‘Quan huyện’ hầu tòa vì gian lận bồi thường đất dự án Formosa
Nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cùng 6 thuộc cấp bị cáo buộc lập sai hồ sơ đền bù đất, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khu tái định cư phục vụ dự án Formosa.
Ngày 29/1, TAND Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Văn Bổng (nguyên chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cũ, nay là thị xã Kỳ Anh), Phạm Huy Tường (nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường), Lê Xuân Nghinh (nguyên bí thư đảng ủy xã Kỳ Long), Lê Quang Hà (nguyên phó chủ tịch xã Kỳ Long), Lê Anh Đức, Hồ Xuân Cường (thành viên hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện) và Lê Công Nhiếu (nguyên chủ tịch xã Kỳ Phương) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
7 bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Đức Hùng
Liên quan vụ án còn có ông Lê Hữu Diện (nguyên chủ tịch UBND xã Kỳ Long), song đã chết.
Kết quả điều tra xác định, quá trình triển khai việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khu tái định cư phục vụ dự án Formosa, ông Bổng cùng một số thuộc cấp đã hợp thức hóa 70 ha diện tích đất công không được bồi thường thành đất giao cho hộ dân sử dụng trước ngày 1/7/2004.
Theo nhà chức trách, việc làm của nhóm cán bộ trên đã khiến nhà nước phải bồi thường với giá 100% đất nông nghiệp, gây thiệt hại ngân sách hơn 10 tỷ đồng. Hiện, số tiền này không thể thu hồi.
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, ông Bổng thừa nhận mình có “4 cái sai”, dẫn tới hậu quả. Đầu tiên là làm không đúng chức năng, xác định nguồn gốc đất và chủ sử dụng đất. Thứ hai, trong hồ sơ bồi thường xã gửi lên, ông không thẩm định, cho rằng là đúng.
Ông không trực tiếp chủ trì mà tin tưởng giao cho cấp dưới, khi họ trình lên cũng không xem xét lại mà “ký luôn”. Cái sai cuối cùng là bỏ qua khâu thẩm định số tiền do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài chính phê duyệt trong quá trình chi trả đền bù dẫn tới thất thoát.
Video đang HOT
Khi tòa hỏi có khắc phục được thiệt hại không, ông Bổng đáp rằng trong vụ việc này “không hề có một chút lợi lộc”. Thậm chí, ông còn bỏ tiền túi để vận động họ bàn giao mặt bằng.
“Tôi bán nhà cùng lắm được một tỷ đồng, không đủ mà khắc phục”, bị cáo Bổng nói và cho hay mình “biết sai mà vẫn nhất trí để xã làm, mục đích là mong muốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Formosa”.
Nguyên trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Huy Tường khi được xét hỏi thừa nhận chịu trách nhiệm trong việc thu hồi đất khi giao cho các xã toàn quyền xử lý. Tuy nhiên, ông không cố ý hợp thức hóa mà do không nắm bắt được việc các xã đã xin chủ trương của chủ tịch huyện trước.
“Tôi đề nghị tòa chuyển tội danh của tôi từ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thành thiếu tinh thần trách nhiệm thì đúng hơn”, bị cáo Tường trình bày.
Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài hết ngày 30/11.
Ông Nguyễn Văn Bổng từng làm Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh. Năm 2012, ông giữ chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh. Tháng 5/2015, ông được điều động làm Phó trưởng đoàn chỉ đạo kiêm Trưởng ban chuyên trách giải quyết tồn đọng của tỉnh Hà Tĩnh.
Đức Hùng
Theo VNE
Formosa bồi thường người dân thấp nhất 2,91 triệu đồng/tháng
Thủ tướng ngày 29-9 ra quyết định về định mức bồi thường cho người dân ở 4 tỉnh miền Trung thiệt hại vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, với mức thấp nhất được 2,91 triệu đồng/tháng.
Chính thức ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế do Formosa gây ra - Ảnh: Đức Ngọc
Ngày 29-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880 về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra .
Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.
Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh nêu trên.
Ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã chính thức được công bố mức đề bù thiệt hại
Trong đó, với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.
Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Quyết định cũng quy định cụ thể định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.
Riêng đối với 3 đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
Căn cứ định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh hướng dẫn các chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thống kê danh sách những lao động làm thuê trên tàu, trong cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất muối và mức bồi thường đối với mỗi lao động cho phù hợp, đảm bảo đồng thuận, có xác nhận của từng người lao động. Trên cơ sở đó thực hiện bồi thường thiệt hại cho chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối để cấp cho từng người lao động theo danh sách đã thống kê trên.
Căn cứ đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định tổng mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thuộc địa phương quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 5-10.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10-10-2016.
Đáng chú ý, theo quyết định này, thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4-2016 đến hết tháng 9-2016.
Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các đối tượng nêu trên được sử dụng từ nguồn kinh phí do Formosa bồi thường.
Trước đó, sau khi xin lỗi về sự số môi trường do mình gây ra, Formosa đã cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 10 ngàn tỉ đồng)
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Nguyên chủ tịch huyện Kỳ Anh cùng đồng bọn hầu tòa Sáng 29.11, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Bổng - nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - cùng đồng bọn về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh. Các...