Quan tham hối lộ cấp trên cả xe chất đầy vàng
Trong các vụ án tham nhũng bị phát hiện và xét xử ở Trung Quốc gần đây, tuyệt đại đa số có liên quan đến tội nhận và đưa hối lộ.
Báo “Trung Quốc kỷ kiểm giám sát” của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) mới đây đăng bài cho rằng, nơi được ưa chuộng nhất để đưa hối lộ là các bữa ăn, tiệc tùng, cuộc nhậu, kế đó là nơi làm việc, nhà riêng, thậm chí trên bàn cờ bạc, trên xe hơi. Đặc biệt có vụ tướng hậu cần hối lộ cấp trên cả một xế hộp chất đầy vàng.
Tờ “Tân Kinh báo” (Bắc Kinh) số ra ngày 29/5 đã đăng bài điểm mặt những nơi chốn hay được các quan tham sử dụng làm nơi nhận hối lộ nhất.
Tổ chức tiệc tùng để nhận tiền
Ông Vương Nho Lâm, Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây khi nói về vấn đề chống tham nhũng của tỉnh này đã phê phán một vị giám đốc sở mà ông giấu tên “tham lam đến mức điên cuồng, công khai nhận phong bì ngay trên bàn tiệc, người ít thì 50 ngàn, nhiều thì trăm ngàn, mấy trăm ngàn tệ”. Khi nhân viên điều tra khám nhà ông này để tìm tang vật thì thấy khắp nhà đâu đâu cũng tìm thấy các hòm chứa đầy tiền mặt phủ đầy bụi, có những thùng tiền đã bị mục vì ẩm mốc.
Vương Tố Nghị
Vương Tố Nghị, Trưởng ban Mặt trận khu ủy Nội Mông cũng là kẻ thích nhận tiền trên bàn tiệc. Hồi tháng 3/2008, một ông chủ họ Vũ để báo đáp lại việc Nghị giúp đỡ cấp phép xây dựng công trình một cách thuận lợi, đã mời cơm ông ta tại Khách sạn quốc tế Bắc Kinh rồi biếu 10 thỏi vàng, mỗi thỏi 1kg, tổng trị giá 2,34 triệu NDT (8,2 tỷ VND).
Một vụ điển hình khác là “Vụ án mua bán phiếu bầu Hoành Dương, Hồ Nam” nổi tiếng toàn quốc. Ngày 19/8/2014, trang web của UBKTKLTW đã đăng bài viết về vụ bê bối dùng tiền hối lộ để mua phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh, với phương thức mời các quan chức địa phương cấp dưới đánh chén rồi đưa phong bì đựng tiền của những vị muốn mua phiếu kèm danh thiếp và tư liệu tuyên truyền.
Cơ quan chức năng khi điều tra đã phát hiện thấy những bản danh sách cấp tiền có ghi rõ số phong bì, họ tên, chức vụ, số tiền đã cấp (hối lộ), riêng phần số tiền được ghi một cách rất tinh vi theo bảng chữ cái. Ví dụ: anh Trần, Bí thư huyện B, số tiền FC, tức 6.300 NDT (F là chữ xếp thứ 6, C thứ 3)…
Năm 2014, Trung ương Đảng CSTQ đã xử lý nghiêm vụ án mua phiếu bầu Hoành Dương này, có tới 467 người bị xử lý kỷ luật đảng và chính quyền, 69 người bị chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý. Tại hội nghị lần 6 UBKTKLTW khóa 18 họp đầu năm nay, ông Tập Cận Bình còn nghiêm khắc phê phán vụ việc này.
Nhận tiền ở văn phòng
Tại kỳ họp quốc hội và Chính Hiệp toàn quốc đầu năm nay, ông Vương Nho Lâm, Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, khi nói về “quan hệ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế” đã nêu ví dụ về vụ việc ở địa phương mình: “Chúng tôi điều tra thấy một vị giám đốc, một hôm có một ông chủ không quen biết tìm đến phòng làm việc nhờ giải quyết một việc, ông không đồng ý”.
Video đang HOT
“Ông chủ nọ liền lấy một tờ giấy trên bàn viết mấy chữ: biếu ông 30 triệu, làm không? Sau khi vị giám đốc sở đọc xong, ông chủ liền vo tờ giấy cho vào miệng nhai nuốt ngay. Vị giám đốc sở thấy thế, nghĩ: tay này đáng tin cậy, làm được. Sau khi vụ việc được giải quyết, quả nhiên ông chủ chuyển tới 30 triệu NDT hối lộ”.
