Quản lý thuế hiệu quả đối với Uber, Grab
Đến thời điểm hiện tại, nhiều quan điểm cho rằng cách quản lý thuế đối với các dịch vụ vận tải công nghệ như Uber, Grab chưa thực sự hợp lý. Ông Lưu Đức Huy (ảnh)- Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc quản lý thuế Uber, Grab.
Ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế
Grab và Uber đóng thuế không nhiều?
Thưa ông, được biết năm 2016, doanh thu của Grab đạt hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng công ty này liên tục kê khai lỗ, nên số thuế phải nộp chỉ hơn 9,5 tỷ đồng. Qua thanh tra thuế, Grab bị truy thu thêm 2,9 tỷ đồng. Uber, tính tới tháng 6.1017, có tổng doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 76,8 tỷ đồng. Đến nay nhiều quan điểm vẫn cho rằng chính sách quản lý thuế đối với Uber, Grab chưa thật sự hiệu quả?
Grab mua lại Uber gây ra vướng mắc trong việc truy thu hơn 53 tỷ đồng Uber nợ thuế. Ảnh: T.L
Lái xe Uber, Grab không phải quyết toán thuế năm 2017Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính cho rằng lái xe Uber, Grab là những người tham gia dịch vụ vận tải bằng chính phương tiện của mình. Theo quy định, hoạt động kinh doanh của cá nhân thì được tách rời khỏi tiền lương, tiền công và không cần phải quyết toán thuế cuối năm, khi đã nộp thuế các khoản tiền lương, tiền công. Ví dụ: Một người có công việc chính là nhân viên ở một công ty, nhưng sau giờ làm việc chạy thêm Grab, thu nhập này là tiền lương bên ngoài tiền công, và khoản này sẽ không phải quyết toán.
Tuy nhiên, thực tế có một đội ngũ kiếm sống chỉ bằng nghề chạy Uber, Grab, do vậy đã vượt khỏi chức năng của những người quản lý thuế, mà thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành.
Việc coi Uber, Grab là dịch vụ vận tải hay không vẫn đang gây tranh cãi. Chỉ khi xác định rõ điều này thì mới có biện pháp quản lý phù hợp. Để đảm bảo việc thu thuế những người này bình đẳng, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các biện pháp phù hợp, phải thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ, đây là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Còn trong xuyên suốt quá trình đó, thuế chỉ là một khâu.
- Chính sách thuế áp dụng công bằng với doanh nghiệp (DN). Cụ thể một DN phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Trong đó có 2 phương pháp tính thuế; phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế trực tiếp. Nếu DN đủ điều kiện khấu trừ thì có 2 mức thuế suất, 5% và 10%. 5% là áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu còn đối với mặt hàng kinh doanh vận tải là 10%. Nếu áp dụng phương pháp khấu trừ 10% thì DN sẽ được khấu trừ phần thuế đầu vào đầu ra, phần giá trị tăng thêm thì mới chịu thuế 10%. DN không đủ điều kiện áp dụng thuế khấu trừ thì áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp tỷ lệ cho từng ngành nghề, với dịch vụ vận tải là 3%.
Còn đối với thuế thu nhập DN cũng có hai phương pháp tính kê khai và tính theo tỷ lệ quy định. Theo quy định của luật thuế TNDN đối với từng ngành nghề, hoạt động vận tải áp dụng thuế 2%. Grab là đơn vị thành lập tại Việt Nam, dù qua nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng vẫn là DN có 2 thành viên: Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và còn lại 49% của nước ngoài. Grab khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nhưng các dữ liệu thống kê cho thấy Grab và Uber đóng thuế cho ngân sách nhà nước không nhiều?
- Bộ Tài chính đã có một báo cáo trả lời về nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Nhưng theo số liệu tổng hợp và so sánh thuế Uber và các DN vận tải truyền thống nộp thì Uber nộp không hề ít hơn.
Trong số 10 DN có doanh thu lớn thì 2 DN phát sinh số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số DN khác mức tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng/doanh thu dưới 3% (Công ty CP Gia Định, Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist, HTX vận tải số 10).
Video đang HOT
Về thuế TNDN, hầu hết các DN đều có mức tỷ lệ nộp thuế TNDN/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01 – 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97%/doanh thu, trong khi của Uber là 2%.
Còn Grab đang lỗ. Họ chưa có thu nhập.
