“Quan” tham có biết xấu hổ?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) từng có nhiều phát biểu rất “sốc” tại các diễn đàn Quốc hội, đặc biệt là khi bàn đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Còn nhớ câu nói rất ấn tượng của ông: “Chống tham nhũng như quét rác cầu thang, quét từ trên xuống chứ không phải quét từ dưới lên”. Cái hàm ý về việc phải xử lý các ông “quan” tham nhũng cỡ bự được đại biểu Thuyền ẩn dụ trong chuyện quét cầu thang đến nay vẫn nguyên tính thời sự.
Và chiều 29.10, thảo luận tại các đoàn về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền lại đưa ra một ý kiến có vẻ “dịu dàng” hơn, đó là đã có nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng, nhưng chắc chỉ khi nào cán bộ tham nhũng “biết xấu hổ” thì mới chống được tham nhũng.
Nhưng làm thế nào để cán bộ tham nhũng biết xấu hổ thì ông Thuyền không nói, hay nói đúng hơn là không biết. Cái gọi là biết xấu hổ đó chính là lòng tự trọng, sự liêm sỉ, những giá trị thực quá hiếm hoi trong lúc này. Những kẻ tham nhũng đương nhiên biết rõ mình, trời biết, đất biết và dân biết họ tham nhũng.
Bởi vì, những người đưa tiền cho “quan trên” không bao giờ như anh thợ hớt tóc trong thần thoại Hy Lạp chỉ dám đào hố để trút xuống câu “ vua Midas có cái tai lừa”, mà lu loa cho cả thiên hạ biết.
Cơ khổ là thế này, thời nay có quá nhiều “anh thợ hớt tóc” biết “ vua Midas có cái tai lừa” chứ không chỉ một.
Video đang HOT
Vậy mà họ vẫn nhơn nhơn như không, vẫn tươi cười xuất hiện, vẫn dạy dỗ đạo đức, vẫn hô to khẩu hiệu chống tham nhũng. Không những họ không biết xấu hổ, mà tuồng như họ còn vênh váo tự hào nữa, thưa đại biểu Thuyền.
Sự cả thẹn chỉ có ở những người có nhân cách, cho nên dù làm “quan” ở chức vị nào họ cũng không dám đụng đến một đồng cắc của dân, của nước. Bởi vì đối với họ, đó là bất trung với nước, bất nghĩa với dân.
Cho nên chống tham nhũng, không thể chờ đợi ở sự biết xấu hổ, mà chỉ có duy nhất một thứ: Sự ngay thẳng của pháp luật.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động
Diễn đàn Quốc hội nóng thực trạng dân "tự xử"
Sáng nay (31/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Đồng thời với việc cơ bản tán thành với các nội dung báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết có tính chất xây dựng đối với việc thực thi kỷ luật, kỷ cương, tạo niềm tin cho nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền - ảnh: TT
Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), trong các báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến những tồn tại hạn chế yếu kém, Chính phủ thường nêu nguyên nhân là do kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. Đại biểu tỉnh Phú Yên dẫn chứng: Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay nhận xét: Kỷ luật kỷ cương trong việc triển khai thi hành luât, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa nghiêm; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 chỉ rõ một số cơ quan đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, kỷ luật kỷ cương không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với việc làm hoặc làm chiếu lệ; Trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013, phương hướng nhiệm vụ năm 2014 - 2015 cũng khẳng định: cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
"Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong quá trình triển khai thi hành luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Kỷ luật kỷ cương không nghiêm trong công tác phòng chống tham nhũng làm cho tình hình tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi. Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm trong cải cách hành chính làm cho bộ máy nhà nước ngày một phình ra nhưng hoạt động kém hiệu quả. Điều đáng quan tâm là vấn đề kỷ cương không nghiêm, chưa nghiêm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong nhiều năm và trong nhiều báo cáo của Chính phủ nhưng chưa có biện pháp khắc phục, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với sự điều hành của Chính phủ." - đại biểu Nguyễn Thái Học nhận định.
