Quán ngon không cần bảng hiệu ở Sài Gòn
Bánh canh Nguyễn Phi Khanh, bánh đúc Phan Đăng Lưu hay miến gà Lý Thường Kiệt… là những quán ăn không bảng hiệu nhưng hầu như ai cũng biết tiếng khi nhắc đến.
Bánh canh Nguyễn Phi Khanh
Tiền thân của quán bánh canh giò heo này là ở trên đường Nguyễn Văn Giai (quận 1), sau khi chuyển địa điểm về đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1), quán vẫn là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người. Mặc dù không có bảng hiệu, lại chỉ bán trong khoảng thời gian từ 15h00 đến 16h30 nhưng quán luôn chật ních khách, thậm chí nhiều người sẵn sàng đứng chờ để đợi đến lượt mình.
Món ăn duy nhất của quán là bánh canh giò heo, được chia làm hai loại là giò gân hoặc giò nạc. Những miếng giò ở đây vừa to, thịt mềm nhưng không bở và vẫn có vị ngọt thịt rất tự nhiên khi nhai. Ngoài ra, nước dùng được nấu từ nước hầm xương nên có vị ngọt thanh của xương chứ không phải cái ngọt gắt của gia vị… đó chính là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn cho món bánh canh giò heo tưởng chừng rất quen thuộc ở đây.
Bánh đúc Phan Đăng Lưu
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, quán bánh đúc ở đây được nhiều người đặt biệt danh là quán ‘chảnh’ vì cách phục vụ không xem trọng thực khách của quán. Tuy chỉ là quán ăn vỉa hè như mức giá không hề bình dân với 16.000 đồng cho một chén bánh đúc nóng hổi đầy hành phi.
Mặc dù không có bảng hiệu, lại chỉ bán duy nhất món bánh đúc dân dã nhưng quán đã tồn tại gần 40 năm nay. Cứ vào 15h hàng ngày, quán lại tấp nập thực khách ghé vào thưởng thức món ăn bình dị này. Bánh đúc của quán không đổ thành từng miếng nguội mà nấu sánh lại như tàu hủ. Một chén đầy đủ gồm có bánh đúc, thịt bằm, hành phi cùng ít nước mắm ớt được pha rất vừa ăn.
Miến gà, bánh canh gà Lý Thường Kiệt
Chỉ là một quán ăn sáng bình dân dưới cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10), nhưng bắt đầu từ 6h đến 10h sáng hàng ngày, quán lúc nào cũng đông nghẹt khách, nhiều khách hàng đứng chờ vì không có chỗ ngồi, cũng có người phải quay về vì đến trễ.
Các món ăn của quán khá phổ biến như miến, bánh canh, hủ tiếu, mì… tất cả đều được nấu chung với gà. Điều thu hút thực khách của quán chính là thịt gà. Được nấu từ gà ta chính hiệu nên thịt gà của quán không bở, lát thịt gà ăn dai nhưng mềm và có vị ngọt dịu nhẹ rất đặc trưng.
Khi gọi món ăn ở đây, thực khách có thể lựa chọn ăn thịt gà thái thành lát hay xé. Dù thưởng thức theo cách nào đi nữa thì thực khách cũng luôn được ăn những lát thịt gà thơm ngon, hấp dẫn.
Cơm tấm Nguyễn Phi Khanh
Video đang HOT
Không cần bảng hiệu, dấu hiệu nhận biết của quán là chiếc tủ kính bé xíu chất đầy thức ăn trên vỉa hè, bên trong là đôi ba chiếc bàn vừa đủ cho khoảng 5, 7 người ngồi. Chỉ chừng đó thôi nhưng đây là địa chỉ không thể bỏ qua của giới văn phòng vào mỗi buổi cơm trưa.
Đến quán ăn, nếu không thích cơm tấm sườn nướng, bạn có thể gọi cơm tấm ăn kèm với chả cua hoặc nem nướng. Đây chính là hai món ăn được rất nhiều thực khách ưa thích nên thường hết rất sớm. Ngoài thức ăn, nước chấm chua ngọt của quán cũng được chế biến rất vừa miệng với độ sánh nhất định, thay cho đồ chua thường thấy như các quán cơm tấm khác, ở đây là những củ kiệu trắng tinh được ngâm chua, khi ăn giòn rụm, chua thanh rất ngon miệng.
