“Quan tài bay” đêm: Ám ảnh không dứt
Những màn đua tốc độ, những vụ tai nạn chết người liên tiếp xảy ra,… đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít hành khách đi xe đường dài. Sau khi đăng loạt phóng sự “Những cỗ quan tài bay đêm”, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, những người đã từng trải nghiệm trên những “chuyến xe tử thần”.
Mỗi lần đi xe là một lần run sợ
Theo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, lái xe không được chạy quá 10 giờ trong một ngày, tài xế ô tô không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Đối với những tuyến đường từ 400km trở lên phải có hai lái xe thay phiên nhau.
Thông tin về vụ tai nạn xảy ra vào 0h40′ ngày 8/3 tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khiến 12 người chết thảm đã khiến nhiều người rùng mình nhớ lại những lần “gửi mạng” cho tài xế xe khách chạy đêm.
Độc giả Bùi Quyết (buiquyet…@gmail.com) cho rằng: Loạt phóng sự “Những cỗ quan tài” bay đêm đã phản ánh đúng thực trạng xe khách hiện nay. Không chỉ chặng đường dài mà đường ngắn cũng vậy, các tài xế thường chạy với tốc độ kinh hoàng”.
Độc giả Vietthieu (vietthieu…@gmail.com) cũng chia sẻ: “Mình đi làm ở Nha Trang, quê ở Hà Tĩnh. Mỗi lần về quê là một lần mình run sợ. Tài xế chạy ầm ầm. Có lần ngồi hàng ghế đầu tiên thấy tốc độ lên 130km/h. Mình thật sự sợ hãi, không tài nào ngủ được vì tài xế lao vun vút, xe lắc lư kinh khủng. Đã vậy qua mấy khúc cua, ông tài xế vẫn không giảm tốc độ”.
Nhiều độc giả còn lo lắng khi tài xế xe khách là “con nghiện”: “Đúng là bất an khi trao tính mạng mình cho nhà xe trên suốt chặng đường dài, trong suốt cả đêm! Nếu một lần chẳng may một lái xe ngủ gật, “đói thuốc” hay “phê thuốc” là có thể vài chục người phải bỏ mạng”, bạn đọc Lê Thy (phmlthy… @ymail.com) lo sợ.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) rạng sáng 8/3 khiến 12 người chết
Nhiều độc giả cho rằng, đi xe khách đêm vừa nguy hiểm tính mạng vừa không an toàn. “Không chỉ phóng như tàu điện trong đêm mà có xe còn lừa gạt tiền của khách, lúc hỏi thì một giá, lên xe đi một nửa đường rồi mới thu tiền lại thu giá khác, bắt chẹt cách không trả thì xuống xe. Mình đã từng đi một lần chuyến Vinh-Quảng Ninh như thế”, độc giả tại địa chỉ girl158…@yahoo.com kể lại.
Tuy nhiên, khác với tâm trạng sợ hãi trên, nhiều người tỏ ra bình tĩnh hơn. “Vừa qua xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm nên hành khách lo lắng. Nhưng mọi người không nên quá hoang mang như vậy. Mình nghĩ về đêm có thể mọi người cảm thấy xe chạy nhanh nhưng thực ra đó chỉ là cảm giác. Vì xe giường nằm cao hơn 4m, tài xế cũng ngồi trên xe nên an toàn về tính mạng của hành khách và của chính bản thân họ được đặt lên hàng đầu”, Bạn đọc tại địa chỉ luonhoivi…@gmail.com trấn an.
Video đang HOT
Xe khách chạy đêm: Nguy hiểm nhưng vẫn đi
Đa số độc giả cho rằng, mặc dù biết đi xe khách đêm là nguy hiểm, đặc biệt là đi trên những chiếc xe chạy nhanh, nhưng họ vẫn muốn đi để tiết kiệm thời gian.
Bạn đọc Anh Khôi (hoanganhkhoi…@gmail.com) chia sẻ: Thật ra thì cứ lên xe là đã gửi mạng cho tài xế rồi, ngày hay đêm cũng vậy thôi. Ban đêm thì chắc chắn tài xế sẽ chạy ẩu hơn vì đường vắng và ít gặp CSGT. Dù biết nguy hiểm nhưng tôi vẫn thích đi xe đêm hơn vì đi xe đêm rất tiện lợi, chỉ cần lên xe ngủ một mạch, thức dậy là đến nơi cần đến. Không mất nhiều thời gian và không mệt mỏi như đi ban ngày”.
Độc giả tại địa chỉ huyminh…@yahoo.com nói: “Đa số hành khách đều muốn về nhà sớm và xe chạy chậm thì trách sao chạy chậm quá. Khi tai nạn hay sự cố xảy ra thì lại đổ lỗi do tài xế. Hơn nữa, xe chạy đêm sẽ đỡ tắc đường. Vấn đề an toàn giao thông là của các cơ quan quản lý, còn theo tôi nên khuyến khích các tuyến xe khách chạy đêm”.
