Quan hệ Trung – Nhật ra sao sau cuộc gặp ‘phá băng’
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản hôm qua gặp nhau sau gần hai năm hai nước có quan hệ băng giá là dấu hiệu ban đầu cho thấy đôi bên sẵn sàng giải quyết bất đồng vì lợi ích quốc gia, dù khó khăn vẫn chồng chất.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Không ai có thể nhầm lẫn cái bắt tay của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hôm qua là một cử chỉ thiện chí, bởi cả hai đều tỏ rõ thái độ lạnh nhạt. Nhưng hiện tại, những bàn luận hay thắc mắc liên quan đến tình huống bất tiện này không còn quan trọng. Thay vào đó, ý nghĩa thật sự nằm ở thực tế rằng họ đã chính thức gặp mặt và thể hiện tinh thần sẵn sàng giải quyết các bất đồng vì lợi ích của mối quan hệ song phương lành mạnh, theo Huffington Post.
Cuộc gặp gỡ có lẽ là bước quan trọng đầu tiên để nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới phá vỡ tảng băng chắn ngang mối quan hệ, đồng thời cải thiện tình trạng mất lòng tin vào nhau. Điểm mấu chốt lúc này là bằng cách nào tiếp tục xây dựng lòng tin.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt thượng đỉnh, hàng loạt thủ tục ngoại giao đã được thực hiện, mà đỉnh cao là một thông cáo bốn điểm được đưa ra hồi tuần trước. Tài liệu nhấn mạnh, hai nước thừa nhận quan điểm khác nhau của mỗi bên quanh tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Hoa Đông và cùng chia sẻ “một số điểm thống nhất” về cách ứng xử trước vấn đề liên quan tới chiến tranh trong quá khứ.
Buổi gặp mặt hôm 10/11, kết hợp với bản thông cáo, có khả năng mang lại một hiệu quả tức thì. Chúng dọn đường để những cuộc trao đồi về chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế và văn hóa có cơ hội diễn ra. “Chúng tôi sẽ lại bận bịu đón tiếp những vị khách đến từ Nhật Bản”, Huffington Post dẫn lời chuyên gia phân tích Trung Quốc tại một viện nghiên cứu chuyên về quan hệ Trung – Nhật, nhận xét. Ông cũng công nhận rằng có quá nhiều rủi ro chính trị đối với Bắc Kinh trong suốt hai năm qua khi đối đầu với Nhật Bản.
Một lợi ích trước mắt khác là việc nối lại đối thoại sẽ góp phần xây dựng một cơ chế giảm thiểu xung đột bất ngờ giữa hai lực lượng quân đội hùng mạnh nhất khu vực. Tàu khu trục, máy bay chiến đấu của Bắc Kinh và Tokyo từng nhiều lần suýt chạm trán trên biển Hoa Đông. Các bên đều cáo buộc đối phương có hành động khiêu khích.
Năm 2012, Trung Quốc và Nhật Bản gần tiến tới thiết lập một hệ thống đồng bộ hóa thông tin liên lạc giữa bộ quốc phòng, trung tâm chỉ huy, thủy thủ và phi công tiền tuyến của hai nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh ngừng mọi cuộc đàm phán khi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nổ ra. Với việc căng thẳng chính trị ít nhiều giảm nhẹ, các cuộc thảo luận được cho là sẽ khởi động lại vào cuối năm nay.
Nếu là hồi đầu năm, ít ai có thể tưởng tượng ra viễn cảnh Chủ tịch Tập và Thủ tướng Abe đứng cạnh nhau cùng chụp ảnh. Quan hệ giữa hai nước vốn đã tổn hại nghiêm trọng do tranh chấp quanh biển đảo, sau đó lại bị thử thách khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Việc ông Abe vẫn tiếp tục gửi đồ lễ đến đền Yasukuni, nơi thờ cả những người phạm tội ác chiến tranh, cũng khiến Trung Quốc không ít lần nổi giận. Sau mỗi lần như vậy, Bắc Kinh đều khẳng định chính hành động của ông Abe đã đóng sập cánh cửa đối thoại giữa hai nước. Bắc Kinh coi ngôi đền Yasukuni là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật trước đây.
