Quản lý của nhà nước và doanh nghiệp đều có lỗ hổng
Vấn đề nước sinh hoạt bị ô nhiễm của Nhà máy nước sạch sông Đà ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn người dân phía Tây Nam Hà Nội đã khiến dư luận dậy sóng những ngày qua…
Người dân Thủ đô phải sử dụng nước sinh hoạt không đạt chuẩn không phải chưa từng có, cư dân KĐT Mỹ Đình II từng một thời gian dài phải sử dụng nước nhiễm Asen hay như mới đây cư dân dự án Tân Tây Đô (Hoài Đức) phản ánh nước sinh hoạt nhiễm bẩn…
Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật tuần này đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh trách nhiệm quản lý vấn đề này.
PV: Thưa GS Đặng Hùng Võ, ông chắc cũng nắm được dư luận những ngày qua về vấn đề nước sạch của Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về việc đảm bảo nước sạch cho người dân Thủ đô hiện nay?
GS Đặng Hùng Võ: Tất nhiên là chưa được. Cũng đã nhiều vụ việc mà điển hình là vụ Công ty nước sạch sông Đà vừa rồi, cấp cho một số lượng dân rất lớn của Hà Nội. Nước đã bị nhiễm độc. Trước đây cũng đã có rất nhiều vụ, nơi này nơi kia phát hiện là có asen, rồi nước có vẩn vàng, vẩn đen. Những hiện tượng này đã diễn ra nhiều lần, đặc biệt là ở các chung cư thường có phản ánh như vậy.
Qua vụ vừa rồi nhìn lại cho thấy việc đảm bảo nước sạch thực sự cho người dân đang có vấn đề rất lớn. Nhiều người dân đã gọi điện hỏi tôi, nếu không chỉ là đổ chất thải mà là trong trường hợp xấu nhất có kẻ phá hoại đổ thuốc độc xuống đó thì sao?
Chúng ta hay nói câu “mất bò mới lo làm chuồng”, có nghĩa là diễn ra rồi mới giật mình nhìn lại. Thế nhưng, qua nhiều vụ việc đều thấy nói “mất bò mới lo làm chuồng”, chứng tỏ mất rất nhiều bò và có rất nhiều chuồng, nhưng vẫn mất bò tiếp. Qua những sự việc chúng ta nhìn thấy, tôi cho rằng việc quản lý từ của nhà nước, đến của doanh nghiệp đều đang có lỗ hổng rất lớn.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Qua sự việc như vừa rồi, ông có cho rằng việc quản lý, giám sát nguồn nước cấp cho dân sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân đang hết sức lỏng lẻo?
GS Đặng Hùng Võ: Thật ra trong việc này, chúng ta cũng cần phải làm rõ. Nếu trách nhà nước rằng trách nhiệm của nhà nước là giám sát thì cũng không nên. Bởi nhà nước không thể đủ người để đi làm những việc đó. Đó là chuyện công ty cung cấp nước sạch phải bảo đảm. Bởi vì công ty phải có cam kết mình đủ phương tiện để đảm bảo nước thực sự sạch và nguồn để sản xuất nước sạch không có bất kỳ rủi ro nào xảy ra.
Tất nhiên, cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra giám sát nhưng đừng nghĩ rằng họ đủ tiền để mà làm giám sát thường xuyên. Một năm họ kiểm tra một lần, một năm họ có thể đánh giá một lần. Còn trách nhiệm lớn thuộc về nơi cung cấp dịch vụ công mà ở đây là công ty cung cấp nước sạch. Ở đây có chăng thì chỉ trách TP Hà Nội biết nhưng mà không cảnh báo ngay cho người dân. Thành phố biết mà tại sao lại chậm trễ như thế, sau 10 ngày mới bắt đầu khuyên người dân đừng có ăn uống mà chỉ dùng để tắm giặt.
Video đang HOT
PV: Tôi không nắm rõ các quy chuẩn trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ dân sinh, các nhà máy nước này có phải xây dựng phương án đề phòng sự cố không thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Người ta chỉ quy định các quy chuẩn nước sạch, tức là loại hóa chất nào thì được cho phép đến ngưỡng bao nhiêu. Tôi cho rằng quy chuẩn về nước sạch của Việt Nam là đảm bảo bởi cũng là học từ các quy chuẩn thế giới. Vấn đề là bên cung cấp nước có cung cấp được theo quy chuẩn đó không. Còn về xây dựng các phương án xử lý sự cố thì về nguyên tắc các doanh nghiệp phải giải quyết bởi anh cấp nước sạch có nghĩa là anh phải đảm bảo nguồn nước. Không đảm bảo được việc đó có nghĩa công ty cấp nước phải chịu trách nhiệm.
Tất nhiên ở đây cũng có câu chuyện quản lý ngành dọc mà ngành dọc ở đây là Bộ Xây dựng vì trong trường hợp cấp thoát nước đô thị trách nhiệm là của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã có quy định cụ thể về nguồn cung cấp nước phải như thế nào? Thì sự thực theo tôi là cũng chưa có. Mà có lẽ thực hiện kiểm tra của Bộ Xây dựng đối với việc cấp nước tại các đô thị cũng chưa nhiều.
PV: Có ý kiến cho rằng, sau sự việc như vừa rồi mới thấy TP Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác chưa có phương án dự phòng khi mà xảy ra những sự việc như nguồn nước đầu vào bị “đầu độc”?
GS Đặng Hùng Võ: Chẳng cứ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cũng chẳng cứ chuyện cấp nước. Hiện các cơ quan quản lý ở nhiều lĩnh vực của chúng ta còn xem nhẹ và chưa tính tới kịch bản xấu nhất xảy ra, hoặc là kịch bản xấu đến một mức nhất định thì ta làm gì. Là bởi vì ngay người dân Việt Nam luôn luôn rất lạc quan, không bao giờ nghĩ rủi ro xấu nhất có thể đến với mình, chỉ nghĩ đến đoạn quản lý thế này là tốt rồi. Đây là “khuyết tật” lớn nhất của hệ thống quản lý. Không bao giờ đặt kịch bản xấu nhất, xấu vừa, rồi tốt thì chúng ta làm gì. Chính vì thế mới có các ý kiến nói rằng, quản lý bị động, thậm chí truyền thông cũng bị động. Nhiều trường hợp như vụ Formosa còn hở cả quản lý, hở cả truyền thông. Cơ quan quản lý chuyên nghiệp không bao giờ được lạc quan quá mức như thế.
PV: Nước sinh hoạt thì cũng sản xuất từ hai nguồn: nước mặt và nước ngầm. Trước đây tôi đã từng trao đổi với giáo sư về việc hệ thống nước ngầm của chúng ta hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng hệ thống nước mặt hiện cũng chả khá hơn khi mà chất thải công nghiệp, dân sinh đang từng ngày đổ ào ào ra các mặt sông, mặt hồ. Giáo sư có cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn về an ninh nguồn nước?
GS Đặng Hùng Võ: Sự thực mà nói thì thế giới người ta đã cảnh báo rồi. Bây giờ thì có thể có những xích mích, tranh chấp, khiếu nại nhiều về đất đai nhưng rồi chúng ta sẽ thấy thời gian không xa nữa, rất có thể những tranh chấp, khiếu nại, xung đột sẽ chuyển sang vấn đề nước. Đáng ra chúng ta phải có những chính sách rất mạch lạc về việc phải đối xử với nước như thế nào. Hiện nay tôi cho rằng, Việt Nam đang rất lãng phí nước, rất thờ ơ với việc bảo vệ nguồn nước.
PV: Ông có thể nói kỹ hơn xem chúng ta đang thờ ơ với nguồn nước như thế nào?
GS Đặng Hùng Võ: Thì anh có thể thấy, hiện chúng ta đã có chính sách gì để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm đến mức nào chưa. Sự thực mà nói có rất nhiều hoạt động đang làm ô nhiễm nguồn nước. Chẳng hạn như tưới tràn ở đồng ruộng đang là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước. Tưới tràn thì tất cả các loại như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng còn lại… sẽ xuống sông, xuống hồ. Thậm chí, tưới tràn nó có thể kéo ngay thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vừa bón xong đi vào nguồn nước mặt. Bên cạnh đó còn là việc chúng ta phung phí nguồn nước, không biết tiết kiệm nguồn nước. Thế giới có thể cảnh báo 100 năm nữa, nhưng với Việt Nam thì nếu cứ như hiện nay tương lai này sẽ không còn xa nữa. Việt Nam không phải là nước nghèo về tài nguyên nước. Hàng năm mưa bão nhiều, rồi nước sông hồ nhiều. Chúng ta thấy ở đâu cũng có nước nên dẫn đến việc cứ phung phí mà không biết đến một lúc nào đó nguồn nước bị ô nhiễm đến mức không dùng được như các con sông ở đô thị Hà Nội: sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… Nếu vẫn tiếp tục làm ô nhiễm tiếp thì chắc chắn khan hiếm nước, chiến tranh nước sẽ đến sớm hơn dự báo của thế giới.
PV: Vậy theo giáo sư, về an ninh nguồn nước hiện nay chúng ta phải có những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng phải chuyển đổi sang nông nghiệp hiện đại. Chúng ta phải tiết kiệm nước không tưới tràn nữa. Các nước hiếm nguồn nước như Israel chẳng hạn, họ vẫn đủ nước làm nông nghiệp, thì chúng ta phải hiểu làm nông nghiệp công nghệ cao là thế nào. Chúng ta cũng phải làm khác đi. Tưới thì tưới nhỏ giọt thôi chẳng hạn, dùng công nghệ để tưới sao cho đủ nước chứ đừng phung phí. Đó là về nông nghiệp, còn về xây dựng thủy điện, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải dẹp bớt thủy điện vừa và nhỏ.
Chúng ta dùng nước phung phí như thế, trong khi thế giới đang rất tích cực chuyển sang dùng năng lượng tái tạo. Không thể duyệt những dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa, một số dự án đã khai thác và thu hồi vốn đủ rồi thì cũng phải tính thay đi chứ.
Nước thải từ các khu công nghiệp chúng ta cần phải xử lý đạt chuẩn, phải làm quyết liệt hơn. Những con sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu… những đoạn ô nhiễm chúng ta phải khắc phục. Lúc đó mới có hy vọng tạo lập lại nguồn nước mặt mà không bị ảnh hưởng của ô nhiễm. Ngoài này là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, còn trong phía Nam là sông Thị Vải, sông Đồng Nai là những nơi hơn 10 năm nay đã hô hào khôi phục mà chẳng có gì thay đổi. Những con sông này không những không chuyển biến về ô nhiễm mà thậm chí còn bị ô nhiễm nặng hơn.
Đúng ra khi bị ô nhiễm những con sông đó, chúng ta phải khắc phục, rửa sông ngay, sau đó rồi đến khôi phục những con sông chết khác như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ. Lúc đó mới nói đến chuyện nguồn nước mặt đảm bảo an toàn. Các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt hiện nay dựa cả vào hai nguồn nước mặt và nước ngầm, trong khi đó cả hai nguồn này đều đã bị ô nhiễm. An ninh nguồn nước là vấn đề đã hiển hiện trước mắt.
PV: An ninh nguồn nước đã thực sự cần báo động. Nguồn nước bị ô nhiễm thì chắc chắn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Quay trở lại với vấn đề nước sinh hoạt tại các đô thị như Hà Nội chẳng hạn. Đây là vấn đề nan giải và dân đang rất kêu. Theo ông, quy hoạch nước sinh hoạt như của Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được chưa?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng Hà Nội ngoài nước ngầm còn lấy nước từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Bình thường sẽ không sợ thiếu nước. Chỉ có vấn đề là chúng ta đáp ứng hạ tầng như thế nào cho đủ nước, còn nguồn nước thì chưa đến mức thiếu. Vấn đề đặt ra ở đây là lấy nước từ các con sông đó thì chúng ta đảm bảo an ninh, an toàn về nguồn nước như thế nào mới là điều đáng nói. Chúng ta phải có giải pháp, ở đây tôi chỉ nói các nước giải pháp của họ là gì. Họ có rào chắn bảo vệ, xâm nhập vào là khó. Tiếp đến họ có bộ cảm biến để đo các tiêu chí về chất lượng nước và hiển thị tiêu chí đó thường xuyên trên tất cả các màn hình công cộng. Các nước họ làm như thế tất nhiên sẽ phải đầu tư nhiều tiền hơn, thế nhưng đã làm nhiệm vụ cấp nước cho dân thì cũng phải đầu tư để an toàn. Vì đây là đầu tư cho lâu dài.