Nơi làm việc của cá nhân quan chức có tính riêng tư nhất định nên cũng trở thành “mảnh đất riêng” để quan tham nhận tiền hối lộ. Chiến dịch chống tham nhũng đã phát hiện nhiều vụ phòng làm việc là nơi quan tham sử dụng làm nơi cất giấu số lượng tiền khổng lồ.
Tân Hoa xã từng đưa tin tại một tỉnh ở Tây Nam, lãnh đạo một số đơn vị không chỉ dùng tiền công đem biếu, mà còn họp hội nghị đảng ủy thảo luận về số lượng tiền cần biếu Bí thư và Huyện trưởng, địa điểm thì cứ đem thẳng tới phòng làm việc. Họ còn đề ra “quy tắc ngầm” đi biếu phải có 2 cán bộ lãnh đạo, khi đến nơi một người vào, một người đứng ngoài cửa, khi người vào biếu trở ra vỗ tay vào túi rỗng, là báo hiệu đã hối lộ thành công.
Biên Phi, Bí thư huyện ủy Đại Danh, tỉnh Hà Bắc có biệt hiệu “Đại tham huyện nghèo” là trường hợp điển hình “ngồi thu tiền tại văn phòng”. Tháng 2/2012, Biên Phi khi vừa nhận chức Bí thư huyện ủy đã nhận 400 ngàn NDT tiền biếu của một bí thư thị trấn để sắp xếp cho người đó làm Cục trưởng một cục trong huyện. Một năm sau, Phi lại lấy cớ có việc, yêu cầu người đó đưa thêm 150 ngàn nữa, người này gom được 200 ngàn đem đến phòng làm việc đưa cho Phi.
Tết năm 2013, giám đốc một công ty địa phương đem biếu Phi 100 ngàn NDT để được tạo điều kiện làm ăn. Ngày 23/6/2015, Tòa án Thạch Gia Trang đã tuyên phạt Biên Phi án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân về tội nhận hối lộ và có tài sản khổng lồ không thể giải trình.
Một trường hợp khác là Đới Binh, Chủ nhiệm Văn phòng Đấu thầu quận Vĩnh Xuyên, Trùng Khánh thường xuyên nhận hối lộ tại phòng làm việc. Trong số 19 lần ông chủ thầu xây dựng họ Vương đưa hối lộ cho Binh thì có tới 17 lần diễn ra tại phòng làm việc, một lần ở phía dưới lầu. Ngoài ra, Đới Binh còn “tích cực” lui tới trụ sở công ty của các ông chủ để nhận phong bao.
Mộ Thỏa Tân, nguyên Thị trưởng Thẩm Dương, ngày Tết không muốn mau chóng về nhà đoàn tụ với gia đình mà chỉ ngồi lỳ ở văn phòng đợi người ta đến cống nạp. Khi bị bắt điều tra, Tân đã khai nhận, trong 4 năm giữ chức đã có hơn 180 người cứ năm hết Tết đến là mang tiền đến biếu, tổng số lên tới mấy triệu NDT.
Nhận tiền tại gia, vợ làm thu ngân
So với phòng làm việc thì nhà riêng là nơi chốn riêng tư, kín đáo hơn nên đối với nhiều quan tham, đây là nơi giao dịch quyền tiền kín đáo, khó bị phát giác. Nhiều quan tham cũng chọn nhà riêng làm nơi cất giấu lượng tiền khổng lồ vơ vét được. Qua điều tra, khi quan chức nhận hối lộ tại nhà riêng đã hình thành tham nhũng kiểu gia tộc.
Mộ Thỏa Tân
Vương Tố Nghị, nguyên Trưởng ban Mặt trận khu ủy Nội Mông, bị viện kiểm sát cáo buộc 45 lần nhận hối lộ thì có 13 vụ do bà vợ Vương Chí Hồng nhận, 11 vụ nhận tại nhà riêng ở Nội Mông, 2 vụ nhận ở Bắc Kinh. Hồng đã trở thành nhân viên thu ngân kiêm tổng quản tài vụ của Nghị. Ngày 17/7/2014, Nghị đã bị nhận án tù chung thân vì nhận hối lộ 10,73 triệu NDT.
Ngày 29/11/2012, Vương Hữu Minh, Thanh tra Sở Tài nguyên đất đai tỉnh Sơn Tây bị điều tra vì tham nhũng.
