Quan hệ Trung – Triều: Có còn “môi hở răng lạnh”?
Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng mô tả quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc bằng một hình tượng gần gũi là “môi và răng”. Tuy nhiên, một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân gây căng thẳng gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy mối quan hệ này có thể sẽ diễn biến xấu đi, thậm chí xuất hiện đồn đoán về kịch bản xung đột Trung – Triều, trong tương lai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
“Môi hở răng lạnh”
Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng mô tả quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc bằng một hình tượng gần gũi là “môi và răng” với câu khẩu hiệu “môi hở răng lạnh”, ngụ ý tới tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên với vai trò là vùng đệm an ninh của Trung Quốc.
Việc Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa đã buộc Mỹ và nhiều nước gây sức ép gián tiếp lên Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh sẽ buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi. Mặc dù không hề dễ chịu với sức ép này, nhưng Bắc Kinh vẫn kiềm chế để không quá mạnh tay với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã sát cánh bên cạnh Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953. Ngoài ra, Bắc Kinh từ lâu vẫn được xem là đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, mặc dù quan hệ song phương giữa hai nước thường xuyên bị “phủ bóng” bởi những hoài nghi và ngờ vực, nhưng Trung Quốc rốt cuộc đều “nhắm mắt làm ngơ” trước các động thái gây căng thẳng của Triều Tiên.
Xét cho cùng, Bắc Kinh không muốn chứng kiến một cuộc xung đột xảy ra tại Triều Tiên, vì điều này sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn tại khu vực biên giới hai nước khi người Triều Tiên tị nạn tràn sang lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không muốn nhìn thấy bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Hàn Quốc do Mỹ hậu thuẫn.
Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc luôn chần chừ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay với Triều Tiên. Bắc Kinh lo ngại rằng nếu nước này áp dụng biện pháp cấm vận năng lượng đối với Triều Tiên như Mỹ vừa đề xuất gần đây, Bình Nhưỡng có thể sẽ sụp đổ.
Theo đó, Trung Quốc liên tục kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế và hướng đến giải pháp đàm phán.
Sự thay đổi từ chính quyền Kim Jong-un
Binh sĩ Triều Tiên đứng gác tại khu vực biên giới Trung – Triều (Ảnh: Reuters)
Khi ông Kim Jong-un bắt đầu tiếp quản quyền điều hành đất nước từ cha mình, cố lãnh đạo Kim Jong-il vào cuối năm 2011, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó còn dự đoán rằng “quan hệ hữu nghị truyền thống” giữa hai nước sẽ tiếp tục được tăng cường.
Trước khi qua đời, cố lãnh đạo Kim Jong-il được cho là đã đưa ra nhiều lời đề nghị với hy vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ con trai của ông trên cương vị người thừa kế quyền lãnh đạo đất nước Triều Tiên.
Vào thời điểm đó, khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tìm cách giúp đỡ ông Kim Jong-un theo đề nghị của ông Kim Jong-il, nhà lãnh đạo mới ngoài 20 tuổi của Triều Tiên đã bắt đầu giãn dần khoảng cách với Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng.
Mối quan hệ Trung – Triều bắt đầu có dấu hiệu đi xuống sau vụ ông Jang Song Thaek, chú rể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bị xử tử vào năm 2013. Ông Jang vốn được xem là cầu nối quan trọng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, đồng thời là quan chức cấp cao có tư tưởng tương đối cởi mở tại Triều Tiên.
Video đang HOT
Cờ Triều Tiên và Trung Quốc bên trong một nhà hàng Triều Tiên tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã công bố cho thế giới thấy lập trường của Triều Tiên bằng cách sửa đổi hiến pháp, đưa Triều Tiên thành một quốc gia hạt nhân. Cùng với sự kiện ông Jang Song Thaek bị xử tử, chính quyền Kim Jong-un đã manh nha cho thấy sự căng thẳng trong quan hệ Trung – Triều.