Bún bò vỉa hè Ngô Thời Nhiệm
Với những thế hệ học sinh trường Marie Curie (quận 3) thì quán bún bò ở đây đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Không biết bao nhiêu thế hệ học sinh của trường đã thường xuyên thưởng thức bát bún bò nóng hổi ở đây.
Quán đơn giản với một tủ kính bày các nguyên liệu, bàn ghế được xếp nằm sâu bên trong con hẻm nhỏ. Tuy chỉ là quán lề đường nhưng món bún bò của quán lại được nhiều người đánh giá là đúng chất Huế nhất khi nước dùng vừa đậm đà, lại vừa cay xé lưỡi. Nếu muốn thưởng thức món bún bò ở đây, bạn có thể đến buổi sáng trong khoảng 6h đến 10h hoặc từ 15h đến 19h hằng ngày.
Theo Monngonmoingay
6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn
Cơm tấm, lẩu, bún bò, hủ tiếu hay các món ốc... là những món ngon bạn không nên bỏ qua khi đến Sài Gòn.
Dưới đây là một số món ngon ở Sài Gòn.
Cơm tấm
Cơm tấm là món ăn bình dị, hầu như có mặt trên các tuyến đường ở Sài Gòn. Ai đến đây mà chưa ăn cơm tấm là coi như chưa từng đặt chân tới Sài Gòn. Cơm được nấu từ tấm (gạo nát, gạo vụn), đĩa cơm tấm ngon là cơm phải khô, khi chín hạt cơm không được dính nhau.
Cơm tấm là món ăn đường phố rất phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Với cơm tấm sườn, miếng sườn lợn phải được ướp đúng gia vị, khi nướng tỏa hương thơm ngào ngạt đến quyến rũ. Khi ăn mềm nhưng lại hơi dai và đậm đà. Ngoài sườn nướng, nguyên liệu ăn kèm còn rất phong phú như: trứng ốp la, bì, chả....
Ăn cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt đơn giản nhưng rất tinh tế. Nước mắm được nấu với đường và nước lạnh theo một tỷ lệ nhất định, sao cho nước chấm có độ sánh, khi tưới lên dĩa cơm dễ dàng thấm vào từng hạt gạo, thớ thịt. Thêm một ít đồ chua như củ cà rốt, củ cải trên đĩa cơm nữa là món ăn trở nên đủ vị và ngon miệng.
Hủ tiếu
Hủ tiếu tương đối xa lạ với người miền Bắc, nhưng lại quá đỗi quen thuộc đối với người miền Nam. Món ăn này được người Hoa du nhập vào Việt Nam và biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Ở Sài Gòn hiện nay có những thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Sa Đéc và một món hủ tiếu bình dị, dân dã là hủ tiếu gõ.
Ở Sài Gòn có nhiều thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc. Ảnh: Khánh Hòa.
Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, tôm, thịt lợn, thịt băm, sợi bánh nhỏ như sợi bún nhưng có màu đục, ăn kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi... Ngày nay, hủ tiếu còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu ăn kèm phong phú như: cá, mực, lòng, sườn...
Trong bát hủ tiếu thì nước dùng là quan trọng và chuẩn bị công phu nhất. Muốn nồi nước dùng trong vắt và có vị ngọt thanh, người bán phải mua xương ống về hầm chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục. Rau ăn kèm hủ tiếu khá đơn giản với giá tươi, hẹ, xà lách, cần tay...
Các món bún
Có thể nói Sài Gòn là mảnh đất thiên đường của bún với hơn 20 loại bún khác nhau. Có thể kể ra đây một vài loại bún quen thuộc và nổi tiếng như: bún bò Huế, bún mọc, bún thịt nướng, bún mắm, bún cá...