Theo báo cáo điều tra, sau khi Minh lên chức, số người tìm đến biếu tiền rất đông, cứ dịp Tết, người đến nhà riêng Minh biếu quà đông như đi chợ. Lúc đầu Minh có đôi chút băn khoăn có nên nhận hay không, nhưng rồi tặc lưỡi vì “tiền do người ta đến chúc Tết, có nói nhờ mình giúp gì đâu”. Bà vợ không những không ngăn chồng mà còn trực tiếp tham gia nhận hối lộ khoản tiền 14 triệu NDT.
Cho tới cờ bạc, xe hơi, xe vàng
Ngày 16/5/2016 vừa qua, Tưởng Tôn Ngọc, nguyên Bí thư Ủy ban Chính pháp thành ủy Thâm Quyến bị tòa án Quảng Châu đưa ra xét xử. Ngọc bị cáo buộc đã nhận hối lộ tổng số trên 70 triệu NDT (245 tỷ VND). Ngọc bị cán bộ UBKTKL tỉnh ủy gọi là “Bí thư ngũ độc” vì phạm đủ các tội: nhận hối lộ, chơi gái, đánh bạc, bao nuôi nhiều người tình, che dấu lý lịch…
Ngọc kết thân với nhiều ông chủ tư nhân theo kiểu tay chơi giang hồ; bề ngoài thì xưng hô “huynh, đệ”, nhưng thực tế thì đặt chữ “lợi” lên hàng đầu. Ngoài giờ làm việc, Ngọc thích giao du đánh golf, chơi bạc. Các ông chủ này đã lợi dụng đánh bạc để vờ thua, hối lộ cho Ngọc, đổi lấy những thuận lợi trong làm ăn.
Cốc Tuấn Sơn (trái) và Từ Tài Hậu
Một số quan tham sử dụng xe hơi làm nơi trao nhận của cải bất nghĩa. Thường là kẻ đưa hối lộ tiễn khách ra xe rồi trao phong bao, khi đó quan chức ít khi từ chối. Hoàng Phúc Minh, Phó Chủ tịch Chính Hiệp thị xã Phòng Thành, Quảng Tây từ 2009 đến 2012 đã nhận hối lộ 7 lần 1,6 triệu NDT từ một người họ Đàm, trong đó 5 lần trên xe hơi của Minh, chỉ 2 lần ở khách sạn và phòng làm việc.
Trịnh Dũng, Phó quận trưởng Võ Hầu, Thành Đô nhận hối lộ trên xe thì diễn ra như trong phim ảnh. Một ngày đầu năm 2007, một người họ Lưu hẹn Dũng đến uống trà tại một hiên trà. Khi ra về, Lưu lấy từ xe của mình ra một túi nhựa nói: “em có chút thành ý” rồi để vào trong xe Dũng.
Khi về nhà, Dũng mở ra xem thì thấy 2 bó giấy bạc mệnh giá 100 NDT mới cứng, mỗi bó 100 ngàn NDT. Đầu năm 2008, cũng với kiểu mời uống trà rồi “có chút thành ý” như thế, Lưu lại biếu Dũng 200 ngàn NDT, để cám ơn Dũng đã giúp đỡ nhận công trình. Năm 2012, Dũng bị bắt điều tra vì bị một ông chủ tố cáo. Năm 2013, ông ta bị nhận án 14 năm tù về tội nhận hối lộ.
“Quan tham khét tiếng trong quân đội” Cốc Tuấn Sơn ngoài việc ra sức vơ vét tiền công và nhận hối lộ của cấp dưới còn tiến cống chu đáo cho quan trên. Phương thức biếu quà của Sơn rất khác người: Chuẩn bị chiếc Mercedes Benz 600, bên trong chất cả tạ vàng thoi rồi đem xe đến nhà sếp, trao luôn chìa khóa xe.
Người được Cốc Tuấn Sơn biếu quà là Từ Tài Hậu – Phó chủ tịch Quân ủy, người được Sơn coi là “Bá Nhạc thế kỷ” đã phát hiện rồi nâng đỡ Sơn từ khi là cán bộ hậu cần ở Phân quân khu Bộc Dương dần đưa lên đến ghế Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần quân đội.
