Quán phở tên lạ 35 năm níu chân người Sài Gòn bởi mùi thơm khó cưỡng
Qua 2 thế hệ, quán phở với cái tên Phở 30.000 ở đầu hẻm 474 Nguyễn Tri Phương (phường 9, quận 10, TP HCM) trở thành hàng phở quen của nhiều vị khách.
Quán phở bò đông khách suốt 35 năm
“Bác Hai làm tô phở không bác Hai?” Vừa đến đầu hẻm là đã nghe tiếng chủ quán phở lanh lảnh tay xé sợi phở miệng gọi vọng ra phía một ông cụ đã lớn tuổi đi ngang qua. Cụ già khoát khoát tay rồi tiếp tục đi. Chủ quán cười cười rồi quay lại làm việc, con hẻm 474 yên bình đến lạ giữa lòng Sài Gòn tấp nập xe cộ qua lại.
Chủ quán chia sẻ, nước phở được hầm từ rất nhiều xương bò chứ không dùng hương liệu nấu phở bán ở chợ
“Phở 30.000″ là dòng chữ được dán trên xe hàng giúp thực khách nhận diện. Thấy tôi có vẻ thắc mắc về tên của quán, chị Lê Thị Lanh (40 tuổi, chủ quán phở) chia sẻ: “Thực ra nó cũng không hẳn là tên quán, phở ở đây giá 30.000 đồng thì mình đề vậy cho người ta biết mình bán phở thôi. Giờ mà để tên khác sợ người ta không quen, nhắc quán phở trước hẻm 474 là người ta biết à”.
Chị Lanh là chủ quán đời thứ hai. Bà Đặng Thị Nở, mẹ chồng của chị Lanh là người mở quán và duy trì thương hiệu của hàng phở suốt bao nhiêu năm qua. Chị Lanh tâm sự: “Chị là người miền Tây, quán này thì khoảng 35 năm rồi nhưng chị làm chủ khoảng 5 năm trở lại đây. Trước đây mẹ chị bán rất là đắt khách, giờ thì sức khỏe không cho phép nên chị thay bà tiếp tục công việc này”.
Video đang HOT
Phở có một chút đậm đà của hương vị phở miền Bắc, nhưng vị ngọt xương và thanh rất giống phở miền Nam
Bán gần 100 tô phở mỗi ngày
Quán phở bắt đầu mở bán từ 15 giờ đến 23 giờ, từ 19 đến 20 giờ là đông khách nhất. Trung bình mỗi ngày quán phở của chị Lanh bán được khoảng 90 tô. Vào ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần thì lượng khách đến quán đông hơn và số lượng phở bán được cũng từ đó mà tăng theo. Những ngày khách đông, bán được hơn trăm tô phở.
Quán chỉ bán một món duy nhất là phở bò. Cũng như những hàng phở khác, phở bò ở đây gồm nhiều loại như tái, nạm, gân… tùy theo khẩu vị của từng thực khách.
Phở hẻm 474 khiến thực khách có đi đâu xa thì lúc trở về cũng không quên ghé quán làm một tô phở bò cho ấm bụng
Tô phở bưng ra nghi ngút khói, mùi thơm xộc vào mũi, thêm vào rau húng quế, rau thơm và một ít giá là đã có thể ăn ngay. Nói đến đây thì nhiều người cảm thấy quán phở trên hoàn toàn bình thường và tò mò xem điều gì khiến quán phở bò hẻm 474 níu giữ thực khách lâu đến thế?
Nước hầm của phở trong vắt chứ không đục, vừa nhìn thôi đã thấy sự khác biệt. Điểm đặc biệt của phở hẻm 474 là phở có một chút đậm đà của hương vị phở miền Bắc, nhưng vị ngọt xương và thanh rất giống phở miền Nam, mùi vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu được. “Mẹ chị ngày xưa nấu theo hương vị phở miền Bắc nhưng đến chị lại có chút lai miền Nam rồi”, chị Lanh nói.
Một khách quen của quán phở chia sẻ: “Tôi ăn phở ở đây khoảng bảy tám năm. Hồi trước tình cờ đi ngang qua thấy nên ghé vào ăn thử, rồi từ đó thành khách quen. Phở giá bình dân, thơm ngon vị bò, vị đậm đà lắm chứ không bị lạt. Những người Tây dạy ở trung tâm Anh ngữ sát bên ăn cũng thích lắm thấy ghé ăn hoài”.
Một vị khách khác đang ăn phở kế bên cũng quay sang tấm tắc: “Ăn phở ở đây không mê phở đâu mà mê cái mùi, mùi thơm quá không ăn không được”.
Nghe khách khen phở của mình, chủ quán cười cười: “Chị bán mấy năm nay chưa làm mất lòng một vị khách nào. Nước hầm ngọt và trong là vì chị hầm từ rất nhiều xương bò chứ không sử dụng gia vị dùng để nấu phở thường bán ngoài chợ. Bánh phở cũng là lấy từ lò phở có kiểm định chất lượng đàng hoàng nên người ta ăn thấy ngon và rất thích. Đặc biệt là có mấy đứa con nít ăn phở ở đây rồi không chịu ăn phở chỗ khác.”