“Tôi là người dân Đà Lạt đi xe khách đường dài liên tục. Tôi nhận thấy lỗi không phải do chủ xe mà nhiều tuyến đường đẹp dễ đi, dễ quan sát nhưng vẫn bị hạn chế tốc độ dưới 40km/h. Nếu tài xế cứ chạy đúng tốc độ đó thì cũng dễ bị tai nạn vì xe chạy rề rà nên tài xế buồn ngủ. Tôi thấy 100% tài xế xe buộc phải vi phạm tốc độ”, độc giả Thành Phong (langthanh…@gmail.com) khẳng định.
Biết là nguy hiểm nhưng hành khách vẫn phải chấp nhận đi trên những “cỗ quan tài” bay đêm
Tai nạn thảm khốc: Lỗi tại tài xế?
Tài xế Hà Minh Tuấn (fan_fc_chelsea…@yahoo.com.vn) cho biết: “Vấn đề xe khách phụ thuộc vào đặc trưng của từng vùng, phụ thuộc vào từng chủ xe và lái xe. Bất cứ một lái xe khách chuyên nghiệp nào cũng biết, từ Quảng Ngãi đổ vào thì xe vào bến phải tranh tài. Tức là xe nào vào bến trước thì xếp tài trước. Khách ở vùng trong ấy cũng thích xe chạy nhanh, cứ lên xe của miền bắc thì kiểu gì họ cũng than là đi chậm, và tỏ ra khó chịu. Đó là lý do vì sao khách trong đó không thích đi xe miền Bắc. Bây giờ đã có “hộp đen” thì bất kì một chủ xe nào cũng có thể quản lý được tốc độ xe của mình, cái chính là họ có muốn quản lý hay không. Đạo đức người lái xe cũng rất quan trọng, nó quyết định rất nhiều đến sự an toàn của hành khách”.
Nhiều quan chức đầu ngành giao thông lại nhận định, các vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hầu hết đều do lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ cho phép, tránh vượt sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách. Ngoài ra, còn có chuyện tài xế chạy quá số giờ quy định, quá giờ cầm vô lăng không nghỉ ngơi, dẫn đến căng thẳng và gây tai nạn.
Trái với nhận định trên, nhiều độc giả cho rằng, những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây lỗi không phụ thuộc hoàn toàn vào tài xế, cũng không hẳn là chủ xe mà lỗi lớn nhất là ở cơ quan chức năng. “Chỉ bắn tốc độ sẽ không có hiệu quả. Sao không bắt chủ xe phải lắp hộp đen theo dõi tốc độ cho toàn bộ các xe và phải kiểm tra hàng tháng, nếu sai thì hãy phạt thật nặng. Cứ ra quy định ai chạy quá tốc độ 3 lần thì thu bằng lái vĩnh viễn. Bên lực lượng CSGT cứ khoảng 10km lại có một đội tuần tra làm việc suốt đêm, xem tài xế có dám chạy nhạnh không. Bên cạnh đó, Nhà nước nên ra quy định hạn chế tốc độ xe khách chạy đêm xuống tối đa 60 km/h để đề phòng các tai nạn thảm khốc. Hành khách cũng nên chọn những hãng xe uy tín thì mức độ an toàn sẽ cao hơn”, bạn đọc tại địa chỉ trungkien…@gmail.com nói.
Độc giả Nguyên Dũng (dungnt…@fpt.com.vn) khẳng định: “Nếu đường xá ở Việt Nam như ở nước ngoài thì chạy bao nhiêu km/h đâu có vấn đề gì. Chất lượng đường xá ở nước ta quá tồi nên mới xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc như vậy”.
Độc giả Huy Hoàng (huyhoangvn66@yahoo.com.vn) đã đưa ra một số phương án nhằm hạn chế tai nạn xe khách chạy đêm: “Các nhà quản lý, cơ quan chức năng phải bắt buộc các xe khách chạy đường dài lắp hộp đen, GPS. Hàng tháng cơ quan công an có kế hoạch kiểm tra hộp đen, đối chiếu với GPS để xác định tốc độ và phạt nguội thật nặng đối với trường hợp xe quá tốc độ”.
Theo 24h
Hãi hùng những "cỗ quan tài" bay đêm
Không những bị ám ảnh bởi những vụ tai nạn xe khách thương tâm trong thời gian gần đây, hành khách còn đối mặt với nỗi lo thường trực khi ngồi trên những chiếc xe khách được mệnh danh là những "cỗ quan tài" bay đêm.
Một ngày sau thảm nạn giao thông hai xe khách chất lượng cao đấu đầu làm 12 chết, hơn 50 người bị thương, xảy ra rạng sáng 8/3 trên quốc lộ 1A, đoạn qua phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, phóng viên đã "liều mình" ngồi trên những chuyến xe đêm chạy theo đúng lộ trình mà hai chiếc xe khách gặp nạn tại Khánh Hòa. Rong ruổi trên những "cung đường đen", chúng tôi đã hiểu tại sao những chiếc xe khách chạy đêm này lại được ví như những "cỗ quan tài bay".
Những màn đua tốc độ xé màn đêm
Khoảng 21h30 đêm 9/3, chúng tôi bắt xe khách chất lượng cao của hãng xe L. mang biển số 79N-00... chạy tuyến TP.HCM đi tỉnh Khánh Hòa. Trên xe lúc này có hơn 20 hành khách giường nằm, xe khởi hành từ bến xe Miền Đông, TP.HCM xuôi tuyến quốc lộ 1A ra thành phố Nha Trang.
Từ TP.HCM đến địa phận Biên Hòa, Đồng Nai, tài xế xe khách tên T. có màn "đề pa" với tốc độ vừa phải, vì có "ti dô" mấy trạm CSGT đang làm nhiệm vụ. Song, vừa qua ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), chiếc xe khách hai tầng, giường nằm cao lều khều bắt đầu tăng tốc với tốc độ cao. Lúc này, phần lớn hành khách đã thiêm thiếp ngủ, một số hành khách có tuổi vốn khó ngủ, lại thấy bác tài bắt đầu "đua" liền đánh tiếng nhắc nhà xe đừng chạy nhanh quá. Có vẻ ai cũng ớn khi tin tức về vụ tai nạn thảm khốc ở Cam Ranh, Khánh Hòa, cách đây chưa đầy 24 giờ đã cướp đi sinh mạng hơn chục người, bị thương hơn 50 người vẫn còn nóng hổi. Nhưng bác tài tên T. tỏ vẻ khó chịu, vẫn ung dung nhấn ga lao đi với tốc độ ghê người, như muốn xé toang màn đêm...
Đi trên những chuyến xe được mệnh danh là những "cỗ quan tài bay" trong đêm, hành khách có thể gặp nạn bất cứ lúc nào
Trong suốt chặng đường dài hơn 450 km, xe khách này liên tục "đua" tốc độ và sẵn sàng thắng gấp để dừng giữa đường bắt khách trái quy định. Nguy hiểm hơn, thời điểm đêm khuya, khi quan sát không có bóng dáng CSGT chốt chặn, tài xế xe khách này liền tăng tốc chạy "đua" với vận tốc trên 100km/h. Có nhiều đoạn đuờng hẹp, không có đèn đường, khúc cua gấp thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, khu vực huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận)... xe liên tục lạng lách, hết đụng ổ gà lại thắng gấp khiến hàng chục người trên xe đang ngủ cũng phải giật mình chồm dậy.
Đến địa phận tỉnh Ninh Thuận, lúc này khoảng 3 giờ sáng (10/3), trên tuyến quốc lộ 1A đường khá vắng, trời tối đen. Thi thoảng những những chiếc xe khách giường nằm, xe khách loại 45 chỗ, xe container ngược xuôi Bắc - Nam với tốc độ rất cao pha đèn sáng loáng mỗi khi đối đầu ngược chiều như "dọa" nhau. Lạ là, dù đường thoáng là thế nhưng những chiếc xe khách chạy đêm vẫn "đua" nhau qua mặt. Cứ mỗi lần có xe vượt mặt, tài xế T. như phấn khích hơn, đạp ga xé gió qua mặt cho bằng được. Mỗi lần như vậy, không chỉ tôi mà nhiều hành khách ngồi phía trước xe đều giật mình thon thót, chỉ còn biết nguyện cầu...
Tài xế T. của xe khách L. khoe rằng, nếu chạy với tốc độ bình thường, từ TP.HCM ra thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phải mất ít nhất 8 - 9 tiếng đồng hồ. "Chạy đêm và đường 'êm' như vậy, không có mấy ông giao thông (CSGT - PV), xe tui đến Nha Trang sớm hơn dự kiến 2 tiếng", tài xế T. nói. Cũng theo tài xế T., thời điểm này phải tranh thủ chạy "kiếm chút đỉnh" chứ chạy chậm, không kịp xếp tài quay đầu thì "không có cơm mà ăn".
Khi chúng tôi hỏi liệu chạy như vậy có đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trên xe? Tài xế T. tỉnh queo đáp: "Chạy vậy còn chậm đó, chứ gặp mấy cánh tài xế ngoài Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa... thì các chú còn phát khiếp". Nói rồi tài xế T. bỗng dưng giảm tốc độ sau khi nhận được một cú điện thoại, một lơ xe ngồi bên cạnh hỏi nhỏ: "Sao vậy anh?", T. đáp: "Thằng kia gọi điện báo có CSGT đang bắn tốc độ phía trước, chạy chậm chút không bị tóm phiền phức lắm". Tuy nhiên, chiếc xe khách chỉ chạy chậm rãi được chừng 10 phút, khi đi qua chốt chặn có CSGT, tiếp tục lao vun vút trong màn đêm.
Tờ mờ sáng, khi đến đoạn đường qua phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, dù nơi đây mới xảy ra vụ tai nạn thảm khốc cuớp đi sinh mạng 12 hành khách và hàng chục người bị thương, nhưng tài xế vẫn "đua" với tốc độ cao làm hành khách rùng mình, thấp thỏm lo âu.
Ra đến thành phố Nha Trang, nhiều hành khách xuống xe nhưng vẫn không giấu được sự bất an, lo lắng khi vừa trải qua một đêm dài không thể chợp mắt bởi những màn đua tốc độ trong đêm của những chiếc xe khách.
Anh Hà Văn Hiệp rất bức xúc vì tài xế T. chạy nhanh, vuợt ẩu trong chuyến xe chất lượng cao đêm 9/3
Quá bất an!
Tài xế T.N (32 tuổi, quê Nghệ An), tài xế chạy xe đường dài từ Nghệ An vào TP.HCM cho biết, tầm 0h đến 5h sáng, cánh tài xế thường cho xe tăng tốc vì thời điểm này ít có CSGT chốt trực, thậm chí nếu có lỡ bị bắn tốc độ cũng "dễ xin hơn". Trong khi đó, theo phụ xe M.Tr (38 tuổi, chuyên chạy tuyến Bắc - Nam) khi phát hiện CSGT, cánh tài xế thường pha đèn, ra hiệu cho đồng nghiệp né tránh, đây cũng là lý do khiến nhiều tài xế thoải mái khi đua tốc độ trong đêm khuya.
Đi trên những chuyển xe khách trong đêm, hầu hết hành khách đều cảm thấy rất bất an vì tài xế chạy nhanh, vượt ẩu, bất chấp tính mạng của hàng chục nguời ngồi trên xe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn xe khách gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng tựu chung vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông, lái xe trong tình trạng ngủ gật, uống rượu... do những tài xế thiếu trách nhiệm gây ra.
Trên chuyến xe đi từ TP.HCM ra tỉnh Khánh Hòa, anh Hà Văn Hiệp (28 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) trong tâm trạng lo lắng vì chứng kiến sự thiếu trách nhiệm và vô tâm của một số tài xế xe đường dài, đặc biệt là tài xế xe khách, nói: "Có biết bao nhiêu lần tôi đi xe khách từ TP.HCM ra Khánh Hòa và chiều ngược lại, khi nào tôi cũng nơm nớp lo sợ vì sợ gặp nạn. Xe khách ngày càng nhiều, nhưng đạo đức tài xế ngày càng kém, lái xe liều lĩnh khiến cho hành khách trên xe luôn trong tình trạng bất an, sợ hãi. Thử hỏi, những xe khách chất luợng cao, uy tín như hãng xe Chín Nghĩa mà vẫn gây ra vụ tai nạn thảm khốc vừa mới xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa thì chúng tôi còn biết đặt niềm tin vào hãng xe khách nào nữa đây?".
Bà Nguyễn Thị Vinh (60 tuổi, ngụ Ninh Thuận) cho hay, hơn 10 năm đi xe khách ngược xuôi từ Ninh Thuận vào TP.HCM nhưng chưa có khi nào bà cảm thấy yên tâm vì sự thiếu trách nhiệm của những người làm tài xế. "Khi có CSGT thì họ chạy chậm, nhưng đêm về khuya, vắng người thì nhiều tài xế lại chạy đua tốc độ, tranh giành khách khiến chúng tôi rất hoang mang. Thời gian gần đây, khi đọc báo viết về những vụ tai nạn thương tâm do xe khách gây nên, tôi rất lo lắng. Con tôi bảo phải mua vé xe chất lượng cao đi cho đảm bảo, nhưng khi lên xe tôi mới biết những chiếc xe bên ngoài thì quảng cáo có thương hiệu, thế mà khi ngồi lên thì cũng chạy ầm ầm như những chiếc xe khách khác", bà Vinh bức xúc.
Theo 24h
"Quan tài bay đêm": Gửi mạng cho tài xế Nếu tính mật độ xe khách trên đường, có khi xe chạy ban đêm còn nhiều hơn chạy ngày. Và thực tế cho thấy, những vụ tai nạn xe khách thảm khốc gần đây đều xảy ra vào ban đêm. Vụ tai nạn làm 12 người chết, hơn 50 người bị thương tại Khánh Hòa mới đây xảy ra lúc nửa đêm. Vụ...