‘Quan’ nuốt nghẹn… vì ‘ăn đất’
Dư luận Trung Quốc thời gian gần đây luôn “ nóng” với vụ việc thu hồi đất đai của nông dân, gây nên làn sóng khiếu nại, tố cáo ầm ĩ…
Tại tỉnh Quảng Đông và nhiều nơi khác của Trung Quốc, đất của nông dân đang bị chính quyền địa phương chiếm giữ và bán đi lấy vốn xây dựng các trung tâm mua sắm, các khu nhà ở cao cấp và sân golf. Quyền sử dụng đất không được đảm bảo đã khiến nông dân Trung Quốc nghèo hơn…
Những con số biết nói
Theo một báo cáo gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), có khoảng 40 đến 50 triệu nông dân Trung Quốc bị mất đất nông nghiệp. Con số này đang gia tăng với tốc độ 3 triệu nông dân mỗi năm và sẽ đạt 110 triệu người vào khoảng năm 2030.
Một trong số khu đô thị mới của Trung Quốc “mọc lên” từ việc thu hồi đất nông nghiệp.
Kết quả khảo sát của trang mạng chính thức Red Net của tỉnh Hồ Nam với 132 hộ gia đình cho thấy, 97% nông dân bị mất đất nông nghiệp không hài lòng với việc bồi thường. Mức đền bù tiêu chuẩn cho người nông dân để làm đất thương mại là khoảng 20.000 tới 35.000 USD mỗi mẫu. Nhưng đất nông nghiệp này thường nằm ở một khu đô thị mới phát triển, có thể bán được giá trên 10 lần giá trị hiện tại của nó.
Video đang HOT
Không dừng ở đó, 60% nông dân bị mất đất nông nghiệp nói rằng họ đang trong tình trạng kinh tế khó khăn và 81% lo lắng về sinh kế tương lai. Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc điều tra xã hội học trên 2.942 người nông dân mất đất, phát hiện rằng chỉ có 2,7% người nhận được việc làm sau khi bị mất đất; 24,8% phải tự mình đi kiếm việc làm; 27,3% buôn bán nhỏ, 20% vẫn ở nhà, thất nghiệp.
Số liệu thống kê của CASS cũng nêu rõ, trong số những người nông dân khiếu nại tới các cấp chính quyền cao hơn để được giúp đỡ, 60% các khiếu nại liên quan đến đất nông nghiệp và 30% có liên quan đến việc trưng dụng đất đai.
Từ không hài lòng… đến nổi dậy
Cuối năm 2011, hàng ngàn người dân thôn Ô Khảm, thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc phẫn nộ khi biết hàng ngàn m2 đất của họ bị “quan xã”, “quan huyện” trắng trợn ăn chặn tiền đền bù. Họ đã biểu tình suốt 3 tháng, liên tục bao vây trụ sở chính quyền và cuối cùng, Quốc vụ viện Trung Quốc phải cử đoàn thanh tra về tận nơi xem xét.
Vào ngày 14/12/2011, đoàn thanh tra tỉnh Quảng Đông, do Phó bí thư tỉnh ủy Chu Minh Quốc làm Trưởng đoàn, đã đến Ô Khảm. Ngày 30/12/2011, Tân Hoa xã đã dẫn kết luận sơ bộ của thanh tra tỉnh Quảng Đông, theo đó những khiếu nại của người dân làng Ô Khảm (từ tháng 9/2011 và biến thành biểu tình bạo lực cuối tháng 12/2011) về việc làm sai trái của các quan chức liên quan đến việc sử dụng đất và quản lý tài chính là xác đáng. Theo đó, ông Chu Minh Quốc đã ra lệnh cho chính quyền thành phố Sán Vĩ ngưng dự án phát triển kinh doanh ở thôn này và chỉ đạo bắt giữ một số quan chức địa phương.
Hàng ngàn người dân thôn Ô Khảm đã biểu tình suốt 3 tháng và cuối cùng, Quốc vụ viện Trung Quốc phải cử đoàn thanh tra về tận nơi xem xét.