Hơn 30 năm, quán phở hẻm 474 vẫn là nơi khiến thực khách có đi đâu xa thì lúc trở về cũng không quên ghé quán làm một tô cho ấm bụng. Dường như ăn phở mỗi buổi chiều đã trở thành thói quen trong tâm thức của không ít người dân Sài Thành.
Theo Thanhnien
Quán phở sâu trong hẻm nhưng vẫn hút khách của bà cụ Sài Gòn
Nhờ công thức nấu phở của thân sinh mà bà Hạnh giữ chân khách đến quán hơn 40 năm qua.
Nằm trong một con hẻm nhỏ gần Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM ở quận 1 là hàng phở nhỏ đã tồn tại được 44 năm. Chủ quán là bà Thái Mỹ Hạnh, 66 tuổi. Trước khi dời về địa chỉ hiện tại, bà bán trong chợ Thái Bình khoảng 10 năm.
Bà Hạnh bắt đầu nấu phở từ năm 22 tuổi. Ảnh: Di Vỹ.
Bà Hạnh được ba truyền cho công thức nấu phở từ khi còn là thiếu nữ. Đến nay, bà vẫn giữ nguyên cách nấu đậm chất miền Nam. Hàng phở của bà luôn có sự xuất hiện của chị gái và em trai - những người phụ giúp các công việc như bưng bê, dọn dẹp.
Mỗi ngày, bà Hạnh dậy sớm để đi chợ mua đồ tươi rồi đem về sơ chế cùng các thành viên trong gia đình. Hơn 8h, bàn ghế được xếp lần lượt ra góc con hẻm nhỏ. Khi phục vụ khách, bánh phở và giá được trụng rồi cho vào tô. Sau đó, tuỳ theo khách gọi, các loại thịt được xếp lên trên. Món ăn còn thêm chút hành lá xắt nhỏ và hành tây bào mỏng. Bà Hạnh chan mỗi tô hơn vá nước lèo rồi bưng ra cho khách.
Suất ăn có giá trung bình 30.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.
Như bao quán bình dân khác, khách ngồi trên bàn ghế thấp, xung quanh gian bếp của bà Hạnh để thưởng thức món ăn. Ngay khi ngồi vào bàn, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm của nước dùng được hầm từ xương ống bò.
Sợi phở ở địa chỉ này là bản nhỏ, mềm. Nước dùng trong và vàng nhẹ, vị đậm đà. Bạn có thể gọi các món phở quen thuộc như tái gân, tái nạm hay bò viên.
Trên bàn ăn của khách luôn để sẵn những thố rau sống ăn kèm. Hai loại tương cùng ớt, chanh cũng đặt cạnh cho khách có nhu cầu thêm thắt.
Sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, anh Nguyên Khánh (hiện sống ở quận 1) vẫn quay trở lại quán bà Hạnh như một thói quen. "Lúc còn đi học, tôi và bạn bè hay ghé chỗ dì Hạnh ăn sáng. Phở ở đây ngon, ăn quen rồi không thích đi chỗ khác", anh Khánh nói.
Khách có thể gọi thêm chén trứng chần cùng gân hoặc bò viên để ăn thêm. Ảnh: Di Vỹ.
Đối với bà Hạnh, đây là không chỉ công việc mà còn là niềm vui trong cuộc sống. "Nói chuyện với khách, nhìn khách ăn ngon làm tôi vui lắm", bà chia sẻ. Những hôm Sài Gòn nắng nóng, khách vẫn tìm đến địa chỉ lọt thỏm trong con hẻm. Ánh nắng hắt lên tấm bạt xanh, ai nấy mồ hôi nhễ nhại nhưng bà chủ và khách vẫn tươi cười trò chuyện.
Quán không có giờ đóng mở cửa cố định. Bà chủ thường hoàn tất các công đoạn chuẩn bị trước 8h để kịp đón khách, và đóng cửa khi hết hàng. Do quán nằm sâu trong hẻm nhỏ, không gian chật hẹp và ít có chỗ để xe.
Theo Vnexpress
Ở một Hà Nội đất chật người đông, ai còn niềm tin rằng vẫn tồn tại quán phở 15k/bát mà còn ngập thịt bò, thịt gà thế này? Hà Nội đó, đất chật người đông, xô bồ và chật chội, nhưng không phải chỗ nào cũng đắt đỏ đâu. Điển hình như quán phở 15k này. Thật lòng mà nói thì khi nghe ai đó bảo có chỗ bán 15k/bát phở, trong đầu tôi đã hiện lên ngàn vạn dấu chấm hỏi. 15k một bát phở? Chắc chỉ đủ tiền để...