm, Trưởng phòng Tuyên truyền, Bộ Đường sắt bị điều tra. Cán bộ điều tra đã thu giữ ở nhà riêng Hàm hơn 10 triệu tệ tiền mặt và 9 sổ sở hữu nhà ở Bắc Kinh. Sau đó, cơ quan điều tra lần ra tiếp vụ án tham nhũng của ông chồng là Lưu Thụy Dương, Phó chủ nhiệm Phòng Tòa án xe, Cục vận tải của Bộ Đường sắt.
Cha con "phối hợp" vơ vét
Cha làm quan, con kinh doanh, cha tạo điều kiện cho con kiếm tiền là mô hình thường gặp. Cách đây mấy hôm, The Paper đưa tin: dư chấn để lại của vụ án "Vua nhà đất" Triệu Tấn vẫn chưa dứt, 28 quan chức trong các cơ quan quy hoạch, tài nguyên đất đai Thiên Tân vừa bị xử lý do liên quan đến các hạng mục công trình của Triệu Tấn. Cha Triệu Tấn là Triệu Thiếu Lân, nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô. Lợi dụng địa vị và mối quan hệ rất rộng của cha, Triệu Tấn đã hoành hành trên thị trường địa ốc suốt 20 năm, thành lập gần 100 công ty ở Nam Kinh, Tế Nam, Thiên Tân. Phía sau "đế quốc nhà đất" của Triệu Tấn là cả một nhóm lợi ích lớn, bao gồm Triệu Thiếu Lân, "bố nuôi" Hà Gia Thành (Phó giám đốc thường trực Học viện hành chính quốc gia), Vương Mẫn (Bí thư thành ủy Tế Nam). Dương Vệ Trạch (Bí thư thành ủy Nam Kinh), Chu Bản Thuận (Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc), Lệnh Kế Hoạch (Chánh văn phòng trung ương). Tờ "Tuần san Tin tức Trung Quốc" chỉ rõ: Triệu Tấn có thủ đoạn "kéo người xuống bùn" rất bẩn thỉu là dùng gái "chiêu đãi" quan chức rồi bí mật ghi hình để khống chế. Vương Mẫn, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Tế Nam chính là người bị Tấn ghi hình tại hội sở ở Bắc Kinh, khi UBKTKLTW khám xét nơi này đã tìm thấy thẻ ghi hình và sử dụng làm manh mối để họ điều tra hạ gục Mẫn. Tấn bị bắt năm 2014, đến nay vẫn chưa xét xử; Triệu Thiếu Lân thì đã bị nhận án 4 năm tù, phạt 15 triệu tệ vào tháng 5/2017 vì các tội đưa hối lộ và lừa đảo mua ngoại tệ.
Một cặp cha con tham nhũng khác là Lưu Thiết Nam và Lưu Đức Thành. Tháng 12/2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia Lưu Thiết Nam bị kết án tù chung nhân, tịch thu toàn bộ tài sản vì tội nhận hối lộ. Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, hành vi tham nhũng của Nam có liên quan đến con trai.
Tháng 3/2016, Dương Thành Lâm, "đại Hổ" ngành tài chính Nội Mông - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ngân hàng cổ phần Nội Mông bị đưa ra xét xử vì phạm tội nhận hối lộ, tham ô, sử dụng trái phép tiền công tổng số tới 600 triệu tệ. Cùng ngồi trên ghế bị cáo với Lâm còn có con trai Dương Hải và người tình Trương Đình. Theo cơ quan công tố thì Dương Hải sau khi bị bắt đã tố giác cha vòi hối lộ 2 công ty số tiền lên tới 49 triệu tệ.
Anh em cùng "ngã ngựa"
Ba anh em trong gia tộc tham nhũng Lệnh Chính Sách, Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Hoàn Thành.
Vụ việc điển hình, nổi tiếng nhất là anh em Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Chính Sách, Lệnh Hoàn Thành. Lệnh Kế Hoạch nguyên Bí thư, Chánh văn phòng TW khóa 17, đã nhận án chung thân năm 2016 vì phạm tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và chiếm đoạt trái phép tài liệu mật. Lệnh Chính Sách, anh trai Lệnh Kế Hoạch, Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây đã nhận án tù 12 năm 6 tháng về tội nhận hối lộ. Lệnh Hoàn Thành là em út đã cao chạy xa bay sang Mỹ.
Một trường hợp khác là 3 anh em Vương Mậu Toàn, Vương Mậu Kiến, Vương Mậu Thiết ở Sơn Tây. Trong đó Thiết là Bí thư thành ủy Vận Thành đã nhận án 15 năm tù vì nhận hối lộ, hai người anh đều đã bị khai trừ đảng và chuyển cơ quan pháp luật điều tra xử lý.
Theo Thu Thủy
Tiền Phong
Lộ diện quan tham Trung Quốc "ga lăng", nhận hối lộ trăm tỷ để cho gái Mới đây, tòa án Ưng Đàm (Trung Quốc) đã tuyên phạt Lãnh Tân Sinh, nguyên Thị trưởng thành phố Cán Châu, 6 năm tù vì tội nhận hối lộ. Tòa án nêu rõ, từ 2002 đến 2017, Sinh đã lợi dụng các chức vụ Thị trưởng Phong Thành, Bí thư thị ủy Phong Thành, Ủy viên thường vụ thị ủy Nghi Xuân, Thị...