Kể từ đó, quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên liên tục bị xuống thấp tới mức một số nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể trở thành một mục tiêu để Bình Nhưỡng “trút cơn giận”, giống như Washington.
Trong khi Mỹ cùng các đồng minh và nhiều người Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh nên hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí, các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa Triều Tiên và Trung Quốc cũng gần như bị dừng lại. Trong khi đó, sự tiến bộ về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng bộc lộ rõ.
Trước khi nghỉ hưu vào mùa hè năm nay, đặc phái viên đặc biệt và lâu năm của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, ông Wu Dawei, vẫn chưa đặt chân tới Triều Tiên từ hơn một năm nay. Trong khi đó, người thay thế ông Wu, ông Kong Xuanyou, hiện cũng chưa có bất kỳ chuyến đi nào tới quốc gia láng giềng.
Nỗ lực bất thành của Trung Quốc
Ông Kim Jong-un nắm tay ông Liu Yunshan tại lễ diễu binh ở Triều Tiên năm 2015 (Ảnh: AP)
Trong một nỗ lực nhằm làm ấm lại mối quan hệ song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử ông Liu Yunshan, một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, sang dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10/2015.
Ông Liu khi đó đã đích thân mang tới cho nhà lãnh đạo Triều Tiên một bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó ca ngợi năng lực lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Bức thư này không chỉ gửi những lời chúc mừng từ đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn từ cá nhân ông Tập Cận Bình, tới ông Kim Jong-un. Điều này cho thấy sự trân trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc với lãnh đạo quốc gia láng giềng.
Vậy nhưng, Bình Nhưỡng đã đáp trả thái độ hữu nghị của Trung Quốc bằng những hành động gây căng thẳng, mà theo nhiều nhà quan sát, khiến Bắc Kinh “ nóng mặt” cực độ. Chẳng hạn như việc Triều Tiên thử hạt nhân vào ngày 3/9 vừa qua khi Trung Quốc đang đăng cai hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS (gồm các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi). Trước đó, hồi tháng 5, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa tầm xa chỉ vài giờ trước khi Diễn đàn Vành đai và Con đường diễn ra trong khi Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn được xem là dấu ấn về chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu gần đây đã cảnh báo, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên có thể sẽ buộc Trung Quốc phải cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên, từ đó sẽ dẫn tới cuộc xung đột giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết Triều Tiên rất bất bình với việc Trung Quốc ủng hộ các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.
“Nếu Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn với Triều Tiên, từ đó đe dọa tới sự ổn định của chế độ Triều Tiên, thì có thể Triều Tiên sẽ thù địch Trung Quốc như từng thù địch Mỹ”, chuyên gia Zhao Tong nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
5 mặt hàng Trung Quốc được ưa chuộng tại Triều Tiên
Trong hoàn cảnh bị cộng đồng quốc tế cô lập, kinh tế Triều Tiên ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Thương mại với Bắc Kinh đã trở thành cánh cửa giúp Bình Nhưỡng kết nối với thế giới bên ngoài, trong đó có những mặt hàng nhập khẩu quan trọng.
Người Triều Tiên chơi trò chơi điện tử tại một trung tâm thương mại. (Ảnh: SCMP)
Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên gần đây bắt đầu căng thẳng sau khi Bắc Kinh bị cáo buộc hỗ trợ chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng - mối đe dọa chính đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc đã đồng ý ngừng nhập khẩu sắt, chì và than của Triều Tiên theo các biện pháp trừng phạt được Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng trước, nhưng Triều Tiên vẫn tiếp tục nhập khẩu lượng lớn hàng hoá từ Trung Quốc. Theo Cơ quan giám sát đa dạng kinh tế của Mỹ, 85% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 của Triều Tiên là từ Trung Quốc với tổng trị giá là 3,47 tỷ USD.
Sau khi rà soát hơn 800 loại hàng hóa được Bình Nhưỡng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã đưa ra danh sách gồm 5 mặt hàng, mặc dù không phải nhu yếu phẩm và hiếm khi được nhắc đến, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong quan hệ thương mại Trung - Triều.