- Theo tôi nghĩ thì nghĩa vụ thuế do Quốc hội ban hành, đảm bảo công bằng. Trong quá trình thực hiện có gì bất hợp lý, qua giám sát thì Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Hiện tại còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng bị chất vấn và đã có văn bản trả lời, thông tin đầy đủ.
Uber không được miễn, giảm thuế
Thời gian tới Bộ Tài chính có định hướng gì để quản lý thuế hiệu quả hơn đối với dịch vụ kinh doanh vận tải truyền thống cũng như dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ?
- Việc quản lý thuế thực hiện theo đúng luật. Về chính sách thuế đã có quy định đầy đủ, trong đó nguyên tắc là người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Sau đó cơ quan thuế hậu kiểm. Nếu anh kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý, hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro.
Sau 2 năm thí điểm, Bộ GTVT đã họp với các bộ, ngành và có báo cáo Thủ tướng về loại hình kinh doanh vận tải công nghệ này, đang đợi ý kiến chỉ đạo, trong đó có việc xác định rõ loại hình kinh doanh. Từ đó Bộ KHĐT sẽ xác định hoạt động này nằm trong phân ngành nào. Như vậy Bộ Tài chính sẽ xác định thuế đúng và phù hợp bởi loại hình này có nước xác định là vận tải, có nước cấm kinh doanh…
Thời gian qua Uber cho rằng Uber là một công ty công nghệ từ ngoài Việt Nam, chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tác lái xe, không có hiện diện pháp lý hay hiện diện thực tế tại Việt Nam, không hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó được miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký giữa Hà Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Uber có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng thông qua ứng dụng, bố trí các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá vận chuyển… Do đó có thể xác định, thu nhập của Uber phát sinh từ Việt Nam là thông qua các đối tác lái xe tại Việt Nam, thời gian hơn 6 tháng trong 1 năm liên tục.
Căn cứ Hiệp định tránh đánh thuế giữa Việt Nam và Hà Lan, Uber BV có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú tại Việt Nam, do đó thu nhập của Uber BV phát sinh tại Việt Nam không được miễn giảm thuế.
Xin cảm ơn ông!
Vẫn bỏ ngỏ câu chuyện thuế
* Năm 2014, Công ty TNHH Uber BV (Hà Lan) đăng ký hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh dịch vụ thông qua ứng dụng tin học để kết nối các lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách. Năm 2017, Uber được Bộ GTVT cho phép thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, à Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.
* Tháng 1.2016, Bộ GTVT cho phép Grab thí điểm ứng dụng “taxi công nghệ” tại Hà Nội, TP.HCM, à Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
* Đến 25.3.2018, Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặt ra vấn đề pháp lý đối với việc truy thu khoản tiền thuế 53,3 tỷ đồng mà Uber còn nợ Cục Thuế TP.HCM.
Theo Danviet
Grab, Uber: Cấm hay không cấm?
Quản lý Grab, Uber " Bộ GTVT chẳng có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm, Chính phủ không có quyền... chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm" - quan điểm này được nêu ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề quản lý taxi công nghệ, do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (22.3).
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề quản lý taxi công nghệ ngày 22.3
Phải có cơ chế điều chỉnh phù hợp
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, trong Luật GTĐB có những đối tượng chúng ta không đề cập hết, đặc biệt sau khi ứng dụng công nghệ trong GTVT xuất hiện. Cụ thể, từ 2014, một số tổ chức cá nhân sử dụng phần mềm kết nối giữa chủ phương tiện và hành khách, kết nối giữa lái xe và hành khách.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thực tế hiện nay đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Ví dụ như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá (trong khi theo quy định của Việt Nam phải quản lý chặt chẽ, công khai niêm yết giá, có nguồn thu phải nộp thuế), ứng dụng công nghệ phải đăng ký, quản lý... Chính những điều này gây ra sự lộn xộn trong thị trường vận tải hành khách, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Lê Đình Thọ
Qua đó, với chức năng QLNN, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ tất cả loại hình, đối tượng kinh doanh vận tải dù có ứng dụng công nghệ hay không ứng dụng công nghệ.
"Bộ GTVT đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ... Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm; Các cơ quan chức năng khác như ngành Thuế cũng cần có những hướng dẫn, những quy định cụ thể để tạo sự đồng bộ và tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải" - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Bàn về việc quản lý Grab, Uber như thế nào, TS Đặng Quang Vinh - Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) đưa quan điểm: "Chúng ta đang nhìn dưới góc độ 2 công ty nước ngoài vào hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên mở rộng quan điểm một chút. Đây là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới - kinh doanh taxi công nghệ và chúng ta phải ghi nhớ là nếu không có 2 công ty này thì sắp tới cũng sẽ có một số đơn vị thực hiện cách làm tương tự".