Bún bò là một trong những loại bún phổ biến nhất ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Khác nhau về nguyên liệu và cách chế biến nhưng các món bún đều đem lại cho người ăn sự hấp dẫn và ngon miệng. Một lý do nữa khiến người Sài Gòn ưa thích bún là sự tiện lợi, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Cùng với đó là sự phong phú của món ăn giúp bạn có thể thay đổi và không đem lại cảm giác ngấy.
Phở
Phở là món ăn nổi tiếng từ miền Bắc vào Sài Gòn. Không còn giữ được nguyên bản, những quán phở ở Sài Gòn đã biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Bạn có thể nhận biết được điều đấy khi nhìn vào bát phở của người Sài Gòn, sợi phở bé và mảnh hơn bánh phở Hà Nội, nước dùng có vị ngọt chứ không đậm như bát phở của miền Bắc.
Có nguồn gốc từ miền Bắc, phở nhanh chóng là món ăn được ưa thích ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Nguyên liệu ăn kèm truyền thống trong bát phở là thịt bò với các cách chế biến như tái, nạm, gân, gầu... Ngày nay, phở được biến tấu phong phú với nhiều loại như phở cá, phở gà, phở đà điểu...
Các món lẩu
Lẩu là món ăn chơi được ưa thích khi Sài Gòn về đêm. Ở Sài Gòn có các con phố lẩu nổi tiếng như: lẩu dê ở khu Nguyễn Công Trứ (quận 1), lẩu bò, lẩu dê khu Ngô Thời Nhiệm - Trương Định (quận 3); lầu cá kèo khu Bà Huyện Thanh Quan - Sư Thiện Chiếu (quận 3); lẩu thập cẩm khu Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5); khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh)...
Lẩu là món ăn rất đa dạng, thích hợp trong buổi chiều tối ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Lẩu tương đối dễ ăn, nguyên liệu lại phong phú nên thích hợp với nhiều người. Có nhiều loại lẩu rất nổi tiếng như: lẩu Thái, lẩu cá kèo, lẩu hải sản, lẩu nấm... ngoài ra còn có nhiều loại đặc sản như: lẩu cua đồng, lẩu ốc, lẩu ếch... Bên cạnh nguyên liệu thì rau ăn kèm lẩu rất phong phú, tùy theo loại lẩu mà lựa chon rau phù hợp như rau nhút, rau muống, bắp chuối, cải thảo, cải bẹ xanh, cải ngọt...
Các món ốc
Khổng thể bỏ qua món ốc khi kể đến các món ăn ở Sài Gòn. Ốc là tên gọi chung, bao gồm rất nhiều loại hải sản khác nhau như: nghêu, sò, ốc, chem chép.... Những con đường như Thành Thái (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4)... là những địa chỉ quen thuộc của tín đồ mê ốc ở Sài Gòn.
Cách chế biến phong phú, hương vị thơm ngon tạo nên sự hấp dẫn của các món ốc. Ảnh: Khánh Hòa.
Các quán ốc thường mở cửa từ buổi trưa cho đến tối, khuya, cá biệt có nhiều quán mở cửa đến rạng sáng hôm sau. Sở dĩ món ốc được nhiều người ưa thích vì có cách chế biến phong phú với nhiều hương vị khác nhau. Bạn có thể nướng, xào, hấp, luộc, nấu cháo... với nhiều gia vị khác nhau như: nướng nước mắm, nướng mỡ hành, xào bơ cay, xào tỏi...
Ngoài những món ngon kể trên, còn rất nhiều món ngon khác cho du khách tha hồ thưởng thức khi đến Sài Gòn như: bánh canh, bánh xèo, bánh khọt, các loại chè...
Khánh Hòa
Theo VNE
5 món miền Nam đắt khách ở Hà Nội Những nơi bán món ăn này có thể không "nhan nhản" trên khắp các tuyến phố Hà Nội, nhưng với hương vị miền Nam đặc trưng, lôi cuốn, hầu như quán nào mở ra cũng thành công và hút khách. 1. Bánh xèo Đây là món quà vặt miền Nam du nhập vào Hà Nội từ nhiều năm nay. Vừa là đồ chiên...