Ngô Tuyết
Theo_VietNamNet
Sếp và tài xế - Đường dây tham nhũng mới ở Trung Quốc
Trong chiến dịch "đánh Hổ, đập ruồi" được tiến hành từ sau Đại hội 18 đến nay, Trung Quốc xuất hiện những hiện tượng kỳ quặc về các "bang", "hội", "dây" tham nhũng như "bang thư ký", "bang Dầu khí", "hội Tây Sơn", "hội rượu sông Bồn"... Nay, báo chí lại phanh phui ra một loại hình câu kết mới để tham nhũng là "sếp và tài xế"...
Tài xế thành Cục trưởng bảo mật
Biên Phi, Bí thư huyện ủy Đại Danh, Hà Bắc nổi tiếng là "Bí thư trăm triệu tệ". Bất cứ ai tìm đến nhờ vả điều gì, không đưa tiền thì đừng hòng xong việc. Một chủ xí nghiệp đến xin Phi cấp phép giải phóng mặt bằng để mở rộng nhà xưởng cũng phải chi 100 ngàn USD và 2 triệu tệ mới xong. Thế nhưng, có một người được Phi cất nhắc mà không nhận đồng nào; đó là tài xế Vương Kim Thành, người ôm vô lăng theo Biên Phi suốt 18 năm. Thứ Thành dâng hiến cho Phi không phải là tiền bạc mà là sự trung thành tận tụy, trong giang hồ gọi đó là tình nghĩa "ông chủ và gia thần".
Biên Phi trước vành móng ngựa.
Có những ông chủ - quan chức - coi cán bộ cấp dưới như sở hữu riêng, muốn đề bạt ai tùy thích, nên thư ký và lái xe, những người gần gũi và trung thành được hưởng lợi nhiều nhất. Khi quan chức tham nhũng thì những người này cũng không thoát khỏi dính bùn; một khi quan tham ngã ngựa thì "gia thần" cũng khó thoát.
Có lẽ tài xế biết giữ kín những bí mật của lãnh đạo nên Biên Phi đã đề bạt Vương Kim Thành làm Cục trưởng Bảo mật của huyện. Mặc dù việc sắp xếp, đề bạt cán bộ phải đưa ra hội nghị thường vụ thảo luận, nhưng mọi người biết rõ đây là ý của bí thư nên chỉ bàn qua loa, không ai có ý kiến khác. Thực tế, Thành cũng chẳng đến Cục Bảo mật làm việc mà chuyên đảm nhận "trọng trách" giúp sếp nhận và cất giấu đồ hối lộ, đối phó với tổ chức.
Tháng 10/2013, khi các nhân viên điều tra tìm đến Thành để truy tìm tang vật tham nhũng của Biên Phi, ông ta kiên quyết từ chối hợp tác, thậm chí tuyên bố: "Các ông có chặt đầu tôi thì tôi cũng không biết". Phải sau mấy ngày "quần thảo", Thành mới khai đã cất giữ các đồ vật và tiền bạc mà Biên Phi vơ vét được trong 56 thùng rồi chở về quê mình ở huyện Lâm Chương cất giấu, chất đầy một căn phòng. Chủ nhân vơ vét, dĩ nhiên Thành cũng có phần, từ tháng 5/2012 đến khi Phi ngã ngựa, chưa đầy 1 năm, Thành cũng đã kịp nhận hối lộ tới 500 ngàn tệ (1,75 tỷ VND).
Là điển hình về "quan nhỏ tham nhũng lớn", ngày 23/6/2015, Biên Phi đã bị Tòa án thành phố Thạch Gia Trang tuyên phạt án tử hình (hoãn thi hành 2 năm), tịch thu toàn bộ tài sản.
S ếp nói ít, tài xế hiểu nhiều
Vương Ngọc Khôn, Cục trưởng Giao thông huyện Dĩnh Thượng, An Huy nhiều lần thay đổi chức vụ, nhưng không bao giờ thay tài xế Tôn Cương. Khôn thích Cương bởi đầu óc nhạy bén, mỗi khi có phi vụ giao dịch cửa sau nào, anh ta đều luôn hiểu rõ ý đồ của sếp, hành động chuẩn xác.
Tháng 10/2011, huyện Dĩnh Thượng quyết định làm con đường tổng mức đầu tư hơn 30 triệu tệ, Cục Giao thông phụ trách đấu thầu. Trương Chí Giáp, bạn cũ của Khôn muốn trúng thầu bèn tìm đến Cương thăm dò. Cương hiểu ý, nên đứng ra chắp nối. Sau đó, Giáp trúng thầu đã "lại quả" 800 ngàn tệ, trong đó 200 ngàn cho riêng Cương, 600 ngàn phần Khôn.
