Quan hệ Việt- Mỹ tiến nhanh, Việt Nam có lợi ích gì?
“Sự thúc đẩy quan hệ với Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào thế giới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, và giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, trung tâm kinh tế – tài chính thế giới, trở nên khăng khít hơn”.
LTS: Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn nguyên thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng, người từng làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2007-2011).
(Từ trái sang): Thượng nghị sĩ John Kerry, cựu Tổng thống Bill Clinton và Đại sứ Lê Công Phụng trong một cuộc tiếp xúc tại Mỹ. (Ảnh: Thế giới và Việt Nam)
Quan hệ phát triển vượt hình dung
Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Quan hệ về mọi mặt giữa hai nước đã phát triển như thế nào để từ hai cựu thù trở thành hai đối tác toàn diện (năm 2013)?
Quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ rất đặc biệt, chuyển từ quan hệ thù địch trở thành mối quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm, các đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các đại sứ Việt Nam tại Mỹ, hồi đầu năm, đã có dịp ngồi lại với nhau để chia sẻ những nhìn nhận. Chúng tôi thống nhất quan điểm là 20 năm trước, hai bên đều không có ý nghĩ là quan hệ sẽ phát triển đến mức như hôm nay. Phía Việt Nam cũng cho rằng quan hệ Việt – Mỹ là một mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Về mặt kinh tế không phải bàn cãi nhiều. Từ khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực (cuối 2001), Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Về đầu tư nước ngoài, người ta vẫn nói Mỹ đứng thứ ba, hay thứ tư, trong những nền kinh tế nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhưng xét cho cùng, nhiều công ty đầu tư vào đây nếu không phải từ Mỹ, thì cũng là do Mỹ đầu tư vào nước thứ ba trước khi đầu tư vào Việt Nam. Nên tôi có thể nói Mỹ là nước hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam.
Về văn hóa, giáo dục, Việt Nam đã đẩy giao lưu trong hai lĩnh vực này lên rất mạnh mẽ. Lúc tôi sang làm đại sứ ở Mỹ, Việt Nam mới có 6 ngàn sinh viên đang học tập ở nước này, nhưng đến nay, sau 8 năm con số đó đã lên tới mức 16 -17 ngàn.
Anh định hỏi lý do tại sao ư? Đó là bởi người Việt Nam muốn học hỏi những kiến thức và văn hóa trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Bây giờ, nhiều người có điều kiện đều đưa con cái sang Mỹ học, và về cơ bản các cháu sau khi tốt nghiệp ở Mỹ về làm việc tốt, chuyên nghiệp trong ý thức nghề nghiệp và cách thức làm việc.
Về an ninh chính trị, hai bên đã đạt được một bước tiến lớn. Hai nước đã đạt tới mức là đối tác hợp tác toàn diện. Nhưng đó chỉ là cái tên gọi thôi, còn điều cốt lõi là hai nước đã từ mối quan hệ đối địch mà trở thành đối tác toàn diện, hợp tác ngày càng có hiệu quả.
Về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, mối quan hệ này phát triển tương đối thuận, nhưng không nhanh. Về phía Mỹ, họ muốn đẩy mạnh hơn nữa, chẳng hạn như họ sẵn sàng mời sĩ quan quân đội Việt Nam sang đào tạo, chi tiền cho mình đào tạo. Mình hoan nghênh ý tưởng của họ, nhưng lúc đầu chỉ đưa được một số sỹ quan quân y sang thôi.
Tại sao vậy? Là vì Việt Nam không ở trong cái thế muốn làm gì thì làm, vẫn phải cảnh giác, với Mỹ một phần và các nước khác một phần, để Việt Nam khỏi bị rơi vào thế kẹt. Trong chuyện này Việt Nam vẫn phải tính lợi đến đâu và bất lợi đến đâu.
Tóm lại, trong 20 năm vừa rồi, chúng ta đã giải quyết được căn bản những khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam, và hai nước đang hiểu nhau rất nhiều, sâu sắc, đa dạng và trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Hai bên cũng xác định được cái gì còn khác biệt, thì định hình và khoanh lại vào để từng bước xử lý. Đặc biệt trong 20 năm qua, giữa Mỹ và Việt Nam không hình thành các khác biệt thêm, và đó là điểm được chúng tôi đánh giá cao.
Video đang HOT
Đối thoại để xử lý khác biệt
Ông vừa nói đến việc hai bên định hình, “khoanh vùng” những gì còn khác biệt để xử lý. Vậy đó là những khác biệt gì, thưa ông?
Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, những khác biệt lớn lắm, đó là sự thù địch giữa hai nước. Vì vậy hệ lụy của cuộc chiến tranh khốc liệt, cũng như sự đối đầu, tồn tại cả ở Mỹ và Việt Nam. Cả hai bên đều ý thức được rằng hệ lụy của chiến tranh đang ngăn cản hai nước xích lại gần gũi hơn, và hai bên cần có nhiều cố gắng để giảm nhẹ nó đi.
Khác biệt thứ hai là sự khác nhau về chế độ: một bên từng là đế quốc, một bên là cộng sản, rất khó hòa hợp nhau. Thế nhưng đến bây giờ đã hòa hợp được. Điều đó đã chỉ cho chúng ta, và cả thế giới, thấy một điều việc hợp tác và liên kết với nhau, trên cơ sở cùng có lợi, không nhất thiết cần đặt trên cơ sở là phải tương đồng về thể chế chính trị.
Khác biệt thứ ba là về cơ bản Mỹ muốn xóa chế độ cộng sản. Tuy nhiên, đến giờ nhiều giới của Mỹ cho rằng thà làm với anh cộng sản cầm quyền nhưng có chế độ ổn định và có thể hợp tác tốt với Mỹ, còn hơn là làm với anh đa đảng mà nội bộ chính trị xã hội không ốn định.
Nói tóm lại xu hướng chủ đạo ở Mỹ là tiếp tục hợp tác với người cộng sản ở Việt Nam theo hướng có lợi cho lợi ích chung của Mỹ. Những khác biệt nói trên được cả Việt Nam và Mỹ ý thức rằng không nên phát triển lên, phải thông qua đối thoại để xử lý dần dần, và quan trọng nhất sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng lớn.
Quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ rất đặc biệt, chuyển từ quan hệ thù địch trở thành mối quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện. (Ảnh minh họa)
Sự hòa hợp giữa Việt Nam và Mỹ đã mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?
Trong hoạch định chính sách chúng tôi đã từng nói với nhau rằng với Mỹ mình còn hòa hợp được, vậy tại sao mình là không đạt được sự hòa hợp với những nước khác, và đặc biệt giữa người Việt với nhau?
Trên thực tế, việc quan hệ Việt – Mỹ tiến nhanh như vậy đã giúp chúng ta xử lý và củng cố quan hệ với các đồng minh của Mỹ, nhất là trong ASEAN, và quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Sự thúc đẩy quan hệ với Mỹ đã giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào thế giới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, và giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, trung tâm kinh tế – tài chính thế giới, trở nên khăng khít hơn.
Việt Nam và Mỹ đang hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Hiện còn những gì còn ngăn cản mối quan hệ này?
Mỹ rất muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Chúng ta, vì nhiều lý do, đang tính toán mối quan hệ này.
Nhưng, theo tôi, đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là cái tên thôi, chứ về mặt nội hàm thì không khác với đối tác chiến lược lắm.
Trong quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, Việt Nam phải chú ý là chỉ hợp tác chứ không liên minh. Bởi liên minh là vấn đề phức tạp, trở thành đồng minh của Mỹ thì Việt Nam sẽ rơi vào thế khó xử trong quan hệ với những nước khác, chẳng hạn như với Nga. Hay trong các nước ASEAN có những nước thích Mỹ, nhưng cũng có những nước không. Mà xu hướng trên thế giới hiện nay là tập hợp lực lượng trên cơ sở lợi ích quốc gia.
(Còn tiếp)
Theo Huỳnh Phan
Vietnamnet
Ông Bill Clinton: "Bình thường hóa với Việt Nam là một trong những thành tựu quan trọng nhất đời tôi"
"Những gì chúng ta cố gắng làm ngày hôm nay là để cho thế giới này hạnh phúc; thay vì trả đũa hãy đến với nhau và không phải bằng nắm đấm mà bằng vòng tay rộng mở".
Đó là thông điệp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa ra tại Lễ Kỷ niệm chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và Quốc khánh Mỹ được tổ chức tại Hà Nội tối 2/7.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Sự kiện này có sự tham dự của Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson và Michael W.Michalak cũng có mặt tại buổi lễ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng: Việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đã giúp hai nước hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo mối quan hệ thiết thực để hướng tới hợp tác tốt đẹp hơn trong tương lai.