TS Đặng Quang Vinh - Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM)
Theo TS Đặng Quang Vinh, chúng ta phải coi đây là một hình thức kinh doanh mới so với hình thức kinh doanh cũ chứ không chỉ nhấn mạnh vào Uber hay Grab. Nếu cứ tiếp tục nhấn mạnh vào hai công ty này thì sẽ tạo ra quan điểm trong - ngoài. Như vậy sẽ hình thành ấn tượng không tốt về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
"Theo tôi, việc cấm hoàn toàn thì rất ít mà chủ yếu đặt ra điều kiện và khi các điều kiện đó doanh nghiệp thấy không phù hợp, họ sẽ buông... Điều quan trọng hiện nay là những công nghệ đã làm biến đổi thị trường, phá vỡ thị trường cũ. Vì vậy, nên dựa trên những rủi ro mà nó có thể đem lại để điều chỉnh cho phù hợp. Anh không thích, anh không hòa hợp được anh đừng làm. Chúng ta nên tư duy mở hơn một chút và có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước" - TS Vinh cho biết.
Không nên cấm
Tại buổi tọa đàm, với góc độ là người nghiên cứu, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Trường ĐH GTVT cho rằng, bất kỳ một dịch vụ mới nào cũng được sự quan tâm của công chúng. Trong đó, họ quan tâm nhất đến chất lượng dịch vụ. Dịch vụ vận tải hành khách rất phổ biến, có những yêu cầu nhất định về giá thành. Taxi công nghệ có những lợi thế về giá, thậm chí thường xuyên khuyến mãi giảm giá nên khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, taxi công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống.
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Trường ĐH GTVT cho rằng, bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên... taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền.
Theo GS.TS Sùa, hiện nay chúng ta có khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý dịch vụ taxi truyền thống, thì taxi công nghệ cần quản lý về: Nhận diện thương hiệu, có thể đơn giản hoá mào, logo nhưng phải có để hành khách và cơ quan chức năng nhận diện. Thứ hai, phải tôn trọng pháp luật giá của Viêt Nam, khuyến mãi phải tuân theo pháp lệnh giá, điều tiết giá trần và giá sàn. Hiện chưa tính thuế một cách đầy đủ với Uber, Grab. Họ kêu lỗ nhưng vẫn khuyến mãi rất nhiều.
Thứ ba, nếu nói kinh tế chia sẻ, đó là một thứ không chuyên nghiệp, cần phải có sự chuyên nghiệp hơn như giá vé phải có bảo hiểm cho hành khách. Thứ tư, cần có sự cạnh tranh lành mạnh, giả sử xe của DN taxi cùng tháo hết mào, logo chuyển sang taxi công nghệ có được không?
"Bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên nhưng taxi truyền thống hiện đươc quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. Theo tôi cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động minh bạch công khai" - GS.TS Sùa nói.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
Tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nêu 3 ý kiến: Thứ nhất là về quan điểm cấm hay không cấm; Thứ hai là về quan điểm hạn chế hay không hạn chế; Thứ ba là về quản lý taxi công nghệ như thế nào.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đến giờ phút này không thể nói chuyện cấm nữa vì Hiến pháp 2013, đến 2014, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ.
"Bộ GTVT chẳng có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm, Chính phủ không có quyền, Ủy ban Thường vụ không có quyền cấm, không có quyền hạn chế. Bộ luật Dân sự nói không được hạn chế quyền pháp nhân của cá nhân, chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm" - Luật sư Đức nói.
Luật sư Đức hoàn toàn đồng ý với việc hạn chế xe công nghệ: "Tôi nhất trí với việc nếu hạn chế thì Hà Nội phải hạn chế bao nhiêu xe, TP.HCM bao nhiêu xe chứ không thể để tình trạng tắc đường hết không đi được và mất an ninh trật tự và nhiều thứ khác" - Luật sư Đức nêu quan điểm.
Theo Danviet
Taxi công nghệ có thực sự ngon? Câu hỏi trên được đặt ra hồi cuối năm 2017, chắc chắn đại đa số người dùng sẽ trả lời là "ngon, bổ, rẻ". Hiện tại để trả lời cho câu hỏi trên không phải dễ, bởi không ít người tiêu dùng bắt đầu "nếm trái đắng" khi taxi công nghệ dần thống trị thị trường. Minh chứng cho việc "trái đắng" mà...