Quân sự phủ bóng Nam cực
Không chính thức đưa khí tài xuống Nam cực nhưng các nước lại có những hoạt động thấp thoáng bóng dáng quân đội tại đây.
Ngày 22.12, AP đưa tin Argentina chính thức phản đối việc Anh vừa quyết định đặt tên của Nữ hoàng Elizabeth cho một vùng lãnh thổ mà London tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Vùng đất này được London đặt tên đầy đủ là Queen Elizabeth Land, chiếm khoảng 1/3 diện tích mà Anh tuyên bố chủ quyền, vốn chồng lấn với khu vực Argentina cũng tuyên bố chủ quyền, tại vùng đất băng giá trên. Vụ việc khiến quan hệ giữa London và Buenos Aires thêm căng thẳng nhất là khi hai bên đang tranh chấp quần đảo Falkland/Malvinas. Mặt khác, diễn biến này còn đặt lại vấn đề tranh chấp ở Nam cực vốn chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua, mà chỉ dựa vào một hiệp ước quốc tế để giữ vững ổn định cho khu vực này.
Năm 1959, đại diện 12 nước tổ chức hội nghị tại Washington, Mỹ, để thông qua Hệ thống hiệp ước Nam cực (ATS). Theo trang mạng của Cơ quan Hiệp ước Nam cực, đến nay, tổng cộng 50 quốc gia tham gia ATS, trong đó có 28 nước giữ vai trò tham vấn được quyền bỏ phiếu các vấn đề liên quan. Một trong những điều khoản then chốt của hệ thống hiệp ước này là: “Nam cực chỉ dành cho các hoạt động hòa bình. Nghiêm cấm các hoạt động quân sự ngoại trừ việc hiện diện quân nhân và các phương tiện quân đội được sử dụng cho những mục đích nghiên cứu khoa học và hòa bình”. Đến nay, về mặt chính thức thì ATS gần như được tuân thủ tuyệt đối. Tuy nhiên, các nước không quên triển khai quân đội vì “mục đích nghiên cứu khoa học và hòa bình” tại Nam cực, nơi có rất nhiều tài nguyên, đặc biệt về năng lượng.
Máy bay của không quân Mỹ tại Nam cực – Ảnh: Af.mil
Hồi tháng 10, chuyên trang quân sự Military.com đưa tin không quân Mỹ sẽ đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động hỗn hợp của Washington tại Nam cực. Theo đó, không quân nước này sẽ tiến hành nhiều chương trình như tổ chức vận chuyển hàng không và hỗ trợ cho các “hoạt động khoa học”. Các chương trình có sự tham gia bởi đại diện đến từ không quân, hải quân, lục quân, tuần duyên Mỹ. Chúng được tiến hành trực tiếp bởi Lực lượng hỗ trợ hỗn hợp Nam cực, nằm dưới quyền điều phối của Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương với căn cứ đặt tại Trân Châu cảng, Hawaii. Trước đó, trang mạng Lầu Năm Góc hồi năm 2010 đưa tin quân đội Mỹ đang tiến hành các hoạt động tại Nam cực trong khuôn khổ chương trình: “Vũ trang và khoa học: Nghiên cứu và ứng dụng cho hiện đại hóa quân đội”. Ngoài ra, từ năm 2008, không quân Mỹ còn thử nghiệm bay đêm với các thiết bị hỗ trợ tối tân trong điều kiện khắc nghiệt tại Nam cực, theo CNN. Như vậy, dù chẳng thuộc số các bên tuyên bố chủ quyền nhưng Washington vẫn triển khai quân đội thực hiện nhiều hoạt động ở vùng đất băng giá này.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) chuyên về chính sách quốc tế năm ngoái đưa ra báo cáo kêu gọi quân đội cần nỗ lực phòng vệ khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền chiếm khoảng 40% diện tích Nam cực. Tờ The Age dẫn báo cáo trên đề nghị quân đội Úc phải có kế hoạch trong tương lai vì các nước khác chắc chắn sẽ chạy đua tại vùng băng giá giàu tài nguyên này. Báo cáo còn cảnh báo: “Trung Quốc (không tuyên bố chủ quyền tại Nam cực nhưng giữ vai trò tham vấn tại ATS – NV) đang đầu tư tàu phá băng mới, máy bay và trực thăng trang bị hệ thống hỗ trợ hoạt động trên băng cũng như mở rộng các chương trình. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang tân trang các trạm làm việc để hoạt động suốt năm tại đây”.
Thực sự, Nam cực đang trở thành mối quan tâm của không chỉ những nước tuyên bố chủ quyền. Hồi tháng 9, Tân Hoa xã dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran Habibollah Sayyari tuyên bố lực lượng này sẽ mở rộng hiện diện tại Nam cực. Ông phát biểu: “Chúng tôi có khả năng cắm cờ Iran tại các khu vực khác nhau từ Bắc cực đến Nam cực. Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch để hiện diện gần Nam cực”. Rõ ràng, các diễn biến trên trở thành những cơn sóng ngầm tại Nam cực.