Video đang HOT
Mặt khác, ông Abe còn thực thi một chương trình an ninh nghiêm ngặt, củng cố và tăng cường sức mạnh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, giamr bớt các rào cản trong các vấn đề liên quan tới hiến pháp, đồng thời nắm thế chủ động khi hỗ trợ các đồng minh của Tokyo.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều từng hướng về đối phương với ánh nhìn đầy nghi hoặc. Bắc Kinh luôn coi chương trình an ninh của ông Abe và trục hướng châu Á của Washington là những chiêu bài nhằm bao vây và kìm hãm Trung Quốc. Tokyo thì chưa bao giờ tin vào việc Trung Quốc ráo riết phát triển quân sự chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích phòng thủ. Ông Abe nghi ngại cuối cùng Bắc Kinh sẽ muốn thay đổi trật tự hiện tại và áp đặt những quy tắc của riêng mình lên khu vực.
Dấu hiệu của sự thay đổi bắt đầu xuất hiện từ giữa năm nay khi nhiều chuyên gia Trung Quốc cảnh báo lối cư xử cứng rắn của Nhật Bản có thể phải trả một giá đắt. Dòng vốn từ Nhật Bản vào Trung Quốc đã sụt giảm mạnh và có chiều hướng chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á. Đầu tư trực tiếp (FDI) giảm gần 20% trong năm 2013 và tiếp tục giảm 40% trong 6 tháng đầu năm 2014.
Lúc này, khi Chủ tịch Tập và Thủ tướng Abe đã có một cái bắt tay, dù lạnh nhạt, Trung Quốc và Nhật Bản đã có nền tảng để tiến về phía trước, tạo ra những tiến bộ nhất định.
Vũ Hoàng
Theo Huffington Post
Thông điệp từ cái bắt tay lạnh nhạt giữa lãnh đạo Trung - Nhật
Cuộc gặp rất được chờ đợi giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng đã diễn ra hôm 10/11 bên lề diễn đàn APEC. Tuy nhiên, đó là một cái bắt tay lạnh nhạt, cảnh báo quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo không dễ tan băng.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo của hai cường quốc châu Á hội đàm chính thức kể từ khi nhậm chức, và cũng là cử chỉ đầu tiên hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng, vốn đã kéo dài 2 năm. Chính vì vậy, cái bắt tay giữa ông Abe và ông Tập đã được dư luận hết sức chú ý.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) đã phải ngồi chờ để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Khi hai nhà lãnh đạo tiến về phía nhau trước ống kính máy quay, cả hai đều giữ bộ mặt nghiêm nghị, không một nụ cười. Ông Abe dường như đã định nói gì đó với ông Tập, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc không đáp lại mà quay đi, tỏ vẻ không hào hứng thấy rõ. Ông không nhìn lại vị khách đến từ Nhật mà chỉ nhìn chằm chằm về phía máy quay.
Khoảnh khắc đầy căng thẳng này dường như đã cho thấy rõ cách biệt giữa hai nhà lãnh đạo này còn xa đến chừng nào. Mặc dù đã được chuẩn bị để bắt tay trước phóng viên báo giới, nhưng cái bắt tay giữa họ lại thiếu đi những yếu tố rất truyền thống của một cuộc gặp gỡ chính thức cấp cao, đó là quốc kỳ hai nước ở phông nền phía sau.
Cuộc hội đàm sau đó diễn ra trong một căn phòng kín tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh cũng chỉ kéo dài 30 phút. Dù vậy thì việc cuối cùng hai nhà lãnh đạo gặp nhau cũng nhen lên một hy vọng nào đó rằng, hai nước có thể giảm bớt những bất đồng trong các cuộc đối thoại bên lề hội nghị APEC.
Bắc Kinh và Tokyo từ lâu vẫn tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, và có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc để bảo vệ đồng minh Nhật Bản.
"Bước đi đầu tiên"
Mặc dù mối bất đồng cốt lõi khó có thể được hóa giải một sớm một chiều, ông Abe vẫn nói với các phóng viên rằng đây là "bước đi đầu tiên" của hai nước hướng tới hòa giải.
"Tôi tin rằng không chỉ các nước láng giềng châu Á của chúng tôi mà nhiều nước khác từ lâu vẫn hy vọng Nhật và Trung Quốc đối thoại", ông Abe nói. "Chúng tôi cuối cùng cũng đã đáp ứng kỳ vọng đó và có bước đi đầu tiên để cải thiện quan hệ"
Trung Quốc cũng tức giận về cái họ xem như hành động của Nhật nhằm xóa nhòa quá khứ chiến tranh trong thế kỷ 20, khi nước này xâm chiếm Trung Quốc, một nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai với 1,3 tỷ dân nước này.