"Hai mươi năm trước khi nói đến vấn đề bình thường hóa còn gặp nhiều khó khăn. Bất kỳ người Mỹ nào đều biết ai đó bị thương hoặc bỏ mạng trên chiến trường Việt Nam nhưng khi Việt Nam hiểu Mỹ và Mỹ cũng hiểu Việt Nam thì hai bên đã vượt qua khó khăn đó", ông Clinton nói.
"Có rất nhiều lý do khi quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, bao gồm các lý do cá nhân, chính trị, và địa chính trị. Tuy nhiên phải nói là ký quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một trong những thành tựu quan trọng nhất của tôi," ông Bill Clinton phát biểu.
Hàng trăm người dự Lễ kỷ niệm chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và Quốc khánh Mỹ
Theo vị cựu tổng thống, có nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã đóng góp lớn vào bình thường hóa quan hệ hai nước như John Kerry hay John McCain và chính họ đã tạo ra động lực để giúp ông thực hiện bình thường hóa với Việt Nam.
Ông cũng đề cập đến ông Pete Peterson, người đã được cử làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi tham chiến ở Việt Nam trong 6 năm. Ông Peterson cũng kết hôn với một phụ nữ người Việt và giờ đây ông có điều kiện trở lại Việt Nam nhiều hơn.
"Bất kỳ quốc gia nào cũng cần được đối xử bình đẳng, công bằng"
Ông Clinton cho biết, 20 năm trước ông cùng các ông John McCain vàJohn Kerry lập quỹ cung cấp 100 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, ông nghĩ đó đã là một con số đáng kể. Nhưng không ngờ rằng đến nay đã có 17.000sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mỹ, lớn hơn cả số sinh viên của Canada mà Mexico tại đây, đứng thứ 8 trong số các nước có sinh viên học tại Mỹ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự buổi lễ
Tuy thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn khiêm tốn nhưng Việt Nam đã chi tới 20% tổng ngân sách cho giáo dục, nhiều hơn cả chính phủ Mỹ. Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về toán học, đây là một thành đáng tự hào, ông Clinton nói.
Thương mại hai nước cách đây 20 năm chỉ ở mức 500 triệu USD, nay đã đạt tới 35 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Theo cựu Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống Obama mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam thông qua hiệp định TPP, hy vọng rằng điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng trong quốc hội Mỹ cũng như đối với việc bình thường hóa 20 năm trước. Quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn nữa nếu các rào cản về lao động và nhân quyền sớm được vượt qua.
"Tôi tin rằng bất kỳ quốc gia trong khu vực nào cần được đối xử bình đẳng, công bằng và mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Tôi cảm ơn Việt Nam đã kêu gọi Mỹ ủng hộ cách tiếp cận này", ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiến xa hơn nữa. "Tôi hy vọng rằng ngoài việc đưa tin về chuyến thăm, các bạn hãy đưa tin cả về đất nước con người Việt Nam để cho người Mỹ thấy Việt Nam đã thay đổi thế nào, một đất nước có những cảnh đẹp tuyệt vời và cả tương lai sáng lạn", ông nói
Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng cho hay, sắp tới chương trình giảng dạy Full Bright sẽ được phát triển thành trường Đại học Full Bright và sẽ là trường đại học tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam.
Full Bright đã cung cấp học bổng cho nhiều sinh viên trên thế giới vàPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong những sinh viên đầu tiên được nhận học bổng này.
"Tôi cũng cảm ơn Việt Nam đã hợp tác cùng chúng tôi để loại bỏnhững chất độc còn sót lại ở Việt Nam, tìm hài cốt lĩnh Mỹ sau chiến tranh", ông nói.
Khép lại bài phát biểu gần 30 phút, ông đưa ra một thông điệp sâu sắc, bằng trích dẫn lời người thầy của ông từ 50 năm trước "Những gì chúng ta cố gắng làm ngày hôm nay là để cho thế giới này hạnh phúc; thay vì trả đũa hãy đến với nhau và không phải bằng nắm đấm mà bằng vòng tay rộng mở".
Nam Hằng
Theo Dantri
Họ nghĩ chơi được với Mỹ có thể chơi với bất kỳ ai Những doanh nhân này có ý hướng về thị trường Mỹ, muốn học hỏi cách kinh doanh... Họ cho rằng khi họ chơi được với Mỹ thì họ có thể chơi được với bất kỳ ai. LTS: Tác động của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được phân tích, mổ xẻ nhiều từ các góc độ...