Tháng 1/2015, Khôn bị tòa kết án 11 năm tù về tội nhận hối lộ, Cương cũng lĩnh án 5 năm rưỡi.
Tài xế chống sếp
Thông thường tài xế là người phục vụ, hầu hạ, là "tâm phúc" của quan, nắm giữ nhiều "cơ mật" của lãnh đạo; nhưng vào thời điểm then chốt, nếu tài xế khai báo thì sếp rắc rối to.
Trong vụ đại án tham nhũng Mạc Viễn Hàng, Chủ nhiệm Văn phòng Phòng không nhân dân tỉnh Quảng Đông, nhân chứng then chốt chính là Giang Hải Bân, tài xế của Hàng. Năm 2006, khi xảy ra vụ nổ ở mỏ đá Hồng Lĩnh, Giang Môn, Hoàng X, là chủ mỏ bị bắt; cổ đông mỏ là Trần Minh tìm Bân nhờ giúp đỡ, Bân đã chắp nối với sếp khi đó Hàng đang là Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật thành ủy Giang Môn nhờ giúp đỡ. Hàng đã nhận 400 ngàn tệ tiền biếu rồi can thiệp với cơ quan tư pháp xử lý nhẹ Hoàng và cho phép mỏ đá tiếp tục khai thác kinh doanh.
Khi Mạc Viễn Hàng bị điều tra, ông ta kiên quyết phủ nhận, nói mình không biết gì về vụ này; lại còn lớn tiếng cho rằng mình bị kẻ xấu vu oan giá họa vì đã mạnh tay chống tham nhũng trong thời gian làm Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật thành ủy Giang Môn. Tuy nhiên, Giang Hải Bân đã đứng ra làm chứng trước tòa, giáng đòn chí tử vào sếp cũ khiến Hàng cứng họng. Tòa án Chu Hải đã tuyên phạt Hàng 10 năm tù và tịch thu tài sản cá nhân 150 ngàn tệ về tội nhận hối lộ.
Khi Lý Kiện Trung, Cục trưởng Giao thông đường bộ thành phố Sán Đầu, Quảng Đông bị điều tra không thừa nhận việc dùng 142 ngàn tệ tiền công để mua xe ô tô sang cho ả người tình Hách Anh và trích 1 triệu tệ từ 4,2 triệu nhận hối lộ cho một ả người tình khác mua nhà ở Giang Tô. Nhưng Trung không thể ngờ được rằng, giữa lúc gay cấn đó, tài xế cũ Trịnh X, đã đứng ra làm chứng chống lại mình. Trịnh cung cấp mọi thông tin quan trọng về nguồn gốc, chủ xe đứng tên anh trai người tình, tên các cô người tình và địa chỉ... khiến mưu đồ chối tội của Trung sụp đổ. Kết cục, tòa án tỉnh Quảng Đông đã tuyên phạt Trung 16 năm tù giam, tịch thu tài sản cá nhân 600 ngàn tệ.
Cũng có quan tham "cẩn thận đề phòng vẫn hơn", kiên quyết che giấu bí mật riêng với tài xế. Trương Đông Dương, Viện trưởng Kiểm sát thành phố Thẩm Dương sau khi ngã ngựa, tài xế của ông ta bất ngờ và "thất vọng" khi được cơ quan điều tra hỏi về ngôi biệt thự sang trọng của Dương ở đâu vì chả hay biết gì. Mặc dù Dương có ngôi biệt thự lớn đắt tiền nhưng dù là tài xế chạy cho sếp đã lâu năm nhưng ông ta vẫn không biết nó ở đâu. Mỗi khi về đến gần biệt thự, Dương liền xuống xe, đợi tài xế quay đầu xe, mới đi bộ một đoạn về nhà, vì vậy chuyện được giữ kín như bưng.
Ngày 19/1/2015, Tòa án thành phố Đan Đông, Liêu Ninh đã tuyên phạt Dương mức án tù chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân vì phạm tội nhận hối lộ 98,7 triệu tệ và 100 ngàn USD để mưu lợi cho người khác.
Theo Tiền phong
Điểm mặt những quan tham của quân đội Trung Quốc bị "sờ gáy" Theo Tân Hoa xã, tính tới thời điểm hiện tại đã có 38 tướng lĩnh bị sờ gáy, điều này thể hiện rõ quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc bài trừ tham nhũng kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18. Tướng Từ Tài Hậu, 71 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương...