Quan hệ Nga – Trung: Thực tại không “đẹp” như cam kết
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm 2 ngày tới Bắc Kinh nhân dịp tham dự kỉ niệm 70 năm chiến thắng phátxít.
Chuyến đi được cho là nhằm thúc đẩy các nghị trình hợp tác song phương theo đúng lộ trình.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra hôm 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “hai bên hoàn toàn nhất trí với nhau”. Tổng thống Putin trước đó cũng nói rằng quan hệ Nga – Trung đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng, thương mại và giao lưu nhân dân.
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương hôm 3/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thế nhưng thực tế không hẳn toàn màu hồng. Hàng loạt những dự án hợp tác lớn về cơ sở hạ tầng đã không được hoàn tất qua các cuộc tiếp xúc. Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã không nhận được cam kết trợ giúp tài chính từ phía Trung Quốc đối với dự án khí hóa lỏng Yamal trị giá 27 tỉ USD tại Bắc Cực, có sự tham gia của tập đoàn Total (Pháp) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Mong đợi về một sự đột phá tại siêu dự án Đường ống khí đốt Altai (Sức mạnh Siberi-2) cũng không thành hiện thực, khi phía Trung Quốc không chịu cung cấp tín dụng cho Gazprom trong bối cảnh tập đoàn khí đốt Nga gặp khó về tài chính. Hai bên cũng tiếp tục bế tắc về vấn đề giá bán khí đốt trong dự án này. Chính sự đình trệ trong các chương trình hợp tác kinh tế với tổng mức đầu tư cam kết lên đến 113 tỉ USD khiến nhiều người đặt câu hỏi về điểm giới hạn trong quan hệ Nga – Trung.
Đầu tiên, Nga – hơn bất kì một quốc gia nào khác, là nước cảm nhận được những tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Số liệu mới nhất cho thấy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý 2, thấp hơn mức 7,7% của quý trước đó. Xu thế này cùng với những bất ổn trên thị trường chứng khoán đại lục đã đưa tới hệ quả giá hàng hóa toàn cầu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp tới Nga, khi Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu thô lớn nhất thế giới.
Video đang HOT
Thách thức kế tiếp chính là triển vọng hợp tác ở Trung Á – khu vực mà Moskva xem là có tầm quan trọng chiến lược. Nhiều năm qua, Nga từng ấp ủ kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa mới” nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các tuyến giao thông xuyên lục địa ở Siberia – cụ thể là ở Kazakhstan và miền Trung nước Nga. Thế nhưng dự định vẫn chỉ nằm trên giấy, Nga chưa hề bắt tay xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ nối giữa biên giới miền đông và miền tây.
Đó cũng là một phần lý do khiến Trung Quốc quyết định chọn cung đường phía nam với tên gọi “Con đường tơ lụa trên biển”, hướng sự chú ý về Iran với ý định tái kết nối “con đường tơ lụa” xuyên lục địa tới dải phía nam biển Caspi, không đi qua Nga. Ngày nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đổ vào Kazakhstan gấp 10,5 lần FDI vào Nga và có rất ít cơ hội để Moskva giành được “thị phần lớn” về “điểm trung chuyển” hàng hóa giữa châu Á – châu Âu.
Chiến lược “xoay trục sang phương Đông” của Nga với Trung Quốc là đối tác chủ đạo đang ở giai đoạn không thuận, do cả hai đều gặp phải những khó khăn nhất định. Trên thực tế, bức tranh toàn cảnh về hợp tác kinh tế Nga – Trung còn xa mới được như mong đợi.
Mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 100 tỉ USD vào cuối năm nay mà hai bên tuyên bố là không khả thi. Từ mức đỉnh 88,8 tỉ USD (2013), kim ngạch này giảm nhẹ xuống 88,3 tỉ USD (2014) và rớt mạnh xuống chỉ còn 30,6 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong bối cảnh bị Mỹ, phương Tây tăng cường cấm vận, trừng phạt, thắt chặt dòng vốn, mong đợi của Mosvka về nguồn FDI tăng mạnh từ Trung Quốc cũng tan dần, khi mà tổng mức FDI này chỉ đạt 1,6 tỉ USD cho cả năm 2014, rất nhỏ so với con số 151 tỉ USD “tháo chạy” khỏi Nga cùng thời kì.
Khi nền tảng quan trọng nhất là hợp tác kinh tế mất đà, rất khó để Nga và Trung Quốc đẩy quan hệ song phương lên tầm mức như tuyên bố.
Theo Hoài Thanh/Moscotimes, Nikkei
baotintuc.vn
Mùa Hè "lạnh" trong quan hệ kinh tế Nga Trung
Trong khi quan hệ chính trị giữa Nga và Trung Quốc vẫn duy trì sự ấm áp thì những liên kết kinh tế giữa hai cường quốc đang có dấu hiệu nguội dần đi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015 (Nguồn:IndiaTVNews)
Thế chiến thứ hai kết thúc tháng 9/1945... Trước đó 4 tháng, "bóng ma" Đức Quốc Xã cũng đã tuyên bố cáo chung tại châu Âu. Như vậy, Nga và Trung Quốc - những nước chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc chiến - lần lượt kỷ niệm chiến thắng vào đầu và cuối mùa Hè.