Theo TNO
Nam Cực "nóng" cuộc chiến
Nam Cực băng giá và là châu lục duy nhất trên Trái đất không có con người sinh sống đang "nóng" lên vì cuộc tranh chấp giữa các quốc gia đòi chủ quyền, nhất là Anh và Argentina.
Các nhà khoa học quốc tế trong một chuyến nghiên cứu khoa học tại Nam Cực
Bộ Ngoại giao Argentina ngày 22-12 cho biết đã triệu Đại sứ Anh John Freeman tại nước này đến để phản đối Anh có kế hoạch đặt tên cho một địa điểm thuộc nơi mà Buenos Aires cho là "Khu vực Nam cực của Argentina". Trong cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Argentina đã dùng những lời nặng nề về những "tham vọng đế quốc lỗi thời" của London không còn phù hợp với tinh thần hòa bình và hợp tác của Hệ thống hiệp ước Nam Cực, đồng thời tái khẳng định chủ quyền của Buenos Aires đối với khu vực trên.
Phản ứng gay gắt của Argentina xuất phát từ động thái mới của Anh nhằm đòi chủ quyền với khu vực tranh chấp giữa hai nước cũng như giữa Anh với Chile ở Nam Cực. Trong một tuyên bố đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, nước này sẽ chính thức đặt tên cho một vùng tại Nam Cực rộng gấp đôi diện tích của Anh, mà Argentina và Chile đòi chủ quyền, là "Miền đất của Nữ hoàng Elizabeth".
Tranh cãi giữa Anh và Argentina không chỉ làm xấu thêm mối quan hệ giữa hai nước từng xảy ra cuộc chiến tranh đòi chủ quyền quần đảo Malvinas hồi năm 1982 mà còn làm "nóng" thêm cuộc tranh chấp chủ quyền với nhiều khu vực ở châu Nam Cực. Dù là châu lục đóng băng vĩnh cửu quanh năm và lục địa duy nhất không có con người sinh sống thường xuyên, song Nam Cực lại là vùng đất giàu có tài nguyên thiên nhiên cũng như thủy sản, trữ lượng nước ngọt nhiều nhất thế giới...
Theo đánh giá, Nam Cực là một lục địa giàu tài nguyên thiên nhiên, với các trữ lượng chì, vàng, kim cương, khí đốt và đặc biệt là dầu mỏ rất lớn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính, vùng biển Nam Cực có trữ lượng 50 tỷ thùng dầu. Nếu không tính tới khu vực Trung Đông thì châu lục này chỉ đứng sau Nga và Venezuela về trữ lượng dầu khí.
Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những cuộc tranh chấp đòi chủ quyền ở Nam Cực, đại diện của 43 quốc gia đã cùng ký kết Hiệp ước Nam Cực vào năm 1959 (có hiệu lực năm 1961), trong đó khẳng định Nam Cực là một lục địa bất khả xâm phạm. Song không phải vì thế mà có thể bảo vệ được châu lục tránh khỏi các đòi hỏi chủ quyền đơn phương cũng như tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia.
Ngoài Anh đã tuyên bố đòi chủ quyền với khu vực rộng 1 triệu km2, Australia hiện là một trong 8 quốc gia và là nước đòi hỏi chủ quyền trên diện tích lớn nhất ở Nam Cực. Australia đang đòi chủ quyền tới 40% diện tích của châu Nam Cực, một đòi hỏi bị thế giới phản đối mạnh mẽ.
Anh, Australia, Argentina, Chile... đã đệ trình các văn kiện tuyên bố chủ quyền với các khu vực ở Nam Cực. Tuy nhiên, đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có 2 cường quốc hàng đầu là Nga và Mỹ, từng nhiều lần tuyên bố rằng không thừa nhận nguồn tài nguyên đáy biển ở vùng Nam Cực thuộc về bất cứ quốc gia nào và yêu cầu LHQ không xem xét, thẩm định các dữ liệu liên quan đến vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, động thái căng thẳng mới giữa Anh và Argentina chắc chắn sẽ làm "nóng" thêm cuộc tranh chấp chủ quyền ở Nam Cực.
Theo ANTD
Trước "tận thế", tìm hiểu 9 sự thật về Trái đất Có nhiều điều chúng ta vẫn lầm tưởng về Trái đất và sự thật khiến nhiều người ngỡ ngàng 1. Trái đất không tròn Trái đất là một hình cầu nhưng do lực hấp dẫn của nó, nó không phải là một vòng tròn hoàn hảo. Trong thực tế có một chỗ phình ra xung quanh đường xích đạo. Bán kính vùng cực...