Thiết bị chơi game
Các trò chơi điện tử thu hút người dân Triều Tiên (Ảnh: SCMP)
Tuần trước, thông qua kênh truyền thông nhà nước Arirang-Meari, Triều Tiên cho biết trò chơi bắn súng mô phỏng trên video với lính Mỹ là mục tiêu đã trở nên phổ biến tại nước này. Thực tế, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump "khẩu chiến" qua lại với những phát biểu đe dọa leo thang chiến tranh.
Trò chơi "Hunting Yankee" (Săn lùng lính Mỹ) là phiên bản mới nhất của các trò chơi điện tử được Bình Nhưỡng sử dụng để tuyên truyền cho chủ nghĩa yêu nước. Trước đó là các trò chơi "Confrontation War", "Guardian" và "Goguryeo Battlefield", tất cả đều phát hành từ đầu tháng 8. Không rõ chúng được thiết kế để chơi trên máy tính hay điện thoại. Do hầu hết các gia đình ở Triều Tiên không có máy tính cá nhân, việc nhập khẩu "tay cầm điều khiển và thiết bị chơi game tại nhà" từ Trung Quốc đã cho thấy một khía cạnh về văn hóa giải trí ở quốc gia khép kín nhất thế giới.
Trong 18 tháng qua, Triều Tiên đã chi tổng cộng hơn 2 triệu USD để mua các mặt hàng phục vụ mục đích giải trí. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nhóm hàng này không chỉ là những bộ tay cầm điều khiển mà còn có cả bàn chơi bi-a, máy chơi xúc xắc, máy đánh bài và máy điện tử xèng. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu của nhóm hàng này đã giảm mạnh, từ 7 triệu chiếc trong quý I năm 2016 xuống chỉ còn hơn nửa triệu trong quý 4 năm 2017.
Camera giám sát
Camera giám sát cũng là một mặt hàng được Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang Triều Tiên (Ảnh: SCMP)
Theo tờ Chosun của Hàn Quốc, Triều Tiên mua 85.570 camera giám sát từ Trung Quốc chỉ trong 2 năm từ 2009 đến 2011. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, con số này đã tăng lên 20 lần, phản ánh xu hướng theo dõi chặt chẽ hơn các hoạt động trong nước của Triều Tiên. Thống kê cho thấy trong danh sách hàng Trung Quốc xuất sang Triều Tiên, có 1.669.725 mặt hàng thuộc nhóm "camera giám sát, máy chiếu và ăng ten truyền hình".
Theo trang thông tin Daily NK của Hàn Quốc, từ tháng 12/2016, Bình Nhưỡng đã bắt đầu thay thế hoặc lắp đặt thêm nhiều thiết bị an ninh và giám sát tại khu vực biên giới giáp miền Bắc Trung Quốc. Nguyên nhân là do trận lụt hồi tháng 9 năm ngoái gây ra nhiều thiệt hại cho hệ thống cũ, ngoài ra các thiết bị mới cũng được trang bị để ngăn ngừa công dân Triều Tiên bỏ trốn ra nước ngoài.
Điện thoại
Ông Kim Jong-un chỉ đạo vụ phóng tên lửa Unha-3 qua điện thoại tại một trung tâm chỉ huy ở Bình Nhưỡng năm 2012 (Ảnh: AFP)
Các nhà phân tích tin rằng lượng điện thoại nhập khẩu tăng lên là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn phòng ngừa những tình huống nằm ngoài tầm quan sát của camera. Thống kê cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh của nhóm hàng nhập khẩu gồm điện thoại có dây và điện thoại di động. Triều Tiên đã nhập 144.891 điện thoại từ Trung Quốc vào quý I năm 2016, và hơn 400.000 chiếc từ đó đến hết năm. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, con số này đã là 426.500 máy điện thoại đủ các loại.