70 năm sau, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ diễu binh tại Moscow ngày 9/5/2015 được đánh giá là bước đi nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới của Nga và Trung Quốc. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố kết hợp "Sáng kiến Con đường tơ lụa mới" và "Liên minh Kinh tế Á - Âu".
Bốn tháng đã trôi qua và mùa Hè 2015 này, tuy không chấn động như mùa Hè 70 năm về trước, nhưng cũng đang ảnh hưởng sâu sắc đến ổn định kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát-xít tại quảng trường Thiên An Môn hôm 3/9 là dịp để đánh giá mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Có thể nói, trao đổi kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua có phần nguội lạnh đã phản ánh những khó khăn nội tại của mỗi bên. Nếu tình hình này tiếp diễn thì đầu năm sau, kinh tế Nga có thể lâm vào suy thoái thực sự. Đồng Ruble đã suy yếu trong vòng 2 năm qua. Lạm phát ở Nga luôn duy trì ở mức trên 15%, cộng với các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng gay gắt.
Bất chấp thực tế khó khăn, Tổng thống Putin luôn giữ quan điểm cương quyết trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, đồng thời "xoay trục" chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, tập trung xây dựng quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay, những kết quả Moscow đạt được là không nhiều. Trung Quốc chưa thể thay thế vai trò của phương Tây đối với nền kinh tế Nga, Bên cạnh đó, những liên kết thương mại - đầu tư được hai bên thúc đẩy trong 2 năm qua thậm chí có thể gây ra những phản ứng ngược - nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.
Đối với dự án "Một vành đai, một con đường" (OBOR), tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã đưa ra bản kế hoạch chi tiết và thiết lập một quỹ đầu tư trị giá 40 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho các nước tham gia sáng kiến này. Sau nhiều lần do dự, Điện Kremlin đã quyết định kết hợp "Liên minh Kinh tế Á - Âu" (EEU) do Moscow đứng đầu, với sáng kiến OBOR của Bắc Kinh, bất chấp hai sáng kiến này có mục tiêu hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, bản chất không bền vững của OBOR đã khiến ý tưởng này giống như xây lâu đài trên cát. Nhiều quốc gia đang phải "tranh giành" miếng bánh trị giá 40 tỷ USD và những lời hứa hẹn của Bắc Kinh cũng khó trở thành hiện thực. Từ nay đến năm 2025, Trung Quốc ước tính sẽ dành ra 1.400 tỷ USD đầu tư vào châu Á, thế nhưng nếu nước này sử dụng khoản dự trữ ngoại hối để "cứu" nền kinh tế đang gặp khó khăn, họ sẽ còn bao nhiêu tiền để phục vụ các mục tiêu đối ngoại?
Hiện nay, dự án chung duy nhất giữa EEU và OBOR là đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc nối Moscow và Bắc Kinh. Tháng Sáu vừa qua, hai bên đã ký hợp đồng khởi công xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến đường này, dài 480 dặm từ Moscow đến Kazan, dự kiến hoàn thành vào dịp diễn ra World Cup 2018. Tuy nhiên, các công ty đường sắt Nga luôn bị chỉ trích về sự không minh bạch, nên dự án nói trên cũng không lấy gì làm chắc chắn cả.
Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga hiện chỉ khiêm tốn ở mức 8 tỷ USD. Bên cạnh đó, thỏa thuận mua bán khí gas trị giá 400 tỷ USD giữa hai nước cũng mới chỉ nằm trên bàn giấy. Hiện tại, tình hình kinh tế khó khăn của Nga khiến các nhà tài chính Trung Quốc e ngại đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của xứ sở bạch dương.
Theo thống kê của The Economist, kim ngạch thương mại Nga - Trung đã sụt giảm 30% trong năm 2015, trong khi trao đổi biên mậu giữa hai bên cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các nhà kinh tế nhận định kim ngạch song phương Nga - Trung năm nay khó lòng đạt mức 95 tỷ USD như năm 2014, thậm chí còn không thể đạt mức 89 tỷ USD như hồi 2012 và 2013.
Tóm lại, 4 tháng qua đã phản ánh tính chất "ấm áp về chính trị, lạnh giá về kinh tế" trong quan hệ Nga - Trung. Tổng thống Putin vẫn đang tích cực "xoay trục" về châu Á, đa dạng hóa các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Điện Kremlin phải tập trung cải thiện quan hệ với phương Tây bởi những liên kết giữa Moscow và các nước châu Á khó có thể đem lại kết quả trong một sớm một chiều.
Theo Quang Chinh/The Diplomat
Thế giới và Việt Nam
"Quan hệ Nga-Trung không tốt đẹp như Putin nói" "Những nhận định về quan hệ Nga-Trung và thực tế là những điều hoàn toàn khác biệt... Nga không phải là đối tác chủ chốt của Trung Quốc". Bloomberg: Thông điệp Tập Cận Bình ở lễ duyệt binh 3/9 láng giềng khó nuốtBáo Israel: Trung Quốc đang "bỏ rơi" Nga vì tiền Tờ Bloomberg ngày 2/9 dẫn quan điểm của các tác giả...