Quan hệ Quân đội Mỹ và Trung Quốc chính thức “tan băng”
Điều này diễn ra sau cuộc điện đàm hôm 21/12 (giờ địa phương) giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Charles Q.
Brown và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Lưu Chấn Lập.
Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các liên lạc quân sự giữa hai nước. Các liên lạc này bị cắt đứt sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) tháng 8/2022.
Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Jereal Dorsey cho biết, đây là lần đầu tiên hai quan chức cấp cao nói chuyện kể từ khi ông Charles Q. Brown được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 11/2023 tại San Francisco. Ảnh: Reuters
“Tướng Brown đã thảo luận về tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau nhằm quản lý việc cạnh tranh một cách có trách nhiệm, tránh những tính toán sai lầm và duy trì đường dây liên lạc cởi mở, trực tiếp. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng việc Quân đội Trung Quốc tham gia đối thoại thực chất để giảm khả năng hiểu lầm”, người phát ngôn Jereal Dorsey nêu rõ. Về phía Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Lưu Chấn Lập cho biết, chìa khóa để phát triển mối quan hệ quân sự lành mạnh, ổn định và bền vững là Washington phải có hiểu biết đúng đắn về Bắc Kinh. “Tiền đề là Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm của Trung Quốc, đồng thời, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thực tế và tăng cường hiểu biết lẫn nhau”, người phát ngôn của Tướng Lưu Chân Lập được dẫn trong một thông cáo do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố cùng ngày.
Một trong số các vấn đề được thảo luận trong cuộc điện đàm giữa hai vị tướng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc là mở đường dây liên lạc giữa Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông và miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Các chuyên gia đánh giá, cuộc điện đàm là bước đi quan trọng đầu tiên. Họ nói rằng, đây là những cuộc thảo luận mà Mỹ cần có với Trung Quốc để tránh những hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm khi quân đội hai nước tương tác. Theo đó, Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau để thực hiện một loạt cuộc gọi và cuộc gặp trong những tuần và tháng tới, bao gồm kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán phối hợp chính sách quốc phòng song phương vào đầu năm tới và khả năng nối lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự Trung-Mỹ vào mùa xuân tới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder nhận định về cuộc điện đàm trên: “Khi chúng ta có hai đội quân lớn, việc chúng ta duy trì đường dây liên lạc cởi mở nhằm ngăn các tính toán sai lệch là bắt buộc”.
Việc lãnh đạo quân đội hai nước nối lại liên lạc là phấn tiếp nối từ kết của cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hồi tháng trước tại San Francisco (Mỹ) khi khôi phục liên lạc là một trong những ưu tiên mà hai nhà lãnh đạo thảo luận. Vào thời điểm đó, người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Trách nhiệm của tôi là làm cho điều này trở nên hợp lý và dễ kiểm soát để không dẫn đến xung đột. Đó là tất cả những gì mà tôi hướng tới”. Sau sự kiện này, Lầu Năm Góc cho biết trong tháng 12 này, Văn phòng chính sách của Mỹ đang phối hợp tích cực với Bắc Kinh để thiết lập liên lạc. Trước đó, hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trò chuyện ngắn với người đồng cấp Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lý Thượng Phúc tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Sau khi ông Lý Thượng Phúc bị bãi nhiệm, Trung Quốc vẫn chưa bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới. Tuần trước, khi được hỏi liệu Trung Quốc có đề xuất người đối thoại với Bộ ông Lloyd Austin hay không, người phát ngôn Pat Ryder nói rằng, Washington đang tìm cách liên hệ.
Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi tháng trước, đã có một số dấu hiệu dịu bớt trong quan hệ giữa hai nước. Trong thế giới đầy biến động này, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột giữa hai bên, đây là một diễn biến tích cực cho cộng đồng quốc tế. Từ góc độ sức mạnh kinh tế, quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn là mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới. Sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ này có thể là biến số quan trọng nhất tác động đến thế giới. Bên cạnh những triển vọng, vẫn có nhiều lĩnh vực trong quan hệ song phương không thay đổi. Những lĩnh vực không thay đổi này có thể thể hiện tốt hơn bản chất của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong chiến lược quốc phòng cuối năm 2017, Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài. Một loạt điều chỉnh trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là động lực cơ bản đằng sau những thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Trung. Chiến lược này xác định nhiều khía cạnh của mối quan hệ và bản chất cơ bản của nó. Trong vài thập kỷ, Mỹ khó có thể điều chỉnh đáng kể chiến lược này. Thứ hai là chiến lược “sân nhỏ, tường cao” (“small yard, high wall”) mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Mặc dù là một nền kinh tế định hướng thị trường và từ lâu đã ủng hộ thị trường tự do, Mỹ đặt mục tiêu kiềm chế Trung Quốc để phục vụ chiến lược cạnh tranh cường quốc. Do lo ngại về an ninh quốc gia và để ngăn chặn việc xuất khẩu thêm công nghệ sang Trung Quốc, Mỹ đã nghĩ ra chiến lược “sân nhỏ, tường cao” nhằm phân định một loạt khu vực hạn chế trong “sân nhỏ” bao gồm kiến thức chuyên sâu và công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y sinh, v.v. “Tường cao” áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc ở cấp độ công nghệ, sản phẩm, thiết bị và kiến thức. Khái niệm này cũng đã mở rộng trên toàn cầu thông qua các liên minh của Mỹ. Ví dụ, Mỹ cùng với Hà Lan và Nhật Bản hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Tiếp theo, chiến lược và cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không thay đổi. Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Mỹ đã liên tục sử dụng vấn đề này như một đòn bẩy và công cụ địa chính trị quan trọng để gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Do đó, vấn đề như vậy sẽ tiếp tục là điểm xung đột quan trọng giữa hai quốc gia, đóng vai trò là quân bài chiến lược của Mỹ. Thứ tư, những nỗ lực chung của Mỹ và các đồng minh nhằm áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Trong cuộc gặp ở San Francisco, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ không có ý định cùng đồng minh hình thành vòng vây chống Trung Quốc. Tuy nhiên, thật khó để một tuyên bố như vậy được tuân thủ trên thực tế. Bởi, để Mỹ “kiềm chế” đối thủ chiến lược lâu dài là Trung Quốc, chắc chắn Mỹ sẽ thực hiện chiến lược “bao vây” kéo dài. Tuy nhiên, các nước đồng minh của Mỹ sẽ xác định thái độ và chính sách của họ đối với Trung Quốc dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ.
Tóm lại, một chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc trong việc định hướng mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai bao gồm việc kiên định tuân thủ các nguyên tắc cải cách và mở cửa, đảm bảo tiếp tục cởi mở với cộng đồng toàn cầu. Độ mở lớn hơn có nghĩa là môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc thực hiện cải cách toàn diện theo định hướng thị trường cũng rất quan trọng. Những hành động này có thể giảm thiểu tác động của chiến lược ngăn chặn của Mỹ và giảm bớt những hạn chế do những nỗ lực đó áp đặt.
Đài Loan tăng cường cảnh báo chiến đấu sau động thái của Trung Quốc
Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 2/8 đã tăng cường cảnh báo chiến đấu để đối phó với các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc giữa lúc chuyến thăm của bà Pelosi đang diễn ra.
Cảnh báo sẽ được điều chỉnh tùy theo mối đe dọa quân sự từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một nguồn thạo tin cho biết, theo Taipei Times.
Tuy nhiên, nguồn tin nói thêm rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu vẫn ở "mức độ bình thường" theo hệ thống hai cấp của hòn đảo, và chưa được nâng lên thành "mức độ sẵn sàng khẩn cấp".
Trong một tuyên bố, cơ quan phòng vệ Đài Loan cũng khẳng định theo dõi đầy đủ các hoạt động quân sự gần hòn đảo và sẽ điều động lực lượng một cách thích hợp để phản ứng lại "các mối đe dọa".
Cơ quan này từ chối bình luận về các báo cáo ghi nhận một số lượng máy bay chiến đấu Mirage 2000 bất thường đóng tại Căn cứ Chihhang ở Đài Đông, phía đông nam hòn đảo.
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu chào đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại Sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, ngày 2/8. Ảnh: Reuters.
Trước khi bà Pelosi đến Đài Bắc vào ngày 2/8, một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, một nguồn tin khác nói với Reuters.
Nguồn tin này cho biết máy bay Trung Quốc đã liên tục thực hiện các động tác chiến thuật "chạm" vào đường trung tuyến trên eo biển, sau đó quay trở lại Trung Quốc, trong khi các máy bay của Đài Loan được đặt vào tư thế sẵn sàng gần đó.
Sau khi bà Pelosi đáp máy bay xuống Đài Bắc, hơn 20 máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, vào ngày 2/8. Quân đội Trung Quốc cho biết họ đang ở trong tình trạng "cảnh giác cao độ" và sẽ "khởi động một loạt hành động quân sự có mục tiêu để đáp trả" chuyến thăm. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cũng khẳng định: "Những kẻ đùa với lửa sẽ phải chịu hậu quả".
Video chuyên cơ chở bà Pelosi hạ cánh ở Đài Bắc .Video từ livestream của Cơ quan ngoại giao Đài Loan ghi lại khoảnh khắc máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đáp xuống sân bay Tùng Sơn, thuộc thành phố Đài Bắc đêm 2/8.
Trung Quốc triệu tập đại sứ Mỹ vì bà Pelosi đến Đài Loan Trung Quốc ngày 2/8 đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, nói rằng Bắc Kinh sẽ "không ngồi yên". Trong cuộc gặp với Đại sứ Nicholas Burns, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói rằng Bắc Kinh "phản đối mạnh mẽ" chuyến thăm của bà Pelosi tới...