Tưởng rằng, vụ Ô Khảm gây chấn động sẽ là bài học răn đe “quan trên” trong việc thu hồi đất đai nông nghiệp. Nào ngờ, giữa tháng 1 vừa qua, 3.000 người dân Vọng Cương (tỉnh Quảng Đông) lại kéo lên trụ sở chính quyền tỉnh để biểu tình phản đối giới chức địa phương đầu cơ địa ốc trái phép từ đất đai canh tác của dân, thu lợi khoảng 63 triệu USD. Họ còn tố cáo Bí thư Chi bộ làng Lê Chí Hàng cho đối tác thuê bãi giữ xe và khu vực chợ trung tâm với giá rẻ mạt.
Tiếp đến, ngày 1/2/2012, gần 5.000 người dân của 2 làng Phán Hà Đông và Phán Hà Tây thuộc huyện Thương Nam, tỉnh Chiết Giang, cũng biểu tình rầm rộ, tố cáo quan chức địa phương bán lậu đất đai và không đền bù cho dân. Ngày 6/2, đến lượt hàng trăm người làng Long Cương (cũng thuộc huyện Thương Nam) xuống đường phản đối các vụ mua bán và bồi thường mờ ám liên quan đến dự án “vây biển tạo đất liền” theo chính sách cưỡng chế trưng thu đất đai, được khởi động từ năm 2003 đến nay…
Thủ tướng vào cuộc
Trước những căng thẳng giữa nống dân với chính quyền địa phương trong việc thu hồi đất nông nghiệp, trong chuyến thăm tới tỉnh Quảng Đông ngày 4/2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo yêu cầu bảo vệ quyền về đất đai cho nông dân, trong bối cảnh một vụ bạo động liên quan đến việc chính quyền thu hồi đất ở một làng tại Quảng Đông thu hút sự chú ý cả nước. “Sự chiếm dụng độc đoán đất đai của nông dân, khiến nông dân khiếu nại, tố cáo, chính là căn nguyên của hàng loạt vụ việc vừa qua”, ông Ôn Gia Bảo nói.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định rằng, Chính phủ sẽ trừng phạt các quan chức chiếm dụng đất của nông dân mà không đền bù và sẽ thu hẹp khoảng cách về thu nhập cũng như mức sống giữa người giàu và người nghèo trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 1/2, lần đầu tiên Trung Quốc ban hành tài liệu về chính sách đất đai liên quan đến đất nông nghiệp ở nông thôn. Một trong những biện pháp bảo vệ các quyền về đất cho nông dân vừa được đưa ra là chương trình thí điểm đăng ký đất đai để đảm bảo quyền sở hữu đất cho mỗi người nông dân. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai phải dựa trên cơ sở đền bù thỏa đáng và sự tự nguyện của người dân theo đúng luật pháp quy định.
Ăn đất… ăn luôn phải quả đắng
Nhắc lại leo thang đất đai ở Vọng Cương, nhằm tránh để vụ việc thêm nghiêm trọng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương đã lập tức ra lệnh “nhanh chóng phản hồi đề nghị của dân, tiến hành thương lượng hòa bình và tìm hướng giải quyết”. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Đông cam kết tiến hành điều tra về tham nhũng và sử dụng đất trái phép trước ngày 19/2, đồng thời đình chỉ công tác của ban lãnh đạo địa phương.
Còn vụ Ô Khảm, Bí thư thôn là ông Tiết Xương bị miễn nhiệm và chịu sự điều tra của cảnh sát Quảng Đông. Theo báo South China Morning Post, từ khoảng gần cuối năm 2011, Bí thư Tiết Thương và chính quyền địa phương bán phần lớn đất đai trong làng cho các công ty bất động sản, thu lợi hơn 100 triệu USD. Trong đó, ông Thương đã biển thủ khoản bồi thường cho người dân để mua một chiếc ô tô trị giá tới 200.000 NDT (31.250 USD).
Vào tháng 1/2011, ông Lưu Giang Huy, Giám đốc Cơ quan quản lý nhà đất huyện Đãng Sơn (tỉnh An Huy), đã bị kêu án 19 năm rưỡi tù giam với các tội danh tham nhũng và sở hữu một số lượng lớn nhà đất không rõ nguồn gốc dù Lưu chỉ là một quan chức cấp huyện. Và trước mắt số tài sản trị giá 300.000 nhân dân tệ (45.327 USD) của Lưu đã bị tịch thu…
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời Giáo sư Dư Gia Vinh tại CASS cho hay, hiện tranh chấp đất đai chiếm 65% các vụ biểu tình phản đối ở nông thôn Trung Quốc. Ông Dư ước tính giới chức địa phương thu hồi khoảng 6,64 triệu ha đất nông thôn từ năm 1990, bỏ túi 314 tỉ USD tiền chênh lệnh giữa tiền bồi thường và giá trị thị trường.