Một số nhà phân tích tin rằng ở Triều Tiên, điện thoại còn có chức năng khác ngoài giao tiếp. Nat Kretchun, tác giả bài viết "Sự kết nối tai hại", nói với Reuters rằng chính phủ Triều Tiên có thể kiểm duyệt và theo dõi mọi hoạt động của người dân thông qua thiết bị nối mạng internet của họ, chẳng hạn như máy tính bảng và điện thoại di động. Tính đến năm 2015, Koryolink - mạng di động của Triều Tiên có khoảng 3 triệu thuê bao trong tổng số 24 triệu dân.
Theo tổ chức Ân xá quốc tế, việc buôn lậu điện thoại gần biên giới với Trung Quốc đã giúp nhiều người Triều Tiên vượt qua sự kiểm soát của nhà nước, cũng như giao tiếp hoặc truy cập thông tin từ bên ngoài.
Tiện nghi ở công viên giải tri
Người Triều Tiên vui chơi bên trong công viên giải trí Bình Nhưỡng (Ảnh: SCMP)
Từ những năm 1970 cho tới năm 2012, ít nhất 6 khu vui chơi đã được mở cửa ở Triều Tiên. Các thống kê hải quan cho thấy nhiều đu quay, ngựa gỗ, bia tập bắn giải trí cùng nhiều tiện nghi khác đã được nhập về trong nửa cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hiện chưa rõ những trang thiết bị này sẽ được lắp đặt ở khu vui chơi cũ hay mới, nhưng rõ ràng là tình hình căng thẳng của Triều Tiên với thế giới bên ngoài cũng không thể ngăn ngành du lịch Bình Nhưỡng phát triển.
Triều Tiên dự báo sẽ đón một triệu du khách vào cuối năm nay, mặc dù các nguồn tin phía Hàn Quốc ước tính chỉ có 100.000 người nước ngoài đến Triều Tiên vào năm 2015, với 90% là du khách Trung Quốc. Như thường lệ, chỉ vài nghìn du khách phương Tây được cấp phép đến đây mỗi năm qua các công ty du lịch.
Nhạc cụ
Ban nhạc Moranbong gồm toàn bộ thành viên là nữ biểu diễn trong sự kiện có sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AFP)
Trong 9 tháng qua, số nhạc cụ Triều Tiên nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên bất chấp các biến động chính trị. 7 danh mục nhạc cụ đáng chú ý trong danh sách là: piano và các loại đàn có phím khác; nhạc cụ có dây như đàn hạc, đàn violin và guitar; kèn sáo; dàn trống; nhạc cụ điện tử như guitar điện; hộp nhạc, đàn phong cầm và đàn accordion; các bộ phận nhỏ để sửa chữa và thay thế.
Chiếm đa số trong những nhạc cụ này là "hộp nhạc, đàn phong cầm và đàn accordion", thống kê cho thấy trong một năm rưỡi, 68.670 sản phẩm loại này đã được nhập về từ Trung Quốc. Theo cuốn "Nothing to Envy" của nhà báo Barbara Demick viết về cuộc sống ở Triều Tiên, nhạc cụ hình hộp được ưa chuộng nhất vì nó đủ nhỏ gọn để mang ra đồng, nơi mọi người vừa ca hát vừa làm việc.
Unhasu, dàn nhạc chính thức của Triều Tiên chủ yếu sử dụng các nhạc cụ phương Tây, là dàn nhạc lâu đời nhất của nước này và đã nhiều lần đi biểu diễn quốc tế. Phu nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Ri Sol-ju, từng là ca sĩ của ban nhạc Pochonbo nổi tiếng ở Triều Tiên.
Tùng Anh
Theo SCMP
Những hệ lụy buồn từ chính sách một con của Trung Quốc Chính sách 1 còn nhằm kiểm soát tỷ lệ sinh tại Trung Quốc được cho là dẫn đến nhiều bi kịch trong xã hội, trong đó có trường hợp của những cặp cha mẹ "người đầu bạc tiễn người đầu xanh", chịu cảnh sống cô đơn trong những tháng năm cuối đời. Tranh tuyên truyền cho chính sách 1 con ở Trung Quốc...