Quan tham Trung Quốc ‘vòi’ doanh nghiệp tặng máy bay riêng
Một quan tham Trung Quốc được cho đã yêu cầu 12 doanh nghiệp hùn tiền mua một chiếc máy bay trị giá 390 triệu nhân dân tệ (gần 60 triệu USD) để phục vụ nhu cầu đi lại cho mình.
Sơn Tây, một trong những tỉnh có nhiều quan tham đã trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng – Ảnh minh họa: AFP
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn Tây, ông Wang Rulin trong cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc cho biết rất bức xúc với tình trạng tham nhũng của quan chức tỉnh nhà, cho rằng các quan tham nay không chỉ vi phạm điều lệ đảng mà còn phá hoại nền kinh tế của Trung Quốc.
Sơn Tây, một trong những tỉnh có nhiều quan tham đã trở thành mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Trường hợp điển hình đầu tiên, theo lời ông Wang, là một phó thị trưởng của tỉnh, được cho đã nhận hối lộ 644 triệu nhân dân tệ (hơn 98,78 triệu USD). Theo ông Wang, số tiền này tương đương với khoản thu ngân sách của 9 hạt nghèo nhất Sơn Tây trong một năm, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 7.3.
Trường hợp tiếp theo là chủ tịch một cơ quan tài chính của tỉnh. Mỗi khi đồng ý cấp vốn cho doanh nghiệp địa phương, vị chủ tịch này đòi được chia 2% trên vốn vay, số tiền này được thanh toán trực tiếp vào tài khoản của một công ty do ông ta quản lý.
Video đang HOT
Chưa hết, ông Wang cho biết vị chủ tịch này còn yêu cầu 12 doanh nghiệp hùn tiền mua một chiếc máy bay trị giá 390 triệu nhân dân tệ (gần 60 triệu USD) để phục vụ nhu cầu đi lại cho mình. Tên của vị chủ tịch không được Bí thư tỉnh Sơn Tây tiết lộ nhưng truyền thông Trung Quốc loan tin đó là bà Shangguan Yongqing, cựu chủ tịch của ngân hàng Jinshang.
“Những trường hợp tham nhũng như thế này là &’khối u ác tính’ kìm hãm sự phát triển kinh tế”, Bí thư Wang phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc. Trong năm 2015, có 300.000 quan chức tham nhũng bị kỷ luật tại Trung Quốc so với con số 400.000 người của 2 năm 2013 và 2014 cộng lại.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Những lời khai như đùa của quan tham Trung Quốc
Nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã có những lời ngụy biện "không thể tin nổi" khi đối mặt với nhà điều tra.
Từ trái qua: Dư Trị Bình, Lưu Thiết Nam và Từ Tinh - Ảnh: Ifeng.com/ v4.cc
Tính đến tháng 6.2015, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", phát động tại Trung Quốc từ tháng 11.2012, đã khiến hơn 120.000 quan tham sa lưới, bao gồm những "con hổ lớn" như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch..., thu hồi 38,7 tỉ nhân dân tệ (6,32 tỉ USD).
Trong quá trình điều tra, nhiều người ra sức tìm đủ cách để chạy tội, bào chữa và tờ Nhân Dân nhật báo vừa đăng tải những lời biện hộ "sáng tạo" nhất của các quan tham trong phòng thẩm vấn.
Tham nhũng "vì quốc gia"
Theo Nhân Dân nhật báo, không ít người "mặt dày" đến mức khẳng định hành vi phạm tội của họ là nhằm "đóng góp cho quốc gia". Chẳng hạn khi bị điều tra về cáo buộc biển thủ 5,6 triệu nhân dân tệ (hơn 900.000 USD), cựu Phó chủ tịch huyện Mông Âm (tỉnh Sơn Đông) Viên Phong Kiếm tuyên bố phần lớn số tiền nói trên không để chi xài xa hoa hay ăn chơi hủ hóa mà được cất giữ rất cẩn thận. Vì thế, Viên cho rằng về nguyên tắc, mình "đang tích trữ tiền cho quốc gia phòng khi hữu sự sẽ mang ra đóng góp".
Các điều tra viên cũng rất sửng sốt trong buổi thẩm vấn Giáo sư Từ Tinh, Trưởng dự án phát triển công nghệ thông tin của ĐH Công nghiệp Bắc Kinh - hiện đang thụ án 13 năm tù giam vì tội biển thủ 9 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu USD). Bà này khai đã dùng tiền phi pháp để cho con gái đi du học, "tuân theo chương trình bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia nên không thể bị xem là tham nhũng".
"Yêu nước" không kém là cựu Phó trưởng ban Phát triển và cải cách quốc gia Lưu Thiết Nam. Trước mặt cảnh sát, ông Lưu ngậm ngùi nói mình nhận hối lộ lên tới 35,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,8 triệu USD) vì "lo lắng cho cuộc sống khi về già". Theo ông này, "đời sống ngày càng khó khăn, tôi muốn chuẩn bị cho tương lai của mình để đến lúc già không trở thành gánh nặng cho xã hội và đất nước". Lưu đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ vào tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, không ít quan tham cho rằng tham nhũng, nhận hối lộ là "không có gì bất thường, phù hợp quy tắc ứng xử trên quan trường". Nhân Dân nhật báo dẫn lời cựu Phó thị trưởng thành phố Mi Sơn (tỉnh Tứ Xuyên) là Dư Trị Bình nói rằng: "Không nhận tiền, không chấm mút là rất bất bình thường, sẽ gây cản trở cho công việc và ảnh hưởng đến thăng quan tiến chức". Tương tự, cựu Phó chủ tịch huyện Đồng Nam thuộc Trùng Khánh, Đàm Tân Sanh cũng ngụy biện rằng nhận tiền và quà cáp là một phần của công việc.
Tập luyện thẩm vấn với vợ con
Bên cạnh đó, Tân Hoa xã ngày 8.8 dẫn lời các nhà điều tra chống tham nhũng cho biết quan tham ngày càng tinh vi và chuẩn bị sẵn các phương án che giấu tội trạng. Nhiều người bước vào phòng thẩm vấn một cách vô cùng tự tin và trả lời rất trơn tru. Sau này, giới chức mới phát hiện nghi phạm nhờ họ hàng làm trong ngành tư pháp vạch sẵn các kịch bản thẩm vấn rồi thường xuyên diễn tập với vợ con. "Họ ngày càng nhuần nhuyễn các thủ đoạn như thông cung, làm giả chứng cứ hay ngụy trang cho tài sản phi pháp", một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở tỉnh Giang Tây nhận định.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều quan tham chọn cách tự sát để trốn tội cũng như bảo toàn tài sản phi pháp cho gia đình. Tờ Want Daily loan tin trong năm 2014 có 39 quan chức tự kết liễu khi đang bị điều tra, tăng từ 7 người trong năm 2013.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Trung Quốc vừa quy định giới công tố và điều tra viên sẽ bị kỷ luật nếu để xảy ra trường hợp nghi phạm tham nhũng tự sát, theo AFP ngày 9.8.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Trung Quốc khuyến khích quan chức tăng cường quan hệ với doanh nghiệp Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quan chức chính phủ gắn kết chặt chẽ với khu vực kinh tế tư nhân, mối quan hệ được xem là nuôi dưỡng tham nhũng trong khi vẫn đẩy mạnh chiến dịch dẹp quan tham. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hình thành "mối quan hệ mới" giữa quan chức chính phủ và doanh...