Quản lý học sinh đi xe điện đến trường
Bước vào năm học mới 2020-2021, tình trạng học sinh (HS) bậc THCS, THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện (sau đây gọi tắt là xe điện) đến trường rầm rộ trở lại.
Học sinh chạy xe điện nhưng không đội nón bảo hiểm. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Việc này góp phần giảm bớt gánh nặng đưa đón của các bậc phụ huynh, nhưng cũng đặt ra công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh.
Video đang HOT
Vô tư lái xe điện đến trường
Để không phải mất công đưa rước con đi học, ông Lâm Tấn Hiếu (43 tuổi, nhà ở phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã mua xe điện cho con tự đi học. “Cháu học lớp 9 Trường THCS Võ Trường Toản. Đầu năm học mới, tôi đã trích 16 triệu đồng để mua chiếc xe điện. Sau vài ngày tập, cháu đã sử dụng thành thạo để đi học”. Em N.T.B.H. (HS lớp 9 của một trường THCS ở phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng cho biết, do ba mẹ bận rộn nên em tự đi học bằng xe đạp điện từ năm lớp 8. “Xe này cũng giống như xe đạp, chỉ có cái là không cần đạp. Hơn nữa không cần đội nón bảo hiểm”, H. vui vẻ nói.
Qua tìm hiểu, nhiều phụ huynh có xu hướng sắm xe điện cho con tự đi học. Quan sát một loạt trường THCS, THPT trên địa bàn các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp…, số HS đi xe điện đến trường khá lớn. Nhờ vậy, thị trường xe điện cũng tăng mãi lực đáng kể. Ông Nguyễn Thành Trọng, nhân viên kinh doanh một cửa hàng bán xe điện trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TPHCM), cho biết: “Các tuần lễ cận kề năm học mới và thời gian gần đây, cửa hàng đã bán được số lượng xe tăng hơn 20%. Các dòng xe mới hiện nay do một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giá hơn 30 triệu đồng, có hình dáng tương tự các xe tay ga đắt tiền, như LEAD, SH… Tuy nhiên, phần đông phụ huynh chọn dòng xe điện phổ thông có giá khoảng từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng”, ông Trọng cho biết.
Nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông
Mặc dù HS tự đi học bằng xe đạp điện ngày càng phổ biến nhưng ý thức tham gia giao thông rất hời hợt. Theo ghi nhận, trong giờ cao điểm, nhiều em chạy xe điện rất nhanh nhưng không đội nón bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Nhiều em bất chấp tín hiệu giao thông, luồn lách lấn làn ô tô. Nhiều người đi đường ngán ngẩm khi lưu thông qua đoạn đường Lê Đức Thọ (tính từ cầu Trường Đai đến ngã ba Lê Đức Thọ – Lê Hoàng Phái, đi qua các phường 13, 14, 15 của quận Gò Vấp), vào đầu giờ sáng hay vào buổi tan tầm, vì HS chạy xe gắn máy phân khối lớn, xe điện đầy đường, len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc.
Ông Võ Xuân Lộc (51 tuổi), tài xế xe buýt hàng ngày lưu thông qua đường Lê Đức Thọ than thở: “Trên đường đi sợ nhất là HS đi xe điện. Cánh tài xế chúng tôi ngồi trên xe buýt mới thấy tụi nhỏ chạy xe rất ẩu. Nhiều trường hợp vừa chạy hàng đôi, vừa xô đẩy, rất nguy hiểm đến tính mạng”. Thực tế là phần lớn HS tự lái xe điện, xe phân khối lớn đến trường nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông, chưa ý thức tham gia giao thông.
Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp, TPHCM), các nhà trường cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ để các em HS chấp hành đúng quy định khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con em mình các quy định pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn trước khi giao xe cho các em tự đến trường.
Theo Luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM), quy định pháp luật hiện nay đối với đối tượng HS điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn bất cập. Những quy định trong luật hầu hết nhằm quản lý, kiểm soát phương tiện chứ chưa quan tâm nhiều đến người điều khiển. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “ xe máy điện là phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số” nhưng cũng rất ít xe đăng ký gắn biển.
Đối với người điều khiển phương tiện, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 mà không cần giấy phép lái xe, nhưng thực tế HS dưới 16 tuổi vẫn vô tư chạy xe điện, xe gắn máy. “Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ GTVT, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, công suất không quá 250W, trọng lượng không quá 40kg; còn xe máy điện vận tốc không quá 50km/h, công suất không quá 4kW. Nhưng thực tế hầu hết xe đạp, xe máy điện đều nhập khẩu nên khó kiểm soát công suất; nhiều loại xe điện nhìn nhỏ gọn nhưng vận tốc, công suất rất lớn”, Luật sư Lê Đức Thọ băn khoăn.
Đoàn viên, thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tham gia bảo đảm an toàn giao thông
Từ ngày 23-9 đến 23-10-2020, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đợt cao điểm "Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông", nhằm phát huy vai trò của đoàn viên, thanh thiếu niên trong tham gia tuyên truyền, vận động người dân gương mẫu chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.
Đợt cao điểm "Vì an toàn giao thông" năm nay sẽ diễn ra chuỗi hoạt động "Tham gia giao thông - chuẩn ngay bạn nhé" với nhiều hoạt động như: "Đội mũ bảo hiểm chuẩn", "Xe máy chuẩn", "Tay lái chuẩn", "Ứng xử giao thông chuẩn"... Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm: "Một ngày làm cảnh sát giao thông", "Một ngày làm trật tự viên giao thông", ngày hội "Thanh niên với văn hóa giao thông"...
Ngoài ra, Thành đoàn sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng đội thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình "Tuyến đường văn hóa giao thông", "Tuyến đường giao thông tự quản", "Cổng trường an toàn" cùng nhiều hoạt động khác. Mục tiêu của đợt ra quân là góp phần kéo giảm và giảm ùn tắc giao thông tại 59 giao lộ, 49 tuyến đường và 45 cổng trường, cổng bệnh viện có xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Góp phần bảo đảm an toàn giao thông Trên địa bàn xã ông Bình, huyện Thới Lai, có nhiều tuyến giao thông quan trọng. Trong đó, có 4,2km hương lộ Thới Lai - ông Bình nối với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), 9km đường Bốn Tổng - Một Ngàn và nhiều tuyến đường liên ấp quan trọng. Do vậy, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn...