“Quan luôn thắng dân và không ít cán bộ thù lâu, nhớ dai”
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) nói thẳng như vậy khi cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay (27/10).
Quan luôn thắng dân?
Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, về việc ban hành văn bản nhiều nơi làm chưa đúng theo quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm luật dân sự, luật đất đai, có những việc xảy ra sau 2 năm mới được sửa đổi.
“Đó là ví dụ sinh động cán bộ không ít người có tư tưởng bảo thủ”, ông Hà nhấn mạnh.
Đồng thời, Đại biểu Chu Sơn Hà cũng chỉ rõ: “Căn bệnh thứ 2 của không ít cán bộ là căn bệnh thù lâu nhớ dai. Trong kỳ họp lấy ý kiến dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính đối với TP Hà Nội, một người là Chánh án cấp huyện phản ánh, nếu quy định thẩm quyền của toàn án nhân dân cấp huyện mà xử theo các quyết định của UBND trên địa bàn cấp huyện thì không khả thi vì nhiều bản án quan thắng dân, dù dân kiện quan nhưng quan luôn luôn thắng dân.
Có một vụ án các đồng chí trong hội đồng xét xử quyết định quan thua dân, lập tức Thẩm phán đó mặc dù có năng lực, trình độ, nằm trong quy hoạch, nhưng sau đó bị luân chuyển công tác đến vị trí khác. Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có”.
Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà: “Không ít cán bộ thù lâu nhớ dai”. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Từ hai “căn bệnh” trên, Đại biểu Chu Sơn Hà kiến nghị, luật cần quy định làm sao để thẩm quyền của cấp huyện nên chỉ xử các vụ án hành chính từ xã trở xuống. Cấp huyện thì lên tỉnh xử. Cấp tỉnh thì lên toà án tối cao xử để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.
Ông Hà nói: “Khiếu nại chán, không được thì dân mới phải kiện ra toà, mà ra tòa như thế này thì mất lòng tin của nhân dân”.
Có ý kiến cho rằng việc này không phù hợp với chủ trương chung phân cấp cho tòa án cấp huyện, nhưng theo Đại biểu Chu Sơn Hà, những việc liên quan đến hình sự, dân sự thì phân cấp. Riêng việc liên quan đến hành chính liên quan đến công dân và bộ máy thì không nên phân cấp.
Có ý kiến cho rằng đưa việc của cấp huyện lên cấp tỉnh thì đường sá xa xôi gây khó khăn cho công dân, nhưng Đại biểu Hà cho rằng, người dân không cần thắng thua bao nhiêu tiền, họ cần bảo vệ danh dự, bảo vệ công lý nên không cần lo nhiều về việc này.
“Có nhiều vụ án hành chính sau khi xử thì không được tổ chức thực hiện, vì vậy nên nghiên cứu bổ sung thêm một khoản là nếu như quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cá nhân đó không thực hiện thì phải xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hà kiến nghị.
Video đang HOT
Dân ngại kiện quan?
Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân rất ngại kiện quan ra tòa, vì trong thực tế một số vụ án thủ trưởng cơ quan ủy quyền cho người giúp việc tham gia tố tụng gây cản trở trong quá trình giải quyết vụ án.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cho biết, rất nhiều người dân mong đợi, kỳ vọng vào đợt sửa đổi Luật Tố tụng hành chính lần này.
“Xưa nay, người dân vẫn rất e ngại đi kiện quan. Đợt sửa đổi lần này hy vọng giải tỏa được tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải ra tòa để tìm sự công bằng. Điều này có tác động tích cực để nền hành chính ngày càng minh bạch, hiệu quả”, đại biểu Hùng nói.
Để xóa bỏ tâm lý e ngại của người dân, đại biểu Hùng đề nghị xác định Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính. Trong quá trình xét xử nếu còn vướng mắc giao cho tòa án cấp cao xử lý.
Ông Hùng nhận định: “Tôi biết đây là việc khó nhưng vẫn phải làm, các cấp ngành cùng nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu làm được như vậy sẽ đem lại lợi cho nhân dân, cho nền hành chính”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Cùng cho ý kiến vào nội dung trên, Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, nếu quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Vì nhiều trường hợp ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc tham gia tố tụng vô hình chung đã gây trở ngại cho quá trình giải quyết vụ án.
“Nhiều người ủy quyền không đủ thẩm quyền để giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Chỉ có người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia vụ án hành chính mới hiệu quả, bảo đảm khắc phục những sai sót và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người đi khởi kiện”, Đại biểu Nam nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cũng đánh giá, nhiều vụ án dân kiện quan bị kéo dài rất lâu chỉ, vì người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho cán bộ chuyên môn thuộc cấp sở hoặc cấp phòng là người đại diện ra trước tòa.
Lý do những vụ án hành chính như vậy bị kéo dài vì người được ủy quyền không có thẩm quyền, không dám giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, nên cân nhắc việc cấp trưởng chỉ được ủy quyền cho cấp phó khi giải quyết các vụ kiến.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Nếu người bị kiện đứng đầu cơ quan hành chính chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình thì sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước và cho tòa án khi giải quyết vụ án hành chính”.
Theo đại biểu Bình, đa số vụ án có người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh, quận huyện là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hành chính ở địa phương. Nếu Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quản lý nhà nước, đến kinh tế xã hội ở địa phương.
“Nếu người được ủy quyền là đại diện của cơ quan chuyên ngành hoặc cán bộ tham mưu giúp việc của Văn phòng UBND thì họ có nhiều điều kiện tham gia hơn vào quá trình giải quyết các vụ án hành chính. Ở đây quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật, sự hợp tác, sự nhận thức của chính quyền các cấp”, Đại biểu Bình nói.
Ngọc Quang
Theo giaoduc
Không công nhận, sẽ có nhiều người chuyển đổi giới tính chui
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền đã đặt ra vấn đề: Tại sao lại không công nhận chuyển đổi giới tính?
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội cách đây ít phút, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ủng hộ quyền chuyển đổi giới tính và nêu thí dụ: "Tôi gặp ba người. Một người là doanh nhân bảo rằng, em là doanh nhân, giải quyết được 100 lao động, mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước 2 tỷ đồng, thế mà các bác, các anh các chị lại phân biệt đối xử với em.
Một người là bác sĩ bảo rằng, tôi là bác sĩ chữa bệnh cho bao nhiêu người, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn được tặng Huân chương lao động hạng 3. Thế tại sao lại phân biệt đối xử với tôi. Tôi cũng là con người cơ mà?
Một anh ca sĩ thì nói rằng, em hát rất hay, mọi người ca ngợi cả, thế mà bây giờ các bác lại không công nhận chuyển đổi giới tính cho em".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Theo Đại biểu Thuyền, nên cho phép chuyển đổi giới tính công khai, còn quy định như dự thảo luật hiện nay thì sẽ dẫn tới khuyến khích chuyển đổi chui".
"Chuyển đổi giới tính nói là làm theo luật. Nhưng khi đã chuyển rồi thì đương nhiên cho đăng ký lại (tên và tên đệm - pv). Luật không cấm thì họ có quyền làm, họ làm xong thì vẫn được công nhận, mà lại là làm chui. Thế thì tại sao lại không công nhận? Theo tôi là phải công nhận, cho phép chuyển đổi giới tính", ông Thuyền nói.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cũng cho rằng, chuyển giới tính là nhu cầu chính đáng, đi kèm với đó là sự thay đổi về tên gọi và tên đệm cho phù hợp với giới tính.
Đại biểu Phạm Xuân Thường cũng nêu ra sự mâu thuẫn, khi luật không cho phép chuyển đổi giới tính, nhưng lại nói rằng khi đã chuyển đổi thì công nhận.
"Tôi đồng tình với quan điểm của Đại biểu Thuyền, hiện nay việc này đang tồn tại trong xã hội chúng ta và cả các quốc gia khác trên thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta không thừa nhận? Tôi cho rằng nếu đã quy định vào luật thì nên thừa nhận để có hướng dẫn, điều chỉnh, còn nếu không thì bỏ ra khỏi luật rồi xây dựng văn bản khác để quy định về vấn đề này".
Đại biểu Nguyễn Thúy Anh thì cho biết, cần phải có những quy định điều kiện cụ thể đối với người chuyển đổi giới tính.
"Ở một số quốc gia quy định chuyển đổi giới tính được điều chỉnh bởi các luật y sinh học. Còn Bộ luật dân sự và luật hộ tịch thì quy định về điều kiện nhà nước cho phép người chuyển đổi giới tính thay đổi tên và các nghĩa vụ liên quan. Một người chuyển đổi giới tính sẽ phải trải qua khoảng 30 cuộc phẫu thuật khác nhau, phải tiêm hóc môn giới tính, do đó sức khỏe của họ bị ảnh hưởng rất nhiều, tuổi thọ ngắn.
Tôi nói như vậy không phải là để phản đối chuyển đổi giới tính, mà là mong muốn có quy định cụ thể hơn. Thí dụ ở một số quốc gia họ quy định, người chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, chưa lấy vợ hoặc chồng, cam kết giữ giới tính đó đến khi chết...".
Tại điều 37 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) luật quy định về Chuyển đổi giới tính: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định "công nhận việc chuyển đổi giới tính".
Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định:
"Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Ngọc Quang
Theo giaoduc
"Quyền làm chủ của dân thì phải công khai để dân giám sát" Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh quan điểm này khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. Căn cứ chương trình kỳ họp và ý kiến cử tri, Quốc hội,...