Do đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân bằng giữa một bên phải tỏ ra không quá sốt sắng cải thiện quan hệ với Nhật, để làm đẹp lòng những khán giả trong nước, trong khi vẫn phải là một chính khách khi tiếp đón ông Abe trước thềm cuộc họp thượng đỉnh ngày 11/11 với các nhà lãnh đạo APEC khác.
Trong một cử chỉ đi ngược lại thông lệ ngoại giao, ông Tập đã buộc ông Abe phải chờ trong cuộc gặp mặt vừa qua, thay vì là người đến trước đón khách.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản - Trung Quốc lần đầu gặp gỡ sau 2 năm nhậm chức
Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng miêu tả cuộc họp là "theo yêu cầu" của ông Abe, một cùm từ không được Bộ này sử dụng để nói về cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng như các Bộ trưởng ngoại giao khác trong ngày thứ Hai.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc còn cho biết ông Tập đã hối thúc Nhật Bản "làm nhiều hơn những việc giúp tăng cường niềm tin giữa Nhật và các nước láng giềng, và có vai trò xây dựng trong việc gìn giữ sự ổn định và hòa bình trong khu vực".
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Mặc dù tâm lý chống Nhật vẫn còn mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc, việc ông Tập sẵn sàng gạt trở ngại này sang một bên để gặp ông Abe rõ ràng vẫn có ý nghĩa lớn, nhất là khi Trung Quốc đang muốn trở thành một đối trọng chính trị với phương Tây.
"Cuộc gặp đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung - Nhật, và đặt nền móng tốt cho những phát triển trong tương lai", Feng Lei, một giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản tại đại học Fudan, Thượng Hải nói. "Trung Quốc cần một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định cho sự tăng trưởng của mình, và việc có thể vượt qua những sự đối nghịch sẽ có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía".
Tương tự, giáo sư châu Á học Jeff Kingston, tại đại học Temple, Tokyo cho biết, dù cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo còn lạnh nhạt, nó vẫn là một dấu hiệu tốt cho quan hệ song phương, khi cuộc gặp được diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân, nơi đón tiếp trang trọng nhất của Trung Quốc.
"Đại lễ đường nhân dân - đó là một chỉ dấu của sự kính trọng. Nó đã vượt xa khỏi những cái gật đầu hay chào hỏi chiếu lệ mà nhiều người nhận định. Nó thực sự có vẻ sẽ tạo động lực cho tiến trình này", ông Kingston nói.
Vấn đề còn lại là điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, sau nhiều tháng tràn ngập các bài viết chống Nhật trên báo giới nhà nước Trung Quốc, còn 2 năm trước, là những cuộc biểu tình đầy giận dữ bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh cùng làn sóng tẩy chay hàng Nhật.
Uichiro Niwa, cựu đại sứ Nhật tại Trung Quốc thì nhận định, cuộc gặp gỡ đánh dấu không gì khác ngoài việc "ông Tập Cận Bình và ông Abe cùng bước qua cánh cửa. Mọi thứ phải được khởi động từ giờ trở đi".
Ông Niwa tin rằng khó có thể đạt được tiến bộ nào đối với các vấn đề gai góc nhất liên quan đến quần đảo tranh chấp và đền Chiến tranh Yasukuni. Nhưng hai bên có thể bắt đầu với những bước đi nhỏ hơn, từ các thỏa thuận đánh bắt, thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên, đầu tư và trao đổi thanh niên.
Với các nhà lãnh đạo hai nước "vấn đề lớn lúc này là liệu họ có thể hướng về phía trước và tránh những cử chỉ và tuyên bố đối đầu hay không", ông Kingston nói. "Đó là một mối quan hệ rất mong manh. Do đó một cuộc họp không thể tạo ra bước ngoặt. Nhưng đó là một sự khởi đầu".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Lãnh đạo Trung, Nhật và cuộc gặp "phá băng" bên lề APEC Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 10/11 đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, sau khi quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á rơi vào "băng giá" do các tranh chấp lãnh thổ. Lãnh đạo Trung, Nhật bắt tay bên lề...