PV: Cụ thể như Hà Nội thì giải pháp trước mắt để làm sao người dân được dùng nước sinh hoạt chuẩn sạch, đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe cho người dân là gì thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng tất cả các hồ trữ nước để sản xuất nước sạch ta phải có hệ thống bảo vệ, có thể là hàng rào, có thể là tường bao. Việc này để tránh việc xả thải của người dân, rồi chăn nuôi gia súc… Và cũng phải sớm nhất đặt các bộ cảm biến để đánh giá chất lượng nước. Đây là những điều phải làm ngay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phan Hoạt
Theo CAND
"Dầu không còn chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà"
UBND TP Hà Nội cho biết, váng dầu ở Đầm Bài (Hòa Bình) đã được chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà. Trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu.
Chiều ngày 17/10, UBND TP Hà Nội cho biết, trước sự việc liên quan đến Nhà máy nước sạch sông Đà, TP Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cung cấp từ Nhà máy nước sạch Hà Nội và Nhà máy nước sạch sông Đuống để cung cấp cho các khu vực ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông.
Sản lượng cấp cho các hộ dân ở phía Tây Nam TP Hà Nội từ hai nhà máy kể trên là 60.000 m3 ngày đêm. UBND TP Hà Nội cho biết, các khu vực (Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Thanh Xuân Nam, Kim Giang và một phần phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và các hộ dân dọc đường Nguyễn Trãi...) được cấp nước tăng cường từ hai nhà máy nước kể trên, người dân có thể dùng ăn uống bình thường.
Dầu thải từ một con suối chảy vào Đầm Bài cung cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà
UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang nạo vét đất đá bị nhiễm dầu, tại khu vực đổ dầu thải dọc suối Bằng ra đến hồ Đầm Bài (Hòa Bình), dùng phao chuyên dụng chặn hút váng dầu.
Trước đó, Công ty nước sạch sông Đà cũng đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều ngày 16/10.
UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở các công việc đã và đang thực hiện, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14/10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước sông Đà, có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu styren có kết quả là 5g/l thấp hơn quy chuẩn cho phép là (20g/l).
Theo UBND TP Hà Nội, chiều ngày 16/10, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn. Do vậy, từ 20h30 ngày 16/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống.
Đến chiều tối ngày 17/10, nguồn nước được cấp đến tất cả các vùng nước cấp của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và mọi người có thể tiếp tục sử dụng để tắm, giặt.
"Hiện nay, váng dầu đã được ngăn chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà. Trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu", UBND TP Ha Nội thông tin.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng nước sạch để ăn uống, hiện nay Công ty nước sạch Hà Nội sẽ tiếp tục dùng xe téc để cấp nước sạch miễn phí theo nhu cầu của người dân, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20 l cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.
UBND TP Hà Nội đề nghị toàn bộ Ban Quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc nhà tại các tòa nhà hộ gia đình. Việc thau rửa được tiến hành khẩn trương, phấn đấu từ ngày 18/10 đến ngày 20/10 phải hoàn thành.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà sẽ cung cấp nước (không thu tiền) cho các công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà đến khi các công việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu vực dân cư, sau đó được kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo nguồn nước cấp được an toàn.
TP Hà Nội tiếp tục thành lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với tỉnh Hòa Bình lên giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu do các đối tượng đã đổ thải ra suối; việc hút váng dầu trên hồ Đầm Bài.
Quang Phong
Theo Dân Trí
Hà Nội sẽ công khai kết quả xét nghiệm nước hàng ngày để dân biết Hà Nội sẽ tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày tại các khu vực bị ảnh hưởng và công bố công khai hàng ngày trên truyền hình Hà Nội để người dân biết. UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản thông báo về việc tổ chức khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà,...