Quan tâm đúng mức tật khúc xạ ở trẻ
Tật khúc xạ (TKX) đặc biệt là cận thị đã và đang trở thành vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và học tập của trẻ.
Bác sĩ Khoa mắt Bệnh viện Nhi khám mắt cho trẻ em.
Tuy nhiên, hiện nay việc học tập căng thẳng, thói quen xem ti vi, sử dụng thiết bị công nghệ không hợp lý khiến các TKX về mắt của trẻ ngày càng gia tăng. Nếu không được phòng tránh kịp thời thì TKX sẽ trở thành mối nguy hại về sức khỏe cho các em.
Hiện nay, không khó để chúng ta bắt gặp những cô bé, cậu bé mới 9 -10 tuổi đã đeo kính do cận thị, thậm chí nhiều em vào bệnh viện khi mắt đã có những biến chứng do cận thị cao số. Theo khảo sát tại các phòng khám mắt tư nhân, bệnh viện mắt, khoa mắt của các bệnh viện, tỷ lệ trẻ đến khám mắt có chiều hướng gia tăng và nhiều trẻ phát hiện cận thị khi mới 4-5 tuổi.
Có mặt tại Khoa mắt Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay có trên 2.380 trường hợp trẻ khám và điều trị ngoại trú, 1/3 trong số đó là khám và điều trị về TKX, đặc biệt là cận thị. Điều đáng lo ngại là hầu hết các phụ huynh chưa hiểu hết về sự ảnh hưởng của cận thị đối với trẻ, có tâm lý chủ quan nên khi nào trẻ có biểu hiện khác thường, khó kiểm tra độ cận mới đưa vào bệnh viện khám. Trò chuyện với chị Lê Thị Thanh (TP Thanh Hóa) được biết: Gia đình chị phát hiện bé gái mắc cận thị khi mới 6 tuổi với độ cận 1 diop.
Tuy nhiên khi biết hai mắt cháu tăng độ nhanh, gia đình mới đưa vào viện khám và theo dõi. Hay như chị Trần Thị Huyền (TP Thanh Hóa), chia sẻ: Khi thấy vẻ mặt con lúc nào cũng ngơ ngác, có lúc lại nheo mắt, tôi mới đưa con đi khám và phát hiện con bị cận thị và bị bệnh nhược thị do mắt bị cận lâu mà gia đình không để ý, chỉnh kính cho con. May là cháu đã được chữa trị kịp thời, nếu chậm trễ thì đôi mắt của cháu sẽ mang tật suốt đời.
Video đang HOT
Cận thị nói riêng và TKX nói chung gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và học tập của các em. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước có gần 5 triệu trẻ em mắc TKX (tăng 2 triệu trẻ so với năm 2013), trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị. TKX được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định là một trong những nguyên nhân gây mù chính. Nguyên nhân gây TKX là do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình hay do quá trình học tập, làm việc và các thói quen sử dụng mắt không hợp lý. Đặc biệt, trẻ em đang có xu hướng sử dụng các loại thiết bị công nghệ ngày càng nhiều, thời gian sử dụng liên tục và sử dụng từ lúc còn quá nhỏ. Trong khi đó, hầu hết trẻ không được khám mắt định kỳ 1-2 lần/năm. Chính thực trạng này khiến đôi mắt các em từ tinh nhanh, chuyển dần sang mệt mỏi mà không được phát hiện kịp thời để điều chỉnh dẫn đến bị các TKX gây khó khăn trong quá trình học tập và sinh hoạt.
Để giữ đôi mắt của trẻ khỏe mạnh và tránh các TKX, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Mỗi ngày cần cho con hoạt động ngoài trời ít nhất 2-3 tiếng để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn. Nên cho trẻ và mắt trẻ được thư giãn 5-15 phút sau mỗi tiếng học tập.
Không xem tivi, chơi điện tử, sử dụng thiết bị thông minh quá 60 phút/lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt; nơi học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng; không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm; tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT. Đối với những học sinh đã bị TKX thì cần phải đi khám thường xuyên và có sự tư vấn, điều trị hợp lý theo đơn của bác sĩ.
Tránh tình trạng tự ý dẫn con em mình đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính khi thấy có dấu hiệu bị TKX. Bởi nếu không được đo, khám kỹ lưỡng, trẻ rất dễ đeo nhầm kính không đúng độ gây ra nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết, nhiều trường hợp giảm thị lực nhanh, khó điều trị. Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ khỏi các TKX, ngành y tế và ngành giáo dục cần tăng cường phối hợp triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc bảo vệ đôi mắt cho trẻ như, tổ chức tuyên truyền, truyền thông tại các trường học; kiểm tra cơ sở vật chất, các yếu tố vệ sinh trường học, bảo đảm phòng học đủ ánh sáng và môi trường sạch sẽ, bảo đảm yêu cầu khoảng cách bàn học và bảng, bàn học và ghế.
Thùy Linh
Theo baohatinh
Báo động cận thị lứa tuổi học đường
Cận thị là tật khúc xạ hay gặp nhất ở lứa tuổi đến trường và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 36 triệu người mắc bị cận thị trên cả nước, có khoảng 3 triệu ca là trẻ em trong độ tuổi 6 - 15; tỷ lệ cận thị ở các TP lớn lên đến hơn 40% và tại vùng ven và vùng nông thôn khoảng 10% - 15%.
Mắc bệnh do thói quen xấu
Sống chung với cặp kính dày cộm đã hơn 2 năm qua, em Nguyễn Minh Anh (8 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, em bị cận thị nặng cả 2 bên mắt, mắt trái cận 4,75 độ và mắt phải là 5 độ. "Con bị cận thị khi đi học, nhìn bảng không rõ nên mẹ đưa đi khám và được bác sĩ nói mắt con mỗi ngày phải điều tiết quá nhiều và ngồi học không đúng tư thế. Lớp con cũng có rất nhiều bạn đeo kính giống con", Minh Anh cho hay.
Bác sĩ thăm khám mắt bệnh nhân nhỏ tuổi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Thu Hương, Bệnh viện Mắt quốc tế Hoàn Mỹ, cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và là 1 trong 5 nguyên nhân gây mù lòa. Cận thị thường xảy ra ở đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên. Hiện tình trạng trẻ em mắc cận thị ngày càng gia tăng do nhìn gần trong thời gian dài, thiếu ánh sáng, ngồi học sai tư thế cùng việc liên tục tiếp xúc với các thiết bị điện tử. "Trẻ từ 0 - 17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, thậm chí tại các bệnh viện chuyên khoa mắt trên địa bàn TPHCM, nhiều trường hợp mới 4 - 5 tuổi đã được chẩn đoán mắc cận thị không do bẩm sinh. Nguyên nhân trẻ tiếp xúc với các thiết bị hiện đại như máy tính, iPad, điện thoại... quá sớm", BS Bùi Thị Thu Hương băn khoăn.
Để bảo vệ mắt, theo BS Thu Hương, mỗi người cần thực hiện chế độ "20-20-20" theo khuyến cáo của Viện Mắt quốc gia Mỹ, tức là cứ 20 phút làm việc với máy tính, thì hãy rời mắt nhìn vào thứ gì đó cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây để giảm căng thẳng cho mắt. Ngoài ra, khi mắt làm việc lâu với máy tính trong phòng điều hòa sẽ gây ra việc hạn chế chớp mắt, từ đó dẫn đến mắt bị khô, ảnh hưởng đến thị giác. Vì vậy, việc chớp mắt rất quan trọng, giúp mắt giữ được độ ẩm, không bị khô. Bên cạnh thiếu thói quen khám mắt định kỳ khiến các bệnh về mắt không được phát hiện sớm, còn tình trạng đáng lo ngại là trẻ thường được bố mẹ cho đeo kính một cách vô tội vạ sau khi đi đo mắt tại một cửa hàng kính thuốc. "Việc cho trẻ đeo kính không theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa mắt, có thể biến cận thị giả thành cận thị thật và trẻ sẽ phải đeo kính suốt đời. Ngoài ra, tại các cửa hàng kính thuốc, người bệnh hầu như không được tư vấn cách chăm sóc mắt như thế nào", BS Bùi Thị Thu Hương cho hay.