Theo Báo Đất Việt
Giá đắt vì "ăn đất"
Là cán bộ địa chính phường, Chu Hoàng Minh (SN 1956, trú tại phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã giả mạo giấy ủy quyền để bán đất dự án giãn dân, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Chu Hoàng Minh (bên phải) và Hoàng Mạnh Hồng tại phiên toà
Từ mối quan hệ quen biết, tháng 12-2009, anh Nguyễn Xuân Tứ (trú ở huyện Ba Vì) đến nhà Chu Hoàng Minh - nguyên cán bộ địa chính phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây chơi thì được đối tượng khoe đang có một suất đất dịch vụ (đất giãn dân) tại khu Thuần Nghệ nằm trên địa bàn phường với diện tích 50m2. Nếu anh Tứ mua, Minh sẽ nhượng lại bằng đúng giá gốc là 270 triệu đồng. Anh Tứ đồng ý và hai bên đã lập giấy mua bán, giao tiền.
Tương tự, đầu tháng 1-2010, chị Phùng Thị Hồng (trú ở thị xã Sơn Tây) cho Minh vay 50 triệu đồng để làm ăn. Khoảng một tuần sau, đối tượng mang tiền sang trả, đồng thời không quên "dắt" theo một vài tờ giấy ủy quyền bán đất giãn dân ở khu Thuần Nghệ để quảng cáo. Sau khi xem các giấy ủy quyền, chị Hồng đồng ý mua 2 suất với giá 660 triệu đồng. Tháng 3-2010, chị này tiếp tục mua thêm của Minh 2 suất đất nữa cùng ở khu giãn dân với giá 740 triệu đồng.
Tuy nhiên do cần tiền buôn bán, chị Hồng đã trả lại Minh 2 suất đất mua sau và nhận lại tiền. Có lãi, chị Hồng liền bán 2 lô đất mua trước của Minh cho người khác. Quá trình 2 suất đất này được những người về sau mua đi bán lại nên tấm giấy ủy quyền bị "lộ tẩy" là giấy rởm... Từ tháng 12-2009 đến tháng 5-2010, nguyên cán bộ địa chính phường Quang Trung đã giả mạo giấy ủy quyền định đoạt 28 lô đất ở dự án giãn dân Thuần Nghệ để lừa đảo chiếm đoạt của 16 nạn nhân tổng số gần 11 tỷ đồng.
Tài liệu truy tố xác định, sở dĩ Chu Hoàng Minh thực hiện được hành vi lừa đảo là dựa vào sự tiếp tay của Hoàng Mạnh Hồng (SN 1964) - nguyên Bí thư Đảng ủy, kiêm Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung. Cụ thể, khi biết danh sách 35 hộ gia đình được cấp đất giãn dân tại khu Thuần Nghệ, Chu Hoàng Minh đã lấy mẫu giấy ủy quyền của phường sao ra làm nhiều bản, sau đó đưa cho Hoàng Mạnh Hồng ký và đóng dấu khống. Có được các giấy tờ ủy quyền này, Minh đã điền tên những hộ gia đình được mua đất giãn dân và tên của đối tượng vào các mục tương ứng, rồi mang đi bán. Với các hành vi này, Chu Hoàng Minh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hoàng Mạnh Hồng bị cáo buộc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18-10, cả 2 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Chu Hoàng Minh tù chung thân và Hoàng Mạnh Hồng 6 năm tù giam.
Theo ANTD
Ăn đất đá, giấy, phấn... vì nghĩ mình là người trời Thói quen ăn các vật thể lạ như: ăn giấy, ăn phấn, ăn đất... của một số bệnh nhân tâm thần phân liệt tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai khiến người ta phải ngỡ ngàng, lo lắng... và đặt dấu hỏi. Ăn để tìm... cảm giác ngon miệng Túi áo, túi quần, bất cứ chỗ nào...