“Quân sư” của ông Tập bất ngờ hiện diện ở Điện Kremlin để làm gì?
Hôm 19/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội kiến với Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư. Sự hiện diện ở Moscow của ông Lật được đánh giá là “bất thường”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin hôm 22/3/2013.
Kênh Phượng Hoàng (Trung Quốc) tối 19/3 cho biết, trong khi Trung Quốc hoàn toàn không tiết lộ bất cứ thông tin gì, thì Điện Kremlin đã bất ngờ xác nhận rằng Bí thư Ủy ban Trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày.
Cho đến sáng nay (20/3), Bộ ngoại giao Trung Quốc mới đăng thông cáo chính thức xác nhận điều này.
Phượng Hoàng bình luận, Lật Chiến Thư là chính khách “có địa vị vô cùng trọng yếu” ở Trung ương đảng Trung Quốc, không phải bởi vai trò Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư Ủy ban Trung ương, mà ở chức vụ Chánh văn phòng Trung ương của ông Lật.
Ông Lật Chiến Thư được hình dung “như quản gia của chủ tịch Tập Cận Bình” , là người mà ông Tập tin tưởng. Phượng Hoàng ví ông Lật với Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Những tín hiệu quan trọng
Phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã nói, các phân tích phổ thông đều nhận định chuyến thăm Nga của ông Lật Chiến Thư chủ yếu nhằm mục đích “tiền trạm” cho sự xuất hiện của chủ tịch Tập Cận Bình tại Moscow ngày 9/5 tới đây.
Ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít năm nay có ý nghĩa trọng đại bất kể là đối với Trung Quốc hay quốc tế. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đã có thỏa thuận cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm nay.
Video đang HOT
Theo thông lệ, nhiệm vụ “tiền trạm” cho các chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc vốn thuộc về Bộ trưởng ngoại giao. Tuy nhiên, người xuất hiện ở Moscow hôm 19 không phải là Ngoại trưởng Vương Nghị.
Theo Phượng Hoàng, việc Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư “xuất đầu lộ diện” là một điều đặc biệt, bởi những người tiền nhiệm của ông Lật hầu như không hề có tiền lệ công du độc lập như lần này.
Vì vậy, Phượng Hoàng dự đoán chuyến công tác Moscow của Lật Chiến Thư “có sứ mệnh quan trọng hơn”, chứ không đơn thuần là nhiệm vụ ngoại giao.
Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp tới Tổng thống Putin?
Phượng Hoàng đưa ra nhận định, bên cạnh vấn đề lễ kỷ niệm 9/5, Chánh văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư có khả năng là “sứ giả” chuyển tải thông điệp – bằng miệng hoặc văn bản – từ ông Tập tới ông Putin.
Đặc biệt hơn, chuyến đi của ông Lật diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Putin “tái xuất” trước công chúng. Trước đó, ông Putin đã “mất tích” trong hơn 10 ngày.
Theo Phượng Hoàng, nhiều khả năng Bắc Kinh muốn khẳng định tình hình của Tổng thống Nga và thông qua ông Lật Chiến Thư để gửi lời thăm hỏi của ông Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, ông Lật cũng được cho là sẽ bàn thảo kỹ với ông Putin về các vấn đề nội chính, kinh tế của Nga cũng như việc Nga bị phương Tây trừng phạt cùng quan hệ của Trung Quốc trong đó.
Với những vấn đề mang tính chất “khó nói trên bình diện ngoại giao công khai” như trên, việc “cánh tay trái” thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện ở Moscow dường như không còn khó hiểu.
Phượng Hoàng kết luận, bất kể nội dung cụ thể chuyến thăm Nga của Lật Chiến Thư là gì, thì việc Chánh văn phòng Trung ương Trung Quốc đích thân “xuất mã” là biểu hiện rõ ràng nhất về quan hệ Nga-Trung, qua đó thể hiện “mối quan hệ đặc biệt” giữa các lãnh đạo 2 nước.
Hãng thông tấn Nga ITAR-TASS cho hay, Chánh văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov cũng đã xác nhận ông Putin sẽ tới Bắc Kinh vào tháng 9 tới để tham dự các hoạt động kỷ niệm chiến thắng phát xít tại Trung Quốc.
“Sự đoàn kết chống lại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt cho chúng ta quyền tưởng nhớ về lịch sử một lần nữa, bao gồm thực tế rằng Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc đã tạo nên &’nhóm hạt nhân’ của liên minh chống Hitler” – Đại diện Điện Kremlin phát biểu.
Ông Ivanov thêm rằng, Trung Quốc đã mời một số binh sĩ Nga tham gia lễ duyệt binh tại Bắc Kinh.
Theo Đại Lộ
Mình Trung Quốc có cứu nổi Nga?
Mặc dù Trung Quốc được lợi khi Nga và Mỹ xung khắc, nhưng nước này sẽ sử dụng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp để tránh gây bất hòa với phương Tây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc đang gia tăng hỗ trợ đối với các quốc gia đang trải qua khủng hoảng tài chính. Đây là một phần nỗ lực thuộc chiến dịch xây dựng hình ảnh "Trung Quốc thân thiện" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nếu coi chiến dịch hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc là một đoạn thừng, thì Nga là một nút thắt. Tuy nhiên sự giúp sức từ Trung Quốc có thể chỉ đạt mức gián tiếp và hạn chế, tạp chí Diplomat nhận xét.