Theo đại biểu, kỷ luật, kỷ cương là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực nhà nước, khi kỷ cương chưa nghiêm là quyền lực nhà nước chưa được thực thi một cách đầy đủ. "Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến mọi tồn tại hạn chế yếu kém kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh, làm cho hiệu quả quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực kém hiệu quả" - đại biểu tỉnh Phú Yên khẳng định và cho biết, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cần phải lập lại trật tự kỷ cương, xiết chặt kỷ luật kỷ cương để tình trạng kỷ luật, kỷ chương chưa nghiêm, không nghiêm không còn lặp lại và cũng để tạo được niềm tin đối với sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, các cấp các ngành".
Trách dân sao được?
Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cũng nhận định, đời sống văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc, nhất là trong thời gian gần đây. "Là người Việt Nam chúng ta xấu hổ và lo lắng với những sự kiện tiêu cực đó. Ở đây về mặt xã hội, ta thấy xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân "tự xử" đối với một số hành vi vi phạm pháp luật." - đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nói và theo ông, tự xử là quan niệm và hành vi xấu, đáng lên án vì nó vi phạm pháp luật.
"Nhưng trách dân sao được khi thực sự khách quan mà nói rằng, vai trò quản lý của nhà nước ta còn yếu kém là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này. Đơn cử như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đến 3 Bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Có lúc chúng ta bảo người dân phải nên tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Nói như vậy không sai nhưng rõ ràng quản lý nhà nước đang có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm. Trách dân sao được khi chính chúng ta còn nợ dân số lượng quá lớn các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh." - đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nói.
Để khắc phục hiện trạng "tự xử" trong dân, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật đến xử lý thường xuyên có hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý nhà nước luôn chỉ vì dân và công bằng với dân.. Ông nhắc lại điều mà đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã nói cách đây vài ngày, đó là "Quản lý nhà nước không nên theo kiểu phong trào, khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy "chợ", báo đài đưa tin sôi động nhưng đến trưa chiều thì đâu lại vào đó."
Cũng lo ngại về kỷ luật, kỷ cương, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm. "Thực tế nhiều năm qua, nhiều cấp, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng nhưng rất ít khi hoặc ít người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương đã tác động làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của đất nước" - đại biểu Hoàng Việt Phương nói.
Dân gọi điện, sao cán bộ không nghe?
Nói về tinh thần trách nhiệm và ý thức của cán bộ thực thi nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lầm Đồng) phân tích: "Cán bộ ngày càng xa dân và ít nghe ý kiến của người dân. Bởi vì sao mà dân lại nói như vậy, bởi họ nói là ngày xưa cán bộ mình phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế lương thực để ăn, lấy thông tin để đánh địch. Nhưng bây giờ, dân gọi điện thoại cho cán bộ thì cán bộ không nghe. Một bộ phận không nhỏ bây giờ cán bộ mình bảo số lạ gọi không bao giờ nghe."
Theo phân tích của đại biểu tỉnh Lâm Đồng thì người dân rất muốn gặp lãnh đạo để phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. "Nhưng gửi đơn lên thì chưa chắc đã đến được lãnh đạo, có thể là đến tiếp dân cũng không gặp đồng chí cao cấp nhưng điện thoại trực tiếp thì lãnh đạo không nghe, chính vì vậy chúng ta thấy trong thực trạng xã hội bây giờ, nhân dân rất băn khoăn, nhiều cái nhân dân kêu hàng chục năm không ai đứng ra giải quyết."
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: "Ngày xưa chúng ta cũng dựa dân đánh giặc, ai nắm được dân là người thắng, cho nên vấn đề chính quyền của dân, do dân và vì dân phải đặt lợi ích của dân lên trên hết. Tôi cho rằng việc người dân "tự xử" là cái sai cần phải phê phán, nhưng tôi đề nghị chính quyền cũng phải kiểm tra một cách hết sức nghiêm túc, phải đánh giá, phải chỉ đạo quyết liệt hơn để làm sao chống được quan liêu, tham nhũng, chống được cái xa dân thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề."
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
ĐB Quốc hội lo hiện tượng người dân "tự xử" "Đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an, suy giảm niềm tin mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân "tự xử". Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp QH ngày 31/10, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, đời sống văn hóa, xã hội của...