Cẩn trọng với những phương pháp điều trị
Trước tình trạng tỷ lệ mắc cận thị đang tăng cao ở trẻ em lứa tuổi học đường, nhiều website, mạng xã hội, thậm chí tờ rơi được trao tận tay phụ huynh ở nhiều cổng trường với những lời quảng cáo điều trị dứt điểm cận thị và các tật khúc xạ bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, tập yoga... Liên hệ với một cơ sở chữa cận thị bằng phương pháp bấm huyệt trên Facebook, một người đàn ông tự xưng là chủ cơ sở khẳng định sẽ chữa được cận thị chỉ trong... 2 tuần với chi phí 7 triệu đồng một đợt điều trị. Người này còn khẳng định đây là phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại và có rất nhiều người chữa khỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về mắt, đó là những phương pháp không có cơ sở khoa học, phụ huynh cần cẩn trọng. Các phương pháp này chỉ giúp thư giãn các cơ ở mắt, giúp mắt nghỉ ngơi nhưng không thể giúp trẻ bỏ được cặp kính cận.
Ngồi thẳng lưng và đọc sách dưới nguồn sáng tốt sẽ giúp học sinh ngăn ngừa tật cận thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo BS Bùi Thị Thu Hương, trẻ nhỏ thay đổi số độ cận thị thường xuyên. Độ cận thị sẽ tăng dần theo tuổi, đến 18 tuổi thì độ cận thường sẽ ổn định. Do đó, với trẻ dưới 18 tuổi, không có chỉ định phẫu thuật của bác sĩ, bắt buộc phải đeo kính cận thị phù hợp. Ngoài 18 tuổi, khi độ cận thị không tăng nữa, các bác sĩ sẽ khám và cân nhắc phương pháp phẫu thuật thích hợp để giúp bệnh nhân bỏ kính. Phương pháp tập luyện mắt chỉ có hiệu quả đối với những người làm việc ở khoảng cách gần (như làm việc cùng máy tính) thường xuyên, bị rối loạn đáp ứng điều tiết, khiến mắt nhìn xa mờ và khi đeo thử kính cận thì thấy mắt nhìn rõ khiến họ nghĩ mình bị cận thị. Ngay cả khi những người này đi khám tại các cơ sở y tế không phải chuyên khoa về tật khúc xạ thì cũng dễ dẫn đến kết luận là bị cận thị.
"Muốn phòng bệnh về mắt cho trẻ, đặc biệt là bệnh cận thị, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ngồi học bài đúng tư thế với việc giữ khoảng cách từ mắt đến mặt bàn là 30 - 40cm; học bài, đọc sách ở nơi có đủ ánh sáng; không đọc sách khi ngồi trên tàu, xe; khoảng cách an toàn khi ngồi xem ti vi. Khi dùng máy vi tính, cứ khoảng 30 phút nên dừng lại cho mắt nghỉ ngơi. Thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Đồng thời, hãy có thói quen đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ngay từ khi mắt còn tốt, là cách giúp phụ huynh chăm sóc "cửa sổ tâm hồn" cho con một cách hữu hiệu", BS Bùi Thị Thu Hương khuyến cáo.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có khoảng 1,4 tỷ người mắc bệnh cận thị, tương đương 20% dân số toàn cầu. Dự báo, sau 10 năm nữa, con số này có thể là 30% và đến năm 2050, có thể 50% dân số thế giới bị cận thị.
THÀNH AN
Theo SGGP
Hạn chế cho trẻ "nghiền" điện thoại trong những ngày nghỉ Hè Khi trẻ xem điện thoại liên tục và để gần, tình trạng mắt nhìn nhiều liên tục ở cự ly ngắn làm gia tăng điều tiết của mắt, lâu dần nếu không có điều chỉnh kịp thời sẽ làm cho trẻ cận thị. Các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ xem điện thoại nhiều. (Ảnh: PV/Vietnam) Hè là dịp trẻ em...