Trung Quốc vay mượn và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên đã đem lại cho Nga nhiều lợi thế cạnh tranh kinh tế đáng kể. Dù nhu cầu năng lượng toàn cầu trượt xuống đáy thấp nhất kể từ năm 1992, hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng cả về khối lượng và đơn giá. Song song theo đó là cam kết của Bắc Kinh với nhiều thỏa thuận dài hạn, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Tương tự, các ngân hàng Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 13,8 tỷ USD trị giá tín dụng và các khoản vay cho ngân hàng Nga. Đối với dự án đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh và Moscow trị giá 242 tỷ USD, Trung Quốc đã hào phóng nhận trách nhiệm huy động phần vốn lớn hơn.
Một mặt giúp đỡ, mặt khác Trung Quốc không ngừng tung hô các động thái trên. "Quan hệ hai nước như một cái cây được hai bên cùng vun trồng cẩn thận. Mùa thu đến cũng là lúc chúng ta thu hoạch quả ngọt", ông Tập nhấn mạnh trong một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Hội nghị thượng định hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương vào tháng 11 vừa qua.
Trung Quốc đã ký hai thỏa thuận khí thiên nhiên với Nga, có thể cung cấp tới 17% nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đến năm 2020.
Nhưng mặc dù Trung Quốc ra sức hỗ trợ Nga thông qua thương mại, tín dụng, chỉ mình mối quan hệ song phương này là không đủ để vực dậy nền kinh tế Nga.
Hiện nay, giá trị các khoản đầu tư từ Trung Quốc chỉ ở mức tí hon nếu đặt trong so sánh với dòng vốn FDI từ Liên minh châu Âu, chiếm tới 75% tổng đầu tư nước ngoài chảy vào Nga.
Gói tín dụng gần 14 tỷ USD từ ngân hàng Trung Quốc chưa đủ để thanh toán phần lẻ trong khoản nợ trị giá 265 USD tỷ dưới dạng nợ và trái phiếu sắp tới hạn của các công ty Nga.
Thêm vào đó, kể cả nếu Trung Quốc đủ sức chống lưng Nga về mặt tài chính trong thời kỳ khủng hoảng, nước này không thể đạt yêu cầu của Nga về mặt công nghệ năng lượng.
Nga cung cấp cho Trung Quốc gần 1/3 nguồn cung khí đốt toàn cầu và trữ lượng khí đốt phi truyền thống, nhiều hơn gấp 10 lần so với toàn bộ châu Âu. Nhưng muốn khai thác được năng lượng, Nga phải dựa dẫm vào công nghệ phương Tây.
Trung Quốc có rất nhiều tiền, nhưng lại thiếu công nghệ tiên tiến cần thiết để thâm nhập vào khu vực giàu tài nguyên nhưng hiểm trở, khó tiếp cận giữa Bắc Cực và Đông Siberia.
Tính tới nay, các cử chỉ thiện chí của Trung Quốc được thực hiện thông qua trung gian là cơ quan đại diện chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Chưa có gói cứu trợ đáng kể nào được công bố.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm thành phố Astana, thủ đô Kazakhstan và cam kết viện trợ bổ sung. "Để giúp đối phó với kinh tế chậm tiến, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp các gói tài chính để phát triển hợp tác", ông Lý Khắc Cường cho biết.
5 ngày sau, phía Nga đáp lại bằng giọng điệu khó đoán. "Hiện Nga không đàm phán với Trung Quốc về bất kỳ gói cứu trợ tài chính nào", người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết.
Trong khi Nga chưa chính thức ghi nhận lời chào mời đối tác từ Trung Quốc, sự hỗ trợ về mặt chính trị từ Trung Quốc dành cho Nga xoay quanh khủng hoảng Ukraine vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi.
Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề có thể đã được tính toán, vì nước này không muốn làm mất lòng phương Tây. Có thể Trung Quốc sẽ tạo cầu nối giữa hai bên, thay vì đứng hẳn về phe Nga.
Trung Quốc có khả năng tung hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc tài trợ tài chính gián tiếp thông qua một thỏa thuận với Tổ chức hợp tác Thượng Hải, thành lập vào năm 2001 giữa Nga, Trung Quốc và các nước Xô Viết cũ khác.
Gói tài trợ có thể được chuyển qua Ngân hàng phát triển mới, còn được biết đến như Ngân hàng phát triển BRICS. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ né tránh đầu tư trực tiếp, yếu tố có thể gây xung đột trong quan hệ quốc tế.
Tóm lại, mặc dù Trung Quốc được lợi khi Nga và Mỹ xung khắc, nhưng nước này sẽ sử dụng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp để tránh gây bất hòa với phương Tây.
Theo NTD/Bizlive
Nga Trung: 'Cặp đôi' đồng sàng nhưng... dị mộng? Việc TQ và Nga có cố gắng xây dựng quan hệ liên minh hay không tùy thuộc vào giới lãnh đạo ở Moscow và Bắc Kinh, và quan trọng hơn, tùy vào các đối tác của họ ở Washington và Brussels. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, sự xích lại gần nhau của cặp đôi Nga Trung là điều mà...