Quan hệ Nga-NATO: Vì sao “ông chẳng bà chuộc”?
Xung đột tại Ukraine đã đẩy quan hệ Nga-NATO xuống mức thấp mới, và có nhiều lo ngại rằng ngờ vực và thù địch thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại. Nhưng còn nhiều lý do khác dẫn tới mối quan hệ “ông chẳng bà chuộc” giữa Nga và NATO hiện nay.
Quan hệ Nga-NATO đã suy giảm trong nhiều năm qua, bất chấp sự hợp tác có hiệu quả tại Afghanistan, các nỗ lực chống khủng bố trên biển và các chiến dịch gìn giữ hòa bình chung.
NATO cáo buộc Nga điều các đơn vị quân đội và xe bọc thép hạng nặng vào đông Ukraine để trợ giúp lực lượng ly khai. Một số người gọi đó là một cuộc xâm lược lén lút. Nga bác bỏ mọi cáo buộc và “tố” chính phủ thân phương Tây của Ukraine khiêu khích.
Ngoài khủng hoảng Ukraine, quan hệ Nga-NATO còn bị căng thẳng bởi những lý do khác.
NATO mở rộng về phía đông
Liên minh quân sự NATO mở rộng về phía đông là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Nga-NATO trở nên lạnh nhạt.
Vào năm 1999, gần 10 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, NATO đã kết nạp 3 quốc gia từng là thành viên của khối Hiệp ước Warsaw làm thành viên, gồm Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan.
Các quốc gia thành viên của NATO.
Các quốc gia từng thuộc liên bang Xô Viết cũng gia nhập NATO vào năm 2004: các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia.
Nga đặc biệt tức giận về sự mở rộng của NATO sang các quốc gia vùng Baltic, vốn thuộc Liên Xô cũ và được Mátxcơva xem là “sân sau”. Cụm từ “sân sau”, thường được giới chính trị Nga sử dụng, mặc định rằng các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ sẽ không hành động chống lại các lợi ích chiến lược của Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Anh trong tuần này, Phần Lan – hiện không phải là thành viên NATO – dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác với liên minh quân sự gồm 28 thành viên. Theo thỏa thuận, Phần Lan sẽ hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng NATO trên đất của mình – mặc dù không phải là một căn cứ quân sự. Không quốc gia nào có biên giới dài với Nga như Phần Lan. Thụy Điển cũng quyết định ký kết thỏa thuận tương tự với NATO nhưng chưa quyết định thời điểm cụ thể.
Phần Lan và Thụy Điển hiện đang hợp tác chặt chẽ với NATO và có thể trở thành thành viên của liên minh quân sự trong tương lai.
Vào đầu năm 2008, NATO cũng đưa ra viễn cảnh về tư cách thành viên NATO đối với Gruzia. Kremlin xem là đó một hành động khiêu khích trực tiếp, cũng giống như mối quan hệ gần gũi hơn giữa NATO với Ukraine.
Video đang HOT
Hồi tháng trươc, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho hay ông có thể sẽ yêu cầu quốc hội dọn đường để Ukraine gia nhập NATO. Một động thái như vậy đã bị cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cản trở.
Phòng thủ tên lửa
Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại châu Âu đã khiến Nga lo ngại.
NATO khẳng định rằng lắ chắn tên lửa chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không gây ra mối đe dọa nào với Nga và để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào trong tương lai từ một quốc gia thù địch. Iran và Triều Tiên được xem là các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh châu Âu theo hướng đó.
Nga muốn một mối quan hệ đối tác công bằng với NATO trong việc phát triển một hệ thống như vậy. Nhưng phương án đó không được chấp thuận và NATO đang bắt đầu triển khai các tên lửa đánh chặn và radar tại Romania, Cộng hòa Czech và Ba Lan.
Hồi tháng 12/2013, Nga đã triển khai các tên lửa chiến thuật di động Iskander tới vùng Kaliningrad đó với dự án của NATO.
Cuộc chiến Nga-Gruzia
Nga và Gruzia đã lâm vào cuộc chiến ngắn vào năm 2008.
Cuộc chiến kéo dài 5 giữa Nga và Gruzia vào tháng 8/2008 đã khiến quan hệ giữa Nga và NATO sụt giảm.
Trong cuộc chiến, Nga đã hỗ trợ lực lượng ly khai tại 2 khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia. Nga đã đánh bại quân đội Gruzia, vốn cố gắng giành lại Nam Ossetia.
Nga đã đưa các binh sĩ vào Gruzia – có thời điểm họ tiến sát thủ đô Tbilisi – và phương Tây gọi các hành động của Nga là không cân xứng. Mátxcơva sau đó đã công nhận 2 khu vực ly khai là các quốc gia độc lập, dù các vùng này không được quốc tế công nhận.
NATO khi đó đã ngừng thực thi Hội đồng Nga-NATO, vốn được thành lập vào năm 2002 nhằm cải thiện quan hệ song phương giữa hai kẻ thù thời chiến tranh lạnh. Đáp trả, Nga đã ngừng hợp tác quân sự với NATO. Mối quan hệ song phương đã “tan băng” vào năm 2009.
Xung đột Kosovo
Nga – một đồng minh lịch sử của Serbia – đã mạnh mẽ ủng hộ Serbia về vấn đề Kosovo.
Serbia chưa bao giờ chấp nhận sự ly khai của Kosovo – vốn đạt được với sự trợ giúp của NATO vào năm 1999 – mặc dù Serbia đã nhất trí không chặn đường Kosovo trở thành thành viên của EU.
Nga đã đóng băng quan hệ quân sự với NATO ngay sau khi liên minh phát động các cuộc ném bom quy mô lớn vào Serbia vào năm 1999.
Nhiều quốc gia khác cũng phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo vào năm 2008.
Tranh cãi hiệp ước
Vào năm 2007, Nga đã ngừng tham gia hiệp ước Các lực lượng thông thường tại châu Âu (CFE).
Hiệp ước, vốn giới hạn số lượng thiết bị quân sự chủ chốt tại các khu vực cụ thể, đã được các quốc gia từng thuộc Hiệp ước Warsaw và phương Tây ký kết vào năm 1990.
Hiệp ước được sửa đổi vào năm 1999. Nga đã phê chuẩn phiên bản sửa đổi 1999 nhưng NATO thì chưa. Các thành viên NATO đòi Nga rút quân khỏi Gruzia và Moldova trước tiên.
NATO đã công bố các kế hoạch nhằm triển khai một lực lượng phản ứng nhanh gồm vài nghìn binh sĩ tại đông Ukraine, gần biên giới Nga. Lực lượng này có thể được huy động trong vòng 48 giờ, bao gồm các binh sĩ từ các quốc gia thành viên trên cơ sở luân phiên.
Một động thái như vậy có thể làm suy yếu thêm hiệp ước CFE, mặc dù NATO khẳng định lực lượng mới sẽ không có các căn cứ mới, lâu dài.
An Bình
Theo Dantri/BBC
Phương Tây chật vật đối phó với Nga
Dù rất lo ngại sẽ xảy ra "một cuộc xâm chiếm" ở miền Đông Ukraine, song đến nay NATO vẫn bất lực trước việc làm thế nào để ngăn chặn "gấu" Nga.
NATO cung cấp ảnh chụp các máy bay Su-27/30 và Su-24 của Nga ở căn cứ quân sự vùng Buturlinovka
Trong hai ngày qua, NATO liên tục cung cấp các bức ảnh kèm theo các lời tố cáo nói rằng Nga đang điều hàng chục nghìn binh sĩ đến sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc "xâm chiếm" ở miền Đông nước này. Dù rất lo lại, nhưng cái chính là các nước phương Tây không đưa ra được bất cứ đối sách nào ngăn chặn hành động can thiệp, nếu có, của Nga nhằm vào Ukraine.
Đầu tiên, do Ukraine không phải là một thành viên của NATO nên việc viện đến giải pháp quân sự hoàn toàn bị loại trừ. Trong bối cảnh đó, chỉ có các biện pháp trừng phạt và cô lập là những phương sách tốt nhất và có lẽ cũng là con đường duy nhất để gây sức ép với Nga. Theo các chuyên gia châu Âu, về lâu dài, việc gia tăng áp lực lên giới nhà giàu và các nhân vật quyền lực thân cận với Tổng thống Vladimir Putin sẽ buộc nhà lãnh đạo Nga phải tìm hướng tiếp cận hòa giải hơn cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Nhưng cách làm này vừa mất nhiều thời gian, vừa có mặt trái khiến phương Tây không khỏi quan ngại. Một số quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thời gian cô lập càng dài, nước Nga sẽ càng dâng cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa và tìm được phương cách tự xoay sở. Khi đó, Tổng thống Putin sẽ càng có thêm quyết tâm để thực thi các chính sách bảo vệ lợi ích của dân tộc mình.
Trong khi đó, điểm cốt yếu nhất hiện nay là quyết tâm của Nga trong việc giành lại ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết luôn mạnh hơn nhiều so với nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc ngăn chặn hành động này. Cụ thể, trong khi Nga ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các nước thuộc không gian ảnh hưởng của mình (cả về quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế) thì Mỹ và châu Âu lại luôn thờ ơ với những lời kêu gọi giúp đỡ khi các nước gặp khó khăn. Sự bám rễ của Nga ăn sâu tới mức nước này có thế dễ dàng khuấy động bất ổn ở bất cứ đâu và nếu cầu có thể tạo lập ngay các điều kiện cho việc tiến hành can dự.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy là một cuộc chiến tranh mới và là một phần của chiến lược đã được trù tính", chuyên gia Chris Donnelly nói. Ông Donnelly là cựu cố vấn cấp cao của NATO về Nga và hiện là Giám đốc Viện nghệ thuật quản lý ở thủ đô London, Anh.
Trong bản thông điệp đặc biệt đọc ngày 18/3 sau khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin cũng đã nói rõ nước Nga sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 25 triệu người gốc Nga (chủ yếu ở Ukraine, Kazakhstan, Gruzia, Moldova, các nước Trung Á, Baltic) và khoảng 10 triệu người nói tiếng Nga (ở Ukraine, Belarus và một số nước khác). Vì vậy, cần phải hiểu đúng tinh thần tuyên bố của ông Putin rằng nước Nga sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thế lực nào nếu như được cộng đồng người Nga hay người nói tiếng Nga ở nước ngoài lên tiếng cầu viện "gấu mẹ vĩ đại".
Đối lập với quyết tâm mạnh mẽ của Nga, rất ít quốc gia phương Tây có đủ khả năng và quyết tâm để chặn đường. Các cuộc chiến tại Transdniestria ở Moldova, hay Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia cũng đã chứng minh điều đó. Thực tế cho thấy Nga không chỉ mạnh hơn về tiềm lực quân sự, mà còn ở cả ý chí và quyết tâm bảo vệ lợi ích dân tộc của mình. Chỉ có duy nhất một lằn ranh đỏ mà nước Nga sẽ phải tính toán cẩn trọng trong cuộc đối đầu với phương Tây là không được đụng đến các nước thành viên NATO, dù đó là các quốc gia vùng Baltic. NATO không ít lần khẳng định động đến các nước này có nghĩa Nga sẽ nhấn nút khởi động chiến tranh tổng lực với liên minh quân sự lớn nhất thế giới và Mỹ, đối thủ nặng ký bên kia bờ Đại Tây Dương.
Phương Tây thực chất có thể làm gì?
Một số chuyên gia cho rằng, đối sách mạnh mẽ nhất của phương Tây đối với Nga hiện nay là cứ mỗi khi Nga sáp nhập thêm một vùng đất vào lãnh thổ liên bang thì lại có thêm một hoặc một vài quốc gia khác nằm gần quỹ đạo của Nga ngả sang phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, phương Tây sẽ phải có các hỗ trợ kinh tế thường xuyên và phải quan tâm nhiều hơn đến việc kết nạp các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập EU, thậm chí NATO. Xây dựng các chiến lược kinh tế và năng lượng với Trung Á cũng là những bước đi cần tính đến.
Tuy nhiên, việc kéo các nước này ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc Mỹ và châu Âu có tạo được tâm lý ổn định và an toàn cho chính phủ các nước. Với một Ukraine chìm sâu trong khủng hoảng và vòng cung ảnh hưởng của Nga đang ngày càng lan rộng, chiến lược này xem ra cũng chỉ là ảo tưởng huyễn hoặc, chí ít trong bối cảnh hiện nay.
Một đề xuất khác được đưa ra là các nước phương Tây sẽ đưa quân tới đồn trú ở các nước Đông Âu, đặc biệt là 3 nước vùng Baltic, và những nước có ý định sẽ liên kết với châu Âu. Cách làm này vô cùng nguy hiểm vì sẽ phá vỡ thỏa thuận và chạm đến lằn ranh mà Mátxcơva đã vạch ra trước đó. Đó là NATO và EU không được phép mở rộng biên giới tới sát đường biên của Nga.
Vì vậy, nếu xét tổng thể, "vũ khí" tốt nhất hiện nay của phương Tây vẫn là gây áp lực kinh tế và ngoại giao với Nga, cho dù hiệu quả thực sự của phương pháp này có thể không được như phương Tây mong đợi.
Đức Vũ
Theo Dantri
NATO "đóng băng" quan hệ với Nga chỉ mang tính tạm thời Với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định "đóng băng" mọi quan hệ hợp tác về quân sự và dân sự với LB Nga, đồng thời tăng cường sức mạnh của khối này tại khu vực biên giới phía Đông, liệu Mỹ và phương Tây có đẩy quan hệ NATO - Nga trở lại thời kỳ Chiến tranh...